Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Bạch Tuyết (tiếp theo và hết)

Phần đầu ở đây
Phần giữa ở đây
...
Các chú lùn về thấy nàng
Bạch Tuyết từ sống chuyển sang chết rầu
Họ nâng cô dậy chải đầu
Tìm xem chất độc ở đâu lần này
Nhưng mà chuyện đã rất gay
Cô vẫn bất tỉnh chẳng lay được nào
Bảy người nước mắt tuôn trào
Quanh giường Bạch Tuyết khóc gào ba đêm
Định ngày mồ đẹp mả yên
Nhưng nàng vẫn đẹp như tiên thế này
Nỡ nào chôn xuống đất dày
Họ bèn đặt giữa quan tài thủy tinh
Rồi đặt trên đỉnh núi xanh
Cắt phiên nhau họ đến canh cho nàng
Chết mà như giấc mơ màng
Da trắng như tuyết mịn màng mùa đông
Môi đỏ như máu thắm hồng
Tóc đen như gỗ mun lồng bóng đêm
Ru nàng trong giấc êm đềm
Chim muông cây cỏ cũng thêm ngọt ngào
Thế rồi chuyện lãng mạn sao
Có chàng hoàng tử lạc vào núi xanh
Trông người đẹp ngủ yên lành
Bèn xin các chú cho mình mang theo
Hỏi rằng vàng bạc bao nhiêu
Chàng xin đưa đủ vì yêu bóng hình
Các chú ban đầu bực mình:
"Núi vàng biển bạc sánh tình chúng tôi?"
Hoàng tử bèn hứa một lời
Yêu thương người đẹp khôn nguôi tháng ngày
Các chú lùn nghe cũng hay
Động lòng thương cảm đôi này cho đi
Quan tài được khiêng tức thì
Qua đường rừng núi rậm rì cỏ mây
Người khiêng vấp phải rễ cây
Nảy mình Bạch Tuyết lên ngay, thế rồi
Nàng nôn táo độc kinh người
Tức thì sống lại: "đây trời ở đâu?"
Hoàng tử mừng kể đuôi đầu
Xong xuôi chàng lại cầu hôn một lời:
"Ta yêu nàng nhất trên đời
Cùng về cung điện tuyệt vời với ta"
Lễ cưới có rất nhiều hoa
Quả thơm bánh ngọt cùng là rượu vang
Bà dì ghẻ được mời sang
Mụ bèn ăn mặc đàng hoàng hỏi gương
"Gương kia ngự ở trên tường
Nước ta ai đẹp được dường như ta?"
Gương thần lại đáp thật thà
"Tâu bà, bà đẹp chính ra tuyệt trần,
Nhưng con tạo vốn xoay vần
Nên bà hoàng mới muôn phần đẹp hơn"
Mụ dì ghẻ lại lên cơn
Mới đầu đám cưới mụ toan không vào
Khổ nỗi tò mò dâng cao
Muốn xem mặt cái cô nào là dâu
Thế là tiệc cưới ló đầu
Thấy ngay Bạch Tuyết sang giầu đẹp xinh
Mụ ta sợ quá thất kinh
Vỡ tim mà chết nhục vinh tan tành
Bạch Tuyết xinh đẹp hiền lành
Kể từ nay sống yên bình vui tươi
Hoàng tử hay pha trò cười
Lâu rồi chàng cũng lên ngồi ngai vua...



Bạch Tuyết (tiếp theo)

Phần đầu ở đây

...
Hoàng hậu phúc chẳng được dầy
Bỏ vua ở lại buồn đầy một năm
Rồi ông cưới vợ cái rầm
Bà này đẹp lắm nhưng ngầm kiêu căng
Độc ác chẳng muốn ai bằng
Có gương thần quý bà hằng hỏi gương:
"Gương kia ngự ở trên tường,
Nước ta ai đẹp được dường như ta?"
Gương thần đáp lại thật thà:
"Hoàng hậu đẹp nhất nước nhà chứ ai!"
Bà sung sướng lấy làm oai
Nhưng niềm vui chẳng được dài tháng năm
Bạch Tuyết đẹp như trăng rằm
Càng lớn càng lộ vẻ đằm thắm ra
Một ngày đẹp tựa tiên sa
Đẹp hơn hoàng hậu khi bà hỏi gương:
"Gương kia ngự ở trên tường,
Nước ta ai đẹp được dường như ta?"
Gương thần bản tính thật thà
Có gì nói thẳng tuột ra trung thần:
"Xưa kia bà đẹp nhất trần,
Ngày nay Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn"
Hoang hậu nghe tức muốn hờn
Ghen tuông đố kỵ dập dờn không yên
Một ngày tức tối phát điên
Bà bèn cho gọi đến liền thợ săn
Sai đem Bạch Tuyết vào rừng
"Giết cho khuất mắt, về cùng tim gan!"
Người đi săn sợ vãi hàng
Nên đành tuân lệnh đưa nàng đi xa
Khi dao kề cận cổ ngà
Cô bé Bạch Tuyết vội òa khóc vang:
"Bác ơi đừng giết cháu oan
Cháu không về lại cung vàng nữa đâu!"
Thợ săn nghe thế rầu rầu
"Tội nghiệp, thôi cháu đi mau đi nào"
Rồi bác nghĩ bụng ầm ào
"Có khi thú dữ cũng xào nó thôi"
Tự nhiên gánh nặng nhẹ trôi
Vì bác không phải bặm môi giết người
Sẵn con hoẵng nhỏ ngang đồi
Bác bèn bắt lấy cắt rời tim gan
Mang nộp hoàng hậu nghiêm trang
Bà này tưởng thật vội vàng sai ngay
Đầu bếp xào sáo món này
Rồi ăn sach sẽ, kinh thay cái bà!

Bạch Tuyết thui thủi rừng già
Chạy mãi mỏi cẳng thấy nhà liền vô
Trong nhà chẳng cái gì to
Gường thì bảy cái thơm tho êm đềm
Trên bàn bảy đĩa bánh mềm
Rượu vang bảy cốc, rau thêm bảy phần
Bach Tuyết đói quá tần ngần
Ăn chút mỗi đĩa cũng dần dần no
Rượu cũng uống bớt dần cho
Cốc nào cốc nấy đem so đều còn
No bụng mắt mỏi chờn vờn
Chọn giường to nhất ngủ luôn chẳng nề
Tối mịt chủ nhà mới về
Hóa ra bảy chú bị chê là lùn
Các chú đào mỏ trong rừng
Tối về nhà nghỉ bỗng dưng thấy nhà
Có nhiều khác lạ xảy ra
Các chú bối rối cùng là í ơi:
"Ai ngồi vào ghế của tôi?"
"Ai ăn ở đĩa của tôi thế này?"
"Ai đã uống cốc vang say?"
"Ai dùng dao này rồi để lại đây?"
Một chú buồn ngủ la rầy:
"Ai trèo lên cái giường này của tôi?"
Chú lùn thứ bảy bồi hồi
Nhìn giường mình thấy một người ngủ say
Chú gọi anh em đến ngay
Tất cả ai nấy thẩy đều ngạc nhiên
Một nàng sắc đẹp như tiên
Ở đâu mà lại có duyên nơi này
Bạch Tuyết tỉnh dậy sáng ngày
Kể lại câu chuyên đọa đầy khổ thân
Các chú lùn rất ân cần
Giữ cô ở lại lo phần nấu ăn
Dặn cô cẩn thận một căn
Với bà gì ghẻ đòi ăn gan mình

Về phần hoàng hậu đinh ninh
Bạch Tuyết đã chết bà xinh nhất đời
Trong cơn kiêu ngạo tót vời
Lân la bà lại có lời hỏi gương:
"Gương kia ngự ở trên tường,
Nước ta ai đẹp được dường như ta?"
Thì gương đáp lại thật thà
Bà nghe mặt mũi đỏ ra dần dần:
"Xưa kia bà đẹp nhất trần,
Ngày nay Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn.
Nàng ta ở khuất núi non,
Tại nhà của bảy chú lùn xa xa."
Hoàng hậu tức giận mắt hoa
"Tưởng ăn gan nó hóa ra bị lừa"
Mụ nghĩ từ sáng đến trưa
Thì được một kế bèn đưa ra hành
Mụ bôi mặt mũi già đanh
Giả đem áo lót xa tanh chào hàng
Vượt rừng núi đến tìm nàng
Ở nhà bảy chú lùn đang đi làm
Bạch Tuyết nhìn bà nghĩ thầm:
Không phải hoàng hậu, yên tâm cho vào
Rồi mua cái áo đẹp sao
Bà hàng xén lại thì thào buộc cho
Bà buộc thoăn thoắt bó giò
Bạch Tuyết tức thở quay đơ giữa nhà
Mụ già phấn chấn thốt ra:
"Cái con đẹp nhất thế là đi tong!"
Rồi mụ vội chạy về cung
Các chú lùn ở trong rừng biết đâu
Tối về mới rõ tình đầu
Bèn cắt áo lót lắm mầu làm ba
Bạch Tuyết khe khẽ thở ra
Rồi nàng sống lại manh nha sự tình
Các chú dặn cô rất kinh
Ở nhà đóng cửa không rinh ai vào.
Mụ già về gặp gương chào
Miệng môi hớn hở đón rào hỏi gương:
"Gương kia ngự ở trên tường,
Nước ta ai đẹp được dường như ta?"
Thì gương đáp lại thật thà
Bà nghe gan ruột lộn ra mấy lần:
"Xưa kia bà đẹp nhất trần,
Ngày nay Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn.
Nàng ta ở khuất núi non,
Tại nhà của bảy chú lùn xa xa."
Mụ lại phù phép hóa già
Nhưng mà hình dạng một bà khác đi
Mang theo lược độc vân vi
Đến nhà gõ cửa nàng thì ở trong:
"Bà có lược đẹp bán rong"
"Nhưng tôi đã hứa là không cho vào"
"Thì ai cấm con xem nào"
Bạch Tuyết thích lược chạy ào ra xem
Mụ dùng lược chải tóc mềm
Ngã lăn ra thềm Bạch Tuyết chết tươi
Mụ già khi ấy cất lời:
"Gái đẹp tuyệt đã đi đời nhà ma!"

Các chú lùn lại về nhà
Lại gỡ lược độc cứu ra được nàng
Lần này các chú kỹ càng
Dặn nàng chớ có tin hàng của ai
Khổ thân Bạch Tuyết mắt nai
Dại khờ nên mới mắc quai mụ dì
Bà dì tìm gương thầm thì
Lần này chắc mẩm đã xì được gương:
"Gương kia ngự ở trên tường,
Nước ta ai đẹp được dường như ta?"
Thì gương đáp lại thật thà
Rõ rành câu một nghe ra dần dần
"Xưa kia bà đẹp nhất trần,
Ngày nay Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn.
Nàng ta ở khuất núi non,
Tại nhà của bảy chú lùn xa xa."
Hoàng hậu điên tiết liền la:
"Mày sẽ phải chết, ơi là con ranh!"
Mụ vào nhà kín trong thành
Tẩm độc quả táo đẹp như tranh màu
Nửa đỏ, nửa lại trắng phau
Ai nhìn cũng muốn cắn mau táo hồng
Rồi mụ đóng giả nhà nông
Đến nhà Bạch Tuyết, nàng không cho vào
"Thôi được, thế cũng ko sao
Nhưng tôi có táo mang chào cô đây"
"Cháu không được phép như vầy
Không ăn không chạm thức này thức kia"
"Cô sợ thuốc đọc chứ gì?
Đây này táo đỏ tôi chia hai phần
Nửa đỏ đẹp cô ăn dần
Nửa trắng xấu xí tôi đần tôi ăn"
Mụ già bỏ thuốc đã căn
Chỉ độc phần đỏ, mụ ngăn rõ ràng
Nửa trắng mụ cắn đàng hoàng
Bạch Tuyết trông thấy lại càng muốn xơi
Cả tin hám lợi nghe lời
Cắn vào một miếng ngã rơi xuống nền
Thương thay người đẹp như tiên

Thế mà chẳng được sống yên mới buồn

Mụ kia thấy thế vội chuồn

Về nhà đóng cửa vào buồng hỏi gương

"Gương kia ngự ở trên tường,
Nước ta ai đẹp được dường như ta?"
“Bà đẹp nhất nước thưa bà”

Con mụ khi ấy mới là yên thân

Kể ra mụ ấy cũng hâm

Vì ghen sắc đẹp, dã tâm kinh hoàng...


Phần cuối

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Tuyết rơi đêm

Có khi tuyết rơi liền từ chập tối qua đêm, có khi chiều tối chưa có gì nửa đêm tỉnh dậy ngó qua ô cửa kính đã thấy tuyết đang rơi.

Những bông tuyết trắng xốp lả tả rơi làm nhạt đi màu vàng ấm của ánh đèn thành phố, xoa mờ đi góc cạnh của những tòa nhà đơn điệu, làm duyên dáng cả những mái nhọn, bao phủ và làm cây cối thêm huyền ảo. Trong đêm yên tĩnh tuyết rơi miệt mài như không bao giờ ngừng, hết lớp này đến lớp khác giao nhau đan xen nối tiếp, hướng rơi nghiêng vì gió.

Nhìn tuyết rơi hồi lâu, chợt nhớ đến hình ảnh của một câu thơ thân thuộc trong ký ức "đêm nằm nghiêng đếm bông tuyết một mình". Lặng lẽ bồi hồi xao xuyến, rồi mọi suy nghĩ cũng như trôi theo dòng tuyết, xuôi đi, xuôi đi, cho đến khi chỉ còn lại sự tĩnh lặng trong lòng, lặng yên và trải ra miên man như những con đường ngoài kia đang bình thản đón nhận những bông tuyết.

Im lặng bất tận cho đến khi tai ta nghe được tiếng rơi rất nhẹ của tuyết, như có như không, mơ hồ tựa âm thanh của trí tưởng tượng. Kiên nhẫn lắng nghe cho đến khi dòng âm thanh ấy nhè nhẹ định hình và ở lại cùng thính giác. Giờ thì không còn gì nữa ngoài ta và tuyết, ta ở trong tuyết, tuyết ở trong ta, nghiêng nghiêng rơi và đậu yên bình xuống những lớp rơi trước trắng tinh tơi xốp. Nghiêng rơi, nghiêng rơi...

Rồi mi mắt cũng nghiêng rơi, giấc ngủ tìm về khi nào không hay để sớm ra tỉnh dậy ngó qua cửa đã thấy trời trong vắt và tuyết ở dưới thì đang phản xạ thứ ánh sáng trong veo đó bằng cái nền trắng toát xốp lung linh làm sáng cả đất trời. Trên nền tinh khôi ấy đang bắt đầu một ngày mới yên bình.

*Bài viết liên quan:
Tuyết rơi rồi
Tuyết tan


**Bài hát về tuyết mình thích nhất:

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Đâu rồi dấu yêu

Chúng mình đã cùng nhau rất lâu
em nắm tay anh và anh che chở em lặng lẽ
đôi khi anh chạm nhẹ mái tóc cho em cảm nhận sự bao bọc âu yếm dịu ngọt
ta đi cùng nhau trên đường phố dài miên man
những bờ sông, cây cầu, công viên và cả những nghĩa trang
tay trong tay đôi mình đến dừng chân nơi những quán cafe hay hiệu sách
trầm ngâm nhìn tuyết rơi hay mong tìm lại một câu chuyện cũ
lúc nào anh cũng ở cạnh bên em
ngay cả những khi em vô tình với anh
những ngày em lạnh nhạt như không cần đến anh
thì anh vẫn ở đó kiên nhẫn đợi em
mong mỏi chở che em từng giây từng phút
vậy mà sự vô tình của em đã đi quá xa
sự lơ đễnh đã hóa thành tàn nhẫn
và em đã mất anh
hôm nay thì em biết là em đã mất anh thật rồi
em đi một mình qua những phố dài miên man
dòng sông cây cầu cafe hiệu sách nghĩa trang
cô đơn lạnh lẽo không có bàn tay anh ấm áp
không còn những đụng chạm trìu mến yêu thương
tuyết rơi bốn phương trời không ngớt
lòng em chỉ còn một câu hỏi day dứt:
sao em lại có thể đánh mất anh?
em muốn tìm anh
muốn tìm anh
tìm anh
ở đâu hỡi anh yêu dấu?

16-12-2010


(viết cho cái ô bị mất)

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

Bài Hát Con Vịt

http://www.youtube.com/watch?v=MtN1YnoL46Q

Một bài hát trẻ con mà làm tôi khoái chí, con vịt trong bài hát này cứ loanh quanh ngày này qua ngày khác đến quán nước chanh để hỏi có nho không. Chủ quán nói chỉ có nước chanh và mời Vịt uống nước chanh thì Vịt từ chối bỏ đi. Cứ như vậy đến ngày thứ tư thì chủ quán phát cáu, và đến ngày thứ năm thì chủ quán bèn dẫn Vịt đến cửa hàng có nho để mua nho cho Vịt cho nó khỏi quấy rầy quán hàng. Khi đến cửa hàng mua nho rồi và đưa cho Vịt nó lại từ chối và câu cuối nó hỏi là cửa hàng này có nước chanh ko nhỉ hihi :P

Đôi khi tôi thấy mình cũng hơi giống con vịt này, cứ loay hoay tìm kiếm cái này ở nơi kia, tựa như có nước chanh thì hỏi nho, khi có nho rồi lại nhớ nước chanh haha. Hoặc giống ở một điểm khác là nhiều khi cứ loanh quanh luẩn quẩn trở về điểm cũ không biết để làm gì hihi, chả nhẽ chỉ để cho vui :)

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

Một ngày đông

Hôm nay Ottawa có nhiệt độ khoảng từ -10 đến -14oC, trời nắng trong nhưng rất lạnh. Tôi đang ngồi trong một thư viện ở đường Rideau và buồn ngủ. Có lẽ do buổi sáng dậy sớm sắp cơm cho cả ba người, con trai phải ra bus để đến trường lúc 7h15, chồng đi làm 7h45, tôi dậy 6h chuẩn bị đồ ăn sáng và đồ mang đi. Mọi ngày thì thế nhưng hôm nay tôi còn thức giấc sớm hơn, khoảng 5h kém, nằm trên giường tỉnh như sáo và bắt đầu nói lẩm bẩm về bác Julian Assange khiến cho chồng tôi cũng phải thức dậy tiếp chuyện trong cơn ngái ngủ.

Một người bạn của tôi nói rằng bác này khiến cho bạn ấy cảm tưởng thế giới đang có quả bom sắp nổ, điều ấy làm bạn ấy sợ và cảm thấy bất ổn. Tôi thì chưa thấy nỗi sợ hãi ấy, một thế giới giả vờ yên ổn là điều tôi cảm nhận, những sự thật cần được hé lộ, thêm nhiều sự thật nữa đi, tất cả mọi người cần được biết và có quyền được biết về những điều có thể dẫn đến những điều khác liên quan đến cuộc sống của họ. Thế giới này cần nhiều thay đổi. Julian là người hùng của đám đông không quyền lực, bên kia là những bộ máy quyền lực đang dẫn dắt và chế ngự. "Người ta sẽ dập được thôi" chồng tôi kết luận rồi ngủ tiếp. "Người ta" ở đây là những bộ máy quyền lực khổng lồ. Tôi vẫn nghĩ tiếp về cuộc đấu tranh giữa hai bên và hy vọng rằng nó sẽ làm cho thế giới này tốt hơn lên, cả hai bên thực ra đang có ích cho nhau. Rồi tôi dậy nấu cơm.

Bây giờ thì tôi đang ngồi trong thư viện và buồn ngủ, tôi cố không ngủ gật vì cái thư viện này nhỏ tí, xung quanh toàn người là người, tôi đang ngồi ở khu ghế bành kê cạnh những giá sách cao và gõ laptop. Để dứt cơn buồn ngủ, tôi nhìn ngó xung quanh và thấy một bức tranh rất to tường đối diện, trong tranh là một cái đầu rắn lớn màu xanh ló ra một khoảng cửa, bên ngoài là khoảng không, bên trên có dòng chữ:
PROPHETAE TUI VIDERUNT TIBI FALSA ET STULTA
Mắt con rắn mở to, rất trong, con ngươi mắt thu hẹp lại thành một đường chỉ thẳng góc khiến cho cái nhìn của nó tinh anh thấu suốt rợn người. Có vẻ như tôi đã tỉnh táo hơn. Không biết nghĩa của dòng chữ trên là gì, để lúc nào thử tra Google.

Khi nãy tôi đọc blog Người lữ hành kỳ dị, entry "một người tốt đã ra đi", bạn Phú báo tin chị Kiều Hòa ở Canada mới mất, lòng thấy buồn dù không biết chị. Trong một ngày đông giá lạnh nơi xứ này nghe tin một người Việt ở nơi này đã ra đi qua blog của bạn ở quê hương. Như có cơn gió buốt thổi qua lòng.

Bài thơ Mùa Đông bác Lan Hương vừa dịch gợi cho tôi nhớ đến cuốn Những người khốn khổ.

Ngày mai là giỗ ba tôi, ba tôi mất đã được 10 năm. Tôi rất ít khi nhắc đến ba tôi ở blog này dù ba luôn ở một nơi trang trọng trong trí nhớ của tôi. Chồng tôi thường nói những khi tôi rầu rĩ: "Vì ba cưng chiều em quá nên giờ anh chiều em bao nhiêu cũng không đủ". Chồng tôi nói cũng đúng nhưng có lẽ thiếu, ba tôi rất cưng tôi và tôi thì yêu kính ba tôi vô cùng, nhưng không chỉ sự cưng chiều mà chủ yếu là những cuộc trò chuyện giữa tôi và ba tôi đã khiến tôi luôn cảm thấy hạnh phúc trong sự chia sẻ. Khi ba tôi mất, tôi suy sụp chơi vơi mất nhiều năm trời để quen với cảm giác không còn ba nữa, những cuộc trò chuyện cha con cũng không còn. Hôm trước tôi thấy ghen tị với bạn Goldmund quá khi ba bạn ấy vào FB của bạn ấy comment, tôi ước gì có thể được như bạn ấy. Cuối cùng thì tôi đã add được FB của phụ huynh bạn ấy, tôi thấy mình trở nên thích nghe chuyện những người già, có lẽ tôi cũng đã già.

Chiều nay về nấu cơm ăn xong, tôi sẽ phải lái xe đi xa, may là hôm nay không có tuyết, đường sạch ko sợ trơn trượt. Ngày mai sẽ có tuyết rơi. Ngày kia cũng thế, nhưng trời sẽ ấm hơn vào những ngày tuyết rơi cuối tuần này. Ottawa đã chăng đèn kết hoa rất nhiều, buổi tối nhìn rất đẹp. Tiếc là cả hai máy ảnh nhà đang hỏng nên không có ảnh tự chụp, tôi lấy tạm cái ảnh này trên mạng cho có không khí (ảnh lấy từ đây).

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Mùa đông

Hégésippe Moreau (1810 - 1838)
Lan Hương dịch

Thôi vĩnh biệt những ngày đẹp trời! Cái lạnh tăm tối tháng Mười một
Kết án nhà thơ lưu đày xa căn phòng
Nơi tươi cười nào hoa thắm, nào mặt trời, nào tươi vui,
Thật chẳng còn gì nữa, tất cả đã trốn đi như trong giấc mộng đêm hè
Ở xa kia, bằng giọng hát buồn tẻ và xúc động,
Chú mục đồng một mình lạc giọng hát bài thánh ca cổ
Và gió mang đến tôi một nửa những thanh âm lẩn khuất
Nửa còn lại bay lên trời
Người đàn bà trong Kinh thánh lang thang, lưng còng, nhợt nhạt
Kéo lê dọc theo cánh rừng cành cây khô
Để còn nhóm lửa được vài ngày mà nuôi sống con, rồi chết.
Không còn tình yêu dưới những tàn cây, và khu rừng đồng lõa
Rên rỉ dưới sương giá như dưới chiếc áo tang
Khu rừng xưa đẹp như nàng tiên nữ
Thả mái tóc xanh tươi cho thần gió tây mơn man
Nay gầy hói, không hương thơm, không phục trang, không sức sống
Lắc lư trên không những cành xương khô
Âm thanh huyền bí từng đợt vang lên
Giống như một giọng nói báo rằng : Dương thần Pan đã chết
Thật vậy, cả thiên nhiên đang hấp hối giờ phút này,
Vậy mà không phải vì đưa tang nàng mà tôi khóc
Không phải vậy, vì tôi kinh hãi nhớ và nghĩ tới
Mùa này là mùa của đói và của lạnh
Bao người bất hạnh run rẩy và tự nhủ «Sao mà tôi lại không có được,
Để cất mình lên bay xa những cánh đồng tuyết,
Đôi cánh của loài chim, đi tìm ở nơi xa,
Hạt ngũ cốc trong luống cày và tổ ấm trong bông hoa
Bay tới những bến bờ không có mùa đông thơm nức hương cam
Nơi được núi lửa Vésuve luôn tỏa khói sưởi ấm,
Trước những lâu đài, trên làn đá cẩm thạch âm ấm
Người dân xứ Naples ngủ thiếp dưới ánh mặt trời ban trưa
Ôi ai sẽ mang tôi đi?…» Nhưng bị giam cầm tại chỗ,
Than ôi, người nghèo khổ chết trong nhà tù đá băng;
Hắn chết, vậy mà người giàu có vô tư
Chạy cỗ xe du hành đến mòn cả trục bánh
Những ngày tươi đẹp đã qua; Có hề chi! Những kẻ sung sướng!
Hãy bỏ mặc tư viên của bạn cho gió quét;
Hãy thả mình từ lâu đài xuống thành phố,
Nơi mà vàng bạc luôn tạo cho ta những ngày vui.
Trong thành Babylone của chúng ta, lữ quán mênh mông
Dành cho những kẻ được số mệnh ưu đãi, đại tiệc bắt đầu.
Hãy ùa vào thành Paris như những nhà chinh phục;
Hãy vội vàng lên đừng kềm hãm những ham muốn thất thường
Tất cả thú vui và những điều kỳ thú là dành cho bạn đấy,
Kẻ nghèo đổ mồ hôi, thi sĩ thức trắng đêm vì bạn
Trái ngọt của nghệ thuật và của mọi miền khí hậu,
Những bài ca của Rosini, những vở kịch của Dumas;
Những đêm tình yêu, những nữ thần hoan lạc ô uế;
Trong sáu tháng Paris là của bạn, thế giới là của bạn!
Đừng sợ gì Nữ thần công lý Thémis,
Trước nhánh cây vàng và chó Cerbère ba đầu,
Nàng dịu đi và thiếp ngủ.
Nhưng để thưởng thức niềm hạnh phúc đơn độc này
Mà bạn đã cố tình kiêng cữ để nồng thêm gia vị,
Thì đừng bao giờ đưa mắt nhìn xung quanh
Hãy đi qua, bảo bọc mình trong áo choàng rộng và giáp sắt
Bởi nếu mắt bạn dừng trên những nỗi đau vô số kể
Bò lê dưới chân bạn và rùng mình trong bóng tối
Như cơn rùng mình vì sốt, trước cửa phòng dạ vũ,
Lòng thương hại sẽ xiết lấy bạn, và lòng thương hại làm ta đau
Khuôn mặt hồng hào của bạn sẽ trở nên cau có
Và đêm đến giường ngủ của bạn sẽ mang một nếp gấp trên cánh hồng
Hãy run sợ, trong khi rượu punch đang sôi sục trong bầu rượu,
Mà nhớ đừng bất cẩn để ánh mắt lạc ra cửa
Tiếng cười của bạn sẽ gợi nên một bóng ma kỳ lạ
Bạn sẽ mặt đối mặt với lão già Lazare
Người đầy vết lở loét hôi thối, thèm thuồng mà không dám
Giành giật với lũ chó của bạn những mẩu thức ăn thừa
Khi cỗ xe của bạn với gia huy vàng làm lóa mắt
Nảy tưng và rền vang trên cầu
Hãy phóng nhanh, kẻo bạn sẽ phải nghe thấy
Tiếng những người rơi xuống dưới vọng lên
Bởi lúc này lũ người ùa tán loạn
Nhà quàn xác sẽ đi vớt xác người trôi theo dòng nước
Sự ích kỷ, như vị quốc vương, hưởng thụ và ngự trị;
Ngài có những tội ác phải giấu diếm, và eo biển Bosphore là đây.
Quả thực, đôi khi một tiếng than nhè nhẹ
Làm tổn thương vẻ uy nghi của người giàu đang tiêu hóa;
Đám người, mà đói khát gặt hái hàng triệu triệu,
Đưa mắt tự đếm mình và nói : Nếu chúng ta muốn!
Tiếng nức nở sẽ hóa thành tiếng kêu, đau đớn thành cơn cuồng nộ,
Nhiều thành phố sẽ dõi theo Croix-Rousse.
Nhưng sao nào! Bạn không có những diễn giả hùng hồn,
Chỉ bằng một lời nói lửng lơ, có thể dẹp êm gió bão,
Hà tiện với thân xác kẻ nghèo một chút của bố thí,
Tặng bánh mì hào phóng bằng lời nói.
Và như đấu sĩ Tây ban nha giương tấm khăn choàng đỏ chói
Khiêu khích con bò mộng hung dữ,
Họ vung lên một tấm giẻ ba màu
Để mê hoặc cặp mắt giận dữ của con cọp nhân dân?
Ôi khi nào ngày tôi ước mơ sẽ tới,
Ngày muộn màng đó sẽ chữa lại bao ngày tồi tệ
Bình đẳng, theo như lời những nhà văn tiên tri,
Nhẹ nhàng và êm ái, sẽ vuốt ve tất cả những mái đầu ?
Không bao giờ, lý trí nói, thế giới già nua sẽ không thay đổi;
Trái tim tôi nhủ thầm : Càng hay!
Tôi vẫn thường nói : khi ngày trả thù đến,
Nếu kẻ bị đàn áp lạc lối, hắn đã được tha thứ từ trước.
Spartacus sẽ nắm lấy thanh gươm vương quyền,
Chàng sẽ thức tỉnh dân chúng dưới lòng đất,
Chúng sẽ hiện ra vào dịp lễ thần Saturne,
Làm nhơ bẩn những cuốn Biên niên sử của chúng ta với hàng ngàn tên gọi xấu xa:
Nào là ăn mày, du côn, du mục, trộm cướp,
Ngã gục rồi tái sinh dưới lưỡi rìu đao phủ
Những kẻ no nê, cuối cùng, để ngăn chúng lại
Sẽ chịu xẻ cho chúng một miếng bánh ngọt mừng lễ,
Nhưng dân chúng, hứng khởi vì trả thù và nổi loạn, đòi
“Của ta tất cả mọi phần, vì ta là chúa sơn lâm”.
Khi đó lời tiên tri của Isnard cho dân chúng sông Seine sẽ trở thành hiện thực,
Bên bờ sông hoang vắng, những kẻ man rợ ngơ ngác
Hỏi xem đâu rồi thành Paris?
Để quét khỏi mặt đất Nữ hoàng thành Sodome
Mái vòm cung điện cũng không che chở nổi
Sét sẽ nổ vang và gió bốn phương
Sẽ làm muối rơi như mưa đá trên mặt đất bốc khói.
Tôi sẽ hoan nghênh cảnh đại hỏa hoạn này,
Tuổi trẻ vô cảm của tôi sẽ nóng máu lên.
Vậy là tôi lạc lối trong những ước mong bất cẩn,
Và tôi khơi cháy những vần thơ nóng bỏng bằng nước mắt
Và tôi căm ghét, vì đau khổ khiến ta tức giận;
Nhưng một chút hạnh phúc đã nhanh chóng cải hóa tôi.
Để vần thơ khoan dung tha thứ cho nhân loại,
Thì thi sĩ cần gì ? Chỉ một nụ hôn và bánh mì.
Chúa trời đã khiến gió bớt lùa vào sự nghèo nàn trần trụi của tôi;
Nhưng thời đại sắt đá này còn tiếp tục với bao kẻ khác
Và nỗi đau của những người anh em khiến tim tôi xúc động
Xin Chúa hãy tốt lành với tất cả mọi người như đối với tôi
Cầu cho lương thực Ngài ban dập tắt lời báng bổ
Ngăn chúng tôi khổ đau, bởi Ngài muốn chúng tôi thương yêu
Để những người con được Ngài chọn và những đứa bị ruồng bỏ,
Không còn ném cho nhau những ánh nhìn tức giận dưới trần thế này
Ngài đã cho lũ chim nhỏ thức ăn, xin hãy nuôi tất cả những kẻ đói
Cầu cho mùa đông của Ngài dịu êm, và khi triều đại của nó kết thúc,
Nhà thơ và chim chóc sẽ hát : Cầu được phước lành.

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Âu Cơ gallery


Là phòng tranh nhà bạn Phạm Trần Lê, trang web của Âu Cơ gallery rất trang nhã, trong quãng đời lướt mạng của mình, quả thực mình chưa thấy có trang web nào trang nhã như vậy: aucogallery.com

Các tác phẩm trong 5 cuộc triển lãm diễn ra trong vòng hai năm qua và các bộ tranh theo tác giả của gallery khá đa dạng và thú vị.

Chúc cho bộ sưu tập và các hoạt động của Âu Cơ gallery ngày càng phong phú hơn!

Một bức tranh ở Âu Cơ gallery
(Ngựa - Nguyễn Xuân Tiệp)

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Julian Assange & Wikileaks



Bác Julian thực là tinh quái
Đã lập trang Wikileaks khoái ghê
Nhân loại chứng kiến trận hề
Bao nhiêu giấu giếm tứ bề bung ra
Phiền toái nhất bố già Nhà Trắng
Lắm mưu mô bắng nhắng khắp nơi
Tưởng đâu kín đáo mọi lời
Ai ngờ tuyệt mật đã rời thâm sâu
Thế giới biết đâu là sự thật
Mới nổi điên tức giận mấy miền
Trung Quốc cũng sợ toái phiền
Xui ngay nước Mỹ cấm liền website
(Dân Tàu từ trước đến nay
Đã quen bị cấm đêm ngày nhiều trang)
Sóng internet hàng hàng lớp lớp
Vẫn tràn đi như chớp như giông
Cuộn thành sức mạnh đám đông
Khởi nguồn từ chính anh hùng Assange
Bao cạm bẫy giữa đàng dền dứ
Kế mỹ nhân gái gú rập rình
Tránh sao cho khỏi tội tình
Julian bác vẫn một mình xông pha
Ở nước Úc mẹ già lo lắng
Sợ con trai chết đắng ván này
Interpol dõi đêm ngày
Mạng người ta vẫn mỏng tày sao rơi
Julian Assange bác quý ơi
Lo gì, bác đã sống đời lừng danh
Bao sức mạnh thua kềnh sự thật
Lịch sử trang đã lật từ đây
Anh hùng đơn độc một tay
Thế gian nghiêng ngả, mê say nhân tình…

2-12-2010

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Tôi cất hồn tôi...

Tôi cất hồn tôi trong tóc anh
Náu vào sợi bạc lẫn sợi xanh
Anh có bao giờ nghe tóc nói
Là hồn tôi đấy tiếng thanh thanh

Tôi cất hồn tôi trong tay anh
Bàn tay ấm áp chẳng đua tranh
Từng ngón bắc cầu đưa hồn đến
Những miền thương mến của đời anh

Tôi cất hồn tôi trong mắt anh
Trong mơ anh có thấy quấn quanh
Một tình âu yếm và say đắm
Là hồn tôi đấy thức yêu anh

Tôi cất hồn tôi trong tim anh
Hòa vào nhịp đập chậm cùng nhanh
Vang tiếng dạt dào như sóng biển
Nhạc của hồn yêu dội vỗ anh

1-12-2010

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Bạch Tuyết

Ngày xưa, đang giữa mùa đông
Tuyết rơi xuống trắng như bông phủ rào
Trong nhà lò sưởi ấm sao
Bên ô cửa sổ cao cao thẫm mầu
Một bà hoàng hậu ngồi khâu
Mải nhìn tuyết trắng hồi lâu mơ màng
Chẳng may kim chạm tay vàng
Ba giọt máu nhỏ thẳng hàng tuyết bông
Hỡi ôi tuyết trắng máu hồng
Đẹp sao như thể tiên bồng vãng thăm
Hoàng hậu nghĩ bụng nhủ thầm
"Ước gì ta có một mầm gái xinh
Da trắng như tuyết trắng tinh
Môi đỏ như máu lung linh thế này
Và làn sóng sánh tóc mây
Như khung cửa gỗ mun dầy nhức đen"

Ít lâu sự bỗng hiển nhiên
Bà sinh hạ được tươi duyên một nàng
Y như ước mộng dịu dàng
Da trắng như tuyết mơ màng mùa đông
Môi đỏ như máu thắm hồng
Tóc đen như gỗ mun lồng bóng đêm
Hoàng hậu vui sướng đặt tên
Công chúa Bạch Tuyết, gọi lên rạng ngời
Từ đây ở giữa cuộc đời
Có nàng Bạch Tuyết rong chơi vui vầy...

28-11-2010

Phần tiếp theo

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Hai bản nhạc của Mozart



Sương mù và Tâm thức

Sương mù

Maurice CARÊME
(Lan Hương dịch)

Sương mù bỏ tất cả
Vào trong chiếc túi bông
Sương mù bao phủ hết
Xung quanh ngôi nhà tôi

Trong vườn không còn hoa
Lối đi không còn cây
Nhà kính bên láng giềng
Như đang bồng bềnh bay

Tôi cũng không biết nữa
Đang nấp ở chỗ nào
Chú chim sẻ nhỏ
Buồn rầu chiêm chiếp kêu.

----

Sớm nay đọc lại bài thơ Sương mù của tác giả Maurice CARÊME do bạn Lan Hương dịch trong phần comment ở một entry trước mà hôm qua tôi đã đọc và nghĩ mãi về tiếng chim kêu chiêm chiếp không biết ở đâu giữa sương mù dâng kín. Tự nhiên tôi lại liên tưởng đến một trạng thái của con người mà tâm thức cất tiếng kêu yếu ớt của con chim nhỏ, ta cảm thấy tiếng kêu đó mà không biết nó ở đâu trong sự chìm đắm của đời sống. Rồi có lúc sương bỗng tan ra ta có thể đến bên con chim nhỏ để nghe tiếng nó hót, thậm chí có thể giúp nó thoát khỏi cái lưới nào đó để nó có thể bay lên trời cao và hót vang. Và tôi nhớ đến bài viết của một người bạn, bèn tìm để đọc lại, mạn phép các tác giả xin chia sẻ với mọi người.
HY



Tâm thức

(Bài này của bạn Tiểu Vũ ở langven.com ngày 1-12-2004)

Một tâm thức khoẻ khoắn lành mạnh là điều cần thiết. Nó cũng là điều kiện để đôi khi ta có những khỏang tĩnh lặng cần thiết trong đời sống tinh thần. Tĩnh lặng để nhìn nhận mọi điều một cách thông suốt và chính xác hơn.

Con người ta suy đóan và hành động dựa vào ba yếu tố: lý trí, tình cảm, và tâm thức.

Khi đứa trẻ sinh ra, nó tư duy và hành động không theo những lý trí hay tình cảm tinh vi, bởi đó là những thứ đòi hỏi kinh nghiệm từ đời sống. Vậy đứa trẻ tư duy và hành động như thế nào? Xin thưa: bằng bản năng tự nhiên và tâm thức. Cảm giác yên tâm là một bản năng của tâm thức.

Có những cuộc trò chuyện chẳng đâu vào đâu nhưng lại tạo ra cảm giác nhẹ nhõm. Điều này thực ra không có gì huyền bí. Bình thường con người suy đóan và hành động theo lý trí và tình cảm nhất thời. Được chỗ này thì bỏ chỗ kia, nên luôn có cảm giác bất an và không hòan thiện. Khi đối thọai sẽ khơi gợi ra những góc cạnh khác nhau của vấn đề. Từ đấy mà ta vô tình tạo điều kiện cho tâm thức của mình có được một cảm nhận trước tòan cục.

Khi tâm thức của mình đã được tiếp xúc với tòan cục rồi, khi không còn gì là bất minh và mờ ám nữa, khi ấy bản năng tìm đến sự yên tâm sẽ được phát huy đầy đủ. Nó sẽ làm cho mình nhìn nhận mọi điều một cách thông suốt hơn. Thông suốt cũng có nghĩa là yên tâm.

Những khỏang lặng là luôn cần thiết cho một đời sống tinh thần phong phú. Muốn tâm yên tĩnh, thì trước hết ta phải nhận ra mình có một tâm thức tiềm ẩn. Nó luôn tìm cách suy xét và bảo vệ chính ta. Thứ hai, nên tạo điều kiện cho tâm thức ấy được tiếp xúc với tất cả những gì nó cần tiếp xúc.

Bởi vì con người là một chỉnh thể các mối quan hệ gia đình và xã hội.

Có thể các mối quan hệ trong gia đình mình ít nhiều còn lỏng lẻo. Những cảm nhận với nhau của vợ và chồng thực ra cũng nặng về lý trí và tình cảm. Cả với con cái cũng thế. Chúng ta chỉ nói chuyện học hành và sinh họat. Không phải lúc nào ta cũng quan tâm tới con mình thực ra suy nghĩ những gì, ham muốn điều gì. Do tâm thức không nhận đựơc đầy đủ dữ liệu như thế nên cảm nhận về chính người thân và gia đình cũng có thể lầm lạc.

Đó là ví dụ cho một dạng kẽ hở, một chỗ sơ đễnh mà tâm thức không được tiếp xúc đầy đủ. Tương tự như thế khi yêu thương một người, đáng nhẽ phải nhìn vào nhau trong mối giao hòa tâm thức tòan diện nhất, thì ta lại cuốn theo những tình tiết ong bướm nặng tính cải lương. Đôi khi đó cũng là điều ngăn cản người ta yêu thương nhau thật lòng và hết lòng.

Cảm nhận một tác phẩm văn học nói riêng hay nghệ thuật nói chung cũng như vậy thôi. Cảm thụ là một quá trình đàm thọai giữa tác phẩm và lý trí cùng tình cảm của chính mình. Nhưng cũng lại không thể quên đi vai trò của tâm thức. Phải là người cảm thụ có kinh nghiệm để khiến cho tâm thức của mình đối diện với tác phẩm một cách tòan diện nhất. Khi ấy nhìn nhận của mình sẽ trở nên thông suốt và chính xác hơn hết. Đương nhiên, như thế cần có cả một vốn sống dồi dào nữa.

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Kể chuyện mùa thu

Ba chiều không gian
Sớm nay bỏ ngỏ
Cả thu buồn vương
Cả phố cả đường
Cả nhà cả cửa
Không lo sấp ngửa
Công việc, tiền nong
Tôi ngồi thong dong
Trên cái cán chổi
Hít hơi đầy phổi
Ngược chiều thời gian
Đi về tham quan
Những ngày thơ ấu
Tháng năm yêu dấu
Có một mùa thu
Hồn nhiên tươi sáng
Chưa vương u ám
Chưa buồn lê thê
Vàng đá chưa thề
Tương tư chưa tới
Tuổi là tuổi mới
Như giấy trắng tinh
Hai bím tóc xinh
Lúc la lúc lắc
Xe đạp ngồi chắc
Cha chở tôi đi
Con đường vân vi
Võ Nhai xa ngái
Cha vững tay lái
Hát bài con voi
Tôi hát theo người
Gió thu hát nối:
"Con vỏi con voi
Cái vòi đi trước
Hai chân trước đi trước
Hai chân sau đi sau
Còn cái đuôi thì đi sau rốt
Tôi xin kể nốt
Câu chuyện con voi"
Cha nói: hoan hô
Tôi cũng hoan hô
Gió hoan hô nốt
Vui sao là vui
Thích sao là thích
Chim chóc góp cười
Lích ra lích rích
Nắng thu cũng cười
Dưới cây lấp loáng
Trời xanh trong sáng
Tiếng cười vọng vang...

Xuôi lại thời gian
Lại phố lại đường
Lại căn phòng nhỏ
Qua khung cửa sổ
Thấy mùa thu đi
Như là con voi
Hồn nhiên thế thôi
Không gợi buồn đau
Không vướng u sầu:
Mùa thủ mùa thu
Lá xám rơi trước
Lá nâu cũng rơi trước
Lá đỏ rơi sau
Còn lá vàng thì rơi sau rốt
Tôi xin kể nốt
Câu chuyện mùa thu

15-11-2010

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Cho mùa thu

Dưới hàng cây phong gầy guộc
Tôi ôm trọn vẹn mùa thu
Mùa thu ôm tôi chung cuộc
Lời tạ từ gió buốt ru

Tình nhen từ khi thu chớm
Ngập ngừng đôi chút hoang mang
Rồi mến thương trong lặng lẽ
Một trời nắng gió thênh thang

Khi người ta không còn trẻ
Tình yêu mùa thu rưng rưng
Tương tư ngấm vào xương thịt
Tóc rụng trong chiều gió ngưng

Trời xanh điểm trang mây trắng
Sắc lá đốt ai cháy lòng
Đỏ, vàng rực lên vội vã
Như tình hối hả chờ mong

Đau gió đau mưa ròng rã
Thu phôi pha giữa vô thường
Nửa đêm mở cửa xao xác
Tiếng lá khô lăn trên đường

Chiều nay heo may lạnh lẽo
Lời thầm thì đã ướt sương
Mùa thu ôm tôi độ lượng
Tôi ôm mùa thu nhớ thương

Tháng 11-2010

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Thơ từ đâu

những câu thơ nối đuôi nhau xa lắc không cần ai đuổi theo
những câu thơ va vào nhau vặn xoắn nhau gãy răng rắc như tiếng gió bão quật cây cối
những câu thơ tích tụ rồi rã rời, sinh sôi và tàn tạ như lá xanh thành úa khô như non cao thành cát bụi
vụn xác những câu thơ bị mưa cuốn ra biển tan vào trong sóng vẫn bập bềnh nối nhau và cả lấn lướt nhau
chút vị mặn lại sinh nở những câu thơ mới lướt đi trên sóng hứng ánh mặt trời để lấp lánh ngũ sắc
những câu thơ hóa bọt biển, rong rêu, lênh đênh chờ tôm cá đớp
những câu thơ lớn lên trong mình cá để lại làm con mồi nuôi béo những loài cá to hơn
để một ngày người ta vớt lên những câu thơ to đùng và xẻ thịt chặt khúc đem bán ngoài siêu thị
hôm nay cuối tuần tôi đi mua cá về nấu bát canh chua ăn thấm vào gan ruột là những câu thơ
thế là đêm tôi nằm nghe những câu thơ đuổi nhau nối đuôi nhau đi mãi...

23-10-2010

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

Tác hại của sến

Đầu tiên nó vỗ về bạn và đưa bạn về một trạng thái tình cảm quen thuộc nào đó mà bạn đã từng biết. Bạn được nghỉ ngơi trong nó như ngả mình trên cỗ xe nhỏ xuôi con dốc hiền hòa vô cùng dễ chịu. Bạn không cần biết điều gì đang diễn ra ngoài kia cho đến khi la đà trong giấc mơ êm ả, hoặc vui hoặc buồn, ngay cả niềm vui và nỗi buồn cũng không có gì mới mẻ và xa lạ, không có thách thức và sự mạo hiểm, tất cả đều trơn tru không góc cạnh, bạn có thể ngủ lúc nào không hay.

Bạn thích nó vì bạn không phải suy nghĩ trong khi nó dẫn bạn đi đến chỗ buồn hay chỗ vui, chỉ có hai hướng. Bạn cũng theo sự dẫn dắt của nó mà phân biệt tốt, xấu, lúc này thì theo nó là tốt, trái nó là không tốt. Cứ như vậy bạn xuôi theo dòng của nó cho đến khi trở nên hoàn toàn lười biếng không thể rũ bỏ nó, cũng không thể lội ngược dòng, xoay chuyển ý nghĩ của mình cho ngược lại với chiều chảy của nó, ấy là khi bạn đã hoàn toàn phụ thuộc vào nó rồi. Bấy giờ nó đẩy bạn đi như một khúc gỗ trôi, bạn thốt ra những lời của nó, vui buồn đúng kiểu của nó. Suy nghĩ hồn nhiên tinh khiết như sớm mai trước đây của bạn đã không còn tự do phát huy sức mạnh được nữa vì còn đâu những phân vân và tranh đấu nội tâm lành mạnh khi đối diện với toàn thể thế giới bên ngoài qua cặp kính của nó.

Bạn như người tự nguyện rũ bỏ vũ khí để chui vào sự che chở của sến, nhưng liệu nó có che nổi cho bạn không sau khi đã làm yếu ớt cùn mòn đi những vũ khí của bạn. Bạn đi theo sự dẫn dắt của nó để nói cái này vui, cái kia buồn, cái này tốt, cái kia không tốt trong khi thực tế sinh động hơn sự phân loại mù màu ấy. Và vì thế mà bạn sẽ có thể đi tới chỗ nhận đinh sai tình hình xung quanh bạn. Xét đoán sai sẽ dẫn đến những quyết định sai, việc làm sai, thậm chí còn hành xử sai với bạn bè, người thân. Sến có thể đưa bạn đến chỗ trống rỗng, vô vọng, bất lực với chính mình, yếu hèn và nhướt nhát. Sau đấy là sự tồn tại mà như đã chết, chẳng còn chút sinh khí nào. Bạn đã biết tác hại của nó sao còn không cố thoát ra?

Cuộc sống nảy nở mỗi giây phút, sự sinh động của cuộc đời cần mọi giác quan cảm thụ và trí não phân tích cho ra những kết quả chân thực nhất, tiếp đấy là hành động của một con người tự do, tự tại . Con người đấy có thể có lúc buồn lúc vui nhưng không thể để cho sự sến kéo đi lê thê như ở trên đã nói, không thể là nô lệ cho sến. Những khúc nhạc, vần thơ buồn bã chỉ nên là những bóng mây thoáng qua, ánh mắt sáng trong sẽ tìm thấy bầu trời sáng trong vĩnh viễn.

(Viết cho mình vào một ngày cuối thu, mưa lạnh rải ngoài đường dưới ánh đèn vàng rất sến, để không bật nốt nhạc sến trong nhà thì ta viết cái này rồi lại làm việc tiếp)

15-10-2010

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Ảnh Hoàng Thành và bộ phim "giống Tàu"


Nhân có tranh luận về bộ phim "Đường tới thành Thăng Long", tôi thử tìm trên mạng ảnh Hoàng Thành thì được ảnh này, thấy Hoàng Thành Thăng Long rất thân thương gần gũi. Xem ảnh này mường tượng ra các vua ngày trước ở Hoàng Thành có lẽ cũng sống giản dị thôi.

Còn dưới đây là ảnh cung điện trong phim nói trên quay tại Trung quốc (VNexpress), cảnh trông hoành tráng nguy nga hơn rất nhiều.



Nhưng phim dã sử thì mọi thứ có thể cũng hoành tráng hơn cảnh thật. Có lần sau khi xem phim Hoàng Kim Giáp, tôi hỏi mấy người Tàu cùng trường: "bên ấy ngày xưa các Hoàng hậu và cung nữ đã ăn mặc hở ngực mát mẻ thế à?" thì mấy người đó nói: "trang phục ấy đạo diễn bịa ra cho câu khách đấy thôi, nhiều thứ trong phim không giống thực". Nghĩa là chính dân họ cũng chê đạo diễn của họ làm phim không giống thực tế lịch sử.

Trở lại phim "Đường tới Thăng long", tổng đạo diễn, đạo diễn phim đều là người Trung Quốc, trường quay ở Trung Quốc, diễn viên quần chúng hoàn toàn là người Trung Quốc. Tóm lại là như đứa con đẻ ở Việt nam nhưng mang sang Tàu nuôi nấng dạy dỗ, nó lớn lên bên ấy thì nó cư xử như thanh niên Tàu cũng là chuyện bình thường. Ngay từ đầu người mình đã không tự tin, tự lực đoàn kết cùng nhau làm phim giữ lấy tiền lấy việc cho dân mình để đến nước phải trông cậy vào họ thì đành phải nhận lấy cái kết quả này. Bây giờ đã mất tiền rồi không cho chiếu thì cũng tiếc tiền, tiền của tư nhân cũng là tiền, chiếu thì với tâm lý ghét Tàu sẵn dân mình cũng sẽ tức anh ách.

Mà nghĩ cũng lạ, Pháp đô hộ mình cả thế kỷ mà dân mình khi nói đến những tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp hay văn hóa Pháp thì lại khoái chí cứ như là tự hào mình được thừa hưởng những cái giống Pháp. Với Mỹ có lẽ cũng vậy, riêng Tàu thì ghét cay ghét đắng. Mà cái kẻ bị ghét ấy nó lại hao hao giống mình nhất. Trót hao hao rồi lại ngay bên cạnh thì mình càng khó khăn để giữ bản sắc riêng, bởi vì họ chắc chắn là luôn muốn bành trướng gây ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn văn hóa đối với mình. Tìm về với chính cội nguồn mình, không vay mượn cũng là một cách giữ bản sắc, thôi thì rút kinh nghiệm lần này...

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2010

Hạn chế của thơ lục bát

Đã lâu rồi, vào một lúc ngay khi viết xong một đoạn lục bát, tôi nhận ra hạn chế của thể thơ được dùng nhiều trong ca dao này. Tôi rất yêu lục bát, bây giờ yêu, sau này vẫn yêu nhưng không vì thế mà tôi không nói ra cảm nhận của mình về cái "dở" của thể loại này.

Luật vần sáu tám khiến câu thơ bắt buộc phải chui khít cái khuôn ấy thành ra câu thơ nhiều khi phải nới ra hoặc co lại cho vừa, việc này khiến cho dòng thơ có lúc như có những khoảng rỗng chẳng để làm gì mà chỉ phục vụ mục đích vừa khuôn vần luật. Có chỗ thì phải ép chặt lại cũng chỉ vì vần luật. Sự kết hợp hài hòa giữa vần luật và dòng chảy của ngôn ngữ để tạo ra một câu thơ hay như câu : "Cô kia tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi" là rất khó, phải vừa vặn không thiếu không thừa, hồn nhiên như không hề có sự sắp xếp co kéo.

Người xưa hay ví von, mượn trăng hoa mây gió để nói cảm xúc thì từ ngữ có thể giãn rộng hay co hẹp mà vẫn không để lộ dấu tích nhưng cảm xúc của con người hiện đại thì trần trụi hơn, chúng cần được chảy ra một cách thoải mái tự nhiên trong thơ, không gò ép, không thêm đắp. Những sự thêm đắp gò ép dễ khiến câu thơ thành sáo rỗng giả tạo.

Những câu thơ 6, 8 nối nhau đều đặn cũng dễ tạo ra lối mòn nhàm chán, dễ gây cảm giác cũ, sến. Trong lục bát, để tạo ra sự bùng nổ dồn nén của câu thơ chỉ có trông chờ vào vần sáu và vần tám. Còn muốn tạo ra sự đứt gãy tan nát thì dường như không thể vì lúc nào vần luật cũng ngoan ngoãn chỉn chu chui vào độc một cái khuôn ấy. Nhiều bài lục bát đọc lên luôn gợi cảm giác hoài cổ, xưa cũ.

Bàn liều như vậy về thể thơ lục bát, còn đây là mấy câu comment ở blog hòa thượng THT dựa vào nội dung entry Ký ức Ấn độ:

Sách hay đọc lại càng hay
Tri âm gặp lại càng say khúc đàn
Ta đi đường đất muôn ngàn
Vẫn mong về lại cơ hàn cảnh xưa

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2010

Ảnh mùa hè







Ảnh chụp ngày Quốc Khánh Canada 1-7-2010 ở trung tâm Ottawa.

