Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Ngày cuối năm

Năm nay bọn mình đón năm mới ở Ottawa. Buổi sáng ngày cuối năm mình tự nhiên thấy nao nao trong dạ bèn dậy sớm đi loanh quanh trong nhà lúc hai bố con còn đang ngủ. Hôm nay chắc hai bác lại dậy muộn vì tối qua xem phim khuya. Mình vào bếp sắp nồi cơm rồi lại ra ngó tiếp đằng sau đằng trước, một buổi sáng yên tĩnh. Lấy máy ảnh ra lưu lại khoảnh khắc yên tĩnh này, ngày mai là Năm Mới.


Phía sau nhà, nhìn qua cửa sổ tầng hai.


Phía trước cửa, có cái xe đẩy hàng ai đẩy qua bỏ lại, có con sóc nhỏ màu đen chạy tung tăng trên nền tuyết. Nhìn cái xe đẩy hàng và con sóc mình nghĩ đến dấu vết của con người đang lấn át thiên nhiên, cái xe đang tiến đều mà con sóc thì nhỏ nhoi và ngây thơ, rồi nó sẽ về đâu...


Cuối cùng thì lại vào bếp, cơm đã chín rồi, hai lọ dưa muối hôm trước ăn hết một lọ còn một lọ, hôm nay mình sẽ làm nem rán, ngày cuối năm nào mình cũng làm nem rán. Tối nay bọn mình sẽ đi xem bắn pháo hoa ở trung tâm thành phố.

Chúc các bạn gần xa một Năm Mới yên bình.

Update: Nem rán rất ngon còn thành phố đêm giao thừa không có bắn pháo hoa, chỉ có chăng đèn kết hoa thôi và chìm ngập trong tuyết rơi bông to!


Nem cuốn xong chuẩn bị rán.


Lúc sắp ăn sẽ rán thêm tí nữa.


Còn đây là ảnh chụp ở Parliament Hill đêm 31-12-2009.
Nhìn thành phố sáng đèn muôn màu trong tuyết rất đẹp, vẻ đẹp kỳ ảo khó quên.
Happy New Year!

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Con trai 14

Mình đang nghĩ xem phải mua quà gì cho bạn này, bạn ý mấy hôm nữa là tròn mười bốn tuổi, mình đoán bạn đang thấp thỏm đợi quà hehe

Để tạm ảnh bạn đây cuối tuần mình sẽ viết cho bạn một bài dài nhé ;)

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

Vài thực tế

1. Tháng cuối năm, tuyết rơi nhiều, lái xe dễ bị trượt. Cảm giác ngồi trong xe ấm dễ chịu trong khi bên ngoài gió lạnh, tuyết bay lất phất. Lái xe đi trong tiếng nhạc nhè nhẹ và tiếng hai bố con nói chuyện rầm rì phía sau. Vừa chú ý đi cẩn thận vừa tận hưởng cảm giác ấm áp hạnh phúc. Cuối tuần đi ra ngoài mua bán một chút bao giờ cũng thấy vui vẻ sau cả tuần lab và thư viện.

2. Một tập bài hữu cơ phải chấm để trả, ngại thật. À, buồn cười có bạn last name Champagne, một bạn khác thì là Burns :P

3. Viết lục bát có lúc mình nhớ đến trò chơi rải gianh, có một số hòn sỏi cứ lật tay qua lật tay lại, sỏi viên còn trên tay viên rơi xuống đất, mình cứ chơi mãi như thế đến khi những viên sỏi nhẵn bóng. Mình hồi bé thuộc dạng mải chơi (con út được bố mẹ và anh chiều) rải gianh, ô ăn quan, chuyền chắt, dây chun, dây thừng mải mê cùng với lũ trẻ con ở dãy nhà tập thể. Nhiều khi chúng nó bị bố mẹ gọi về gần hết chỉ còn một hai đứa chơi với nhau, kể cũng buồn so với khởi đầu đông vui tấp nập. Bây giờ thỉnh thoảng vào chơi ở diễn đàn lại nhớ cảm giác chơi với bạn hồi xưa, trưa đông chiều vắng...

4.
Rồi một ngày tuổi cộng thêm chữ tác
Trông vườn cây xao xác nắng ngả chiều
Ngó gương giật mình giữa xanh tóc phiêu diêu
Một sợi bạc ánh lên màu tinh quái...

Cuối cùng thì mình cũng gói ghém được vài điều vào cái tuổi bốn mươi (nghe sợ nhỉ) của mình. Mình đã quen dần với nó trong sự lờ tảng buổi đầu, âu sầu buổi giữa, lần lữa buổi sau, hơi đau buổi cuối và vui vẻ một hơi nốc cạn vào buổi chót. Thật thà vào tháng cuối năm này là mình cũng quen quen rằng mình đã pho-ti còn cái hồi mà sinh nhật từ tận giữa năm thì kệ bố cu cứ chèo kéo đi cụng ly nhà hàng, mình cứ lờ văn tảng. Hôm nọ có bạn sinh năm 87 hỏi thăm "bạn Yến" mình có tí choáng nhưng trấn tĩnh được ngay, đấy các bạn thấy không, bốn mươi vào nó có khác :)
Tiếng Việt công nhận là hay thật, tuổi mà nhiều thì thành tuổi tác, tương tự tiền già thì tiền bạc, rơm già rơm rác... vv... nói vậy để các bạn chưa đến tác, rác vui vẻ mà hưởng thụ cuộc sống nhé! (j/k)

Tự comment: phần 4 tâm sự hơi dài hihi

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Chiều đông

Em đừng ăn vạ mùa đông
Mắt hồ băng kín chẳng trông thấy gì
Tuyết rơi bàng bạc như ri
Em cười em khóc nhu mì như nhau

Em đừng thách gió thổi mau
Quất thêm lạnh lẽo cho nhàu đám cây
Miền cao bóng tối đã đầy
Dưới này tuyết trắng cũng dầy bước chân

Cô liêu trời đất xa gần
Đợi em tha thẩn trong sân một người
Một người ấm áp nụ cười
Cho em thách đố, vạ mười, vạ trăm...

2-12-09
HY

Về đi em

Cho Nkd

Về đi em nhạt nắng rồi
Về nơi chốn cũ ta ngồi lặng yên
Nhìn nhau cho bớt muộn phiền
Nói dăm câu chuyện làm duyên bạn bầu

Vui nào rồi cũng héo rầu
Say nào rồi cũng buốt đầu đắng môi
Em về cố quận cho nguôi
Vắng em ai nhớ đôi lời thở than
Nhớ thêm hờn giận ngút ngàn
Nhớ sang mơ mộng muôn vàn trăng sao

Em về lối cũ tiêu dao
Bao thương mến cũ năm nao cũng về...

2-12-09
HY

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

(:



"Now is probaly not a good time to be reading comics on the Internet."

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2009

Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ)

Tân Nhân



Lê Dung

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Lục bát đối đáp

Nhân ngày cuối tuần và cũng muốn đẩy đi cái u ám của bài Mùa đông, tôi copy mấy bài lục bát đối đáp giữa bác 322er và tôi ở diễn đàn VietPhd vào đây cho vui :)

LỠ HẸN

Ngày em lỡ hẹn sang ngang
Hay chăng lớp lớp điêu tàn trong tôi?
Giờ này em ở xa xôi
Chiếu chăn có ấm, làn môi có mềm?
Có mong tiếng sáo ngòai thềm?
Có còn nhớ đến những đêm hẹn hò?


322er, 08/10/2009

------------------------------------

MẶC AI

Từ khi em bước xuống đò
Những đêm hẹn hò em bỏ xuống sông
Tiếng sáo vất cho gió đồng
Em về ôm chồng chăn ấm nệm êm
Phụ phu tình ngọt môi mềm
Ai điêu tàn bởi ngóng tìm mặc ai!


Yến (j/k)

------------------------------------

MỘNG

Chờ em tình cũ không phai
Tôi xăm kỷ niệm trong hai mắt nhìn
Thư em - dao cứa vào tim
Tôi chơi vơi giữa cuồng điên kiếp này
Em về trong những cơn say
Men tan mộng tỉnh chưa quay gót hồng.


322er

-------------------------------------

TỈNH

Trầu xưa một mớ ba đồng
Sao anh chẳng đến mà bồng em đi
Để cho tình phải biệt ly
Mắt xăm kỷ niệm nhìn gì cũng đau
Say tàn nhớ tỉnh duyên sau
Trảy hồng đúng dịp mua cau đúng mùa

Yến

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2009

Mùa đông

Em lạnh lẽo, băng giá
Cô đơn, trống rỗng, nhạt nhòa...
Em đuổi những đàn chim đến miền xa
Vặt trụi cả rừng cây bằng gió buốt

Cả một vòng đồi sớm mai tôi chạy suốt
Chỉ để ôm vào lòng và sưởi ấm cho em
Lạnh lẽo băng giá cô đơn trống rỗng nhạt nhòa
Em chạy vuột khỏi tay tôi và cười trên ngọn phong già sương rơi lã chã

Tôi chạy theo em hết con đường xuyên rừng ẩm ướt
Để nghe tiếng thổn thức bên hồ
Và em khóc chỉ là cách em cười
Cho con ngươi chìm sâu trong nước lạnh

12-11-2009
HY

Đã sửa lại bỏ bớt "em" :)

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009

Vần lục bát

Mỗi khi anh chọn một vần
Bao nhiêu vần khác tần ngần đứng trông
Một vần chọn giữa đám đông
Giống như yêu gấp mà không cưới về
Bởi vì câu một đê mê
Câu hai say đắm liền kề câu ba
Câu bốn đã tít mù xa
Bận ôm vần khác ba hoa chích chòe
Vần nào anh cũng chở che
Nâng niu dẫn dắt rồi đè cuối câu
Những khi gặp lại tình đầu
Lại thương lại quý lại xâu ngọt ngào
Hỏi anh có nhớ vần nào
Anh rằng anh nhớ ngàn sao trên trời
Rằng lục bát chính là xơi
Mỗi vần là mỗi miếng dồi, miếng gân
Lại rằng thơ chỉ một vần
Tựa như ngục tối chung thân một đời...

9-11-09
HY

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2009

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2009

Bạn Minh Hiền

Do tình cờ đọc bài trên VietPhD mà mình đã tìm và liên lạc được với bạn Minh Hiền sau 17 năm không hề biết tin tức gì của nhau kể từ khi mình tốt nghiệp đại học. Thật là thú vị khi nhận được thư bạn, hóa ra bạn đã sang Mỹ được 13 năm rồi, đã có 3 con và đang dạy học ĐH ở một thành phố phía bắc nước Mỹ, rất gần với Canada.

Thư bạn MH nhắc đến Gang Thép làm mình nhớ nhiều kỷ niệm ngày xưa. Bọn mình học khác trường cấp ba nhưng chơi với nhau từ lớp 12, sau đợt tập trung ở với nhau mấy ngày trên ty, sau đó thì viết thư cho nhau rất đều, chia sẻ tâm tình động viên nhau học hành các kiểu, có lúc đạp xe đi thăm nhau, mình ở Gang thép, bạn ở Phổ yên. Các bạn lớp mình ở trường GT đều biết bạn MH cứ bảo trông bọn mình giống nhau, chuyện này có một kỷ niệm buồn cười các bạn kể lại là bạn Q lớp mình gặp bạn MH ở Bách Khoa thì cứ gọi nhầm tên mình (bạn Q là một bạn trai mà hồi xưa mình quy quý, nhưng mà đấy lại hẳn là một câu chuyện khác).

Đến khi về HN học thì thỉnh thoảng mình và bạn MH lại gặp nhau. Mình đạp xe từ ký túc trường TH đến nhà bạn chơi, khi này bạn ở cùng bố ở trong trường BK. Bạn học chăm vô cùng, trên đời này mình chưa thấy ai học chăm chỉ như bạn, gặp bạn chỉ nghe bạn kể nhiều về các môn học của bạn, môn nào khó, môn nào hay thế nào. Bạn học Tin học và toán ứng dụng lớp đầu tiên của BK, bạn học giỏi nhất lớp luôn.

Nhớ hồi mình làm luận văn đại học, bạn đã bỏ công gõ và in máy tính cho mình toàn bộ luận văn, phải nhớ là ngày ấy tận năm chín mốt chín hai máy tính chưa được sử dụng rộng rãi nên in máy tính còn là điều xa xỉ. Hồi đấy lớp mình mọi người hầu hết thuê gõ máy chữ giấy than nên luận văn của mình trông khác hẳn, mình cứ thầm cảm ơn bạn MH mãi.

Mười bảy năm lại biết tin về bạn, vui thật, học hành xuất sắc, công việc tốt, là mẹ của ba con rồi, bạn giỏi quá MH ơi!


Ảnh lớp đại học của bạn cách đây 15 năm, MH là bạn đứng giữa tết tóc hai bên.

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2009

Cho em

Hôm ấy (23-9-2009) tôi ra đường sớm đã thấy lá chuyển vàng xao xác, thu rồi, lại một mùa thu nữa đến trong đời tôi. Có gì như nỗi buồn âm thầm kéo đến, có lẽ không chỉ riêng tôi, ai nhìn thấy cảnh này mà chẳng cảm thấy gì đó. Khi đến lab tôi vẫn còn bâng khâng mãi, tôi muốn xem những người khác nghĩ gì khi thu đến và tình cờ tôi tìm thấy một bạn ở mạng vietphd post một bài thơ cũ bạn ấy làm từ năm 1997, bạn nói rằng vì hôm nay buồn mà post bài thơ ấy. Một chuyện bình thường, khi tôi thấy buồn và có một người khác cũng vậy trong một ngày chớm thu như thế, tôi đọc bài thơ của bạn và nghĩ miên man về người con gái trong bài thơ, về tình yêu và cuộc đời. Tôi đã viết một bài đáp lại bài thơ ấy để tặng người bạn gái chưa biết tên. Mùa thu quả là mùa hay làm cho người ta nghĩ ngợi và cảm xúc của buổi sáng mùa thu hôm ấy hình như vẫn lan nhẹ trong lòng tôi…

Và CÔ ĐƠN

(Tặng Ivan Bunin – tác giả bài Cô đơn)


Và gió và mưa và bóng tối tràn lan
Vây quanh em trên con đường lạnh vắng
Nghe đâu đây tiếng cuộc đời lơ đãng
Định mệnh vô tình vò xé trái tim em.

Bàn chân ngập ngừng đặt vào lãng quên
Biết đi đâu về đâu, đường đời vô định
Tại anh dối gian hay tại mình bất hạnh ?
Sám hối muộn mằn thì đã phải xa nhau

Mưa nhạt nhoà và nước mắt rơi mau
Xoá đi những dấu chân không bao giờ trở lại.
Em chiến thắng, hay em, người chiến bại
Mà nỗi đau vò xé kém gì đâu.

Đêm ngân nga như những lời khẩn cầu
Văng vẳng đâu đây tiếng vọng về tha thiết
"Quay lại đi em ơi, ta lại thành thân thiết !"
"Không,
tất cả đã qua rồi,
thôi nhé,... vĩnh biệt anh !"

Xuân sẽ trở về nhóm lại màu xanh
Sẽ chẳng còn những hoàng hôn u ám
Dấu chân lang thang sẽ trôi vào quên lãng
Và cô gái khác sẽ về bên giá vẽ cùng anh

Nhưng con đường này xuôi về phía thiên đàng ?
Hay địa ngục? Em cũng không biết nữa.
Có nghĩa lý gì đâu, vì tận cùng nơi đó
Chẳng bao giờ có anh đứng đợi, dẫu ngàn năm...

Nkd 97

----

Cho em


Nỗi cô đơn nào lại xâm chiếm lòng em
Để tôi nghe một tiếng đời vô vọng
Hay chỉ tại nắng thu ươm trời rộng,
Gió heo may ru vàng lá, em buồn

Lại lật dòng thơ cũ nhớ mưa tuôn
Theo nước mắt xóa dấu chân năm tháng
Chỉ tình ấy chẳng tan vào quên lãng
Vẳng trong cô đơn tiếng cầu khẩn ngọt ngào

Ôi tình yêu hai tiếng ấy buồn sao
Tình có khác nếu em là cô gái biết
Quên dối gian để mềm lòng trước lời tha thiết
Khắc nghiệt cuộc đời hay bất hạnh của riêng em

Nỗi đau nào vò xé phút bình yên
Khi chiến thắng và cả khi chiến bại
Em đã đốt cháy mình trong mê mải
Đẹp làm sao ánh sáng giữa biển xa

Em đã đi qua em vẫn sẽ đi qua
Con đường ấy nhọc nhằn và đơn độc
Dù chẳng biết xuôi thiên đường hay địa ngục
Dù chẳng nỗi mê mải nào thay thế được tình yêu

23-9-2009
HY

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2009

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

Gặp tri kỷ

Buổi trưa ở quán cafe zigzac, nắng rơi qua kẽ lá thành giọt trên bàn, một chút gió lao xao, dưới kia là một thế giới khác sôi động của người và xe cộ thấp thoáng hiện ra qua những đường dây điện. Tiếng nhạc nhè nhẹ vẳng từ trong nhà ra hòa vào không gian quán trưa vắng vừa đủ để nuôi dưỡng một không khí thư thả yên bình ngăn cách với sự ồn ào dưới kia.

Bạn và con trai mình nói chuyện một hồi và chơi trò gì đó vật tay hay đấu tay, con trai hiếu thắng, bạn trẻ trung, cả hai đều cười vui vẻ. Mình hơi ngỡ ngàng vì sự trẻ trung của bạn, đây là người mình đã nói được tất cả mọi chuyện trên đời, kể cả những điều sâu kín nhất hay sao? Ánh mắt chân thật và trong sáng, nghiêm túc và hơi nghiêm khắc nữa của bạn khiến mình trấn tĩnh lại và tin tưởng.

Bạn hỏi con trai:
- Mẹ cháu làm nhiều thơ lắm cháu có biết không?
- Cháu biết chứ!
- Cháu có thích đọc thơ mẹ cháu không?
- Cháu không thích thơ, cháu thích xem báo (tiếng Anh), xem Naruto...

Tiếng nhạc vẫn văng vẳng. Mình ở đấy mà không ở đấy, những hồi ức trở về như một dòng chảy khác gần gụi thân thiết hơn và cũng buồn bã hơn tiếng nhạc. "Tháng mười lá đổi màu, tháng mười một tuyết rơi tiếp đấy là sáu tháng mùa đông băng giá" - mình lẩm bẩm khe khẽ theo dòng hồi ức. Một con đường xuyên giữa hai bờ tuyết cao bằng đầu chỉ có tiếng bước chân mình lạo xạo trên tuyết, một cửa kính tuyết bám vòng quanh và ánh đèn từ xa hắt lại trong yên tĩnh rợn người...
Tháng mười lá đổi màu... mình đã nhắc đến điều này không biết bao nhiêu lần cho tới thuộc lòng, sáu năm, cứ trình tự như vậy, đều đặn và nhàm chán như nhiều bài thơ vần vèo mình viết ra trong những chiều mùa đông lặp lại những chiều mùa đông... Bạn lặng lẽ nhìn mình, ánh mắt trong suốt, xuyên thấu, vừa quen thuộc vừa lạ lùng...

Hồi ức tan vào gió bay đi. Nỗi sung sướng rằng mình đang ở Việt nam làm mình cười tủm tỉm. "Chị về nhà thấy thích quá! Đi chơi nhiều nơi..." mình nói vài câu không đầu không cuối trong nỗi vui mừng hớn hở như con trẻ. Thực ra cũng chẳng cần nói gì với bạn, cảm giác hiểu nhau quá đỗi, dường như mọi điều đều đã được nói tới. Vậy nên cuối cùng lặng yên nhìn bạn để cảm thấy khoảnh khắc này là có thật và nó đang trôi đi, theo tiếng nhạc, theo làn gió đu đưa từng vệt nắng...

Bạn nói về công việc bận bịu của bạn, mình cảm thấy bạn đang làm nhiều việc cùng lúc. Bạn đã không còn làm ở báo TS, chỉ còn là cộng tác viên, bạn về làm ở bộ Tài chính. Bạn nói tối phải đi ngủ từ chín giờ để vì sáng ra phải làm từ bảy rưỡi làm mình thấy bạn có dáng công chức chỉn chu, hihi, vui thật. Mình nói bạn lấy vợ nhớ báo cho mình biết. Bạn cười, bạn nhiều việc bận rộn thật đấy nhưng mình vẫn muốn nhắc là bạn đã sắp ba mươi rồi chứ chẳng ít ỏi lắm đâu dù trông bạn có trẻ trung như thế, à cái này hôm ấy mình chỉ mới nghĩ trong đầu chứ chưa nói ra, hôm nay nhân thể nháy từ xa. :)

Chia tay. Cái bắt tay thật chặt và ấm áp. Dư âm những câu thơ bạn đọc cho con trai nghe để con trai nhắc lại như vẫn còn đọng mãi:

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng

...

Ò ò ò ò ò



Buổi sáng ở quê chồng. Yên bình quá đỗi.

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Một thực tế

Ở nước ngoài tôi hay lên mạng đọc tin tức thấy có lúc cũng ồn ào chuyện này chuyện kia nhưng về Việt nam thì thấy những chuyện đấy mọi người ở nhà chẳng để ý, ngồi ăn cơm nghe chuyện mọi người cả trên phố lẫn ở quê chỉ thấy nói chuyện làm ăn buôn bán, nhà cửa, chứng khoán, chuyện đi chùa, cúng bái... Tịnh không thấy ai nói đến chuyện dân chủ dân tớ gì, cũng ko nói chuyện Tàu bè gì, có đúng một lần nghe một ông chú chồng kể chuyện làm bài thơ chống tham nhũng nhân thể phàn nàn những chuyện tham nhũng hối lộ. Những chuyện bói toán, thầy nọ bà kia thì rất nhiều, cảm tưởng chung là mọi thứ đều không minh bạch rõ ràng bền vững và mọi người chờ đợi hy vọng ở những điều huyền bí nào đó trong khi hối hả kiếm tiền, chấp nhận những chuyện đút lót chạy chọt trong mọi việc, quỵ lụy chức quyền giống như đang ở chế độ phong kiến vậy.

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

Hỏi quê ? Rằng mộng ban đầu đã xa

(Hôm nay nhớ quê, nhớ đến câu thơ trên của Bùi Giáng, hôm nọ tình cờ có bạn ở Vietphd đưa ra bốn câu thơ của ông mà mình ngồi phiêu diêu theo ông để phân tích bốn câu đã làm nhiều bạn thích thú, vài bạn thậm chí lấy làm chữ ký (một thời hoặc hiện thời), phân tích xong mà thấy chưa thỏa (tự thấy giống một bài văn cấp 3 vậy) mong có người ném đá mà chả ai ném giúp, ngó bên nhà bạn Tung H –chuyên gia Bùi Giáng - có hẳn entry có tên Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm trong đó bạn có đưa bốn câu này mà ko thấy phân tích, thấy mình hóa ra cũng liều mạng, bạn Tung H và các bạn vào ném đá tớ đi!)

Đề bài: Bạn hãy phân tích 4 câu thơ sau của Bùi Giáng:

Hỏi tên ? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê ? Rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.


Bài làm:

Bùi Giáng rất yêu thích truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhiều bài thơ của Bùi Giáng có cảm hứng từ Kiều. Đọc 4 câu thơ trên của Bùi Giáng tôi liên tưởng đến bốn câu này trong Kiều:

Hỏi tên, rằng Mã Giám Sinh
Hỏi quê, rằng Huyện Lâm Thanh cũng gần.
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.


Chân dung MGS hiện ra chỉ trong 4 câu thơ của Nguyễn Du, cũng bằng cấu trúc hỏi đáp ấy Bùi Giáng tự khai về mình:

Hỏi tên ? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê ? Rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.

Vậy con người của Bùi Giáng hiện ra thế nào. Nếu đoạn trên của Nguyễn Du tả họ Mã có một cái tên cụ thể, một quê quán xác định thì với Bùi Giáng: “Hỏi tên ? Rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê ? Rằng mộng ban đầu đã xa”. Người ta biết gì về biển xanh dâu ngoài liên tưởng bãi biển nương dâu là ước lệ về sự thay đổi của thời gian. Bạn yên tâm với câu trả lời là một cái tên xác định và bạn hoang mang trước “Rằng biển xanh dâu”? Nhưng với con người ấy một cái tên đâu có ràng buộc được con người, đâu có khiến người ấy thôi mơ theo châu chấu chuồn chuồn, không lang thang chăn bò những đồi sim tím? Và sự thể thì con người cũng thay đổi khác gì dâu bể, một cái tên cụ thể liệu có làm ngừng sự thay đổi ấy không?

Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa...

Bùi Giáng có lúc đã viết:

Lỡ từ lạc bước bước ra
Bước đi đi mãi đi là đi luôn

Quê đã hóa mộng ban đầu xa xôi cách nẻo, có tìm về cũng sao thấy được người xưa cảnh cũ, nhắc đến quê là nhắc đến niềm thương yêu luyến tiếc xưa cũ...
Tên- biển xanh dâu, quê- mộng ban đầu thì gọi tên sao đây, có đâu như họ Mã huyện Lâm Thanh, con người này đã lưu lạc theo thời gian và trời đất, đã hòa quyện với xoay vần dâu bể...

Hai câu tiếp: Gọi tên rằng một hai ba/ Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm, một, hai, ba... theo nhịp thời gian, theo chiều hòa nhập thấu hiểu... hiểu bằng gì, bằng diệu tưởng, bằng nghi tâm chứ không phải bằng cái tên tuổi quê quán xác định, không phải bằng cách nhìn hình thức mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao, lấy cái tâm tưởng hòa vào đất trời vời vợi ấy mà xác định đếm đo, mà tri ngộ với con người ấy. Bùi Giáng là như vậy.

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau...

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2009

Ảnh năm nay

Hôm qua chụp mấy cái ảnh này để bạn Tung H xem "zoom" năm nay nhân thể so cảnh đầu thu năm nay với cuối thu năm ngoái. Toàn chụp qua cửa kính cả nên ảnh không được nét. Vẫn từ cửa sổ tầng 7 như năm ngoái.



Quay trái


Chính giữa


Quay phải

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2009

Từ ô cửa sổ



Ảnh cuối thu năm ngoái. Giờ thì mới đang đầu thu, màu vàng xâm chiếm màu xanh, sớm nắng đêm lạnh làm lá chuyển màu mỗi ngày một nhanh hơn.

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

Anh trai

Bữa trước nghe anh trai nói do tình cờ mà vào đọc blog "cô Y.", thấy ngượng muốn chui vào đâu đó quá. Ở nhà mọi người tất bật lo công việc, lo cuộc sống có đâu thời gian lên mạng vẩn vơ. Mình ngượng vì vậy, ngượng hơn chút nữa khi cái phần người bấy lâu chỉ nuôi dưỡng bằng mạng ảo sẽ bị kết hợp đồng nhất với con người thật và xem xét bởi một người vô cùng gần gũi với mình kể từ khi được mẹ cha sinh ra. Anh trai, từ khi con trai đi học toàn gọi thay con bằng đại từ bác, "bác V.".

Đấy là chuyện bữa trước, bữa nay thì ngồi nhớ anh trai, đánh liều viết nguyên entry về bác. Chuyện xưa chuyện nay, hiện đến trong đầu thế nào thì gõ xuống như vậy, cho nỗi nhớ xuôi dòng, bác đọc bác có cười: "sao sến thế mầy?", em cũng chịu.

Anh trai là một trong rất ít người trong cuộc đời mình mà mình có thể ngồi bên mà chẳng cần nói câu nào. Cảm giác yên bình dễ chịu. Cảm giác đó có từ bao giờ không nhớ, có lẽ từ rất lâu rồi. Bé lớn lên đã được anh trông, đi đâu toàn đi với anh, chẳng sợ đứa nào bắt nạt. Anh hơn mình 4 tuổi, mẹ kể khi mình bé nằm nôi anh đã biết trông, đẩy nôi em cho mẹ đi giặt dưới giếng hay nấu cơm dưới bếp, có lúc mải chạy ra ngõ chơi thấy em khóc lại chạy vào vừa đưa tít nôi vừa hát vống: em ới anh đây rồi, em ới anh đây rồi...

Năm tuổi có lúc theo anh đi học, anh ở bên trong lớp em đứng ngoài song cửa đợi anh học xong lại theo về. Anh học thuộc lòng em cũng đọc theo, bài "hôm nay học về cây, bài cô giảng thật hay, rễ cây hút nhựa đất, như cơm ăn hàng ngày..." là một trong những bài thuộc cùng với anh, từ khi chưa học. Hồi nhỏ 7, 8 tuổi có lần đi chơi bị thằng Hòa cùng tuổi ở cùng dãy nhà tập thể trêu chọc bèn chạy về mách anh, anh ra bênh oánh nó một cái nó về mách mẹ nó, chiều về bố mẹ nó sang kể tội với ba mình, ba đánh anh, mình đứng trong góc nhà khóc thút thít...

Lớn lên anh đi làm sớm rồi đi học nghề ở Tiệp khắc, mình đi học đại học, anh hay gửi đồ về đỡ ba mẹ và lo cho em ăn học. Hồi ấy anh đã có ý định ở lại châu Âu nhưng vì ba mẹ già mà anh về. Anh về san đất làm nhà lo lắng mọi điều cho gia đình. Em gái đi lấy chồng yên tâm đã có anh. Giờ em đi tít tắp mù xa, ở nhà có anh lo cho mẹ già. Mộ ba anh thường xuyên hương khói...

Em chợt hiểu vì sao em luôn cảm thấy yên tâm khi ở bên anh, lúc nào em cũng chỉ là đứa em gái nhỏ bên cạnh anh. Bồi hồi nhớ khi xưa anh dắt em ra ngõ, cái ngõ dài xuống dốc gập ghềnh đường hằn lõm sâu vì mưa xối. Đường đời dù xa lắc, chỉ cần ngoái lại ngày xưa là đã có bàn tay anh ở bên, em còn lo gì nữa?

7-9-2009
HY

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

Quê

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

Cố hương

Em ở đấy ở đây và ở đó
Xuân hạ thu đông cơn gió bốn mùa
Lồng lộng đất trời thời gian hòa nhịp gõ
Như tiếng chân người hay tiếng mưa

Tiếng tim em đập muốn thốt thưa
Hồi hộp quá mai ngày em về lại
Những con đường trung du hoang hoải
Dòng lơ thơ xa ngái mấy bờ dâu

Phải chăng em ở đấy chẳng đi đâu
Những miền đất nhạt nhòa trong ký ức
Tiếng còi tàu vọng vào đêm thao thức
Nhắm mắt lại hiện màu đất sỏi yêu thương

Mai em về với hoa cỏ quê hương
Lồng ngực hai mươi mùi cỏ nào thơm mãi
Đồi chè mướt trăng thiếu thời tung tãi
Có bàn tay rụt rè khẽ chạm tay em...

28-7-2009

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

Gió và nước hồ

Gió đẩy nước hồ nồng nhiệt:
Đi thôi! Đi thôi!
Nước gợn sóng rối bời
Đi đâu?

Gió quẩn quanh mệt nhoài
Chạy vút lên tầng cao
Nước dạt bờ lao xao
Rồi lặng ngắt

Khi tự nhốt mình
Trong bế tắc
Anh- nước hồ im phắc
Cơn gió nào đưa được anh đi?
26-7-2009

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2009

Chuyện CO2




(Tôi tiếp tục cập nhật một số thông tin mới có từ nature.com về vấn đề thải khí CO2, cũng định chờ những số liệu mới về khí thải CO2 trên thế giới ảnh hưởng bởi khủng hoàng kinh tế nhưng chưa tìm được ở đâu có)

Tình hình khắc phục việc thải khí CO2 của các nước đang phát triển được tóm lược qua bài báo “Các nước đang phát triển xử trí vấn đề khí hậu”của Jeff Tollefson (1).

Chính phủ Mexico đang thông qua các đạo luật mà sẽ hạn chế mức thải của nước này hơn 6% trong ba năm tới. Được chỉ đạo bởi tổng thống Felipe Calderon, mục tiêu của chương trình đạo luật này là để thể hiện việc giảm khí thải thực sự -tổng số tới 50 triệu tấn- trước khi kết thúc nhiệm kỳ chính phủ của ông vào năm 2012. Nó cũng đóng góp vào cam kết của Mexico cắt giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2050. Cho đến nay đây là dự kiến cắt giảm tích cực nhất trong số các nước đang phát triển.

Mexico không đơn độc, trong cuộc chạy đua tới hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Copenhagen tháng 12 tới, các quốc gia đang phát triển khác cũng cam kết giảm đáng kể lượng khí thải. Brazil hứa giảm tỷ lệ phá rừng 70% vào năm 2017 và Nam Phi công bố nước này có thể ổn định mức thải vào năm 2025. Các nước khác, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ đang rót tiền vào các dự án năng lượng xanh. Ngay cả Hàn Quốc, nước lấy nguồn năng lượng chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch cũng dự định dành khoảng 40 tỷ USD cho năng sạch trong vài năm tới.

Những hành động đơn phương có thể có tác động lớn hơn rất nhiều so với những gì người ta nhận ra được. Theo phân tích của của Trung tâm Chính sách Khí sạch tại Washington DC, những cam kết hiện tại của riêng Brazile, Trung Quốc và Mexico thôi cũng sẽ có tác dụng giảm khí thải của năm tiếp theo nhiều bằng Liên minh châu Âu hy vọng sẽ đạt được vào năm 2020.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế nhanh ở những nơi như Trung Quốc, Ấn Độ có khuynh hướng bị sa lầy vào lợi nhuận, điều này có nghĩa là mức thải tiếp tục tăng. Mức thải của các nước đang phát triển đã vượt của các nước công nghiệp và dự kiến tăng nhanh gấp đôi mức thải của các nước phát triển qua vài thập kỷ tới (xem đồ thị, nguồn đồ thị: World Resources Institute).

(còn tiếp)

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2009

Khoa học và văn hóa


Đặt tên entry cho kêu, đưa cái ảnh (trên mạng) cho đẹp vậy chứ nội dung bài này chỉ là những mẩu chuyện tôi gặp phải ở trường. Có thể đặt tên cho oai cũng là một thứ văn hóa hay gặp còn đặt như vậy có khoa học hay không thì là chuyện khác, theo tôi thì khoa học và văn hóa là hai anh bạn có nhiều lúc rất khó có thể ngồi chung một mâm, cho dù người ta có cố gắng đẩy hai anh vào nhau thì cũng chỉ phí công vô ích.

Chuyện thứ nhất, số là mỗi buổi trưa thứ ba trong tuần nhóm chúng tôi có một cuộc thảo luận về môi trường và những thứ liên quan. Nhóm có bốn người, thường thì 12h trưa chúng tôi mang đồ ăn trưa đến ăn xong thì vào việc, vì các buổi sáng hay chiều mỗi người bận làm những việc khác nên sắp lịch từ 12h đến 1h30 cho các buổi ăn trưa và thảo luận này.
Hôm ấy ba người đến đúng giờ, ăn xong rồi mà người thứ 4 chưa đến nên chúng tôi quyết định bắt đầu trước. Vừa mới bắt đầu thì D là người đến muộn xuất hiện cùng hộp thức ăn xin lỗi mọi người vì sự chậm trễ và đề nghị mọi người cứ tiếp tục, bạn ấy sẽ tham gia.
Thực ra chuyện này cũng rất bình thường, các buổi seminar diễn ra vào tầm giữa ngày ở khoa một phòng có ba chục người thì thể nào cũng có vài người mang thức ăn vào vừa nghe vừa nhai. Ở VN tôi nhớ là không được phép ăn trong lớp nhưng tôi cũng chỉ ngạc nhiên lần đầu còn về sau thấy bình thường hợp lý khi cả giáo sư lẫn sinh viên ngồi dưới ăn trong khi người ở trên bục nói, cũng thông cảm vì họ không có thời gian.

Vậy là D ăn còn chúng tôi tiếp tục thảo luận, thế nhưng có điều oái oăm là đề tài của chúng tôi hôm nay lại là phân, nghĩa là bàn luận về phân. Đại khái trước đây con người sử dụng phân để bón cho cây trồng, hố xí tự hoại và việc phát triển các thành phố cộng với việc sử dụng lối phân hủy phân này khiến cho một lượng lớn chất dinh dưỡng cho cây trồng phân hủy thành không khí chứ không đến được với đất và cây trong khi đất cần bổ xung chất dinh dưỡng thường xuyên. Và người ta đã giải quyết vấn đề bạc mầu của đất bằng cách xây dựng nhà máy sản xuất phân hóa học tốn kém năng lượng và kèm theo những hệ lụy cho môi trường. Tóm tắt lại là như vậy, đây là vấn đề khá thú vị trong tổng quan so sánh ảnh hưởng sinh thái của những giai đoạn khác nhau trong lịch sử loài người đến hệ sinh thái chung. Vâng, thú vị lắm trừ một việc là khi tôi đang nghe và nói về phân thì bạn D ngồi ngay trước mặt tôi lại đang nhai ngon lành. Từ nhỏ tôi đã được dạy dỗ là khi mình hay người khác đang ăn thì không được nói đến những thứ bẩn thỉu, việc đó có thể làm hỏng bữa ăn hoặc ít ra là gây khó chịu mất ngon. Thế mà giờ đây chúng tôi lại đang sôi nổi thoải mái nói về phân trong khi bạn mình đang dùng bữa ngay cùng bàn. Tôi cảm thấy có gì đó khó tả và chợt cười không kìm được, sự mâu thuẫn khiến người ta cười, trong cơn cười tôi đã biết mình rất vô lý vì ba người kia chẳng ai cười cả và họ đang trố mắt nhìn tôi.

