Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Mẹ



Mẹ tôi mất lúc 5h20 chiều ngày 26 tháng mười năm 2012.

Chăm sóc mẹ những ngày ốm nặng và chứng kiến cái chết của bà, tôi như thấy tất cả những gì hiện hữu thân thiết, thực sự có thực của cuộc đời này có thể tan biến vào hư vô một cách nhanh chóng như thế nào.

Cái chết là vực sâu thăm thẳm không cùng tận và trong những ngày bối rối tôi đã không biết cách đặt cái vực này trong suy nghĩ của mình theo cách nào để những điều đối trọng của sự sống ở bên kia kéo tôi ra khỏi suy nghĩ về cái chết của mẹ tôi.

Chia tay anh trai ở sân bay Nội Bài, tôi đã nói với anh trai mình rằng tôi cần có thời gian để cân bằng trở lại sau sự ra đi của mẹ. Dù cả hai anh em đã thành ra trung tuổi, tôi bốn ba, anh tôi bốn bảy, chúng tôi đều hiểu thấm thía rằng mẹ chúng tôi đã che chở cho chúng tôi nhiều đến thế nào. Bắt tay tôi trước khi ra về, anh nhìn tôi cười mà như sắp khóc.

Sang bên này, tôi hay nhớ những buổi tối anh tôi ngồi trước bàn thờ mẹ, im lặng mà như đang chuyện trò với mẹ sau một ngày vất vả ngược xuôi với công việc. Và những lời trong các câu chuyện với mẹ như vang lên bên tai tôi.

Thay vì nghĩ về cái chết của mẹ, tôi chuyển sang suy nghĩ về cuộc đời của mẹ tôi, những câu nói và việc làm của mẹ khi còn sống. Và tôi bỗng như thấy mẹ vẫn có mặt đâu đó trong tâm tưởng của tôi, trong cả cuộc đời tôi. Điều này giúp tôi cân bằng trở lại.

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Trong thế giới mơ hồ

Một người bạn ảo có lẽ đã ra đi hơn một năm rồi mà giờ tôi mới biết.

Không có gì xác thực cho sự ra đi của bác trừ sự vắng mặt của những comment trên mấy blog quen. Blog NL, GM, Chị So là những nơi bác để lại rất nhiều comment trong đó có cả những trao đổi về dịch thuật với bác LH. Hiểu biết về văn chương của bác rất rộng rãi uyên bác, khả năng phân tích từ ngữ tinh tế nhạy cảm, cách thể hiện thì duyên dáng tế nhị, đọc rất thích. Ngoài ra thì cảm giác của tôi là bác luôn hướng tới sự hòa hợp và mong mỏi tích lũy những điều đẹp đẽ trong văn chương. Chính vì vậy mà sự vắng mặt những comment của bác tạo ra khoảng trống chơi vơi không ai lấp đầy đươc.

Đọc lại comment của bác trong blog của mình mà tôi rưng rưng, khi nào cũng là những lời vui vẻ, nhẹ nhàng, khuyến khích.Giờ mới ngợ hiểu ra vì sao bác nhắc đến Linda Lê khi comment bài Tác hại của sến, bác dịch nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn của Linda Lê, ngoài những cuốn đã xuất bản còn có cả những cuốn đang dịch dở dang. 

 http://thethaovanhoa.vn/133N20110917070959922T0/dich-gia-nguyen-khanh-long-qua-doi.htm

Tôi trách mình sao không tìm gặp bác khi biết rằng bác cũng ở Canada. Bác ở Montreal thì tôi cũng hay qua đó, có khi nào tôi đã thấy bác đâu đó trên phố, dưới Metro, trong hiệu sách hay những quán ăn của người Việt. Chỉ vì cảm giác của tôi là bác muốn tránh lộ tên thật nên tôi chưa bao giờ hỏi bác tên tuổi địa chỉ, cũng không có ai nói cho tôi biết cả. Chỉ còn mãi ấn tượng về một người bạn qua các comment. Đó là kết cục của trò chơi trong thế giới mơ hồ.

Trong thế giới mơ hồ, không có gì xác thực.

Tôi biết làm gì hơn là khóc lặng lẽ.


Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Gái khoa Hóa

Tặng Hà

Sớm mai có cô em xinh đẹp
Tung tăng từ nhà C1 đến nhà ăn
Con đường dưới hàng xà cừ mướt xanh
Vài chàng trai nhanh chân nối gót

“Này cô gái đôi môi mọng ướt
Xách hai tay bảy chiếc cặp lồng
Đưa đây anh xách hộ được không
Ôi thương quá má hồng vất vả”

Cô gái vẫn lặng im tất tả
Bước nhanh nhanh không ngoái lại một lần
Mặc chàng trai ngó theo hút tần ngần:
“Gái khoa Hóa, ối chà, kiêu quá thể!”

Gái khoa Hóa đúng là kiêu đáng nể
Chẳng dễ làm quen, không thích chuyện chơi bời
Mắt nâu huyền chưa muốn tính xa xôi
Ngày đi học, tối lại lên thư viện

Từ Kinh tế có chàng kia xuất hiện
Tóc chàng xoăn và đôi mắt cháy tình
Gái khoa Hóa đôi khi giật mình
Yêu? Không phải! Đúng yêu rồi! Không phải!

Môi vẫn thắm nhưng mắt buồn hớt hải
Như nâu hơn, sâu thẳm một khung trời
Những thoảng mây về bối rối, chơi vơi
Đêm sinh nhật, mắt nhìn thương muốn khóc…

Gái khoa Hóa bây giờ mẹ ba nhóc,
Phu nhân của chàng Kinh tế năm xưa
Mắt vẫn nâu, môi cười vẫn rất ưa
Chỉ cân nặng là hơn xưa một tí  :)

29-9-2012


Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Năm hai mươi tuổi

Năm hai mươi tuổi tôi hoang tưởng
Đem hết yêu thương gửi nắng vàng
Chiều muộn cuống cuồng tôi đòi lại
Nắng tắt mặc tôi đứng bẽ bàng

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Thời sinh viên

(Nhân dịp lớp Hóa K32-DHTH kỷ niệm 20 năm ngày ra trường, tôi tìm lại một bài thơ cũ, bài này hồi đó tôi viết tặng bạn Minh Thanh vào lúc kết thúc năm học thứ hai, bữa đó chúng tôi dọn dẹp chuẩn bị về nghỉ hè .)


Đời sinh viên năm nào đẹp nhất
Bạn đáp thật lòng năm thứ hai,
Câu trả lời chắc không chỉ riêng ai
Tôi khẽ thở dài, năm thứ hai đã hết

Thời gian trôi kéo chúng mình mải miết
Từ giảng đường khoa đến ký túc xá yêu thương*
Bạn cùng tôi chung nỗi nhọc đường trường
Chẳng ai thương, mình đành thương nhau vậy.

Những chuyện đời bạn và tôi đều thấy
Nỗi buồn dâng đầy vây kín niềm vui
Bài học dài khiêm tốn nhường lui
Trước trang thơ tình chúng mình cùng mê mải,

Những cuộc Seminar về điều phải trái
Đâu tình yêu, đâu không phải tình yêu
Cái hôn chợ trời đáng giá bao nhiêu
Chuyện tình "Ri đô" và chuyện tình "Bếp núc"

Và khi buồn ta hát vang từng ca khúc
Của quê hương nơi bạn, tôi sinh
Tôi ôm cây đàn tích tịch tình tinh
Bạn liền gõ mặt hòm bằng cốc chén

Có một lần tôi đi rón rén
Lén vẽ râu lên mặt bạn ngủ say
Khi bạn dậy cả phòng cười lăn quay
Bạn tròn mắt ngây người vì chẳng biết

Rồi một lần trái tim tôi tha thiết
Đập bồi hồi không biết do đâu
Tôi âu sầu ngồi bên bạn rất lâu
Bạn thấu hiểu những điều tôi không rõ

Năm thứ nhất qua đi với bỡ ngỡ
Năm thứ hai cửa đời rộng mở hơn
Ta phân biệt chất gỗ với nước sơn
Chợt thấy rõ đời muôn phần phức tạp

Năm thứ hai một quãng đời ấm áp
Quãng đời chưa giải đáp được điều chi
Chưa hẹn ngày xa và định buổi chia ly
Tình bạn sẻ chia, ngọt ngào hương vị.

1989
-----
*Từ giảng đường khoa Hóa đến ký túc xá Mễ trì là một quãng đường dài gần 10km.

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Nhớ về lớp cũ


(Thân tặng các bạn lớp chuyên toán 12A GT 1986)

Ơi các bạn, một chiều ta ngồi lại
Giữa chặng đường xa quá nửa đời người
Vuốt tóc xanh xưa thoáng tuyết sương rơi
Hớn hở chào nhau bằng nụ cười năm cũ

Mặc thời gian trôi như thác lũ
Tình bạn tuổi thơ chẳng thay đổi bao giờ
Tất cả ùa về như giữa giấc mơ
Bè bạn, thầy cô, bảng đen, giấy trắng

Từng dãy lớp, ngói phai màu mưa nắng
Hình như đâu cũng có lớp chúng mình
Hết phòng rộng đến căn bé xinh xinh
Vì lớp ít người nên trường hay chuyển xếp