Hết duyên (hay là bài đáp lại ca dao)

Ca dao

Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình
Còn duyên kén cá chọn canh
Hết duyên tương ớt dưa hành cũng quơ
Còn duyên bán bưởi bán hồng
Hết duyên bán mít cho chồng gặm xơ
Còn duyên kén chọn trai tơ
Hết duyên ông lão cũng quơ làm chồng
Còn duyên chọn lý chê hồng
Hết duyên ngồi gốc cây hồng nhặt hoa



Đáp lại

Còn duyên bận rộn đón đưa
Hết duyên thoải mái lại vừa thong dong
Còn duyên lắm mối nằm không
Hết duyên ông lão làm chồng đấm lưng
Còn duyên hồng bán bưởi bưng
Hết duyên ngồi võng kết thừng chồng đưa
Còn duyên lo đối trai tơ
Hết duyên hết chuyện vẩn vơ nhọc lòng
Còn duyên lan, lý mơ mòng
Hết duyên mới biết gốc hồng nhiều hương
Còn duyên xe đậu chật đường
Hết duyên mới rõ ai thương thật tình

12-8-2010

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

Lục bát mùa thu

Đi

Khi ta mò mẫm con đường
Thời gian dòng nước vô thường vẫn trôi
24-8-2010

Nghe

Tôi đi vào giữa đám đông
Để nghe thinh lặng trong lòng cất lên
Tôi về cô độc một miền
Để nghe náo động cuồng nhiên trập trùng
14-9-2010

Thương

Ngôi nhà ở cuối con đường
Con đường cách một đại dương vợi vời
Mẹ già chống cửa đợi tôi
Một đầu tóc bạc một đôi mắt mờ
5-8-2010

Nhớ

Tôi rời nơi ấy lâu rồi
Trong mơ vẫn thấy núi đồi dòng sông
Bao giờ về lại thoả trông
Biết đâu tôi lại nhớ mong nơi này
5-8-2010

Yêu

Anh là hơi thở mù sương
Em là đám cỏ khiêm nhường đợi mưa
Chứng nhân: cơn gió ban trưa
Cỏ ơi cỏ hỡi mày thưa thốt gì
6-8-2010

Sầu

Thu sang làm lá thay màu
Lòng đang yên cũng chuyển tầu miên man
15-9-2010

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Em Phương

Chị vẫn nhớ lần đầu tiên chị gặp em, khi ấy chị chuyển công tác từ một phòng thí nghiệm ở Thái nguyên về Trung tâm mình ở Hà nội. Em ngồi trong phòng lab tầng ba, hôm ấy chỉ có mình em ở đó, xung quanh em là những dãy bàn lát gạch men trắng xếp dụng cụ thủy tinh. Chị như đến một nơi quen thuộc, giá treo áo blu trắng, bình cốc và những lọ dung dịch quen mắt khiến cho tâm trạng của chị khá phấn chấn.

Chị hỏi han em vài câu và cũng để ý xem đồng nghiệp mới của mình như thế nào, trông em hiền lành chất phác và hơi ưu tư. Em có hỏi chị từ đâu chuyển về, chị nói từ Thái nguyên, em hỏi lại chị ở Thái nguyên à? Chị trả lời đúng chị sinh ra ở Thái nguyên, về HN học sau đó lại về TN làm việc một thời gian, lập gia đình trên đó và do chồng chị chuyển về một công ty của Nhật ở Hà nội nên chị mới xin chuyển về đây.

Khi chị nói đến hai tiếng "Thái nguyên" không hiểu sao chị thấy em như giật mình sửng sốt và sau đó thì mắt em chợt sẫm buồn. Chị nhận ra như vậy và không biết làm sao chị bèn hỏi: em có quen ai ở Thái nguyên à? Em nói qua quýt là bạn của em có chơi với người Thái nguyên. Vậy thôi, mình nói qua chuyện khác. Rồi em chợt hỏi : chồng chị làm ở đâu? Chị nói anh H. nhà chị làm ở VFT, em sững người một lần nữa và cũng lại hỏi lại chị: VFT à? Chị trả lời: ừ VFT, có gì không em? Em nói không có gì. Nhưng chị biết đằng sau hai lần sững sờ của em là cả một câu chuyện dài, có lẽ là một câu chuyện buồn, chị yên lặng, và em cũng yên lặng.

Có một thời gian ngắn sau đó em còn e ngại cả nói chuyện với chị, nhưng rồi cũng qua đi. Bọn mình làm việc và dần dần chia sẻ cùng nhau biết bao nhiêu điều. Rồi một ngày chị cũng hiểu tại sao em lại buồn hôm đầu tiên chúng mình gặp. Một người con gái ở Thái nguyên đã khiến bạn trai em thay lòng đổi dạ, tình cờ bạn trai đó lại làm ở VFT cùng chồng chị... Đấy là chuyện của cách đây hơn mười năm, bây giờ thì em đã có một gia đình đầm ấm với hai chú nhóc vô cùng dễ thương rồi.

Hôm trước nhận được thư em, chị tự nhủ sẽ viết một entry dành riêng cho em, sẽ là những kỷ niệm lan man của những tháng ngày chúng mình cùng làm với nhau, những nỗi lo lắng về công việc, những buổi chuyện trò tâm sự... nhớ cả những lần cùng em đến nhà cô Oanh cùng phòng chơi.

Hồi ấy có lúc cơ quan mình rỗi việc, vì chơi thân với em mà em đã rủ chị đi dạy luyện thi đại học, cô Oanh vợ thầy Nhân trường Tổng hợp giới thiệu cho chị một học sinh vừa trượt đại học vì điểm môn hóa quá thấp. Hồi đấy cô Oanh quý em quá nên quý lây sang chị vì chị hay đi với em mà. Cuối cùng thì thu nhập dạy thêm cũng giúp bọn mình có thêm đồng ra đồng vào, em có thêm tiền để lo cho các em em nữa. Cái thằng cu mà cô Oanh nói chị dạy may quá sau một năm nó đỗ Đại học với điểm Hóa cao. Đỗ rồi hai chị em nó đưa nhau đến nhà chị cảm ơn mua cả vải may áo quần tặng, ngại quá, nhưng chị nó có nói một câu này mà chị thấy thú vị, cô ấy nói là: "nhờ chị dạy mà em trai em từ chỗ sợ môn Hóa đã cảm thấy thích thú học môn này, đấy là cái quan trọng nhất". Chị đến khoe với em cả hai chị em mình đều thích. Lúc dạy cu đấy học thì chị cũng hay kể những chuyện vui vui trong nghề Hóa phân tích của bọn mình, mô tả những màu sắc, mùi, hiện tượng... như những chuyện buồn cười giản dị cho nó nghe. Nghề bọn mình kể ra cũng có khối chuyện vui em nhỉ, nhưng mà cũng nhiều độc hại, vất vả, chẳng nhàn nhã như nhiều người vẫn tưởng.

Những chuyện dạy thêm sau đó đã khiến hai chị em mình nghĩ đến việc ôn lại và học tiếp cao hơn về môn Hóa phải không em, hay là cái gì khác nữa nhỉ? Hay do những đòi hỏi trong công việc ở Trung tâm? Hay cuộc sống buồn chán quá và chúng mình muốn thay đổi? Chỉ biết sau đó chúng mình lại cùng nhau học ôn, chuyên môn và tiếng Anh... Anh Hải nhà chị hồi ấy rất hay ghen nhưng cứ nói là đi học với em Phương là yên tâm vô cùng vì em Phương chăm chỉ, chị Yến mải chơi, chị Yến đi với em Phương là sẽ chăm chỉ theo em Phương mà. Anh Hải quý em Phương phần nữa là vì có người cùng cơ quan toàn kể tốt về em Phương hihi. Bây giờ cứ nghe chị nói nhận được thư Phương là lại hỏi: em Phương thế nào rồi?

Chị nhớ sự cần cù chăm chỉ của em quá đỗi, khi ở bên em, khi làm việc cùng em chị luôn cảm thấy yên tâm, bởi vì em như thể một người luôn làm đúng làm tốt hết sức của mình công việc chung. Và vì vậy nếu có bàn bạc gì thì chúng mình chỉ có làm cho công việc đó tốt hơn thôi. Chị nhớ nhiều lần chúng mình đều thốt ra cùng những băn khoăn trong cùng một vấn đề nào đấy trong công việc, điều đó làm chị cảm thấy thú vị quá em ạ. Em là một người đồng nghiệp thật tuyệt vời.

Bây giờ chúng mình ở quá xa nhau. Chị đọc thư em và cũng hơi buồn vì những cố gắng của em trong công việc đã không được đền đáp thỏa đáng, nhưng chị cũng không biết phải làm sao...
Em Phương, em gái đồng nghiệp kém chị sáu tuổi mà chị luôn yêu quý, chị mong em tiếp tục vững vàng cam đảm, chị luôn cảm thấy mọi điều vẫn còn đang ở trước mắt em, chị luôn tin tưởng vào em.

Chị Yến

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2010

Bạch tuộc Paul




Xác suất để con bạch tuộc
Đoán đúng một trận là 1/2
Hai trận là 1/4
Ba trận là 1/8
Bốn trận: 1/16
Năm trận 1/32
Sáu trận 1/64
Bảy trận 1/128
Tám trận bạn tự tính đi
Bây giờ tin điều diệu kỳ?
Hay tin bài toán xác suất?
Rằng nếu có đàn bạch tuộc
Đếm được trăm hai tám con
Cùng đoán bảy trận bóng tròn
Thì có một anh đoán đúng
Nhưng mà bạn sẽ lúng túng
Sợ mất đi điều diệu kỳ
Thế giới xuất hiện tiên tri
Ấy là thánh Paul bạch tuộc
Vậy là ảnh hưởng nó tuốt
Kể cả những đội bóng tài
Bây giờ Paul đã rất oai
Bởi vì nó có uy thật
Bài toán thắng thua được mất
Cộng thêm tham số tinh thần
Trận tới bạn có phân vân
Paul đúng hay là không đúng?

11-7-2010
(Ba giờ trước trận chung kết)

Ảnh: Reuters

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2010

Có những con đường rất nhỏ
Em đi lòng trải thênh thang
Có khoảng thời gian rất mảnh
Đời nghiêng vai rớt vội vàng

Tình yêu như cơn gió núi
Thổi qua bao vực bao đèo
Chiều nay cập vườn yên tĩnh
Hiền hòa trong lá đua reo

Gió ru bàn tay dầu dãi
Ru mái tóc đen thôi mầu
Có giọt ru nào lặng lẽ
Mặn mòi gánh cả xanh sâu.

5-7-2010

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2010

Gọi điện về nhà

Mấy hôm trước mình gọi điện về nhà gặp mẹ, mẹ kể: "ở nhà nóng lắm con, bốn mấy độ, thỉnh thoảng lại mất điện", thương mẹ quá, thương mọi người ở nhà, nóng, bụi, ồn ào, mất điện...

Mẹ bảo: "hai năm nay thấy nóng hơn trước", không dám nói với mẹ rằng trong tương lai sẽ còn nóng hơn nữa, khí hậu sẽ còn khắc nghiệt hơn nhiều theo thời gian . Việt nam thuộc những nước có nguy cơ chịu ảnh hưởng cao nhất của sự biến đổi khí hậu, nóng hơn, bão nhiều và cường độ mạnh hơn, nước biển dâng sẽ làm mất đất, khổ nhất sẽ là dân nghèo. Không biết chính phủ Việt nam có kế hoạch chuẩn bị gì cho những ảnh hưởng này không, hay lại nước đến chân thì nhân dân tự nhảy. Đọc tin trên báo mạng gần đây về dự án tàu cao tốc và những chuyện chi phí hoành tráng cho 1000 năm Thăng long, năm cổng chào xây cất vội vàng... mình thấy thực là ngán ngẩm. Người dân cần cải thiện điều kiện sống một cách thực sự chứ đâu cần những thứ viển vông, xa hoa, bề ngoài, tốn tiền, không thiết thực.

Nói chuyện với mẹ về ngày xưa, cái thời không nóng như bây giờ, khi ấy nhà mình lại ở Thái nguyên, nhà tập thể cấp 4, nhà mình ở đầu nhà nên đầu hồi và đằng trước là vườn rộng rất mát. Bây giờ mẹ ở cùng anh chị ở Hà nội, nhà hộp nhà nọ gần sát nhà kia, mùa hè phải có điều hòa mới đỡ nóng, mất điện là chịu cực. Nắng nóng ít mưa kéo theo sông cạn nước không đủ chạy tuốc bin thủy điện, vậy là mất điện. Ngày xưa mất điện không phải chuyện ghê gớm, mình nhớ những đêm mất điện sáng trăng người lớn trẻ con ra hết ngoài bắc ghế chải chiếu chuyện vãn hát hò, gió đêm thổi về mát rượi.

Không nói về tương lai, hai mẹ con toàn nói chuyện ngày xưa, bao giờ cho đến ngày xưa, ngày xưa yêu dấu ngày xưa ngọt ngào...
Không muốn nói đến tương lai vì không muốn nhắc đến thời gian mỗi lúc một khắc nghiệt hơn, mẹ mỗi ngày mỗi già yếu, mẹ già như chuối chín cây, con thì ở xa và cũng đang tiến đến một tuổi già mà lòng khư khư ôm mãi một tâm trạng lâng châng không sao yên ổn được khi ở chốn xa xôi này.

Nhưng riêng có một chuyện thì thời tương lai được nhắc đến vui tươi đấy là chuyện về con trai, cháu trai ngoan của bà tháng chín năm học tới sẽ bước chân vào trung học (High school), riêng chuyện ấy thôi, còn thì chuyện nào cũng cũ...

29-6-2010

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2010

Tinh tế và cẩn trọng


Từ những buổi được Dr. L hướng dẫn sử dụng một số máy móc dùng trong thí nghiệm phân tích proteins (2D-electrophoresis-MS), tôi đã nghĩ đến một ngày nào đó tôi sẽ viết về bà. Tôi có ấn tượng thực sự về sự tinh tế và cẩn trọng trong khi làm việc của bà nhưng tôi không chỉ muốn liệt kê ra các chi tiết trong công việc đó một cách khô khan (khi viết nhật ký về công việc tôi viết đặc biệt khô khan, như thể một người khác vậy, không hề sến tí nào), tôi muốn viết về bà một cách mềm mại hơn, như là một nhân vật trong truyện chẳng hạn, dù chỉ để thỏa mãn ý muốn của tôi là nhìn bà theo một cách khác.

Ý muốn ấy của tôi có thể xuất phát từ việc quá mệt mỏi với những thí nghiệm dằng dặc, quá chán ớn những phòng lab đầy ắp trang thiết bị ít bóng người mà vui thú duy nhất của số người ít ỏi di động trong đó là có được những số liệu khô khan chết tiệt nào đấy, những số liệu này thì cứ ẩn hiện xa xa khiến họ phải miệt mài theo đuổi.

Thực sự có lúc tôi cũng rất say sưa nhưng có lúc tôi cũng muốn thoát khỏi đống thiết bị vây quanh để ngó vào chỗ nào có cuộc đời một tí, mạng mẽo chẳng hạn, ở đấy tôi có thể tán phét, trêu chọc ai đó, viết dăm câu thơ linh tinh, hứng chịu cả những vui buồn thị phi trên mạng... chỉ để cảm thấy có tí cuộc sống dù là cuộc sống ảo trong lúc chờ đợi máy chạy. Nền âm thanh của nhiều bài thơ tôi post lên forum là tiếng máy âm i thật khó quên.

Dr. L người thanh mảnh tuổi chừng hơn 50, chắc chắn hai ba chục năm trước bà rất xinh đẹp vì bây giờ những nét đẹp vẫn còn đấy dù có bị thời gian làm phôi pha, nghĩa là cũng hơi táo héo một chút. Sự kiêu hãnh của một thời xinh đẹp vẫn còn phảng phất khiến bà có một vẻ vừa hấp dẫn vừa từng trải rất dễ mến. Tiếng nói của bà vô cùng dịu dàng và nhẹ nhàng, không dài dòng quá cũng không ngắn gọn quá, như là tính đương nhiên của sự vừa phải, suối âm thanh thong thả lọt tai và đi vào ký ức rất dễ chịu. Tôi ngờ rằng bà có thể làm rất tốt nhiều nghề khác có liên quan đến nói năng diễn thuyết.

Tuy vậy, tôi cũng tự hiểu là bà rất cẩn thận khó tính, mọi thứ phải cực kỳ sạch sẽ tinh tươm, ngay cả khi tôi đã dùng cồn tẩy trùng những chỗ làm việc bà có lúc còn chưa yên tâm và tẩy trùng lại, thật là quá khó tính đi, nhưng làm thí nghiệm hóa sinh cẩn thận là không thừa nên tôi cũng hiểu được sự khó tính của bà.

Bà là người rất chính xác chuyện giờ giấc, nói chung hầu hết những người tôi biết ở trường tôi đều rất đúng giờ trừ một anh bạn Tàu hơi ất ơ hay muộn dăm mười phút đôi khi ở lớp. Mặc dù cũng có tên trong khoa Hóa Sinh trường tôi nhưng vị trí chính của Dr L là ở trường Y bên cạnh, bà quản lý hệ thống phòng thí nghiệm ở đấy, một số thí nghiệm trong nghiên cứu của tôi được thực hiện bên ấy. Bà thường hẹn tôi trao đổi ở văn phòng của bà trước khi làm việc. Phòng làm việc của bà gọn ghẽ và thoáng đẹp, một tủ tường rất lớn đựng toàn sách chuyên môn và các loại hồ sơ tài liệu, bàn làm việc rộng rãi. Trên tường treo một số tranh cảnh vườn cây của Nhật rất đẹp, có lần tôi cũng hỏi bà về những tranh này, bà nói bà rất yêu quý nước Nhật, bà kể nhiều chuyện về nước Nhật, tôi nghe chăm chú vừa phải, giá bà kể về Việt nam thì tôi chăm chú hơn nhiều. Tại sao lại không phải là VN nhỉ, tôi nghĩ luẩn quẩn như vậy lúc nghe bà nói chuyện, thằng con trai tôi cũng thích nước Nhật vô cùng, tôi thì chỉ thích Việt nam thôi, à bây giờ thêm Canada, thích vừa phải gần bằng VN.

Trong phòng thí nghiệm, bà giảng giải mọi điều tôi cần biết, bà cũng làm trước các động tác cho tôi xem để làm theo, tôi hiểu ý bà rất nhanh và làm theo chính xác cẩn thận, mọi thứ đều nhịp nhàng ăn ý. Bà rất cẩn trọng khi chạm vào thiết bị, như thể chúng có làn da biết đau vậy. Đầu tiên tôi nghĩ cảm nhận của mình hơi kỳ cục nhưng rồi mọi thứ diễn ra trước mắt khiến tôi không thể phủ nhận điều ấy. Có lúc tôi đã quan sát bàn tay của bà trước khi đeo găng, bàn tay nhỏ nhắn và dường như rất mẫn cảm khi chạm vào cái gì, ngay cả khi đeo găng vào, sự mẫn cảm vẫn còn đấy. Tôi bắt gặp một chút phản ứng rung nhẹ của bàn tay trước những thay đổi của máy, điều đó khiến tôi hơi sửng sốt như thể thấy bà làm việc trong dòng chảy của một tình yêu nào đó với cái máy vô tri này. Những buổi làm việc với bà đã xô đổ tận gốc rễ trong tôi thói quen vô tâm với máy móc, bà lắng nghe âm thanh của nó như thể bác sĩ nghe tiếng tim đập của bệnh nhân, tôi chưa biết một ai cẩn trọng và tinh tế như thế kể từ nhiều năm rồi làm việc trong phòng thí nghiệm.

Tôi yên lặng nhìn bà lau chùi từng chi tiết một của máy sau khi làm thí nghiệm với sự quan tâm tinh tế và cẩn trọng, như tình yêu, như thể khi tôi chọn lựa cẩn thận từng từ khi say sưa ngồi viết những câu thơ, bà cũng như tôi khi ấy làm việc đó với sự yêu thích say mê vô tư lự không hề bị ép buộc cũng như không phải vì tiền, một sự hết mình tự nguyện. Rồi tôi nghĩ không biết bao nhiêu năm tuổi xuân của bà đã trôi qua cho đến khi bà có được tình yêu này, sự rung động này, thứ tình yêu mà tôi chưa có được, gần như tôi chỉ muốn làm cho nhanh cho chóng để thoát ra ngoài trời hay chui vào mạng lẩn tránh sự hiện diện ngộp thở của lũ máy móc dụng cụ.

Dr. L khiến tôi cảm phục và suy nghĩ mãi dù tôi đã không gặp bà mấy tháng rồi, hiện tôi đã xong toàn bộ thực nghiệm và đang ở nhà viết luận văn. Tôi nghĩ về công việc trong phòng thí nghiệm nếu tôi lựa chọn như là một công việc suốt đời. Liệu tôi có yêu được nó mãi không, có thể nào như Dr. L đã yêu công việc của bà vậy. Có được tình yêu như vậy với công việc chắc chẳng bao giờ phải lên mạng thốt lên những câu chán đời rỗng tuyech nhỉ hay là viết mãi những câu thơ ba lăng nhăng. Có khi tôi cũng phải dần dần bớt vào mạng thôi. Hiện giờ thì tôi chỉ nghĩ được đến đấy, để xem thế nào. Cảm ơn bà, Dr. L.

PS: Tự nhiên tình yêu với nước Nhật của Dr. L khiến tôi nhớ đến bộ phim Nhật có tên Người gác tàu, kể về một người gác tàu yêu quý và gắn bó với công việc của mình cho đến khi chết, dù chuyện gì xảy ra cũng không bỏ vị trí, thật là một tình yêu công việc đáng khâm phục.

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2010

Dạy vợ

Tác giả: Thái Bá Tân

1
Ở nước nọ, nghe người ta kể lại,
Có một ông lấy vợ chẳng ra gì.
Bà vợ ấy bất cần nghe phải trái,
Luôn cãi chồng, lười, hỗn, khiến nhiều khi
Vì đau khổ, và cũng vì sợ hãi,
Ông hận đời, những muốn bỏ nhà đi.
Thế mà ông, một con người đáng quí,
Vẫn ở lại với vợ mình, chung thủy.

2
Ông còn đáng khen hơn về cả việc
Giỏi cắn răng chịu đựng chính con mình.
Cô giống mẹ, đó là điều thật tiếc,
Dẫu ưa nhìn, có thể nói, thông minh.
Thế mà láo, không ngớt mồm mắng nhiếc
Bọn người hầu, cái miệng nhỏ xinh xinh
Làm việc nữa, là ăn không ngừng nghỉ.
Con giống mẹ cái hư, sao thế nhỉ?

3
Không khó hiểu cô nàng này bị ế,
Tuổi hăm hai vẫn chưa lấy được chồng.
Ông bố hứa các thêm nhà. Bà mẹ
Hứa cho tiền, mà không vẫn hoàn không.
Nhưng cuối cùng, một anh còn khá trẻ,
Hoặc từ xa không biết, hoặc vô công,
Đến tự nguyện cầu hôn cô nàng nọ,
Không đòi thêm dù một đồng xu nhỏ.

4
Các bạn nghĩ thế nào tôi chẳng biết,
Nhưng theo tôi việc ấy thật điên rồ.
Lấy vợ hư là tự mình muốn chết,
Lại chối từ tiền các khoản tiền to.
Xét mọi nhẽ, để bù phần thua thiệt,
Khoản tiền này đáng lấy, của trời cho.
Phải chịu đựng cô vợ hư, khó tính
Mà có tiền, cũng dễ hơn chút đỉnh.