Tôi càng cười to hơn và vì cố kìm lại không được nên nước mắt tôi chảy ra rất khổ sở. Một người hỏi tôi tại sao cười, tôi khi ấy dở khóc dở cười giải thích cho mọi người rằng ở nước tôi có văn hóa không nói về phân khi có người đang ăn, mọi người quay ra hỏi D: có vấn đề gì không? D trả lời không, chẳng sao cả, mọi người cứ tiếp tục đi. Tôi hiểu tất cả bọn họ đã không có cảm giác giống tôi, khi nói đến phân họ không liên tưởng ngay đến sự bẩn và không tiếp tục kết nối sự đó với bữa ăn của người trước mặt. Họ đã tham gia thảo luận một cách khoa học, phản ứng của tôi chính là văn hóa mà tôi mang theo vào cuộc tranh luận, nó lạc lõng như một thím nhà quê răng đen ngồi giữa những người răng trắng lịch duyệt, lau khóe môi trầu và kể lể những chuyện kiêng cữ âm u lạc hậu...

Kỷ niệm xấu hổ này khiến tôi nhớ mãi, nó dạy tôi một bài học rằng muốn làm khoa học một cách thực sự người ta phải bỏ lại đằng sau những suy nghĩ định kiến kể cả những nếp nghĩ đã ăn sâu thành văn hóa.
Một số điều thuộc về văn hóa ở Việt nam rất khó lòng đứng chung với khoa học ví như văn hóa "sống lâu lên lão làng" chẳng hạn, nhưng thôi entry dài quá rồi để hôm khác kể những chuyện tiếp. :)

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2009

Dạy trẻ kiểu Nhật

Xem video này tôi thấy choáng quá:
http://www.youtube.com/watch?v=ASr5GcuDHug&feature=player_embedded

Video được chiếu trên truyền hình Nhật bản, có hai phóng viên vào thăm một nhà có ba đứa trẻ nhỏ, rồi họ dàn cảnh cho hàng xóm kêu ầm lên là có ma, họ lôi lũ trẻ ra ngoài để cho chúng tin rằng ma đến thật rồi họ cho chúng vào nhà và để "con ma" tiến vào nhà để xem cách ứng phó của chúng... Nhiều người xem cười rộ khoái chí, tôi không thể cười được, vì tôi thấy trò này quá độc ác, có thể khiến những đứa trẻ sốc cả đời. Người ta nói rằng để cho lũ trẻ học cách làm việc với nhau theo nhóm một cách đoàn kết, tôi thì thấy nó quá mức.

Hồi nhỏ, mỗi khi tôi hỏi ba mẹ tôi về ma thì ba tôi thường bảo: làm gì có ma, còn mẹ tôi thì bảo: người ta nói vậy thôi chứ mẹ chưa nhìn thấy bao giờ. Tôi lớn lên cũng trả lời con tôi tương tự như vậy. Dù được mọi người thuyết phục như vậy nhưng có lẽ đứa trẻ nào cũng sợ vơ vẩn khi nhìn bóng tối. Thế mà làm ra vẻ như ma thật để dọa trẻ con một cách hãi hùng như thế này thì đúng là tôi mới thấy lần đầu.

Rồi người ta sẽ trả lời lũ trẻ ra sao? Tiếp tục để chúng tin rằng chúng đã gặp ma thật hay để chúng tìm ra là người lớn đã lừa dối chúng để làm trò cười? Kiểu gì thì khi biết được sự thật chúng có thể sẽ tổn thương rất lâu.

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2009

Cuộc trò chuyện

Chiều thứ bảy, chúng tôi đi men rừng ra hồ để câu cá, chúng tôi ở đây có con trai tôi và tôi thôi, chồng tôi có việc bận không đi cùng. Hồ nằm vắt ngang rừng nên có nhiều đường mòn đi đến những vị trí khác nhau của hồ, tôi cũng chưa đi hết các đường đó nên rủ con trai đi con đường men rừng quen thuộc mà chúng tôi thường qua lại, cháu có vẻ thích đi đường khác nên quay qua hỏi tôi:
- Tại sao chúng ta không thử đi một đường khác?
- Tại vì con đường này mình đi quen rồi, sẽ không có chuyện đi lạc sang con đường khác đâm sâu vào trong rừng thay vì ra hồ.
- Nếu thế mãi mãi chúng ta chỉ biết con đường này, cái cảnh này, nhìn mãi cũng chán.
- Dù đi như vậy cũng chưa chắc đã nhìn ra vẻ đẹp của nó đâu, thử chú ý hơn xem nào, con đường này rất thích.
- Nhưng biết đâu nhiều con đường khác còn thích hơn, mẹ lúc nào cũng sợ.
- Mẹ có sợ đâu.
- Mẹ sợ, con biết mẹ sợ, mẹ sợ đủ thứ, mẹ sợ đi lạc, mẹ sợ gặp gấu, sợ đi lâu quá về muộn...
- Sợ gì nữa không?
- Nhiều thứ nữa, mẹ sợ con học dốt, con viết sai một câu mẹ cũng sợ, cứ nói mãi...
- Viết sai thì đáng sợ thật, còn sợ hơn là đi lạc đường. À, thực ra cũng giống nhau đấy, đi đường đúng và đi đường sai. Đường sai đi đến những đích khác hoặc đi vào những bụi rậm rối rít không lối ra. Loại đường sai dễ chấp nhận nhất là có thể đến đích nhưng vòng vèo không ngắn gọn sáng sủa như đường đúng. Con có thích những động từ bất quy tắc (irregular) không? Nếu tất cả các từ đều theo quy tắc thì con khỏi cần phải nhớ từng trường hợp đúng không? Giả sử bây giờ người ta viết sai linh tinh đi mà cũng được chấp nhận thì những người thế hệ sau phải nhớ thêm rất nhiều những thứ lang tang chẳng có quy tắc, như vậy có khổ không?
- Thế đi đúng là phải đi cái lối của người đi trước à? Nhỡ người đi trước đi sai thì sao?
- Có trường hợp người đi trước đi sai và người đi sau tìm cách sửa lại cho đúng, khi ấy tạo ra hai con đường, càng nhiều người nhận ra đâu là con đường đúng thì con đường ấy càng được đi nhiều hơn, con đường sai kia dần dần ít người đi sẽ bị bỏ hoang cho cỏ mọc.
- Nhiều con đường cũng hay mẹ ạ.
- Ừ nhưng người ta dùng đường để đi đến đích, dùng ngôn ngữ để diễn đạt ý của mình, nghĩa là chúng ta còn nhiều việc quan trọng khác nữa phải làm nếu cứ luẩn quẩn giữa những con đường thì rất mất thời gian nên phải biết tìm những con đường sáng sủa mà đi, chọn lối viết đúng mà thể hiện ý mình. Muốn biết rõ để lựa chọn không có cách nào khác hơn là phải học hành cho chăm chỉ.
- Con biết rồi mẹ ạ...
Trong lúc câu cá tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện mà chúng tôi vừa nói, thực ra có một chuyện đã xảy ra ngay trước buổi đi câu, trước khi chúng tôi phải phân vân giữa những con đường, sáng nay tôi mới biết được rằng từ "phân tâm học" mà tôi vẫn cho là đúng hóa ra nó phải là "tâm phân học" mới chuẩn xác. Tình cờ mà tôi biết được điều đó ở đây, một sự tình cờ thú vị.
Xem ra chuyện phân định đúng sai trong dùng từ hay chọn đường đi (hoặc nói rộng ra là nhiều chuyện muốn xác định phải trái khác) không phải là việc dễ dàng. Trong khi ta đinh ninh một điều gì đó là đúng thì biết đâu điều đó lại là sai?

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2009

Ký ức Sinh thái

In ecological systems, past states can influence present states and this has been termed "ecological memory" - Trong các hệ sinh thái, các trạng thái trong quá khứ có thể ảnh hưởng đến các trạng thái hiện tại và điều này được gọi là "ký ức sinh thái".

Tôi nghe câu định nghĩa này trong buổi seminar về Ecological memory ở trường, nó làm tôi nghĩ đến nhiều thứ. Người ta lấy ví dụ về cánh rừng xảy ra đám cháy từng phần, sau một thời gian dài cây cối sẽ mọc trở lại tốt tươi nhưng giữa các phần không bị cháy và bị cháy thì cây cối mọc lên có sự khác nhau, có loài được kích thích hơn, có loài khó khăn hơn. Đám cháy qua lâu rồi đã không bị biến mất sạch dấu vết và nằm lại mãi trong lịch sử của cánh rừng.

Thuyết nhân quả của Phật giáo phần nào có thể liên hệ ở đây tuy người ta thường dùng thuyết này để nói đến số phận từng con người, đã làm điều gì thiện ác đã gánh nghiệp quả ra sao. Nếu không nói tới mục đích cảnh báo răn dạy mà chỉ ở góc độ quan sát thì đối tượng con người trong vấn đề này cũng rất thú vị. Gương mặt của một phụ nữ đứng tuổi có thể bộc lộ đời sống hạnh phúc hoặc đau khổ trước đó, kết quả của một mối tình đầu có thể thay đổi rất nhiều cuộc đời một con người...

Ký ức sinh thái là một khái niệm thuộc sinh thái học dùng trong nghiên cứu các hệ sinh thái trong tự nhiên, nghĩ miên man thế nào tôi lại liên hệ khái niêm này với xã hội con người. Con người trong xã hội ảnh hưởng chủ yếu bởi quá trình giáo dục từ nhỏ đến lớn, môi trường sống, môi trường thông tin, các mối quan hệ... Con người từ những cái tích lũy được lại tác động ngược trở lại xã hội, nhớ đến lời Bác Hồ, Bác đã nói một câu đúc kết rất hay: "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người." Đọc báo mới nhớ ra ngày mai 21-6 là ngày nhà báo Việt nam, tự nhiên lại nghĩ ảnh hưởng của báo chí thông tin một chiều lên xã hội có lẽ cũng rất lâu dài.

By the way, xin chúc mừng các nhà báo Việt nam nhân dịp 21-6!

***

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2009

Những bài báo

Tôi muốn nói đến những bài báo của luật sư Lê Công Định, những bài báo đã khiến tôi rất tin tưởng, kính phục và quý mến anh. Hôm kia, khi nghe tin luật sư Lê Công Định bị bắt, tôi sửng sốt không nói thành lời, một sự bám víu mong manh rằng có sự nhầm lẫn nào đó đã không còn chỗ dựa khi tôi tìm thấy một loạt báo trong nước đăng tin về vụ bắt anh. Như mọi kẻ nhút nhát nhưng mơ mộng, tôi không tham gia một phong trào dân chủ nào nhưng niềm hy vọng mong mỏi một đất nước Việt nam dân chủ giàu mạnh luôn luôn thường trực trong tôi. Ngày hôm kia, 13-6, niềm hy vọng đó như bị một cái tát thật mạnh, mấy ngày trôi qua mà cảm giác đờ đẫn vẫn còn. Chỉ còn biết tự nhắc mình bình tâm chờ đợi, mọi chuyện còn chưa sáng tỏ.

Đọc những bài báo của anh Định, tôi đã nghĩ đến một đất nước Việt nam cải cách dần dần thông qua con đường pháp luật mà trở nên dân chủ hơn, con người được tôn trọng hơn, tôi cũng nghĩ về một nền pháp trị nghiêm minh khiến nạn tham nhũng, cửa quyền bị đánh bại, môi trường tự nhiên được bảo vệ…

Khi những bài báo của anh, viết về anh được đăng không chỉ BBC mà ở cả các báo chính thống như Tia sáng, Tuổi trẻ… tôi đã nghĩ đến sự cởi mở chấp nhận những ý kiến mới từ phía nhà nước, điều đó khiến tôi càng thêm hy vọng vào sự đổi mới chắc chắn, vững vàng hợp lòng dân. Anh Định là một trong số những người mà tôi tin rằng sẽ làm cho con đường này trở nên rõ ràng sáng sủa. Tôi mong muốn một sự đổi mới dần dần ôn hòa đưa đất nước đến phồn vinh hạnh phúc.

Tôi không rõ anh Định bị luận tội dựa vào những bằng chứng gì, việc đó chưa được công bố rõ ràng trên báo chí, còn một phiên tòa của chính quyền, còn sự đánh giá của nhân dân, xa hơn nữa là đánh giá của lịch sử trong cái nhìn của tương lai. Thời gian sẽ cho câu trả lời, tôi không muốn kết luận gì ở đây. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi đã rất vui khi đọc những bài báo của anh giữa muôn vàn những bài báo khác và nghĩ về anh như một người tâm huyết, hiểu biết, muốn đưa đất nước đi lên.

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2009

Mười hai tháng sáu

Trăng của nhà ai trăng một phương
Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường
Ờ, đêm tháng sáu mười hai nhỉ
Tố của Hoàng ơi! Hỡi nhớ thương

Là thế, là thôi, là thế đó
Mười năm thôi thế mộng tan tành
Mười năm trăng cũ ai nguyền ước?
Tố của Hoàng ơi! Tố của anh

Tháng sáu mười hai - từ nay nhé
Chung đôi – từ đấy nhé lìa đôi
Em xa lạ quá đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi

Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu, ghi mười hai
Tình ta ta tiếc cuồng ta khóc
Tố của Hoàng nay Tố của ai!

Tay gõ vào bia mười ngón rập
Mười năm theo máu hận trào rơi
Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp
Khúc Cổ Bồn Ca gõ hát chơi

Kiều Thu hề Tố em ơi
Ta đang lừa dối tơi bời Mái Tây
Hàm ca nhịp gõ khói bay
Hồ Xừ Xang Xế bàn tay điên cuồng

Kiều Thu hề trọn kiếp thương
Sầu cao ngùn ngụt mấy đường tơ khô
Xừ Xang Xế Xự Xang Hồ
Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên

Kiều Thu hề Tố hỡi em!
Nghiêng chân rốn bể mà xem lửa bùng
Xế Hồ Xang khói mờ rung
Nhịp vương sầu tỏa năm cung ngút ngàn

VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2009

No Reservations - Vietnam

Hai mẹ con mình tình cờ xem được loạt phim này thấy rất thích, con trai bảo: "Con thấy người nước ngoài làm phim về Việt nam hay hơn là người Việt nam làm phim về Việt nam". Mình chẳng biết nói sao.
No Reservations có nghĩa là không cần đặt trước, kể về thức ăn trong các chuyến đi du lịch đến các nơi trên thế giới, đây là một chương trình TV do ông Anthony Bourdain làm.

No Reservations - Vietnam part 1

No Reservations - Vietnam part 2

No Reservations - Vietnam part 3

No Reservations - Vietnam part 4

No Reservations - Vietnam part 5

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2009

Nghĩ lan man lúc sớm mai

Nhiều khi có câu thơ chạy ngang qua khi tôi đang làm gì đó, điều này khiến tôi phải lựa chọn hoặc là tiếp tục việc đang làm hoặc là trôi theo câu thơ xem nó dắt ý nghĩ của mình đến tận đâu. Thơ có lúc đã khiến tôi chẳng làm gì đươc tập trung và để tiếp tục một cuộc sống bình thường nhiều sức ép tôi đành phải lựa chọn. Một thời gian dài tôi bỏ mặc những câu thơ và mọi thứ có vẻ rất ổn trừ việc những câu thơ chạy ngang mãi là những câu đứt quãng không thành hình nối những công việc của tôi việc nào cũng cần gấp, việc nào cũng không thể bỏ qua. Một sớm mai thức dậy, thấy lòng mình yên tĩnh nhưng thiếu vắng một cái gì đó, như mảnh vườn lặng ngắt tiếng chim, như khe đá không có dòng nước nhỏ róc rách. Chợt nghĩ cái tôi thiếu có lẽ là thơ, tôi ngồi vào bàn và cố nhớ lại những câu thơ có lúc đã chạy ngang qua, hóa ra chúng đã tan tác tự lúc nào.

Cuộc tìm kiếm khiến tôi nghĩ nhiều hơn về thơ và về việc làm thơ của mình. Chẳng bao giờ tôi nghĩ mình là thi sĩ, ngay cả khi bạn bè có người gọi tôi như vậy. Không phải chỉ vì tôi thấy thơ tôi không hay mà vì từ trong sâu thẳm tôi biết tấm tình của tôi với thơ là một tấm tình không trọn vẹn. Người tình nhấp nhổm là tôi đã không dám đặt cả cuộc đời vào tay người tình Thơ, ngay cả trong những phút giây say đắm nhất tôi vẫn hé mắt tìm lối thoái lui. Thơ đến với tôi trìu mến, hấp dẫn khó cưỡng còn tôi thì lần lữa đáp lại bằng những cuộc phân thân ngắn ngủi vội vàng dù có kéo theo nhiều ám ảnh. Tôi có nói tôi yêu Thơ bao nhiêu thì mối tình của tôi với Thơ vẫn chỉ là mối tình không chính thức. Một sớm mai thấy buồn khi thơ đã bỏ đi, mới thấy những người dành trọn cuộc sống cho thơ, điên vì thơ, chết vì thơ là những kẻ hạnh phúc.

Viết những câu vần vèo đúng niêm luật thành một bài thơ không khó nhưng đó chỉ là trò chơi sắp xếp từ ngữ. Danh từ, động từ, tính từ bạn nào vào chỗ ấy sắp hàng, có thể bài thơ bóng bảy kêu vang vang nhưng đấy chỉ là thứ thơ giả hiệu của một người tình giả hiệu, có lúc tôi cũng làm vậy và tức khắc thấy chán ngán bản thân mình vô kể.

Tôi thèm thấy những từ ngữ hồn nhiên nối nhau như nước chảy thành dòng, dòng trôi đi mang những tâm tình về nơi xa ngái. Cũng có khi dòng cuộn xoáy dâng trào và ai đó nghe được trong khoảng cách giữa những câu thơ tiếng dạt dào sóng vỗ, khi ấy là khi người và thơ đã hòa tan vào nhau làm một trong dòng chảy kỳ diệu, chảy mãi không ngừng...

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

Những chuyến tàu đêm

Copy đoạn văn này ở blog loanh quanh, đoạn văn làm mình nhớ lại những chuyến tàu đêm Hà nội -Thái nguyên, nhớ ga xép Lưu xá vắng vẻ, ký ức xa xôi tưởng như chìm khuất dưới bao nhiêu gió bụi của thời gian, vậy mà xuôi theo những câu chữ thì lại như nghe âm âm tiếng còi tầu đâu đây, lại như thấy những vạt đồi chạy ngược hun hút vào bóng đêm...

Luôn luôn tôi nhớ những chuyến tàu đêm đi Yên Bái, Lào Cai... nhớ cái ấn tượng đến ám ảnh của lần đầu tiên. Con tàu cổ lỗ, còi hơi. Hành khách là những người bình dân-đủ mọi hạng người, nhếch nhác... Cái không khí chộn rộn, ngai ngái của sân ga về đêm, dưới ánh đèn điện vàng vọt. Cái giọng nhắc tàu rất đặc biệt, đặc biệt ngang với chương trình ngâm thơ trong mục Văn nghệ của đài tiếng nói VN lúc đêm khuya gần Tết âm lịch. Xe ôm, xich lô, khuân vác, chè chén,... người đưa người tiễn, cái dáng vẻ láo nháo ngơ ngáo tìm nhau... Sự vội vàng của người về, vẻ bồn chồn của người đi...

Con tàu sẽ rục rịch rồi đi qua phía lưng của những khu phố cũ. Tôi ngồi trong toa ghế cứng (đấy mới là nơi của đa số mọi người), nhìn qua khung cửa. Không bao giờ người ta chú ý đến phía sau ngôi nhà cả. Con tàu như đi qua một thế giới chưa hề thay đổi-một thế giới, cũ, nhếch nhác và không hề mảy may làm duyên làm dáng. Thảng hoặc có xuất hiện vài người thì cũng là những phút giây không hề duyên dáng, cũng chẳng buồn ngó con tàu... Tất cả là một thế giới không phải của hiện tại. Khi tàu đi qua đoạn Đường Thành, tự nhiên thấy khác lạ vô cùng. Phố cũ Hà Nội nhìn từ trên cao xuống thấp thoáng sau hàng bàng đã thưa lá ngày cuối đông thật yên tĩnh khác thường. Từ trên đây thấy phố chả khác ngày xưa chút gì.

Ngang qua sông Hồng, gió bắt đầu lộng thổi. Cây cầu Long Biên xa xa trong ánh đèn vàng mờ mờ một quầng..cầu chỉ riêng cho người đi bộ và đi xe đạp- chủ yếu là xe đạp thồ, nhiều nhất vào sáng tinh mơ, khi mọi người chở rau sang phố..Thành phố lãng quên nhiều thứ quá, nên mới còn đầu sông cuối bãi này để mà đôi khi ta ra ngó cho lòng dịu lại... Tôi luôn thấy chuyến tàu là một hình ảnh thật giống với hình ảnh cuộc đời. Đủ mọi hạng người trên cùng một hướng đến đại thể. Ngồi lên đây rồi là không ai nghĩ đến một hướng đi khác nữa-không chọn lựa. Ở trong xe lửa là yên tâm nhất. Mọi sự vẫn trôi đi mà khối sắt thép này là đảm bảo tuyệt đối cho sự an toàn trước mưa gió ngoài kia. Có thể gặp vô số cảnh đời nơi đây: một cụ già về quê, một gia đình chộn rộn có con nít, những người đi buôn, những người đi làm, những đôi lứa đi du lịch, những người không thể biết... Trên tàu cũng có sự phân biệt, có trật tự riêng... trật tự của những người cả cuộc đời ở trên dòng lắc lư này.

Khi đêm đã hơi muộn rồi, trời se lạnh thì mọi người đa phần đều ngủ hay gà gật. Tàu đang đi qua những cung đường vắng. Một vài ngọn đèn vẫn bật đủ soi mờ tỏ những dáng hình con người. Mọi người cố xoay sở cho mình tư thế thoải mái nhất có thể: những cái áo đắp tạm, người thì nằm ngang, chân gác qua thành đối diện, có người mắc võng và không ít người nằm luôn xuống sàn tàu có hoặc không có tấm gì kê lưng. Tạm bợ, tất cả đều tạm bợ vì chuyến đi chỉ là tình cờ, mọi người đều chờ đợi sự sạch sẽ tại nơi đến của mình. Bất giác tôi liên tưởng đến một cái nhìn trong suốt-tôi luôn ao ước có ai vẽ ra bức tranh ấy: trong con tàu, loại trừ đi những vách ngăn, nơi này là những người nằm ngồi la liệt, khoang bên là sáu con người một gian..mỗi người một tư thế, một dáng vẻ trong một thế giới ba chiều. Ai cũng bàng quan nghĩ rằng mình đơn lẻ, riêng tư... Ai đó nói mê, một vài người trở mình, thỉnh thoảng có người quờ quạng đi về phía toa lét, băng qua những cái chân ngáng, len lách giữa những thân người. Mỗi lần ngồi trong một toa tàu tôi thường luôn tìm một hình dáng nổi bật nhất. Một cô nào đó sẽ được chọn làm hoa hậu và hễ cô còn ở đó và không bị thay thế thì cảm xúc của tôi vẫn còn trung thành với cô đấy... Bất chợt một vài người bừng tỉnh, lục sục đồ đạc. Giọng thông báo ngái ngủ, con tàu sắp dừng lại một ga lẻ nào đó. Khuya rồi. Sương lạnh xuống mờ mịt. Con tàu dừng lại giữa một quãng rừng vắng. Trong đêm tối, cái ga xép chả thấy đâu, quầng sáng vàng vọt chỉ đủ soi thấp thoáng cây cột điện, hình như có nếp nhà sàn... Vài ba người xuống tàu, rồi vội vã tan mất vào trong đêm tối. Không biết giữa rừng thế này họ đi về đâu? Cũng không ai để ý họ cả, mọi người chìm trong giấc mộng mị, thấp thỏm...

(Tung H)

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2009

Trăng

Tôi ngồi tôi đợi trăng lên
Trăng đi đâu đấy mà quên lối về
Nước mây tình đã ê chề
Âm u trải khúc não nề chờ trăng.

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

Mùi tanh của cá

Hôm trước tôi có vào comment cho vui về một lỗi ngữ pháp trong tên bài "Đe dọa của loài heo" ở blog bạn QA. Nhân tiện hôm nay đọc entry mới cũng thuộc blog QA: "Ngữ pháp: quy chuẩn và tự do", tôi viết ra đây mấy suy nghĩ về chuyện viết và ngữ pháp. Gọi là mượn cái duyên bạn bàn đến ngữ pháp thì tôi nói đôi câu chuyện cũng cho vui thôi chứ cũng không có ý định anti "tự do" pro "quy chuẩn" gì, bởi cách viết thế nào là phụ thuộc vào người viết, người viết lại dựa vào môi trường giao tiếp, hoàn cảnh, mục đích viết và khả năng của mình mà lựa chọn cách viết cho phù hợp theo suy nghĩ của họ.

Mọi người đều biết ngôn ngữ là dòng chảy sống động theo thời gian, vì vậy ngữ pháp hay nói dài ra là thứ pháp luật của ngôn ngữ cũng không đứng yên, nó cũng phải phát triển phù hợp với sự đa dạng phong phú của ngôn ngữ. Tôi cho rằng lịch sử của ngữ pháp là cuộc đua chạy theo đặt tên, định dạng, tìm hiểu chức năng, phân tích các mối quan hệ ràng buộc, các quy luật chung... của ngôn ngữ. Vì vậy nếu hiểu ngữ pháp không thay đổi là sai. Bạn cứ bay theo lối tự do nếu có thể, một khi đường bay của bạn đẹp, nhanh, tiện lợi, hợp lý, nhiều con chim khác sẽ bay theo thành lối quen, lối quen sẽ dần dà được công nhận một cách chính thức. Vấn đề là "em đây chọn lối nào?".

Tại sao lại cần đến quy chuẩn trong ngữ pháp trong khi dù có viết thoải mái tự do đảo lộn tùng phèo cắt từ cắt ngữ người ta vẫn hiểu nhau? Quy chuẩn ở đây chính là cái thước đo để người ta có thể so sánh mọi biến hóa trong cách viết với nó. Các môi trường hoàn cảnh khác nhau có thể cho ra các biến hóa khác nhau, người ta cần đến một cái thước nhất định để xem xét chúng.

Hiểu nhau là được, lý do mà người ủng hộ lối viết tự do không cần quy chuẩn đưa ra rất hợp lý, nhưng câu hỏi ở đây là: người hiểu được là ai, bạn viết cho ai đọc? những người chia sẻ chung lối viết tự do không niêm luật với bạn hay cả những người khác số đó? À, nhân đây tôi giải thích luôn cái tên nghe có mùi của bài viết này. Nó bắt đầu từ câu chuyện ai cũng biết về anh chàng treo biển "Ở đây có bán cá tươi", nghe người ta bàn anh cứ cắt dần câu quảng cáo đến khi chỉ còn chữ "cá". Người cuối cùng góp ý cho anh rằng: đến gần đã thấy mùi tanh rồi còn trưng biển cá làm gì. Thế là anh chàng cất luôn cái biển. Như vậy mặc định là những người mua hàng của anh phải là những khách quen hoặc những người ngửi được mùi tanh của cá mà đến mua, những người lạ và mũi điếc có đang đi tìm hàng cá cũng thôi khỏi mua. Mùi tanh của cá ở đây là một quy ước để hiểu nhau, nó cũng tựa như thứ ngôn ngữ mạng hoặc ngôn ngữ teen chỉ có dân mạng với dân teen thấy dễ hiểu, những người khác dịch toét mắt không ra.

Một người bám vào quy chuẩn trong viết lách để mỗi câu viết ra đúng ngữ pháp quy chuẩn cũng có thể là một người có nhược điểm tỉ mẩn, hèn nhát và chưa chắc đã thành công trong sự nghiệp nhưng một kẻ viết câu cú sai phạm quá trời trong những bối cảnh cần theo quy phạm cũng không chắc không phải là một kẻ cẩu thả, lười biếng, thậm chí mất gốc về ngữ pháp, câu cú. Lối nói chuẩn tắc của ai đó nơi bàn nhậu với đầy đủ câu cú "sự" nọ "sự" kia có thể bị chê là rởm đời, không quần chúng, cũng như vậy lối viết lách tự do, cẩu thả, nhầm lẫn ở nơi này rất khó chấp nhận có thể được chấp nhận thậm chí được tán thưởng như một style mới ở chỗ khác. Vấn đề quay trở lại với hoàn cảnh và đối tượng hướng đến của người viết. Lối viết nào hướng đến số đông công chúng, lối viết nào chỉ phục vụ nhóm nhỏ.

