Luẩn quẩn trong đầu tôi mấy bữa rồi vẫn là câu hỏi: "Thực ra thì văn thơ đã có ý nghĩa thế nào trong cuộc đời mình?".
Với nghề nghiệp chuyên môn của tôi thì nó không có lợi nếu không muốn nói là có hại. Tôi nhớ những lần đầu nộp báo cáo nghiên cứu mỗi tháng, một dạng nhật ký công việc để giáo sư biết mình hiện đang làm gì để tham gia thảo luận góp ý. Bà giáo hướng dẫn gọi tôi đến và phàn nàn rằng tôi đã viết với cảm xúc của mình, như vậy không được, bà nói các thí nghiệm phải được mô tả ở dạng bị động, rõ ràng đầy đủ thông tin nhưng không lan man và KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CÓ những từ biểu lộ cảm xúc. Chẳng hạn như không được viết: "kết tủa đỏ xuất hiện trong dung dịch là minh chứng tuyệt vời của phản ứng khử từ Se(IV) về Se(0)"...
Vậy nên tôi lúc nào cũng phải nhắc mình tỉnh táo và luôn rà soát lại những ghi chép để bỏ đi những từ không cần thiết hay bị đưa vào theo cảm nghĩ của mình một cách vô thức.
Văn thơ cũng khiến tôi hay nghĩ vẩn vơ trong khi làm việc, có lần đang thảo luận với bà giáo sư ở nhóm nghiên cứu thì tôi chợt nghĩ: mắt và lông mày bà ấy sao mà giống câu 6 câu 8 trong một đôi lục bát quá, kìa hai đôi lục bát đặt song song, long lanh sinh động. Chỉ có nghĩ thế mà nhãng đi mất điều mình đang định nói, thật là tệ hại. Còn những khi bà ấy nhắc đi nhắc lại nhiều cái mà tôi không muốn nghe nữa thì tôi lại cũng để đầu óc sang chỗ khác, thường là thơ thẩn. Anh VMC có lần nói đến chuyện không nên tuyển người hay làm thơ vào làm việc, thật là chí phải :)
Với gia đình thì số lần chồng tôi phàn nàn về chuyện thơ thẩn của tôi nhiều không nhớ hết, viết hẳn một entry cũng còn chưa đủ ;) Trong lúc chồng tôi ca cẩm tôi xếp những từ của anh ấy thành lục bát hoặc chán trò đấy rồi thì nghĩ đến chuyện khác. Bề ngoài thì như một người vợ rất ngoan ngoãn nghe chồng nói về chuyện dừng hết thơ và đừng vào mạng đọc thơ văn nữa. Tôi không biết cái trò phân tâm này là lợi hay hại, chắc là có hại nhưng mà nghe mãi một chuyện thì rất chán, nghĩ sang chuyện khác giống như mình được thoát ra vậy. Dù sao thì tôi cũng có lỗi với chồng mình vì chồng nói bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn không bỏ được thơ thẩn mạng mẽo.
Sao tôi lại không bỏ được? Vì văn thơ luôn cứu tôi những khi buồn hay hẫng hụt, cả những khi stress vì công việc dồn dập. Tôi nhớ những chiều mùa đông chóng tối phải hướng dẫn SV trong phòng thí nghiệm hữu cơ đầy dụng cụ thủy tinh và mùi hóa chất hữu cơ, tôi chỉ mong họ làm xong để tôi được trở về phòng làm việc của mình, thả hồn vào một đoạn văn hay thơ nào đấy một vài phút trước khi trở về nhà. Vậy là dọc đường về trong đầu tôi đã ngân nga những câu thơ và văn ấy mà quên đi những mùi phát sợ và quên đi cả cái nhọc nhằn trong sự diễn đạt tiếng Anh của mình.
Bữa trước tôi gọi điện cho một người bạn mà tôi biết đã lâu rồi, giọng bạn ấm áp chậm rãi, rất dễ mến. Vậy mà trong lúc nói chuyện tôi chợt nhận ra rằng tôi đã có thể viết ra rất tốt điều mình nghĩ, từng dòng từng dòng một cho đến khi hết ý, nhưng nói thì không như vậy. Nó giống như sự khác nhau giữa văn chương và đời thực, có nghĩa là văn chương đã ám ảnh tôi nhiều hơn tôi tưởng. Nó vẫn là sợi dây từ xưa đến giờ xuyên suốt những khúc mắc của tôi giữa cuộc đời này.
Tôi nhớ từ khi còn nhỏ mình đã thích đọc như thế nào, tôi đi chơi khắp dãy nhà 319 nhiều khi chỉ để xem nhà ai có truyện gì mà tôi chưa đọc. Một cô gái nhỏ ngồi trên chiếc ghế gần của sổ cầm cuốn sách và tưởng tượng mình là cô gái mù trong truyện Thằng Cười, đấy chính là tôi ngày niên thiếu. Thật kỳ lạ, tôi đã nhập vai tốt đến nỗi đôi lúc trong những giấc mơ có lúc tôi thấy mình chính là nhân vật trong truyện. Khi thì là đứa con gái mơ màng trong Chó hoang Dingo khi thì là cô gái mạnh mẽ Giamilia chạy theo tiếng gọi tình yêu...
Khi ấy tôi mới khoảng 14, 15 tuổi.
6 nhận xét:
cô gái mù ấy tên là Déa nhỉ :p
@NL: Đúng rồi :)
Chị ơi đọc bài này thích lắm ạ. Thích lắm lắm.
Thì trong cuộc sống cũng phải có chỗ cho thơ để giúp đời bớt tẻ nhạt chứ em...
Em cứ vào blog đọc comment của mọi người là lại muốn làm thơ :)
Thế mà lúc viết bài này mình lại buồn lắm đấy :)
Đăng nhận xét