Thầy cô muốn chúng mình nề nếp
Học hành chăm, lao động cũng chuyên cần
Đóng gạch, dọn sân, lấy cát rừng Bần
Lội nước sông Cầu, gái trai cười khúc khích

Sách chuyên toán khó nhai, ai mà thích
Thầy Cương, thầy Phương giảng giải rất nhiệt tình
Ánh xạ, tập hợp… chiếu xuống chúng mình
Cho đến khi tập đầu thì đầy, tập dạ dầy thì rỗng :)

Bốn cô gái những tâm hồn bay bổng
Thủy, Yến, Vân, Oanh: Nước- Biển- Mây-Trời
Tuổi mười bảy yêu hát, thích cười
Túm tụm nhau nói chuyện mai sau mơ mộng

Bọn con trai sức dài vai rộng
Giờ ra chơi kể Tam Quốc Chí cho nhau nghe
Có bạn gái xinh đi ngang lại cùng ngó qua khe
Rồi hò nhau: "Học làm gì cho đầu to mắt cận!" :P

Nhưng rất ngại thầy cô trách, giận
Nên bài tập ra vẫn cố gắng hoàn thành
Hà, Thiện, Thành, Linh, Quyến, Phúc, Trung, Hanh
Hoàn và Khang, toàn là siêu cao thủ…

Kỷ niệm xưa kể bao giờ cho đủ
Từ ấy chúng mình đi khắp bốn phương trời
Đời đã sang trưa, đứng bóng lưng đồi
Vẫn vang mãi trong lòng tiếng cười lớp cũ…

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

12A GT

   Mình viết những gì mình nhớ về 12A GT, các bạn góp thêm chi tiết cho phong phú nhé.

   Hồi ấy trường Gang thép đặt tên các lớp theo thứ tự A1, A2...A5, B1, B2... riêng lớp bọn mình thì là A, chẳng vào đâu cả, vì là lớp chuyên toán. Buồn vui một thời của chúng mình bây giờ đem ra chiêm nghiệm lại cũng hay các bạn nhỉ.

   Năm lớp 12 lớp có 11 bạn, 4 nữ 7 nam.Tên các bạn nữ: Vân, Thủy, Oanh, Yến, thường được 4 bạn í tán là Mây Nước Chim Chóc (à quên Mây Trời Nước Biển :), đọc thêm cả đệm vào lại càng kêu: Thu Thủy, Nguyệt Vân, Tố Oanh, Hoàng Yến. Tuy thế mình nhớ là thầy Cương chủ nhiệm lại chỉ thích gọi họ và bỏ những cái đệm đi, thầy toàn gọi mình là Yến Trương, nghe rất là cương nghị, cứ như không phải mình í, bạn Yến Trương làm lớp trưởng, cũng không rõ tại sao lại là lớp trưởng chứ không phải là quản ca :)

   Các bạn nam: Trung, Thiện, Linh, Phúc, Quyến (lớp phó), Thành, Hà. Đệm vào cũng hay: Anh Trung, Đức Thiện, Y Linh, Hồng Phúc, Ngọc Quyến, Chí Thành, bạn Hà đệm gì mình quên mất rồi... Đấy là lớp 12A, kể cả hồi 10A và 11A thì đông hơn, cả thảy là 21 bạn, các bạn về sau chuyển sang lớp khác hoặc chuyển về Hà nội: Phương, Quỳnh, Yến (Phan), Sơn (Minh), Sơn (Võ), Hanh, Hoàn, Khang...

   Thầy Cương chủ nhiệm và dạy môn Đại số, mỗi khi nghĩ đến thầy là mình nhớ đến câu "Râu hùm hàm én mày ngài...", gương mặt thầy rất đẹp, vừa nghiêm vừa hiền. Thầy hay mặc áo màu xanh và nâu, giảng bài chậm rãi, dễ hiểu. Câu nói của thầy mà mình nhớ nhất là: "Làm một người bình thường rất khó chứ không dễ đâu".

   Thầy Phương phó chủ nhiệm dạy Hình học và Lượng giác, thầy trẻ trung, mới ra trường, nói to, gẫy gọn, viết phấn lên bảng đè rất mạnh nên nét phấn nào cũng khỏe, đậm. Thầy hay mặc quần áo đồng bộ sáng màu, tay đút túi quần đi dọc lớp vừa đi vừa giảng giải, phong thái rất mạnh mẽ tự tin.

   Cô Thịnh dạy Văn tóc dài rất hiền, giờ ra chơi hay hỏi mình đang đọc truyện gì, đã đọc cuốn này cuốn nọ chưa, vì hồi đấy mình rất hay đọc truyện nên cũng hay nói chuyện với cô về các cuốn truyện. Hồi làm bài văn phân tích tác phẩm Ơgiêni Grăngđê cô cho mình 9 điểm vì mình đọc cuốn này trước đó lâu rồi nên biết rõ và viết khá tỉ mỉ về cô Ơgiêni.

   Thầy Cường dạy môn Lý, Điện và Quang, thầy nhẹ nhàng vui tính, quý lớp mình nhiều đến nỗi hiện nay đang là rể của lớp hihi, vợ thầy chính là bạn Tố Oanh xinh xắn của 12A chúng mình :)

   Tạm thời thế đã nhé, rảnh mình lại nhớ tiếp...

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

New York



    Hôm nay bọn mình đi New York, sẽ ở đấy từ ngày 9 đến 12 tháng 8, mình có người bạn trước sống khá lâu ở New York nhưng giờ đã về Việt nam gửi email hướng dẫn thăm New York như sau:

"Den NY 4 ngay thi Yen co the xem cac hoat dong sau:

- Tham tuong nu than tu do, di thuyen ngam canh doc song Hudson
- Tham Brooklyn Bridge
- Tham  bao tang: NY co rat nhieu bao tang trong do noi tieng nhat la
MOMA  (museum  of  modern  art)  hay  museum of natural history-bao tang tu
nhien
(nam ngay canh central park)
- Tham  gia  mot  tour sightseeing tren bus. Hoi nong ti nhung co the
thay toan canh thanh pho sau mot chuyen di.
- Mua  sam: nhieu tien thi qua mua o 5th avenue, gan central park. It
tien  thi  qua  day ngam. Qua macy de mua quan ao cung la mot lua chon
khong toi.
- Di vao central park, nen choi va nghi ngoi o day 1 buoi
- Di ra timesquare vao buoi toi de thay canh NY ve dem.
-  An  uong: Do viet nam tap trung o chinatown, khu downtown cua thanh
pho.  Tuy nhien hang VN an ngon nhat la Saigon Greeen nam o uptown, 92
voi  Broadway  gi  do. Do an Han Quoc o 34 voi Broadway cung rat ngon.
Ben  canh  Chinatown  la  little Italy, khu pho do an cua nguoi Y cung
duoc neu muon doi khau vi.

4 ngay chac cung khong co thoi gian choi nhieu dau. Tham gia duoc hoat
dong nao thi tham gia thoi."


    Các bạn có kinh nghiệm gì bổ xung thêm cho chuyến đi New York 4 ngày thì cho mình biết, mình xin nhiệt liệt cảm ơn :)

    Các bạn có thể email cho mình qua địa chỉ này mình check ngay được qua iPhone khi đang ở New York: yentruongth@me.com

    Mượn tạm cái ảnh tượng thần Tự do từ Wikipedia, sẽ cập nhật ảnh sau các bạn nhé.

    Cập nhật: ảnh từ chuyến đi 4 ngày tại New York, thành phố đã gây cho tôi những cảm xúc khá đa dạng. Những tòa nhà chọc trời vừa kiêu hãnh vừa gây chút bất an, có lẽ nỗi bất an phần nhiều đến từ vụ 9-11. Những đường phố pha trộn kiến trúc cũ mới khiến cho New York như chứa đựng nhiều nơi chốn, nhiều thành phố đan xen trong mình nó, trên những đường phố này tôi thấy có cả bóng dáng Toronto, Hồng kông và những góc rất giống ở Hà nội, Sài gòn, cả những góc như của Sudbury nơi tôi từng sống. Thành phố lấp đầy những khoảng cách khác biệt về kiến trúc giữa những bóng bảy đồ sộ và thấp cổ thậm chí trông bẩn bẩn của khu Tàu, Ý bằng một cách nào đấy khá điềm nhiên, như thể ai cũng có chỗ của mình vậy. Những mặt nước sông và biển viền quanh thành phố có lẽ đã làm cho New York dịu đi và đẹp lên khá nhiều. Những bức bối của đường phố lọt thỏm giữa các tòa nhà cao tầng hợm hĩnh chen chúc được giải tỏa bằng một ly nước mát tuyệt trần là công viên trung tâm chính giữa thành phố, nằm trên cỏ ở nơi này mơ màng trong tiếng chim hót ngọt ngào như thể một giấc mơ không có thật. Con người ở New York cũng đa dạng như thành phố của họ nhưng tất thảy những người chúng tôi tiếp xúc đều rất cởi mở dễ mến. Nhiều bảo tàng ở đây rất đáng xem. Cuối cùng là thức ăn ở New York có nhiều sự lựa chọn, các đồ Nhật, Việt rất ngon, cả nhà mình đều thích.





























Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Hai mươi năm trước

     Chị Oanh nhắc chuyện hai mươi năm trước tụi mình gặp nhau, em ngồi thần người: mới đó mà đã hai mươi năm, thời gian trôi nhanh quá!

