Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

Nhạc Trịnh - Tình đời mưa nắng cỏ cây

(Status Facebook THY)


 Hồi xưa mình còn trẻ, còn sến nhiều, nghe nhạc Trịnh chỉ thấy em Diễm em Ánh em Khê em Nhung em này em khác. Đến khi đỡ trẻ rồi nghe lại thấy các em chỉ là những bóng dáng mỏng mảnh lướt qua, cái nền đằng sau những bóng dáng ấy mới bền vững trường tồn và thực sự lay động tâm can mình, cái nền ấy chính là cỏ cây chim muông mưa nắng thiên nhiên quê hương xứ sở mình.


Là bốn mùa thân thương nhẹ nhàng trôi như gió như mây:


“Bốn mùa như gió

Bốn mùa như mây

Những dòng sông nối đôi tay

Liền với biển khơi”


Cho dẫu có lúc lòng người bơ vơ giữa bốn mùa thời gian ấy:

 

“Rồi mùa Xuân không về

Mùa Thu cũng ra đi

Mùa Đông vời vợi

Mùa Hạ khói mây”


Và một nỗi niềm lo lắng khôn nguôi:


“Vai em gầy guộc nhỏ

Như cánh vạc về chốn xa xôi...”


Nghe “cánh vạc về chốn xa xôi” như là thấy trước mắt một cảnh phim, tại sao lại là một chuyển động xa dần xa dần vời vợi như vậy chứ? Bởi vì ta sẽ thấy dưới cánh vạc ấy là những cánh đồng bát ngát, là dòng sông, là chân trời quê hương, “Cánh cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng” (Ca dao). Còn gì hơn thế nữa? Còn một nỗi lo âm thầm, những gì sẽ xuất hiện nơi xa xôi kia có thể làm đau một cánh vạc? Một nỗi lo âm thầm dai dẳng không tan trải dài suốt không gian và thời gian.


Dẫu ta chỉ là hạt bụi:

“Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi

Để một mai vươn hình hài lớn dậy.

Ôi cát bụi mệt nhoài, mặt trời soi vạn kiếp rong chơi...”


Thì bầu trời nguồn cội vẫn đâu đó ấm áp quanh ta cho dù có khi ta không nhớ đến:


“Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội

Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tôi

Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội

Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời”


Cuối cùng còn lại những tấm bia, ai biết bia kia cảm giác gì, và cái tình khiến sỏi đá muốn gần nhau có phải chính là tình yêu quê hương xứ sở:


“Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động

Làm sao em biết bia đá không đau

Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng

Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”


Người ta hay quan tâm Trịnh Công Sơn yêu ai, trong khi đó, nếu nhìn lại toàn bộ cuộc đời ông thì biệt tài lớn nhất của ông có lẽ là khả năng nối chứ không phải khả năng yêu. Trịnh Công Sơn không chỉ nối Khánh Ly cho tới Hồng Nhung, Diễm xưa cho tới Diễm cuối, ông nối chiến tranh với hoà bình, nỗi buồn với niềm vui, cái chết với sự sống... Trong dáng vẻ mảnh mai gầy gò nhưng kiên tâm nhất mực giữ lòng yêu thương, Trịnh Công Sơn đã thực hiện sứ mạng nối lòng người bằng âm nhạc của mình, và đó chính là điều đáng kể mà nhạc sĩ đã mang lại cho đồng bào ông, quê hương đất nước ông.


Mình nghe nhạc Trịnh những đêm khuya khoắt, những buổi tuyết rơi mòn mỏi, luôn cảm thấy tình yêu ấy và sau đấy là một câu hỏi mình tự đặt cho mình: mình đã làm gì cho xứ sở quê hương yêu dấu hay chỉ làm nơi ấy muộn phiền thêm? Đó là câu hỏi mình phải tự trả lời và chính câu hỏi này cũng gắn lòng mình với quê hương trong mọi hành xử của mình trong cuộc đời. Mình biết ơn nhạc Trịnh đã phần nào mang đến cho mình một chốn neo đậu để mình nhớ về quê hương từ nơi xa cách ngàn trùng này.


Ottawa, 5-4-2019

Không có nhận xét nào: