Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2010

Hạn chế của thơ lục bát

Đã lâu rồi, vào một lúc ngay khi viết xong một đoạn lục bát, tôi nhận ra hạn chế của thể thơ được dùng nhiều trong ca dao này. Tôi rất yêu lục bát, bây giờ yêu, sau này vẫn yêu nhưng không vì thế mà tôi không nói ra cảm nhận của mình về cái "dở" của thể loại này.

Luật vần sáu tám khiến câu thơ bắt buộc phải chui khít cái khuôn ấy thành ra câu thơ nhiều khi phải nới ra hoặc co lại cho vừa, việc này khiến cho dòng thơ có lúc như có những khoảng rỗng chẳng để làm gì mà chỉ phục vụ mục đích vừa khuôn vần luật. Có chỗ thì phải ép chặt lại cũng chỉ vì vần luật. Sự kết hợp hài hòa giữa vần luật và dòng chảy của ngôn ngữ để tạo ra một câu thơ hay như câu : "Cô kia tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi" là rất khó, phải vừa vặn không thiếu không thừa, hồn nhiên như không hề có sự sắp xếp co kéo.

Người xưa hay ví von, mượn trăng hoa mây gió để nói cảm xúc thì từ ngữ có thể giãn rộng hay co hẹp mà vẫn không để lộ dấu tích nhưng cảm xúc của con người hiện đại thì trần trụi hơn, chúng cần được chảy ra một cách thoải mái tự nhiên trong thơ, không gò ép, không thêm đắp. Những sự thêm đắp gò ép dễ khiến câu thơ thành sáo rỗng giả tạo.

Những câu thơ 6, 8 nối nhau đều đặn cũng dễ tạo ra lối mòn nhàm chán, dễ gây cảm giác cũ, sến. Trong lục bát, để tạo ra sự bùng nổ dồn nén của câu thơ chỉ có trông chờ vào vần sáu và vần tám. Còn muốn tạo ra sự đứt gãy tan nát thì dường như không thể vì lúc nào vần luật cũng ngoan ngoãn chỉn chu chui vào độc một cái khuôn ấy. Nhiều bài lục bát đọc lên luôn gợi cảm giác hoài cổ, xưa cũ.

Bàn liều như vậy về thể thơ lục bát, còn đây là mấy câu comment ở blog hòa thượng THT dựa vào nội dung entry Ký ức Ấn độ:

Sách hay đọc lại càng hay
Tri âm gặp lại càng say khúc đàn
Ta đi đường đất muôn ngàn
Vẫn mong về lại cơ hàn cảnh xưa

15 nhận xét:

PTN nói...

Bàn thêm : Làm thơ lục bát vừa dễ lại vừa khó. Làm ra câu thơ thì dễ (bằng cớ là thơ con cóc rất nhiều thơ lục bát), nhưng làm được câu thơ lục bát hay thì khó lắm.

HY đúng, cảm xúc thời hiện đại làm thơ lục bát khó hơn. Năm 2001, Đặng Vương Hưng ra tập thơ HỌC QUÊN ĐỂ NHỚ, toàn lục bát. Mà cũng rất nhiều bài thơ làm từ trước, cũng đã có in từ tập ĐANG YÊU rồi. Tuy nhiên, phải công nhận là nhiều câu hay.
...Tôi đi qua cuộc chiến tranh
Từ rừng về phố hoá thành ngu ngơ

... Bốn mươi xuân vẫn mỏi mong
Chị như lá úa giữa nong kén vàng

... Cửa nhà vắng tiếng trẻ con
Chị như hoa dại héo hon từng ngày

... Bao giờ lại đến... ngày xưa
Em xinh đẹp lắm mà chưa có chồng

... Khi em thêm một lần chồng
Ngập ngừng mây trắng
Trên đồng
Ngại bay

Titi nói...

Lục bát chỉ hợp khi lòng ta yên ả, tâm trí nhạt nhòa muốn hòa cùng vạn vật.

Khi nào cảm xúc rất thăng hoa, tâm hồn bay bổng, trí tuệ định dạng vượt lên trên cảnh vật thì lục bát ắt thất bại :-D

HY nói...

PTN: đúng là viết theo luật lục bát thì dễ mà viết được câu lục bát hay khó thật. PTN nhớ được nhiều thơ thế, Đặng Vương Hưng viết về phụ nữ sắc nét nhỉ :)

HY nói...

Titi: nhớ bài thơ Titi viết khi đi chùa quá, mình đọc gai hết cả người, công nhận thơ tự do thể hiện được cảm xúc đa dạng phong phú hơn.

PTN nói...

Mình có được ĐVH tặng 1 cuốn HỌC QUÊN ĐỂ NHỚ, tiếc rằng anh ấy "sắc nét" quá nên ngã cái oạch, hì hì

Lana nói...

Mình thấy biến thể một chút là song thất lục bát dễ đọc và khiến thơ đỡ 'đơn điệu' đi một chút, đúng không nhỉ?

HY nói...

@PTN: ah, mình có nhớ đã đọc về vụ ngã của ĐVH cũng có liên quan đến chị em thì phải.

@Lana: vâng đúng đấy ạ, chị Lana nhắc em mới nhớ ra là các cụ ngày xưa cũng có nỗ lực cách tân lục bát cho đỡ nhàm chán bằng hình thức song thất lục bát mà ví dụ điển hình là tác phẩm Chinh phụ ngâm:

Thủa trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này
Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt,
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.
Chín tầng gươm báo trao tay,
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh
...

Nặc danh nói...

Tặng chị HY một con cóc

Có thần lục bát mới bay
Không thần lục bát lăn quay ra đường (băng)

HY nói...

Haha, hai câu của Hòa thượng chính xác như toán học, lục bát không có thần thì không thể cất cánh được chỉ có nằm ăn vạ ở đường băng thôi. Vậy là quay trở lại nhiệm vụ người viết: phải cung cấp "thần" cho lục bát như người ta cung cấp xăng cho máy bay. Cảm ơn Hòa thượng nhiều :)

Nặc danh nói...

Khi bậc thày chỉ ra cái chỗ yếu hiểm của nghề, chính lúc ấy cái nghề đã lại được vượt thêm lên!

Thật biết ơn HY về những phân tích rất hóc hiểm này!!!

Cụ Hinh

HY nói...

Cụ Hinh khen quá lời, HY chưa được như vậy ạ.
Cảm ơn Cụ Hinh đăng lại bài này ở blog Nước đến chân :)

Nặc danh nói...

Các bác hơi khắt khe với lục bát đấy nhé. Bà tôi là người không biết chữ, hầu hết các cụ bà ngày xưa không đi học nhưng đối với các cụ thì đúng là xuất khẩu thành thi, cací lục bát nó nằm ngay cửa miệng rồi, ai ngờ một người không biết chữ lại ứng khẩu câu này: Anh về thủ phận lo nghèo /Mặt chưa đáng mặt chơi bèo giỡn trăng, lại trả lời: Chơi cho cây úa lá vàng / Chừng nào bèo rữa trăng tan mới về...

HY nói...

Bốn câu bà bác ND đọc rất hay, cảm ơn bác đã ghi lại :)

Nặc danh nói...

uhm. theo con nghi thi tho luc bat co nhieu uu diem hon la khuyet diem. ngoai nhung gi bac da neu thi con thay viec cac cau 6 8 noi nhau chua han la gay nham chan ma nguoc lai no con lam cho loi van them muot ma, an khop va de di vao long nguoi boi van dieu on dinh cua no day chu!!! theo y kien cua con la nhu vay

Nặc danh nói...

ak quen. em xin loi. phai goi la chi hoang yen chu nhi