     Bọn mình vào làm cùng đợt, cả cơ quan khi ấy có hai chị em là còn trẻ chưa có gia đình nên hay chuyện trò và rủ nhau đi chơi. Chị Oanh học Đại học Mỏ Địa chất ra, tâm hồn địa chất mơ mộng, tính tình xuề xòa phóng khoáng nói chuyện rất thích, cười suốt. Em học Hóa phân tích Tổng hợp nhưng lại khoái cái chất phiêu lãng của dân địa chất nên thích nghe chuyện chị Oanh, mỗi tội hồi ấy bọn mình phải làm phân tích mẫu hóa nên nhiều khi cũng phải hãm cái sự khoái chí lại để cân đong đo đếm cho cẩn thận. Chị Oanh có lúc cũng buồn vì trái nghề nhưng rồi công việc bận rộn cứ cuốn chúng mình đi, mẫu quặng, than, gạch, đất sét... mẫu gang, thép, hợp kim... mỗi thứ một quy trình chúng mình phải nhớ.

     Tổ hóa phân tích của chúng mình hồi đấy vui, buổi trưa lấy cơm hiện trường về chia ra ăn cùng nhau như một gia đình, cô Tư, cô Bàng, cô Thành, cô Hiền, chú Di, chú Thuận, chú Hợi, chị Hương, chị Oanh và em. Mọi người hay kể chuyện gia đình con cái học hành, chị Oanh và em thì thỉnh thoảng được hỏi: bao giờ Oanh, Yến cho các cô các chú ăn kẹo? Hihi, mấy năm ấy bọn mình còn đang thích đi chơi lông bông nhỉ. Nhớ những khi hai đứa tụi mình đạp xe thong dong trên đường ba sáu mét, đến nhà nhau chơi thích cái là các cụ cũng biết nhau hết nên nói chuyện rất vui. Sao em cứ có cảm giác ở Gang thép ngày xưa mọi người biết nhau hết cả, lạ thật.

     Nhưng Gang thép hồi đấy cũng lèo tèo chẳng có mấy chỗ để đi, ngoài công việc và thăm hỏi gia đình nhau thì cũng ít chỗ để trút cái mơ mộng phóng khoáng, cuối cùng bọn mình thường rủ nhau đi chợ mua vải về may quần áo. Chị Oanh có người em gái cũng tên Yến làm may rất khéo tay nên bọn mình mua vải về cho chị Yến may. Chị Oanh thường tư vấn cho em mua vải màu gì, chất liệu thế nào, dựng thành áo quần kiểu gì... em cứ nhất nhất nghe theo vì thấy hay và cũng rất tin tưởng kinh nghiệm và thẩm mỹ của chị Oanh. Có lần chị em mình đi mua vải cho em dựng một cây đồng bộ áo quần xanh biếc, đến cơ quan cô Thành bảo: cháu mặc bộ này trông như con cánh cam! :D

    Những ngày vô tư lự qua mau, chị Oanh học bằng hai về Hóa ở Hà nội, hai năm rưỡi sau khi đi làm em lấy chồng, sau đấy thì có con và nhiều bận rộn. Đôi khi em mở tủ lấy quần áo thấy màu xanh biếc của "bộ cánh cam" nhớ một thời con gái của chúng mình, mọi thứ nhẹ tênh và bay bổng. Rồi gia đình em chuyển về Hà nội, chị Oanh chuyển sang công việc liên quan đến mỏ địa chất, có chồng và sinh hai cháu ...

    Bây giờ chị Oanh ở Đức, em ở Canada, bao giờ mình lại gặp nhau ở Thái nguyên, cùng nhau đạp xe thong dong trên đường ba sáu mét? Hai mươi năm đã trôi qua và cái màu áo năm xưa chỉ còn trong ký ức, nhưng có lẽ vì vậy mà ký ức thành ra cứ xanh biếc mãi không thôi...

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Sonnet 45 của Shakespeare

The other two, slight air and purging fire,
Are both with thee, wherever I abide;
The first my thought, the other my desire,
These present-absent with swift motion slide.
For when these quicker elements are gone
In tender embassy of love to thee,
My life, being made of four, with two alone
Sinks down to death, oppressed with melancholy;
Until life's composition be recured
By those swift messengers return'd from thee,
Who even but now come back again, assured
Of thy fair health, recounting it to me:
This told, I joy; but then no longer glad,
I send them back again and straight grow sad.
 Dịch nghĩa:

Hai thứ khác (nữa), khí nhẹ và lửa thiêu
Đều ở bên em, dù anh có ở nơi đâu
Cái thứ nhất là suy nghĩ của anh, cái kia là mong muốn (khát khao)
Chúng xuất hiện- vắng mặt với chuyển động nhanh từ chỗ này đến chỗ kia
Khi những nguyên tố mang đầy sức sống này ra đi
Trong nhắn gửi dịu dàng của tình yêu đến em
Đời anh, tạo ra từ bốn thứ, chỉ còn hai thứ*
Chìm xuống cái chết, bị áp bức bởi nỗi u sầu
Cho tới tận khi thành phần của sự sống được chữa trị
Bởi các sứ giả mau lẹ hồi đáp từ em
Chúng, tới tận lúc này, mới trở về lại, đảm bảo

Cho sức khỏe của em, cho anh biết về nó
 Điều đó đến, anh vui, nhưng sau đó vui không kéo dài
Anh gửi chúng lại và lập tức dâng cao nỗi buồn

(*đất, nước, lửa, khí là bốn thứ tạo ra con người theo triết học cổ, hai thứ nặng còn lại là đất và nước)


Dịch thơ:
 

Khí nhẹ, lửa thiêu, hồn vía của anh
Tới bên em, dẫu xa cách muôn trùng
Khí - nghĩ suy, lửa - khát khao vỗ cánh
Đến và đi, xuôi ngược giữa khoảng chung

Chúng mang theo sức sống của anh
Trong nhắn gửi em yêu tình dịu ngọt
Bốn thứ tạo anh, còn đất, nước, nặng đanh
Sầu thảm trói, đời anh chìm, chết ngột

Cho tới khi sinh khí lại trở về
Bởi sứ giả từ phương em mầu nhiệm
Tình yêu, sự sống đến chở che
Cứu vớt đời anh như phép thần tái hiện

Anh đã vui, nhưng vui liền tan mất
Gửi chúng cho em, anh lại buồn chất ngất.

 Chuyển thể lục bát

Hai điều đã tạo nên anh
Lửa thiêu, khí mảnh xin dành gửi em
Dù anh xa cách ngày đêm
Khí là suy nghĩ, lửa - niềm khát khao

Đến đi mau mắn thiết thao
Chúng mang sức sống dâng trào của anh
Dịu dàng âu yếm chân thành
Tới bên em để lòng anh thỏa tình

Đời anh bốn thứ tạo hình
Đất dầy, nước cả, khí thanh, lửa nồng
Còn hai thứ nặng như đồng
Chìm xuống cái chết, dưới vòng sầu đau

Tận khi sức sống quay đầu
Theo chân sứ giả nhiệm mầu từ em
Biết em khỏe mạnh ấm êm
Anh mừng trong dạ càng thêm mong cầu

Anh vui cũng chẳng được lâu
Đem chúng gửi lại, anh sầu thảm ngay.


CẬP NHẬT: đã sửa lại khổ thứ 4 trong chuyển thể lục bát, một số chỗ trong bài dịch thơ đã được sửa lại và post ở comment.

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Woman's Moods (Tâm trạng phụ nữ)


    Tôi đang đọc cuốn này, thấy hay vì cuốn sách giải thích nhiều điều về tâm tính của phụ nữ một cách khoa học. Nhiều đoạn tôi muốn dịch ra vì thấy rất thú vị. Theo cuốn sách thì phụ nữ có tỷ lệ bị bệnh trầm cảm hoặc lo lắng (depression or anxiety) cao gấp đôi nam giới. Những thay đổi về tâm tính phụ nữ có liên quan với các chất tạo thành trong não và việc tạo ra các chất này chịu ảnh hưởng rất lớn bởi quá trình sinh sản.

    Liên hệ đến những điều nói về phụ nữ từ xưa đến nay, những lời tả tâm tính lên xuống của phụ nữ: "nói nắng là mưa, nói gió cấp tám là chưa có gì", Khổng Tử viết: "Phụ nhân nan hóa" (đàn bà khó dạy), rồi những lệ đàn bà không tham gia triều chính, đàn bà hết kinh mới đi chùa... thấy hiểu và thương phụ nữ chúng ta hơn.   

    Cuốn này có bản online ở đây nhưng không đầy đủ:
http://www.amazon.ca/Womens-Moods-D-Sichel/dp/0380728524#reader_0380728524

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Văn chương trong đời tôi (1)

    Luẩn quẩn trong đầu tôi mấy bữa rồi vẫn là câu hỏi: "Thực ra thì văn thơ đã có ý nghĩa thế nào trong cuộc đời mình?".

    Với nghề nghiệp chuyên môn của tôi thì nó không có lợi nếu không muốn nói là có hại. Tôi nhớ những lần đầu nộp báo cáo nghiên cứu mỗi tháng, một dạng nhật ký công việc để giáo sư biết mình hiện đang làm gì để tham gia thảo luận góp ý. Bà giáo hướng dẫn gọi tôi đến và phàn nàn rằng tôi đã viết với cảm xúc của mình, như vậy không được, bà nói các thí nghiệm phải được mô tả ở dạng bị động, rõ ràng đầy đủ thông tin nhưng không lan man và KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CÓ những từ biểu lộ cảm xúc. Chẳng hạn như không được viết: "kết tủa đỏ xuất hiện trong dung dịch là minh chứng tuyệt vời của phản ứng khử từ Se(IV) về Se(0)"...

    Vậy nên tôi lúc nào cũng phải nhắc mình tỉnh táo và luôn rà soát lại những ghi chép để bỏ đi những từ không cần thiết hay bị đưa vào theo cảm nghĩ của mình một cách vô thức. Văn thơ cũng khiến tôi hay nghĩ vẩn vơ trong khi làm việc, có lần đang thảo luận với bà giáo sư ở nhóm nghiên cứu thì tôi chợt nghĩ: mắt và lông mày bà ấy sao mà giống câu 6 câu 8 trong một đôi lục bát quá, kìa hai đôi lục bát đặt song song, long lanh sinh động. Chỉ có nghĩ thế mà nhãng đi mất điều mình đang định nói, thật là tệ hại. Còn những khi bà ấy nhắc đi nhắc lại nhiều cái mà tôi không muốn nghe nữa thì tôi lại cũng để đầu óc sang chỗ khác, thường là thơ thẩn. Anh VMC có lần nói đến chuyện không nên tuyển người hay làm thơ vào làm việc, thật là chí phải :)

    Với gia đình thì số lần chồng tôi phàn nàn về chuyện thơ thẩn của tôi nhiều không nhớ hết, viết hẳn một entry cũng còn chưa đủ ;) Trong lúc chồng tôi ca cẩm tôi xếp những từ của anh ấy thành lục bát hoặc chán trò đấy rồi thì nghĩ đến chuyện khác. Bề ngoài thì như một người vợ rất ngoan ngoãn nghe chồng nói về chuyện dừng hết thơ và đừng vào mạng đọc thơ văn nữa. Tôi không biết cái trò phân tâm này là lợi hay hại, chắc là có hại nhưng mà nghe mãi một chuyện thì rất chán, nghĩ sang chuyện khác giống như mình được thoát ra vậy. Dù sao thì tôi cũng có lỗi với chồng mình vì chồng nói bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn không bỏ được thơ thẩn mạng mẽo.

    Sao tôi lại không bỏ được? Vì văn thơ luôn cứu tôi những khi buồn hay hẫng hụt, cả những khi stress vì công việc dồn dập. Tôi nhớ những chiều mùa đông chóng tối phải hướng dẫn SV trong phòng thí nghiệm hữu cơ đầy dụng cụ thủy tinh và mùi hóa chất hữu cơ, tôi chỉ mong họ làm xong để tôi được trở về phòng làm việc của mình, thả hồn vào một đoạn văn hay thơ nào đấy một vài phút trước khi trở về nhà. Vậy là dọc đường về trong đầu tôi đã ngân nga những câu thơ và văn ấy mà quên đi những mùi phát sợ và quên đi cả cái nhọc nhằn trong sự diễn đạt tiếng Anh của mình.

    Bữa trước tôi gọi điện cho một người bạn mà tôi biết đã lâu rồi, giọng bạn ấm áp chậm rãi, rất dễ mến. Vậy mà trong lúc nói chuyện tôi chợt nhận ra rằng tôi đã có thể viết ra rất tốt điều mình nghĩ, từng dòng từng dòng một cho đến khi hết ý, nhưng nói thì không như vậy. Nó giống như sự khác nhau giữa văn chương và đời thực, có nghĩa là văn chương đã ám ảnh tôi nhiều hơn tôi tưởng. Nó vẫn là sợi dây từ xưa đến giờ xuyên suốt những khúc mắc của tôi giữa cuộc đời này.

    Tôi nhớ từ khi còn nhỏ mình đã thích đọc như thế nào, tôi đi chơi khắp dãy nhà 319 nhiều khi chỉ để xem nhà ai có truyện gì mà tôi chưa đọc. Một cô gái nhỏ ngồi trên chiếc ghế gần của sổ cầm cuốn sách và tưởng tượng mình là cô gái mù trong truyện Thằng Cười, đấy chính là tôi ngày niên thiếu. Thật kỳ lạ, tôi đã nhập vai tốt đến nỗi đôi lúc trong những giấc mơ có lúc tôi thấy mình chính là nhân vật trong truyện. Khi thì là đứa con gái mơ màng trong Chó hoang Dingo khi thì là cô gái mạnh mẽ Giamilia chạy theo tiếng gọi tình yêu...
Khi ấy tôi mới khoảng 14, 15 tuổi.

