Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Ảnh Hoàng Thành và bộ phim "giống Tàu"


Nhân có tranh luận về bộ phim "Đường tới thành Thăng Long", tôi thử tìm trên mạng ảnh Hoàng Thành thì được ảnh này, thấy Hoàng Thành Thăng Long rất thân thương gần gũi. Xem ảnh này mường tượng ra các vua ngày trước ở Hoàng Thành có lẽ cũng sống giản dị thôi.

Còn dưới đây là ảnh cung điện trong phim nói trên quay tại Trung quốc (VNexpress), cảnh trông hoành tráng nguy nga hơn rất nhiều.



Nhưng phim dã sử thì mọi thứ có thể cũng hoành tráng hơn cảnh thật. Có lần sau khi xem phim Hoàng Kim Giáp, tôi hỏi mấy người Tàu cùng trường: "bên ấy ngày xưa các Hoàng hậu và cung nữ đã ăn mặc hở ngực mát mẻ thế à?" thì mấy người đó nói: "trang phục ấy đạo diễn bịa ra cho câu khách đấy thôi, nhiều thứ trong phim không giống thực". Nghĩa là chính dân họ cũng chê đạo diễn của họ làm phim không giống thực tế lịch sử.

Trở lại phim "Đường tới Thăng long", tổng đạo diễn, đạo diễn phim đều là người Trung Quốc, trường quay ở Trung Quốc, diễn viên quần chúng hoàn toàn là người Trung Quốc. Tóm lại là như đứa con đẻ ở Việt nam nhưng mang sang Tàu nuôi nấng dạy dỗ, nó lớn lên bên ấy thì nó cư xử như thanh niên Tàu cũng là chuyện bình thường. Ngay từ đầu người mình đã không tự tin, tự lực đoàn kết cùng nhau làm phim giữ lấy tiền lấy việc cho dân mình để đến nước phải trông cậy vào họ thì đành phải nhận lấy cái kết quả này. Bây giờ đã mất tiền rồi không cho chiếu thì cũng tiếc tiền, tiền của tư nhân cũng là tiền, chiếu thì với tâm lý ghét Tàu sẵn dân mình cũng sẽ tức anh ách.

Mà nghĩ cũng lạ, Pháp đô hộ mình cả thế kỷ mà dân mình khi nói đến những tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp hay văn hóa Pháp thì lại khoái chí cứ như là tự hào mình được thừa hưởng những cái giống Pháp. Với Mỹ có lẽ cũng vậy, riêng Tàu thì ghét cay ghét đắng. Mà cái kẻ bị ghét ấy nó lại hao hao giống mình nhất. Trót hao hao rồi lại ngay bên cạnh thì mình càng khó khăn để giữ bản sắc riêng, bởi vì họ chắc chắn là luôn muốn bành trướng gây ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn văn hóa đối với mình. Tìm về với chính cội nguồn mình, không vay mượn cũng là một cách giữ bản sắc, thôi thì rút kinh nghiệm lần này...

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2010

Hạn chế của thơ lục bát

Đã lâu rồi, vào một lúc ngay khi viết xong một đoạn lục bát, tôi nhận ra hạn chế của thể thơ được dùng nhiều trong ca dao này. Tôi rất yêu lục bát, bây giờ yêu, sau này vẫn yêu nhưng không vì thế mà tôi không nói ra cảm nhận của mình về cái "dở" của thể loại này.

Luật vần sáu tám khiến câu thơ bắt buộc phải chui khít cái khuôn ấy thành ra câu thơ nhiều khi phải nới ra hoặc co lại cho vừa, việc này khiến cho dòng thơ có lúc như có những khoảng rỗng chẳng để làm gì mà chỉ phục vụ mục đích vừa khuôn vần luật. Có chỗ thì phải ép chặt lại cũng chỉ vì vần luật. Sự kết hợp hài hòa giữa vần luật và dòng chảy của ngôn ngữ để tạo ra một câu thơ hay như câu : "Cô kia tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi" là rất khó, phải vừa vặn không thiếu không thừa, hồn nhiên như không hề có sự sắp xếp co kéo.

Người xưa hay ví von, mượn trăng hoa mây gió để nói cảm xúc thì từ ngữ có thể giãn rộng hay co hẹp mà vẫn không để lộ dấu tích nhưng cảm xúc của con người hiện đại thì trần trụi hơn, chúng cần được chảy ra một cách thoải mái tự nhiên trong thơ, không gò ép, không thêm đắp. Những sự thêm đắp gò ép dễ khiến câu thơ thành sáo rỗng giả tạo.

Những câu thơ 6, 8 nối nhau đều đặn cũng dễ tạo ra lối mòn nhàm chán, dễ gây cảm giác cũ, sến. Trong lục bát, để tạo ra sự bùng nổ dồn nén của câu thơ chỉ có trông chờ vào vần sáu và vần tám. Còn muốn tạo ra sự đứt gãy tan nát thì dường như không thể vì lúc nào vần luật cũng ngoan ngoãn chỉn chu chui vào độc một cái khuôn ấy. Nhiều bài lục bát đọc lên luôn gợi cảm giác hoài cổ, xưa cũ.

Bàn liều như vậy về thể thơ lục bát, còn đây là mấy câu comment ở blog hòa thượng THT dựa vào nội dung entry Ký ức Ấn độ:

Sách hay đọc lại càng hay
Tri âm gặp lại càng say khúc đàn
Ta đi đường đất muôn ngàn
Vẫn mong về lại cơ hàn cảnh xưa

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2010

Ảnh mùa hè







Ảnh chụp ngày Quốc Khánh Canada 1-7-2010 ở trung tâm Ottawa.

Hết duyên (hay là bài đáp lại ca dao)

Ca dao

Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình
Còn duyên kén cá chọn canh
Hết duyên tương ớt dưa hành cũng quơ
Còn duyên bán bưởi bán hồng
Hết duyên bán mít cho chồng gặm xơ
Còn duyên kén chọn trai tơ
Hết duyên ông lão cũng quơ làm chồng
Còn duyên chọn lý chê hồng
Hết duyên ngồi gốc cây hồng nhặt hoa



Đáp lại

Còn duyên bận rộn đón đưa
Hết duyên thoải mái lại vừa thong dong
Còn duyên lắm mối nằm không
Hết duyên ông lão làm chồng đấm lưng
Còn duyên hồng bán bưởi bưng
Hết duyên ngồi võng kết thừng chồng đưa
Còn duyên lo đối trai tơ
Hết duyên hết chuyện vẩn vơ nhọc lòng
Còn duyên lan, lý mơ mòng
Hết duyên mới biết gốc hồng nhiều hương
Còn duyên xe đậu chật đường
Hết duyên mới rõ ai thương thật tình

12-8-2010

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

Lục bát mùa thu

Đi

Khi ta mò mẫm con đường
Thời gian dòng nước vô thường vẫn trôi
24-8-2010

Nghe

Tôi đi vào giữa đám đông
Để nghe thinh lặng trong lòng cất lên
Tôi về cô độc một miền
Để nghe náo động cuồng nhiên trập trùng
14-9-2010

Thương

Ngôi nhà ở cuối con đường
Con đường cách một đại dương vợi vời
Mẹ già chống cửa đợi tôi
Một đầu tóc bạc một đôi mắt mờ
5-8-2010

Nhớ

Tôi rời nơi ấy lâu rồi
Trong mơ vẫn thấy núi đồi dòng sông
Bao giờ về lại thoả trông
Biết đâu tôi lại nhớ mong nơi này
5-8-2010

Yêu

Anh là hơi thở mù sương
Em là đám cỏ khiêm nhường đợi mưa
Chứng nhân: cơn gió ban trưa
Cỏ ơi cỏ hỡi mày thưa thốt gì
6-8-2010

Sầu

Thu sang làm lá thay màu
Lòng đang yên cũng chuyển tầu miên man
15-9-2010