Thứ Năm, 7 tháng 4, 2022

Bánh chị Hoài

(Status Facebook THY)

Mặc dù thuộc thể loại yêu truyền thống thích bánh chưng (Tết nào cũng kỳ cạch tự gói lấy bánh ăn dù ở tận đất Gia Nã Đại, tuy ăn miếng nào cũng chạy cật lực miếng đấy cho giảm calo) tôi vẫn có thể điềm đạm đọc bài chị Hoài như một tản văn nhiều tính hài hước mà gần đây người ta hay viết để mua vui, để gây hấn với đám đông từ một góc nhìn thiểu số hoặc thậm chí từ một điểm xa góc hẹp nhất nơi người ta có thể dùng văn chương làm đòn bẩy đẩy lộn nhào tất cả. 

“Trò chơi vô tăm tích” văn chương như chính chị Hoài từng gọi chẳng khác gì hòn đá tảng mà Sisyphus kỳ công đẩy lên đỉnh núi rồi đứng nhìn nó rơi tụt xuống vực sâu. Ngay cả Nguyễn Du xưa kia lao tâm khổ tứ vào Truyện Kiều cũng phải tâm sự câu cuối chốt lại: “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Một thi sĩ nào đó sau ông còn chua chát: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo!”. 

Vậy thì tại sao đám đông kia lại phải hớt hải rủ nhau vào ném đá chị Hoài? Điều này có sự liên quan đến một là môn toán xác suất thống kê mà thỉnh thoảng có ví dụ ta thường gặp trên Vnexpress thống kê ý kiến độc giả trong một vấn đề gì đó, hai là liên quan đến chính môn thể thao ném đá mạng mà ta hay gặp ở Facebook các trọng tài bắt những trận đội VN thua. Nếu có 99.99% người yêu bánh chưng và 0.01% người ghét bánh chưng thì có nghĩa là bánh chưng vẫn tiếp tục được yêu thích sao lại cần phải đập cho 0,01 xuống thành 0? Không cần phải như thế bởi vì điều đó là không thể, cũng như Ta đã không thể giữ chủ trương “Không Covid” hay Tây không thể tiến tới tiêm chủng 100%. Nhưng tôi cũng thông cảm với sự hồn nhiên của đám đông ném đá chị Hoài kịch liệt tựa như thông cảm với những người lái xe tải biểu tình ở Ottawa cứ đòi “F*ck Trudeau”, tôi vẫn muốn Trudeau cởi mở thảo luận với họ, chúng ta đang sống trong một thế giới đa niềm tin, đa thần giáo, trong khi khoa học thì lập loè như sao buổi sớm, phải làm sao để giữ tất cả thuận hoà. 

Cho nên tôi rất nể trọng chị Hoài khi chị phản ứng bình thản trước một đám đông cả mấy nghìn comment, không xoá ai, không block ai, thậm chí ngay cả sự phẫn nộ của đám đông cũng trở thành chất liệu cho công việc viết của chị. Và cũng có những comment rất thú vị trình bày một cách lịch sự vì sao họ thích bánh chưng, văn vẻ và lý lẽ rất rõ ràng tưởng cũng có thể đối đáp lại được những lý lẽ của bài chị Hoài, có những comment phản tỉnh cho đám đông, có những comment ủng hộ chị Hoài… Cuối cùng ta có thể thấy một tác phẩm đầy đủ, một bên là nhà văn một bên là công chúng. Giờ thì tôi có thể yên tâm nghĩ ngợi về văn chương chị Hoài.

Văn chị Hoài có tiếng từ lâu với những truyện ngắn đặc sắc trong hai tuyển tập truyện ngắn Mê Lộ (1989) và Man Nương (1995). Quãng thời gian đó, tôi học đại học và ra trường đi làm, tôi đọc văn chị thấy rất khác những nhà văn khác, khác cả Dương Thu Hương mà sinh viên bọn tôi cũng hay đọc. Sau khi đi làm rồi, tôi đọc một tác phẩm khác của chị là Marie Sến (1996), cuốn này tuy không tuyệt tác nhưng xem cách từ ngữ sinh sôi dưới ngòi bút của chị một cách phong phú và sinh động tôi thấy rất nể phục chị. Chị Phạm Thị Hoài còn có tiểu thuyết Thiên sứ ra năm 1988, tiếc là khi đó sách bị cấm hay sao đó nên tôi không có để đọc, có lẽ phải tìm đọc lại cuốn này. Tôi cũng rất tiếc chưa thấy ai làm nghiên cứu về biểu hiện nữ quyền trong văn chương của Phạm Thị Hoài giai đoạn sáng tác này của chị mặc dù mọi người rất hay đưa hình ảnh “dương vật buồn thiu” trích dẫn của chị ra làm ví dụ để cười đàn ông Việt, nói thật là đọc chị Hoài tôi vừa hoảng hốt vừa khoái chí, không có nữ nhà văn nào trước đó đem đến cho tôi cảm giác đó, có chăng là một nhà thơ nữ lâu rồi: Hồ Xuân Hương.

Giai đoạn sau, khi đã ở nước ngoài, tôi đọc chủ yếu những bài viết của chị trên mạng.

Giai đoạn chị Hoài tổ chức Talawas rồi đến giai đoạn viết blog Pro&Contra hay sau này viết cho báo Trẻ dường như chị hướng về viết báo chứ không còn sáng tác văn chương như trước. Chị viết về những sự việc có thật, con người thật, nơi chốn thật, và đưa ra quan điểm rõ ràng của bản thân một cách không khoan nhượng. Nhưng văn chương vẫn nằm đâu đó trong các bài viết của chị như những áng mây viền núi đồi và thành phố khiến cho khung cảnh trở nên khuyến dụ hơn, hấp dẫn du khách hơn. Đấy là với những du khách yêu thích văn chương của chị, có cả những du khách coi những đám mây là chướng ngại khiến cảnh vật thêm u ám. Tôi nghĩ những bài báo của chị Hoài có độ hấp dẫn nhất định chính là nhờ chất văn trong đó.

Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó, những hoạt động dịch thuật, biên dịch, biên tập, biên soạn, xuất bản các bản thảo cũ, chủ xướng trang web Talawas, giới thiệu và đăng tải về Văn Nhân Giai Phẩm,… của chị bên cạnh các bài viết khiến cho người ta nghĩ đến chị như một người chủ trương khơi cho văn chương Việt thêm một dòng chảy tự do hơn bên cạnh dòng chảy chủ đạo trong nước dưới sự kiểm duyệt của chính quyền. Rồi thời gian trôi qua, các dòng chảy tương tác với nhau, đó có lẽ cũng là một phần vai trò của Talawas dù trang này đã dừng hoạt động.

Năm 1997, trong một bài báo về Trần Dần có tiêu đề “Thủ lĩnh trong bóng tối” chị đã viết: “Không người viết nào muốn thuộc về phía tối của đời sống văn học, song khi phía được chiếu sáng quá tầm thường thì được khuất mặt có thể là một hãnh diện chính đáng.” Lần đầu đọc truyện ngắn Ám thị khi còn là sinh viên, tôi không hiểu lắm nhưng khi đọc bài báo này của chị thì tôi đột nhiên liên tưởng và hiểu ra truyện Ám thị khi xưa của chị. Truyện đó kể về một cặp vợ chồng và một thầy tẩm quất mù mà chính người chồng đã đưa về để phục vụ vợ mình, dần dà người tẩm quất mù tuy chỉ biết đến bóng tối nhưng lại hiểu rõ cơ thể người vợ tới mức khiến cho nàng rung động đồng điệu hơn cả người chồng mắt sáng, rốt cuộc người mù bỏ đi vội vã để lại nỗi mong nhớ của người vợ bên cạnh người chồng ghen tuông tra tấn… 

Tôi đã liên tưởng quá lên hay đúng là chị Hoài đã lựa chọn con đường cho mình từ cái thủa xa xưa vào quãng năm 1987 khi chị lần đầu đến gặp Trần Dần? Từ khởi đầu đó, người đàn bà nhà văn thông minh và chua chát đã chọn dòng văn chương bị vùi dập trong bóng tối để nâng niu ôm ấp, để về sau tạo điều kiện cho dòng chảy đó hiện diện sang trọng trên Talawas, trên mạng Internet? Dù sao thì tôi cũng cần phải cảm ơn chị vì đã vào trang đó đọc khá nhiều thứ, tôi nghĩ nhiều người cũng sẽ biết ơn vì chị đã dựng lên trang Talawas, nghĩ mà xem, phụ nữ Việt như chị chẳng phải cũng anh hùng lắm sao? Tôi nhớ đến những người mẹ, người chị Việt nam luôn cưu mang cả những chiến binh thất trận với cảm giác thật dịu lòng.

Kể từ thủa Talawas được dựng lên rồi bị tường lửa, chị Hoài với chính thống khó ưa nhau. Truyện Ám thị đã vận vào đời chị hay chính chị đã chọn bên đối diện với chính thống làm lối đi cho mình cho suốt tới về sau và mãi đến bây giờ? Tôi cũng không rõ nữa nhưng tôi thấy chị vẫn là một Phạm Thị Hoài kiên định dù thôi chỗ nọ viết chỗ kia rồi lại thôi chỗ kia viết chỗ ấy, nhưng chính thống có được một ngòi bút phản biện như chị thì cũng may cho chính thống, vì phản biện chua cay, nhiều bài hay nhưng chưa bao giờ tới mức làm rung rinh bàn cờ chính thống. Dường như chị Hoài cũng có những mối quan hệ rất tốt trong nước chở che để không bao giờ gặp những chuyện rắc rối về chính trị chính em. Nhiều bạn tôi trong nước khá thờ ơ với các bài viết của chị nhưng tôi và những người bạn chơi diễn đàn xưa thì vẫn hay đọc chị, đôi khi rung rinh, nghĩ dầu sao cũng có người viết như thế, như thế trong khi mình thì bận túi bụi vì cơm áo, gạo tiền, chồng con, mèo chó…

Thủa còn viết truyện, có lần chị Hoài so sánh hôn nhân như một “món nộm suồng sã”, đôi khi đọc văn chị, tôi lại nhớ đến hình ảnh so sánh này, dường như nhà văn muốn phơi bày tất cả những góc khuất tâm lý con người ra ngoài qua từng câu chữ sát sạt và hình ảnh sống động. Nếu văn chị viết là món bánh thì nhân của nó rất nhiều gia vị chua, cay, mặn mòi, hăng, xóc. Nhưng bánh của chị là thứ bánh không cần che đậy, gói ghém phiền phức, ai thích ăn sẽ nhận ra ngay, ai không thích có thể bỏ qua, đây không phải loại bánh đánh lừa người ta bằng cái vỏ ngoài, những người yêu thích và kiên nhẫn đợi bánh lần sau hẳn chẳng bao giờ thất vọng.

11-2-2022


Không có nhận xét nào: