Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Game nhà trồng được




Game con trai tôi viết bữa trước đã được cháu viết lại để chơi ở máy tính có bàn phím với mọi hệ điều hành:



Mời các bác chơi thử và chia sẻ với mọi người giùm, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các bác, cảm ơn các bác nhiều!

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Chúng ta chảy như sông

Jorge Luis Borges

Chúng ta là thời gian, chúng ta là tăm tiếng
từ phép ẩn dụ của triết gia Heraclitus Bí Hiểm.

Chúng ta là nước, đâu phải kim cương cứng rắn,
là thứ mất đi, 
đâu phải thứ còn nguyên.

Chúng ta là dòng sông và chúng ta cũng là người Hy lạp ấy
chàng soi mình xuống nước. Bóng dáng chàng nhìn thấy
cũng đổi thay trên mặt gương nước đổi thay,
đổi thay trên tinh thể biến ảo như lửa.

Chúng ta là dòng sông tiền định vô nghĩa
trên hành trình ra biển.

Bóng tối bao trùm lấy dòng sông.
Tất cả nói lời từ biệt, tất cả đều rời xa.

Trí nhớ cũng không in dấu mãi.

Dẫu vậy, có điều gì đó vẫn lưu 
lại,
dẫu vậy, có điều gì đó như khóc than.

(dịch từ bản dịch tiếng Anh)







Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Lá thư

Có viết thơ đâu,
tôi chỉ đi nhặt những ngôn từ vỡ vụn
như những cánh hoa  trên cỏ xanh,
trong một chiều mùa xuân bình yên đến thế
tôi không thể không nhặt lấy những mảnh ký ức đang rơi vào lãng quên
ở một nơi chẳng ai cần đến chúng
nhặt lấy cho mình
những mảnh hương tuổi mười bảy
cô bé tóc đuôi sam bướng bỉnh ngốc nghếch
con nhỏ ngu lâu chẳng hiểu gì
tên anh là Hoàng
anh là bạn thân nhất của anh trai,
ngày mai anh lên biên giới phía Bắc
anh đến nhà cầm theo một lá thư,
trong thư cài một cây bút Kim Tinh rất mới
hẳn là anh đã chuẩn bị rất lâu
anh viết, ngày mai anh đi lên Vị Xuyên chẳng biết thế nào
tặng em cây bút này,
nhớ về em người em gái nhỏ hậu phương
viết thư cho anh nhé...
anh đã đứng đợi ngoài cửa rất lâu
tôi ở lỳ trong nhà,
không ra
anh để lại bức thư ở song cửa sổ
rồi đi
bức thư có gài cây bút
tôi đưa cho mẹ
bắt mẹ đưa cho anh trai để anh trai trả lại cho anh
anh trai im lặng cất vào trong tủ
khi đó tôi chưa biết gì nhiều về chiến tranh và mất mát
tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình còn bận học
không có thời gian viết thư
con nhỏ ngu lâu chẳng hiểu gì
nhiều năm đã trôi qua 
cô bé mười bảy tóc đuôi sam đã thành người đàn bà tóc chấm bạc
chiều nay đi giữa mùa xuân tĩnh lặng của phương xa
khi đất nước quê hương có thể có chiến tranh
lại có những người anh ra đi,
những người bạn anh trai ra đi,
chẳng biết thế nào...
người đàn bà tóc chấm bạc
cô bé mười bảy năm xưa
ước gì mình đã viết cho người lính ấm lòng
trước giờ ra trận:
Chúc anh đi,
chân cứng đá mềm
nhớ về anh,
em gái nhỏ hậu phương

30-5-2014



Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Còn ai tìm lối

Vì tôi cũng kẻ bên lề
Cho nên tôi cứ trông về Nhã Thuyên
Đường to rộng bước chính chuyên
Sợ chi cỏ dại mọc xiên bên lề
Nhã Thuyên mất nghiệp mất nghề
Còn ai tìm lối đi về hoang vu

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Eat the Gold


This game is written by my son:

Game con trai mình viết:







Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Người điểm sách



   Đã từ lâu, tôi thường đọc blog Nhị Linh để xem sách văn học xuất bản ở Việt nam có gì mới. Đối với tôi thì đây là một địa chỉ đáng tin cậy về sách và Nhị Linh rất phù hợp với vai trò người điểm sách.

   Tôi đã quá chán kiểu giới thiệu sách màu mè, một chiều mà ít thông tin trên báo chí thường gặp. Hoặc là hời hợt và rỗng tuếch với những từ ngữ sáng choang leng keng. Hoặc là khen và khen nhưng đọc họ khen nhau là biết họ đang miếng gắp trả miếng cho nhau trong mâm cỗ văn chương nước nhà khiến cho người đọc có cảm giác bị mắc lỡm. Hoặc vướng vào định kiến, đặc trưng cơ bản của thế hệ chúng tôi trở về trước, những thế hệ đắm chìm trong định kiến một chiều...

   Điều người đọc muốn biết về một cuốn sách là vị trí thực của nó trong mối tương quan chung giữa những cuốn sách đã ra xung quanh, nó thuộc dòng chảy nào, nó có gì mới, khác, so với những cuốn sách khác. Để biết được những điều ấy, yêu cầu quan trọng đối với người điểm sách là anh ta phải đọc rất nhiều. Phải công nhận Nhị Linh đọc rất nhiều, trong suy nghĩ của tôi, người điểm sách này giống anh chàng lãng tử dạo gót giữa những tủ sách cao dài miên man, chàng nhặt lấy một cuốn kể đôi điều về nó rồi bất thần liệng sách lại chỗ của nó và lượm lên cuốn khác. Không có cuốn sách nào lấy trọn tâm huyết của chàng, chàng cũng chẳng dừng lại ở đâu quá lâu nhưng cũng chính nhờ vậy mà chúng ta có thể yên tâm nghe chàng kể về về nhiều cuốn sách, về nhiều tủ sách. Chặng đường cứ tiếp tục trong lúc người điểm sách luôn đứng ở vị trí trung dung, vị trí mà dù bạn có ở bên lề nào bạn cũng muốn lắng nghe vì bạn sẽ không bị dẫn dắt vào những ngõ cụt yêu ghét, thù hận, chỉ là cộng thêm cho bạn hiểu biết về văn chương, về con người.

   Không phải lúc nào anh ta cũng nói ra những nhận định chính xác về một cuốn sách nhưng ngay cả khi đọc những điều đó bạn cũng thấy sự gợi mở của nó đến những điều cần nghiên cứu sâu hơn. Bạn cũng sẽ thấy anh ta quay trở lại với những cuốn sách từng được nói đến và bổ xung những nhận xét mới cho nó. Khi đọc Nhị Linh viết về cuốn Bắt trẻ đồng xanh, tôi đã không khỏi bật cười khi anh chàng phân tích câu hỏi của cậu bé Caufield về những con vịt ở công viên Trung tâm, chúng đi đâu vào mùa đông, vì Nhị Linh áp đặt vào câu hỏi đấy những ý nghĩa quá sức. Đó đơn giản chỉ là một câu hỏi hồn nhiên của đứa trẻ. Khi nhìn mùa đông trắng tuyết, lũ trẻ con và cả người lớn nữa cũng thường nghĩ đến những sinh vật rộn ràng ngày hè đã biến mất đi đâu. Nhưng biết đâu đấy cũng là một nỗi hoài nhớ cần lời giả đáp bằng những nghiên cứu nghiêm túc. Tôi luôn cảm thấy ở đằng sau những lời điểm sách của Nhị Linh phẩm chất của một người nghiên cứu văn chương nghiêm túc.

   Trong những giọng văn đã trở nên quen thuộc mà tôi hay tìm đọc kể từ khi vào mạng, có nhiều người viết hay. Trong số đó có một số người cũng hay viết điểm sách, chẳng hạn như bác Gỗ Mun. Tôi cũng thích đọc điểm sách của Gỗ Mun nhưng cảm giác khi đọc thì khác với đọc Nhị Linh. Không phải một lãng tử liệng hết cuốn sách này đến cuốn sách khác trong sự khám phá say sưa cô độc, Gỗ Mun chỉn chu cẩn thận và thường chỉ viết về những gì bác ta thích. Giống như cách bác chăm sóc tổ ấm xinh xinh của mình, bài nào ra bài nấy, không có biến động nào không thể đoán trước, trật tự, hiền lành và hứa hẹn thành quả yên bình. Trước thấy hai người thân thiết, sau thì thôi, tôi cũng tiếc cho mối thân tình, hy vọng một ngày nào đó họ lại đôi giò sóng đôi. Tôi đã đọc Nhị Linh viết về những đứa con mình, có một nỗi xót xa cuộc đời trong ấy, nó rất gần nỗi xót xa cuộc đời trong các tác phẩm văn học thực sự. Có lẽ cuộc đời khi đem sóng gió đến cho ai đó thì cũng đem theo cả quà tặng cho người ta. Tôi thích đọc Nhị Linh hơn Gỗ Mun.

   Tôi viết bài này sau khi đọc entry mới nhất của Nhị Linh, mong chàng ta tiếp tục viết điểm sách cho mọi người đọc, cho dù có bận rộn đến đâu, nghe đồn chàng ta được nhiều gái đẹp yêu lắm, ngay cả điều này rồi cũng trở thành huyền thoại.

   Như những cuốn sách.