Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

The Goodness in Our Hearts

 Đồng cỏ bên bờ sông bữa trước còn trơ trụi sau khi tuyết tan, bữa nay cỏ đã mọc lên xanh tuy còn mỏng manh chưa kín hết. Một buổi chiều Xuân, tôi chạy trên cỏ quay video cho chồng và con tôi nhảy nhót và hát bài hát có tên: “Tốt lành trong trái tim ta” do con trai tôi viết.

Last time, the grasslands on the riverbank were still bare after the snow melted, today the grass has grown green, although it is still thin and not yet fully covered. A spring afternoon, I ran on the grass and recorded a video for my husband and son to dance and sing a song called: “The Goodness in Our Hearts” written by my son.




Thứ Năm, 21 tháng 4, 2022

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2022

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2022

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2022

The power of the dog

(Status Facebook THY Dec 25,2021)

Đợt này mình bận nhiều, xem được mỗi phim The power of the dog, thấy khá hay nhưng cũng khiến mình nghĩ ngợi, sau đây là suy nghĩ của mình về phim này (có tiết lộ nội dung).

Bộ phim xoay quanh bốn nhân vật, hai anh em Phil, George và hai mẹ con Rose, Peter. Hai anh em cùng quản lý trang trại nhưng tính cách khác biệt, Phil thô bạo dữ dằn, khắc họa đặc trưng nam tính độc hại, trong khi George điềm đạm đúng mực, có thể hơi hiền lành quá. Nếu trông đợi George ở vị trí công lý cho bi kịch mất người thân thì công lý đã bị bịt mắt mặc dù có lờ mờ một chút ngạc nhiên. Nhưng Phil mới thực sự là tâm điểm của bộ phim, khi Phil chết câu chuyện coi như kết thúc. 

Ở đây có một cuộc đấu tranh ngấm ngầm lật đổ nam tính độc hại Phil của hai mẹ con Rose, Peter. Nếu Rose khi bị bắt nạt chỉ có vũ khí là nước mắt và sự  nhẫn nhịn rồi bám víu vào rượu vì ngay cả người chồng George “công lý” cũng không thể che chở được cô trước sức mạnh của Phil thì con trai Peter, sức mạnh mới đâm chồi trong dáng vẻ nữ tính thanh cảnh tinh tế, lại có vũ khí kinh khủng: khoa học, ngấm ngầm và độc địa! 

Trước khi Rose lấy George hai anh em nhà Phil sống với nhau có sự cân bằng nhất định cho dù cả hai đều có những bí mật của riêng mình, Phil thì giấu mình là gay còn George thì luôn thấy cô độc dù có Phil bên cạnh. Sau khi George lấy vợ bí mật bất chấp sự phản đối của Phil, cân bằng bị phá vỡ và khiến cho Phil tấn công hai mẹ con Rose. Nhưng có lẽ mọi sự bắt đầu từ vấn đề của chính Phil, với ham muốn bắt nạt kẻ yếu hơn hay khác mình. Nhưng nguyên thuỷ của Phil có thể chính là một Peter xa xưa đã từng bị bắt nạt hay bị lạm dụng. 

Vòng đời không lặp lại như cũ, mọi chuyện đã chấm dứt. Ai đó cảm thấy hài lòng chăng? Tôi thì khá sợ hãi. Vì Peter vị bác sĩ tương lai đã bịt mắt được công lý cho dù công lý lúc nào mà chẳng lờ mờ và cho dù cậu trai lấy lý do bảo vệ mẹ là tôn chỉ để tiến hành quá trình loại bỏ đối phương một cách độc địa. Và tôi chợt nghĩ đến vai trò của cậu ta trong cái chết của người cha, dự đoán của tôi thật kinh hoàng. Rose có vẻ được bảo vệ bằng bất cứ giá nào, như những bông hoa mà chính Peter đã tạo ra, kẻ phá hoa sẽ chuốc lấy cái chết. Cho dẫu phút ưu tư trước khi ném cái dây da nhiễm khuẩn vào gầm giường có một vẻ gì đó hơi bối rối, cho dẫu nụ cười thầm trong bóng tối trước hạnh phúc của người mẹ, nhân vật mảnh dẻ rất enjoy cuộc đời này vẫn khiến ta lạnh tóc gáy.

Chuyện Đen Vâu

(Status Facebook THY January 7, 2022)


Lần đầu tôi nghe Đen Vâu là do Tung Hoang giới thiệu, cách đây cũng lâu rồi, có lẽ cả chục năm. Ở Đen khi đó có sự phá cách, nổi loạn nhất định, một cuộc kiếm tìm của tuổi trẻ dễ khiến tuổi trẻ đồng cảm. Nghe Đen hát khi đã mình đã trung tuổi rồi nên tôi không có sự háo  hức với những tuyên ngôn, triết lý bụi bặm của cậu ta hay sự bế tắc của tuổi trẻ đương thời mà chỉ quan tâm đến sự sinh động của ngôn từ, tôi có cảm giác cậu này chính là một nhà thơ, như thể một Nguyễn Thế Hoàng Linh khác đang thao thao bất tuyệt trên sân khấu nhạc với một phong cách khác biệt không hề trộn lẫn với ai.


Lâu lâu tôi nghe Đen một lần khi có những sáng tác mới nổi sóng. Kể từ khi Đen băn khoăn: “thế giới này không phải của chúng mình” hay hoài vọng: “tôi cứ đi tìm đi tìm đi tìm…” rồi cộc cằn bất chấp: “và anh đếch cần gì nhiều ngoài em”… cho đến sự chỉn chu trong toan tính: “mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ” của những ngày này có lẽ đã vẽ thành một đồ thị diễn tiến tâm lý nhất định. Và tôi cũng nhận ra Đen không còn trẻ nữa. Thêm vào đó là Đen đã rất nổi tiếng và giàu có, không phải là Đen nghèo khó, bất mãn khi xưa.


Hôm trước đọc bài của Khải Đơn viết về bài Mang tiền về cho mẹ, bài viết hay thấm thía nhưng sao tôi lại cứ muốn bênh Đen. Từ khi nào một bài ráp lại được phân tích trách nhiệm xã hội như thể một bài xã luận báo Nhân dân khi xưa? Chắc là khi mà người đọc báo ND ít đi, tình trạng người mà ai cũng biết là ai đấy đã nói: “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị” còn bài rap kia thì có cả triệu người nghe. Cốt lõi vẫn là nhân tâm con người đang hướng tới đâu. Thật ra tôi có thể kể ra rất nhiều người không nghe Đen nhưng nghệ sĩ có cả triệu view như Đen là ít thôi. Và bài Mang tiền về cho mẹ nó phản ánh thực tế cuộc sống, của Đen và nhiều bạn trẻ và hết trẻ khác, của mẹ Đen và nhiều bà mẹ Việt nam khác, cuộc đời là như vậy, Đen hát vậy đâu có gì sai? 


Nhưng Khải Đơn cũng đừng buồn, rồi sẽ có những nghệ sĩ trẻ tuổi mới xuất hiện và họ sẽ hát những bài hát khác, cuộc đời luôn có những vòng sóng mới khiến ta bất ngờ. Và hy vọng.

Music video: Freedom

 Cuối tuần này có lễ Phục sinh, ở Canada mọi người được nghỉ một kỳ nghỉ cuối tuần dài từ thứ Sáu (ngày này được gọi là Thứ Sáu Tốt lành nằm ngay trước ngày Chủ nhật Phục sinh). Chúc các bác và các bạn một lễ Phục sinh vui vẻ! Mời mọi người xem video bài hát của bạn DJ Sơn có tên Tự do.

 Easter is coming this weekend, it’s a long weekend, Good Friday (the Friday before Easter Sunday) is a federal statutory holiday across Canada. Happy Easter! Please watch the video of the song called Freedom written by DJ Son.





Thứ Hai, 11 tháng 4, 2022

Music Video: Critical Mission

 Đây là video mới ghi một bài hát của bạn DJ Sơn, mời các bác và các bạn nhấn nút subscribe để xem các video tiếp sau sẽ quay trong mùa xuân này.

PS: người quay phim chính là em các bác đấy ạ 🙂 


Here’s new video for a song written by DJ Son Thanh Truong, please click subscribe to see the following videos which will be filmed in this spring.




Thứ Năm, 7 tháng 4, 2022

Music Video: Heartbeat

The snow has melted in the riverside park, the video for the song written by DJ Son called Heartbeat was filmed against the background of trees and grasses exposed after a long cold winter.

Tuyết đã tan hết ở công viên bờ sông, video bài hát mới có tên Nhịp tim của DJ Sơn được quay trên nền cây cỏ lộ ra sau một mùa đông dài lạnh giá.



Bánh chị Hoài

(Status Facebook THY)

Mặc dù thuộc thể loại yêu truyền thống thích bánh chưng (Tết nào cũng kỳ cạch tự gói lấy bánh ăn dù ở tận đất Gia Nã Đại, tuy ăn miếng nào cũng chạy cật lực miếng đấy cho giảm calo) tôi vẫn có thể điềm đạm đọc bài chị Hoài như một tản văn nhiều tính hài hước mà gần đây người ta hay viết để mua vui, để gây hấn với đám đông từ một góc nhìn thiểu số hoặc thậm chí từ một điểm xa góc hẹp nhất nơi người ta có thể dùng văn chương làm đòn bẩy đẩy lộn nhào tất cả. 

“Trò chơi vô tăm tích” văn chương như chính chị Hoài từng gọi chẳng khác gì hòn đá tảng mà Sisyphus kỳ công đẩy lên đỉnh núi rồi đứng nhìn nó rơi tụt xuống vực sâu. Ngay cả Nguyễn Du xưa kia lao tâm khổ tứ vào Truyện Kiều cũng phải tâm sự câu cuối chốt lại: “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Một thi sĩ nào đó sau ông còn chua chát: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo!”. 

Vậy thì tại sao đám đông kia lại phải hớt hải rủ nhau vào ném đá chị Hoài? Điều này có sự liên quan đến một là môn toán xác suất thống kê mà thỉnh thoảng có ví dụ ta thường gặp trên Vnexpress thống kê ý kiến độc giả trong một vấn đề gì đó, hai là liên quan đến chính môn thể thao ném đá mạng mà ta hay gặp ở Facebook các trọng tài bắt những trận đội VN thua. Nếu có 99.99% người yêu bánh chưng và 0.01% người ghét bánh chưng thì có nghĩa là bánh chưng vẫn tiếp tục được yêu thích sao lại cần phải đập cho 0,01 xuống thành 0? Không cần phải như thế bởi vì điều đó là không thể, cũng như Ta đã không thể giữ chủ trương “Không Covid” hay Tây không thể tiến tới tiêm chủng 100%. Nhưng tôi cũng thông cảm với sự hồn nhiên của đám đông ném đá chị Hoài kịch liệt tựa như thông cảm với những người lái xe tải biểu tình ở Ottawa cứ đòi “F*ck Trudeau”, tôi vẫn muốn Trudeau cởi mở thảo luận với họ, chúng ta đang sống trong một thế giới đa niềm tin, đa thần giáo, trong khi khoa học thì lập loè như sao buổi sớm, phải làm sao để giữ tất cả thuận hoà. 

Cho nên tôi rất nể trọng chị Hoài khi chị phản ứng bình thản trước một đám đông cả mấy nghìn comment, không xoá ai, không block ai, thậm chí ngay cả sự phẫn nộ của đám đông cũng trở thành chất liệu cho công việc viết của chị. Và cũng có những comment rất thú vị trình bày một cách lịch sự vì sao họ thích bánh chưng, văn vẻ và lý lẽ rất rõ ràng tưởng cũng có thể đối đáp lại được những lý lẽ của bài chị Hoài, có những comment phản tỉnh cho đám đông, có những comment ủng hộ chị Hoài… Cuối cùng ta có thể thấy một tác phẩm đầy đủ, một bên là nhà văn một bên là công chúng. Giờ thì tôi có thể yên tâm nghĩ ngợi về văn chương chị Hoài.

Văn chị Hoài có tiếng từ lâu với những truyện ngắn đặc sắc trong hai tuyển tập truyện ngắn Mê Lộ (1989) và Man Nương (1995). Quãng thời gian đó, tôi học đại học và ra trường đi làm, tôi đọc văn chị thấy rất khác những nhà văn khác, khác cả Dương Thu Hương mà sinh viên bọn tôi cũng hay đọc. Sau khi đi làm rồi, tôi đọc một tác phẩm khác của chị là Marie Sến (1996), cuốn này tuy không tuyệt tác nhưng xem cách từ ngữ sinh sôi dưới ngòi bút của chị một cách phong phú và sinh động tôi thấy rất nể phục chị. Chị Phạm Thị Hoài còn có tiểu thuyết Thiên sứ ra năm 1988, tiếc là khi đó sách bị cấm hay sao đó nên tôi không có để đọc, có lẽ phải tìm đọc lại cuốn này. Tôi cũng rất tiếc chưa thấy ai làm nghiên cứu về biểu hiện nữ quyền trong văn chương của Phạm Thị Hoài giai đoạn sáng tác này của chị mặc dù mọi người rất hay đưa hình ảnh “dương vật buồn thiu” trích dẫn của chị ra làm ví dụ để cười đàn ông Việt, nói thật là đọc chị Hoài tôi vừa hoảng hốt vừa khoái chí, không có nữ nhà văn nào trước đó đem đến cho tôi cảm giác đó, có chăng là một nhà thơ nữ lâu rồi: Hồ Xuân Hương.

Giai đoạn sau, khi đã ở nước ngoài, tôi đọc chủ yếu những bài viết của chị trên mạng.

Giai đoạn chị Hoài tổ chức Talawas rồi đến giai đoạn viết blog Pro&Contra hay sau này viết cho báo Trẻ dường như chị hướng về viết báo chứ không còn sáng tác văn chương như trước. Chị viết về những sự việc có thật, con người thật, nơi chốn thật, và đưa ra quan điểm rõ ràng của bản thân một cách không khoan nhượng. Nhưng văn chương vẫn nằm đâu đó trong các bài viết của chị như những áng mây viền núi đồi và thành phố khiến cho khung cảnh trở nên khuyến dụ hơn, hấp dẫn du khách hơn. Đấy là với những du khách yêu thích văn chương của chị, có cả những du khách coi những đám mây là chướng ngại khiến cảnh vật thêm u ám. Tôi nghĩ những bài báo của chị Hoài có độ hấp dẫn nhất định chính là nhờ chất văn trong đó.

Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó, những hoạt động dịch thuật, biên dịch, biên tập, biên soạn, xuất bản các bản thảo cũ, chủ xướng trang web Talawas, giới thiệu và đăng tải về Văn Nhân Giai Phẩm,… của chị bên cạnh các bài viết khiến cho người ta nghĩ đến chị như một người chủ trương khơi cho văn chương Việt thêm một dòng chảy tự do hơn bên cạnh dòng chảy chủ đạo trong nước dưới sự kiểm duyệt của chính quyền. Rồi thời gian trôi qua, các dòng chảy tương tác với nhau, đó có lẽ cũng là một phần vai trò của Talawas dù trang này đã dừng hoạt động.

Năm 1997, trong một bài báo về Trần Dần có tiêu đề “Thủ lĩnh trong bóng tối” chị đã viết: “Không người viết nào muốn thuộc về phía tối của đời sống văn học, song khi phía được chiếu sáng quá tầm thường thì được khuất mặt có thể là một hãnh diện chính đáng.” Lần đầu đọc truyện ngắn Ám thị khi còn là sinh viên, tôi không hiểu lắm nhưng khi đọc bài báo này của chị thì tôi đột nhiên liên tưởng và hiểu ra truyện Ám thị khi xưa của chị. Truyện đó kể về một cặp vợ chồng và một thầy tẩm quất mù mà chính người chồng đã đưa về để phục vụ vợ mình, dần dà người tẩm quất mù tuy chỉ biết đến bóng tối nhưng lại hiểu rõ cơ thể người vợ tới mức khiến cho nàng rung động đồng điệu hơn cả người chồng mắt sáng, rốt cuộc người mù bỏ đi vội vã để lại nỗi mong nhớ của người vợ bên cạnh người chồng ghen tuông tra tấn… 

Tôi đã liên tưởng quá lên hay đúng là chị Hoài đã lựa chọn con đường cho mình từ cái thủa xa xưa vào quãng năm 1987 khi chị lần đầu đến gặp Trần Dần? Từ khởi đầu đó, người đàn bà nhà văn thông minh và chua chát đã chọn dòng văn chương bị vùi dập trong bóng tối để nâng niu ôm ấp, để về sau tạo điều kiện cho dòng chảy đó hiện diện sang trọng trên Talawas, trên mạng Internet? Dù sao thì tôi cũng cần phải cảm ơn chị vì đã vào trang đó đọc khá nhiều thứ, tôi nghĩ nhiều người cũng sẽ biết ơn vì chị đã dựng lên trang Talawas, nghĩ mà xem, phụ nữ Việt như chị chẳng phải cũng anh hùng lắm sao? Tôi nhớ đến những người mẹ, người chị Việt nam luôn cưu mang cả những chiến binh thất trận với cảm giác thật dịu lòng.

Kể từ thủa Talawas được dựng lên rồi bị tường lửa, chị Hoài với chính thống khó ưa nhau. Truyện Ám thị đã vận vào đời chị hay chính chị đã chọn bên đối diện với chính thống làm lối đi cho mình cho suốt tới về sau và mãi đến bây giờ? Tôi cũng không rõ nữa nhưng tôi thấy chị vẫn là một Phạm Thị Hoài kiên định dù thôi chỗ nọ viết chỗ kia rồi lại thôi chỗ kia viết chỗ ấy, nhưng chính thống có được một ngòi bút phản biện như chị thì cũng may cho chính thống, vì phản biện chua cay, nhiều bài hay nhưng chưa bao giờ tới mức làm rung rinh bàn cờ chính thống. Dường như chị Hoài cũng có những mối quan hệ rất tốt trong nước chở che để không bao giờ gặp những chuyện rắc rối về chính trị chính em. Nhiều bạn tôi trong nước khá thờ ơ với các bài viết của chị nhưng tôi và những người bạn chơi diễn đàn xưa thì vẫn hay đọc chị, đôi khi rung rinh, nghĩ dầu sao cũng có người viết như thế, như thế trong khi mình thì bận túi bụi vì cơm áo, gạo tiền, chồng con, mèo chó…

Thủa còn viết truyện, có lần chị Hoài so sánh hôn nhân như một “món nộm suồng sã”, đôi khi đọc văn chị, tôi lại nhớ đến hình ảnh so sánh này, dường như nhà văn muốn phơi bày tất cả những góc khuất tâm lý con người ra ngoài qua từng câu chữ sát sạt và hình ảnh sống động. Nếu văn chị viết là món bánh thì nhân của nó rất nhiều gia vị chua, cay, mặn mòi, hăng, xóc. Nhưng bánh của chị là thứ bánh không cần che đậy, gói ghém phiền phức, ai thích ăn sẽ nhận ra ngay, ai không thích có thể bỏ qua, đây không phải loại bánh đánh lừa người ta bằng cái vỏ ngoài, những người yêu thích và kiên nhẫn đợi bánh lần sau hẳn chẳng bao giờ thất vọng.

11-2-2022


Ký ức về tháng 2 năm 1979

 (Status Facebook THY)


Trước ngày đó mọi sự như đã âm thầm chuyển động. Chuyên gia của họ rút về nước, một gia đình hai vợ chồng bác Phong ở dẫy tập thể nhà tôi cũng chia tay với hàng xóm láng giềng để về nước như vậy. Sau này nghe bài hát “Thép ta vẫn ra lò dù bao gian khó”, tôi lại nhớ về chuyện ấy. 


Khi đó tôi mới chín tuổi rưỡi, thập thò ở các cuộc họp tổ của dãy tập thể nghe bác tổ trưởng nói về một chuyện trọng đại có thể xảy ra và tất cả những gì cần phải chuẩn bị. Mẹ tôi khâu những túi nhỏ bên trong quần cho tôi và anh trai tôi để có thể cho chút tiền vào đó phòng khi trẻ con phải đi sơ tán. Người lớn sẽ ở lại bảo vệ Gang thép, tôi nghe mọi người bảo thế. Gang thép bỗng chốc như khác đi, các giao thông hào thời chống Mỹ được khai thông lại, hầm địa đạo đi xuyên Đồi Độc lập cũng được sửa sang hai phía miệng hầm và dọn dẹp đường hầm bên trong. Chúng tôi thậm chí có thể rủ nhau đốt đuốc đi từng nhóm xuyên qua hầm địa đạo. Còi tan tầm Gang thép luyện thử tiếng còi báo động của chiến tranh.


Đó là một mùa Xuân của thời bao cấp, vẫn túi hàng Tết nhà nào cũng được phân phối gồm có chè, thuốc, cà phê và một gói mứt, trên gói mứt có dán hình cành đào nở hoa màu hồng và dòng chữ Chúc mừng năm Mới. Nhưng nỗi hoan hỉ khi mùa Xuân về đã len lỏi nỗi lo lắng khó tả thành lời. Chúng tôi vẫn đi học như thường, trời ra Tết còn lạnh, cái lạnh của Thái nguyên phải khi có nắng mới hết. Rồi ngày ấy ập đến, đài, báo đưa tin “quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh đã tấn công trên toàn tuyến sáu tỉnh biên giới phía Bắc”, mọi tâm tư đều xao động dữ dội trước chiến tranh. Thái nguyên, Bắc thái, chỉ nằm ngay sau các tỉnh giáp biên, chiến tranh kéo đến là chuyện rất có thể. 


Rồi lệnh tổng động viên được phát trên Đài. Vào buổi sáng thứ Hai chào cờ có thêm phần nói về cuộc chiến tranh và những anh chị học sinh trung học viết đơn tình nguyện ra chiến trường, có người viết đơn bằng máu. Chúng tôi không còn bọc sách vở bằng họa báo TQ, những cuốn sách vở nào trót bọc thì lấy ra bọc lại bằng họa báo LX mỏng và dễ sờn hơn, và truyền dạy nhau những câu tiếng Tàu đầy dũng khí “Tung xí xẩu lai!” như để nếu gặp quân bành trướng thì sẽ biết để hô thật to. Các anh chị lớp trên đã làm vành lá ngụy trang tập quân sự, chúng tôi thì chơi những trò chơi trận giả trong không khí nóng bỏng của chiến tranh biên giới. Trong khi mẹ tôi nghĩ đến việc đưa anh em tôi về quê sơ tán, đã có một số gia đình ở Cao bằng sơ tán về Đồi độc lập, trong đó có nhà anh Ba Câm…


17-2-2022

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

Rap Quê Hương (viết cho Sơn hát)


Quê hương là tiếng mẹ tôi

Mỗi khi mẹ cáu mẹ ngồi mẹ than

Quê hương là tấm khăn đan

Mẹ quàng cho lúc vừa tan học chiều 

Quê hương là cuốn truyện Kiều

Giở ra gấp lại bao nhiêu chưa sờn

Quê hương là tiếng cha đờn

Hát bài nhạc Trịnh Công Sơn nao buồn

Quê hương là cánh chuồn chuồn

Là hoa thiên lý toả hương nhà bà

Quê hương là phở bò, gà

Là xôi, bún, miến mà ta nhớ hoài

Quê hương là một sớm mai

Máy bay về đến Nội Bài đông vui

Bà con cô bác tới lui

Quê hương là những ngậm ngùi nhớ thương 


14-12-2020


<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-8566622700686218"
     crossorigin="anonymous"></script>

Nhạc Trịnh - Tình đời mưa nắng cỏ cây

(Status Facebook THY)


 Hồi xưa mình còn trẻ, còn sến nhiều, nghe nhạc Trịnh chỉ thấy em Diễm em Ánh em Khê em Nhung em này em khác. Đến khi đỡ trẻ rồi nghe lại thấy các em chỉ là những bóng dáng mỏng mảnh lướt qua, cái nền đằng sau những bóng dáng ấy mới bền vững trường tồn và thực sự lay động tâm can mình, cái nền ấy chính là cỏ cây chim muông mưa nắng thiên nhiên quê hương xứ sở mình.