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Học văn để làm gì?

   Đấy là câu hỏi của bạn Hiếu ở FB bữa trước, FB giống như cái tiệm tạp hóa, lâu lâu lại gặp một thứ hay hay mà loay hoay trong đấy hoài thì rất mệt :)

   Tôi chưa kịp nghĩ ra câu trả lời của mình thì bữa rồi gặp lúc bạn Thao post cái ảnh này lên với lời đề rất dịu: "Nụ vàng lẻ loi nơi góc vườn", nhìn bông hoa vàng rực rỡ tôi bèn còm luôn: "Hoa nở toe toét rồi còn "Nụ" gì nữa :P". Cái còm vừa được bạn Thao ấn like thì tôi nhận ra mình đã sai, Nụ vàng ở đây không phải từ dùng để chỉ một cái nụ hoa màu vàng, mà chính là để gọi một bông hoa một cách trìu mến yêu thương. Không phải vì cái bông hoa ấy trước đó không lâu đã là một cái nụ, mà chính là sự thương mến của người ngắm hoa đã không muốn đối xử với hoa khác hơn cái thủa ban đầu bé bỏng. 

    Ai chẳng dành sự cưng chiều nâng niu cho một bé gái xinh xắn dễ thương, nhưng những người phụ nữ trưởng thành vẫn có thể được gọi là "cưng", "bé" bởi cha, mẹ, người yêu, chồng hay bạn bè, những người thương mến họ. Học văn có lẽ giúp ta hiểu được phần nào cái tâm tình ấy của người viết qua câu chữ, như vậy chẳng cũng đáng sao?

    Một chuyện khác cũng liên quan đến hoa và văn thơ, không chỉ văn thơ mà còn toán nữa, tôi tình cờ vào entry Toán và Thơ blog bác Hà Huy Khoái, và đọc được đoạn này: 
                              "Trên trời có đám mây xanh
                Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng
                              Ước gì anh lấy được nàng…
   Đúng là không có một chút logic nào giữa câu cuối với hai câu đầu! Nhưng có lẽ nó hay là vì cái phi logic đó chăng."

   Vì rất khoái ca dao nên tôi chạy vào góp còm:
                         “Trên trời có đám mây xanh
                  Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng
                         Ước gì anh lấy được nàng
                    Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”
     Đoạn ca dao trên có logic chứ bác, hai câu đầu là tả cảnh mây kết thành hình bông hoa, trên trời có bông hoa bằng mây rất đẹp, hoa mây làm “anh” nhớ đến bông hoa “nàng”, và ước lấy nàng, mong thấy gót sen nàng trong hồ bán nguyệt. Nhìn mây trời và mơ ước là thú dễ thương của tuổi thơ, bác quên rồi sao."
 
     Đấy là chỉ là cách hiểu của tôi, văn học cho ta nhiều cách hiểu như chân trời không giới hạn những con đường. Với mỗi câu thơ hay văn nếu bạn nghe ý kiến của nhiều người và viết ra ý chính mình, bạn sẽ thấy những tầng tầng lớp lớp đa chiều ý vị của cuộc đời hiện ra trước mắt. Học văn chẳng cũng thú lắm sao?

Thất bại của Rio+20

 Có cái tin nhỏ được đăng ở TS: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=5314

Đoạn cuối nguyên bản:

    "Nhưng Brazil cũng không một mình tạo ra kết cục này, ở đây có sự tham gia của các chính trị gia và quan chức từ các quốc gia muốn biến Rio+20 thành nơi phát ra những lời kêu gọi suông chứ không có hành động cụ thể nào được thực sự cam kết để thực hiện.Trong khi Rio+20 được nhiều người hy vọng sẽ là hội nghị đi sâu giải quyết các vấn đề của trái đất, bản báo cáo kết quả từ hội nghị có tiêu đề “Tương lai mà chúng ta muốn” đơn giản chỉ là một lời kêu gọi như vậy."

Bonus cái ảnh đẹp về cá Mập tìm thấy trên mạng:


Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Hai mươi năm sau

Chắc mọi người còn nhớ bài nói của cô bé 12 tuổi năm xưa (xem ở đây). Và đây là Severn Suzuki hai mươi năm sau:

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Sinh Tổng hợp

Bài giải thích ngắn gọn nhưng sinh động và rất mơ mộng về Sinh Tổng hợp:

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Yêu

Tôi yêu giản dị vô bờ
Chỉ nhìn chiếc lá cũng ngờ nụ hôn
Mặc ai chê dại tranh khôn
Tình tôi cùng cốc thâm sơn biếc dày














(Hình từ FB của bác Arte Movil Joyeros)