5
Anh dẫn vợ về nhà, ngay tối ấy,
Khi đưa cô lên giường ngủ, thấy phòng
Cửa chưa đóng, liền chỉ tay nóng nẩy,
Quát: “Cửa phòng, mày tự đóng hay không?”
Cửa không đóng, tất nhiên. Anh đứng dậy
Đá một hồi, cánh cửa gãy. Đang đông,
Cô vợ trẻ nằm im không dám nói,
Run vì rét, vì sợ chồng quá đỗi.

6
Tối hôm sau, anh bảo cây nến nhỏ:
“Tự thắp lên, không thấy hả, tối rồi!”
Nến không thắp, anh chĩa gươm vào nó
Rồi lừ lừ, chém một nhát đứt đôi.
Anh bảo vợ: “Bướng, lười như chúng nó,
Thì rõ ràng chỉ cách ấy mà thôi”.
Cô vợ nghĩ: “Với anh chồng như thế
Thì tốt nhất nên phục tùng lặng lẽ”.

7
Theo phong tục, năm tuần sau lễ cưới,
Anh phải thăm bố mẹ vợ lần đầu.
Con la nhỏ hai vợ chồng anh cưỡi,
Một xe quà nó phải kéo đằng sau.
Đến hồ nước, nơi nhiều người chăng lưới,
Nó ngập ngừng không chịu bước hồi lâu.
Anh quát nó, nó không nghe, rút súng,
Bắn một phát, ruột phòi ra khỏi bụng.

8
Rồi thản nhiên, anh khoác lên cổ vợ
Chiếc dây đeo cỗ xe nặng đầy quà.
“Con này láo, định giở trò vô cớ.
Thật đáng đời! Giờ có lẽ thay la
Em chịu khó kéo giúp anh”. Vì sợ,
Cô nàng đành è cổ kéo. Chúng ta
Dẫu thông cảm với anh, nhưng phải nói
Bắt vợ làm thế này là có tội.

9
Thế là muốn hay không, cô vợ trẻ
Phải kéo xe, khỏi nói mệt thế nào.
Chồng đi cạnh, thêm đôi câu khích lệ,
Chỉ một lần giơ súng bắn lên cao.
Xe đến nơi, ông bố cô vui vẻ
Hỏi: “Vợ chồng hai đứa sống ra sao?”
Anh rể đáp: “Dạ, chúng con rất ổn.
Vợ con ngoan, lại ít lời, khiêm tốn”.

10
Bà mẹ hỏi: “Chồng con yêu con chứ?”
“Dạ, rất yêu, - cô con đáp thực lòng,
Rồi dừng lại cúi đầu, hơi lưỡng lự. –
Tuy có phần nóng tính, mẹ biết không...
Nhưng không sao, với con, là phụ nữ,
Con yêu người mạnh mẽ, tính đàn ông”.
Bố mẹ vợ, dẫu còn chưa tin cả,
Nhưng nghe thế cũng ít nhiều hỉ hả.

11
Họ ở lại đúng ba ngày, mọi chuyện
Đều diễn ra rất tốt đẹp, và rồi,
Ngày thứ ba, trong tình thương lưu luyến,
Cô thực lòng kể bố mẹ, than ôi,
Chuyện chồng bắn chết la và chém nến,
Chuyện đêm đầu đạp cửa vỡ làm đôi.
Thế mà cô chẳng trách chồng, ngược lại
Còn khen anh công bằng, ưa lẽ phải.

12
Tiễn con về, suốt cả ngày ông bố
Cứ thẩn thơ như suy ngẫm điều gì.
Rồi tối đến, bước vào phòng, hùng hổ,
Chỉ cây đèn: “Mày phải tự thắp đi!”
Còn vợ ông, nằm trên giường, nói nhỏ:
“Này ông già, một ông lão ngu si,
Xin hãy bỏ cái trò kia lố bịch.
Để tôi nói cho ông nghe, nếu thích.

13
Ông đã ngốc, giờ ngốc hơn, bởi lẽ,
Quên xưa nay các cụ dặn: Làm chồng,
Muốn dạy vợ, hãy dạy khi còn trẻ.
Nó đã già thì dạy chỉ mất công.
Con lừa già, có đánh đau, vẫn thế,
Vẫn bướng, lười, ông có dạy được không?”
Ông già nghe, gãi đầu, rồi sau đó
Lại như cũ, như xưa nay vốn có.

14
Chuyện chỉ thế, nhân đây tôi chợt nhớ,
Có một anh vào hiệu sách Hàng Đào,
Xin hỏi mua cuốn cẩm nang dạy vợ.
Người bán hàng ái ngại nói: “Ôi chao,
Sách viễn tưởng thuộc loại này, tôi nhớ,
Chưa bao giờ được xuất bản, buồn sao”.
Câu chuyện này coi như thay đoạn kết.
Tôi chẳng biết nói gì thêm. Tạm biệt.

Hà Nội, 24.4.2009.
Thái Bá Tân

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2010

Craig Venter's work


Trong video trên ông Venter kể về công việc của nhóm ông, nói vắn tắt lại công việc đó bao gồm mấy bước: giải mã vật chất di truyền của một loại vi khuẩn (A), sử dụng mã để tổng hợp vật chất di truyền giống thế và đưa vật chất di truyền đó vào tế bào một loại vi khuẩn khác (B) để vật chất di truyền này hoạt động như là một phần mềm điều hành tế bào vi khuẩn B nhân bản tái tạo lại loại vi khuẩn ban đầu A.

Theo tin mới đây, công việc của nhóm ông Venter đã có kết quả tốt đẹp, thành công của nhóm ông có ý nghĩa quan trọng trong Biotechnology nhưng ứng dụng của nó thì chắc còn đợi thời gian.

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

Trêu chồng

Tối trời mát mẻ, tắm táp sạch sẽ, đầu gối lên tay...
- Anh kể chuyện mối tình đầu của anh đi
- Kể rồi còn gì
- Kể lại đi, lần trước kể không kỹ.
- Kể thế thôi, kể kỹ quá em lại nhớ thuộc lòng thỉnh thoảng lôi ra đọc thành vè à?
- Hic hic, có đọc thì đọc thành thơ thôi, tình thơ mộng vậy, ai lại đọc thành vè.
- Thôi, tha cho anh.
- Kể đi rồi tha.
- Hay cho anh kể tình cuối vậy nhé.
- Không, đã biết là cuối thật chưa, cứ kể tình đầu là chắc đầu hơn.
- Thôi được rồi, chị ấy tên Nguyên, học cùng lớp cấp 3, lớp 12 hay gọi anh lại cuối giờ để hỏi bài...
- Chị ấy xinh không?
- Em gặp rồi còn gì, chị ấy sau lấy chồng ở cùng khu Đồi Độc lập với nhà em đấy thôi.
- Lúc lấy chồng có con rồi không tính, em hỏi cái lúc hỏi bài cơ?
- Cũng được, xinh nhất lớp.
- Xinh lắm à?
- Ừ, xinh.
- Hỏi bài gì?
- Bài môn toán, lý.
- Xong gì nữa.
- Anh giảng bài cho chị ấy.
- Có hai người thôi à?
- Ừ, có hai người thôi.
- Xong thế nào.
- Chị ấy hỏi bài nào anh giảng bài ấy.
- Giảng xong thì sao?
- Giảng xong thì đi về, mỗi người một ngả.
- Thế anh không nói gì à?
- Không.
- Sao anh không nói gì?
- Nói gì là nói gì?
- Ôi giời, lại còn phải bảo.
- Lúc ấy chị ấy đã thành thiếu nữ lớn hơn anh, anh hồi cấp ba mảnh khảnh.
- Thế anh có thích chị ấy không?
- Thích.
- Thích sao không nói.
- Vì lúc ấy anh còn phải ôn thi đại học, chưa biết tương lai thế nào.
- Thế anh không nói gì hết à.
- Ừ.
- Xong sao?
- Anh đi học đại học, chị ấy ở nhà rồi đi làm gì đấy, rồi lấy chồng.
- Anh buồn không?
- Cũng buồn một ít.
- Chán anh thật, yêu mà không nói. Để rồi lại tiếc.
- Có tiếc đâu.
- Đấy, giờ tiếc cũng không dám nhận...
- Không tiếc.
- Có tiếc.
- Không.
- Có.
- Không. Thôi, lần sau đừng bắt anh kể nữa nhé, khỏi lằng nhằng.
- Có lằng nhằng đâu.
- Có đấy thôi.
- Không lằng nhằng.
- Ừ thì không. Tóc thơm thế...
...

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2010

Thuận Thành đang mưa

Nhà thơ Hoàng Cầm có nhiều bài thơ hay, trong thơ ông luôn có bóng dáng của vùng đất quê hương đẹp như mơ và những tình người lãng mạn như không thực. Người ra đi thơ thì ở lại, xin post ở đây hai bài thơ của nhà thơ Hoàng Cầm để tưởng nhớ ông.

Mưa Thuận Thành
Hoàng Cầm

Nhớ mưa Thuận Thành
Long lanh mắt ướt
Là mưa ái phi
Tơ tằm óng chuốt
Ngón tay trắng nuột
Nâng bổng Thiên Thai
Mưa chạm ngõ ngoài
Chùm cau tóc xõa
Miệng cười kẽ lá
Mưa nhòa gương soi

Phủ Chúa mưa lơi
Cung vua mưa chơi
Lên ngôi Hoàng hậu
Cứ mưa Thuận Thành
Giọt mưa chưa đậu
Vai trần Ỷ lan

Mưa còn khép nép
Nhẹ rung tơ đàn
Lách qua cửa hẹp
Mưa càng chứa chan
Ngoài bến Luy Lâu
Tóc mưa nghiêng đầu
Vành khăn lỏng lẻo

Hạt mưa chèo bẻo
Nhạt nắng xiên khoai
Hạt mưa hoa nhài
Tàn đêm kỹ nữ
Hạt mưa sành sứ
Vỡ gạch Bát Tràng
Hai mảnh đa mang

Chiều khô lá ngải
Mưa gái thương chồng
Ướt đầm nắng quái
Sang đò cạn sông

Mưa chuông chùa lặn
Về bến trai tơ
Chùa Dâu ni cô
Sao còn thẩn thơ
Sao còn ngơ ngẩn
Không về kinh đô

Mưa ngồi cổng vắng
Mưa nằm lẳng lặng
Hỏi gì xin thưa
Nhớ lụa mưa lùa
Sồi non yếm tơ

Thuận Thành đang mưa...


Chị em xanh
Hoàng Cầm

Chị đi một chuyến chơi xanh cỏ
Quay bánh linh xa miết triệu vòng
Nhặt sợi vô cùng thêu áo gối
Mau về mừng cưới
(nhớ em không?)

Đón chị hồn chênh
lệch bóng đêm
Chân không dìu dặt cánh tay mềm
Tóc buông đổ thác về vô tận
Bát ngát mùa
đương độ tuổi em

Vậy thì em ngắt quãng tân hôn
Theo chị lùa mưa đuổi nắng buồn
Hai đứa lung linh lơi yếm áo
Thuyền trăng dềnh sã cánh cô đơn

Chị vỡ pha lê. Bùn vấy tay
Hồn trong em chuốc chị chiều say
Là em cưới chị xanh thiêm thiếp
Sinh một đàn con
Mây trắng bay.

---