Là bốn mùa thân thương nhẹ nhàng trôi như gió như mây:


“Bốn mùa như gió

Bốn mùa như mây

Những dòng sông nối đôi tay

Liền với biển khơi”


Cho dẫu có lúc lòng người bơ vơ giữa bốn mùa thời gian ấy:

 

“Rồi mùa Xuân không về

Mùa Thu cũng ra đi

Mùa Đông vời vợi

Mùa Hạ khói mây”


Và một nỗi niềm lo lắng khôn nguôi:


“Vai em gầy guộc nhỏ

Như cánh vạc về chốn xa xôi...”


Nghe “cánh vạc về chốn xa xôi” như là thấy trước mắt một cảnh phim, tại sao lại là một chuyển động xa dần xa dần vời vợi như vậy chứ? Bởi vì ta sẽ thấy dưới cánh vạc ấy là những cánh đồng bát ngát, là dòng sông, là chân trời quê hương, “Cánh cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng” (Ca dao). Còn gì hơn thế nữa? Còn một nỗi lo âm thầm, những gì sẽ xuất hiện nơi xa xôi kia có thể làm đau một cánh vạc? Một nỗi lo âm thầm dai dẳng không tan trải dài suốt không gian và thời gian.


Dẫu ta chỉ là hạt bụi:

“Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi

Để một mai vươn hình hài lớn dậy.

Ôi cát bụi mệt nhoài, mặt trời soi vạn kiếp rong chơi...”


Thì bầu trời nguồn cội vẫn đâu đó ấm áp quanh ta cho dù có khi ta không nhớ đến:


“Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội

Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tôi

Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội

Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời”


Cuối cùng còn lại những tấm bia, ai biết bia kia cảm giác gì, và cái tình khiến sỏi đá muốn gần nhau có phải chính là tình yêu quê hương xứ sở:


“Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động

Làm sao em biết bia đá không đau

Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng

Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”


Người ta hay quan tâm Trịnh Công Sơn yêu ai, trong khi đó, nếu nhìn lại toàn bộ cuộc đời ông thì biệt tài lớn nhất của ông có lẽ là khả năng nối chứ không phải khả năng yêu. Trịnh Công Sơn không chỉ nối Khánh Ly cho tới Hồng Nhung, Diễm xưa cho tới Diễm cuối, ông nối chiến tranh với hoà bình, nỗi buồn với niềm vui, cái chết với sự sống... Trong dáng vẻ mảnh mai gầy gò nhưng kiên tâm nhất mực giữ lòng yêu thương, Trịnh Công Sơn đã thực hiện sứ mạng nối lòng người bằng âm nhạc của mình, và đó chính là điều đáng kể mà nhạc sĩ đã mang lại cho đồng bào ông, quê hương đất nước ông.


Mình nghe nhạc Trịnh những đêm khuya khoắt, những buổi tuyết rơi mòn mỏi, luôn cảm thấy tình yêu ấy và sau đấy là một câu hỏi mình tự đặt cho mình: mình đã làm gì cho xứ sở quê hương yêu dấu hay chỉ làm nơi ấy muộn phiền thêm? Đó là câu hỏi mình phải tự trả lời và chính câu hỏi này cũng gắn lòng mình với quê hương trong mọi hành xử của mình trong cuộc đời. Mình biết ơn nhạc Trịnh đã phần nào mang đến cho mình một chốn neo đậu để mình nhớ về quê hương từ nơi xa cách ngàn trùng này.


Ottawa, 5-4-2019