Cũng có khi có người cố tình dùng lối viết sai gây sock, tạo cảm giác lạ, unecxpected nhằm mục đích thu hút sự chú ý của người đọc. Một trường hợp khác là để biểu lộ sự phản kháng, muốn phá bỏ những luật lệ mực mẹo cũ, làm cách mạng trong ngôn ngữ, điều này hay gặp ở tuổi trẻ.

Trước khi muốn viết lách một cách phóng túng thì người viết cần được học môn ngữ pháp một cách bài bản, đó chính là lý do mọi trường học phổ thông ở mọi nơi đều dạy học sinh môn ngữ pháp. Và cuối cùng tôi muốn chốt lại một câu là ngữ pháp theo quy phạm giúp cả người viết lẫn người đọc hiểu nhau một cách chắc chắn cho dù họ không thuộc một nhóm, không biết nhau là ai, không ngửi được "mùi tanh của cá".

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009

Chuyện CO2

(Chuyện về CO2 bạn sẽ còn được nghe dài dài ở blog này, mình tranh thủ lúc rỗi tiếp tục điểm báo về tình hình thải khí CO2 toàn cầu và hành động của các chính phủ. Nếu coi thế giới là một cái làng nhỏ thì có mấy câu cửa miệng của người Việt mình có thể áp dụng trong trường hợp này, đó là : 1. "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi", 2. "Nói mãi cũng thế thôi" 3. "Cha chung không ai khóc", 4. "Sống chết mặc bay, anh mày cứ xả" ... và những câu khác chưa nghĩ ra, nghe gần gũi nhỉ)























(Figure: Nature.com)


Trong khi các nhà khoa học đang tính toán hàm lượng CO2 trong không khí ở mức nào được coi là an toàn thì việc thải CO2 thiếu kiểm soát vẫn tiếp tục diễn ra.

Ít nhất 9 tỉ tấn CO2 thải ra mỗi năm cộng thêm vào số 500 tỉ tấn do con người đã thải vào bầu khí quyển. Nếu xu hướng này tiếp tục, tính đến trước năm 2050, loài người sẽ thải khoảng một nghìn tỉ tấn CO2 vào bầu khí quyển và điều đó có thể đủ để biến hành tinh của chúng ta thành một nơi nguy hiểm(1).

Vậy mà nói đến chuyện cắt giảm mức khí thải CO2 thì nhiều nước kể cả những nước có mức thải rất lớn hoặc là không hành động gì hoặc là hành động hết sức chậm chạp. Gần đây, lý do phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế được đưa ra che chắn cho sự chậm trễ đối phó này.

Chính phủ Úc đã trì hoãn kế hoạch cắt giảm khí thải, ngày 4-5 vừa rồi thủ tướng Úc Kevin Rudd thông báo kế hoạch cắt giảm sẽ được thực hiện vào ngày 1-7-2011, lùi lại 1 năm so với dự kiến, lý do là để: “kiềm chế những ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu”(2).

Với Canada, trong cuộc tranh cử năm 2008, đảng Tự do vận động cho “green shift”, một kế hoạch thu thuế việc gây ô nhiễm. Do đảng này bị mất một số ghế đáng kể nên ý tưởng thu thuế carbon trong nước (thuế gây ô nhiễm CO2) bị loại bỏ.

(còn tiếp)

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Cuộc sống sau loài người

Cuộc sống trên trái đất sẽ thế nào nếu không còn con người, bộ phim mô tả quá trình xảy ra theo dòng thời gian kể từ thời điểm con người vắng bóng:
Life After People

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2009

Hành động đi thôi

Nature.com mới có bài Time to act phản ánh một sự thật rõ ràng: nếu không có một cam kết chắc chắn từ các chính phủ của các nước trên thế giới, thì việc ngăn chặn sự biến đổi khí hậu chẳng thu được mấy kết quả.

Bài báo nhắc đến Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc sẽ được tổ chức tại Copenhagen tháng Mười hai năm nay.

Đúng là chính phủ các nước có các biện pháp để thắt chặt mức khí thải, nếu áp dụng nghiêm túc, các biện pháp này sẽ cho kết quả tốt. Nhưng có lẽ các chính phủ sẽ ngại nhúc nhích vì áp lực từ kinh tế, vì vậy các công dân trên khắp thế giới cần phải đòi hỏi sự nghiêm túc từ chính phủ của mình ở trong nước họ và trên phạm vi thế giới.

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

Thời toàn cầu

Sáng ra đến lab thấy thầy và bạn nói chuyện Swine Flu, vào mạng đọc tin đã thấy update dồn dập về dịch ở khắp nơi, tự nhiên nghĩ một hồi về thế giới ngày hôm nay, thấy rùng mình bởi sự kỳ quặc, thế giới kỳ quặc hay cái ý nghĩ của mình kỳ quặc chả biết.

Thế giới bây giờ muôn phương hội một, chúng ta dù ở đâu trên thế giới cũng có thể cùng lo lắng sợ hãi về sự lây lan của một loại virus dịch cúm hoặc virus máy tính. Hôm 1-4 vừa rồi nhiều người ở trường tắt máy tính vì trước đó đã nhận được thư cảnh báo của trường về một loại virus nguy hiểm bị tung ra đúng vào ngày đó.

Chúng ta cùng phải hứng chịu nỗi khó khăn của kinh tế khủng hoảng và cùng ngồi nhìn trái đất yêu quý nóng lên...

Chưa có bao giờ cuộc đời con người lại xoắn quyện vào một thế giới chung như bây giờ, Face book, 360, blogspot, forum ... những video clip mấy chuc triệu lượt xem, những trò game nhiều triệu game thủ tham gia... Chúng ta cùng tức giận căm ghét lên án người cha nhốt con gái dưới hầm lạm dụng tình dục nhiều năm. Chúng ta cùng xúc động thổn thức trước giọng hát của bà cô vui tính Susan Boyle...

Thế thì con người bây giờ đâu có cô đơn, đâu có yếu ớt nhỉ? Một cái click có thể thành triệu cái tức thì. Không yếu, quá mạnh là khác, vậy mà thế giới cứ như sắp đổ vỡ đến nơi...

Swine Flu (Cúm heo)

Các thông tin đầy đủ, cập nhật về Cúm heo có thể đọc ở trang này:

http://www.cdc.gov/swineflu/general_info.htm

Ở blog của bác Nguyễn Văn Tuấn có bài: Đánh giá nguy cơ dịch cúm heo

Scheme of Influenza A virus replication


















http://www.ncbi.nlm.nih.gov/genomes/GenomesHome.cgi?taxid=10239&hopt=scheme

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

Ecological memory

In ecological systems, past states can influence present states and this has been termed "ecological memory" - Trong các hệ sinh thái, các trạng thái trong quá khứ có thể ảnh hưởng đến các trạng thái hiện tại và điều này được gọi là "trí nhớ sinh thái".

Tôi nghe câu định nghĩa này trong buổi Seminar về Ecological memory ở trường, nó làm tôi nghĩ đến nhiều thứ. Người ta lấy ví dụ về cánh rừng xảy ra đám cháy từng phần, sau một thời gian dài cây cối sẽ mọc trở lại tốt tươi nhưng giữa các phần không bị cháy và bị cháy thì cây cối mọc lên có sự khác nhau, có loài được kích thích hơn, có loài khó khăn hơn. Đám cháy qua lâu rồi đã không bị biến mất sạch dấu vết và nằm lại mãi trong lịch sử của cánh rừng.

Thuyết nhân quả của Phật giáo có phần nào có thể liên hệ ở đây tuy người ta thường dùng thuyết này để nói đến số phận từng con người, đã làm điều gì thiện ác đã gánh nghiệp quả ra sao. Nếu không nói tới mục đích cảnh báo răn dạy mà chỉ ở góc độ quan sát thì đối tượng con người trong vấn đề này cũng rất thú vị. Gương mặt của một phụ nữ đứng tuổi có thể bộc lộ đời sống hạnh phúc hoặc đau khổ trước đó, kết quả của một mối tình đầu có thể thay đổi rất nhiều cuộc đời một con người...

Trí nhớ sinh thái là một khái niệm trong sinh thái học, ngồi nghĩ miên man thế nào tôi lại liên hệ khái niêm này với xã hội con người. Con người trong xã hội ảnh hưởng chủ yếu bởi quá trình giáo dục từ nhỏ đến lớn, môi trường sống, môi trường thông tin, các mối quan hệ... Con người từ những cái tích lũy được lại tác động ngược trở lại xã hội, nhớ đến lời Bác Hồ, Bác đã nói một câu đúc kết rất hay: "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người."

Đọc báo mới nhớ ra ngày mai 21-6 là ngày nhà báo Việt nam, tự nhiên lại nghĩ ảnh hưởng của báo chí đi theo một chiều lên xã hội Việt nam có lẽ cũng rất lâu dài.
By the way, xin chúc mừng các nhà báo Việt nam nhân dịp 21-6!

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

Earth

Tối qua nhà mình đi xem phim Earth, hình ảnh đẹp tuyệt, những câu chuyện thú vị về đất, nước, động thực vật những vùng khác nhau trên trái đất, đặc biệt là hành trình đấu tranh sinh tồn của một số loài động vật trên cạn, dưới nước.
Cả nhà đều thích thú.

Trailer: http://www.youtube.com/watch?v=JLz_1LNAuAQ

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2009

Mùa xuân

Cỏ đang nhú mầm, mưa xuân làm cỏ mọc nhanh hơn, chẳng mấy nữa cỏ sẽ xanh thắm như trong ảnh. Đây là ảnh chụp vài năm trước, một ngày trời thắm xanh, cỏ xanh xanh...




Thứ Hai, 20 tháng 4, 2009

Nửa

Nửa nắng xuân, nửa gió đông
Nửa trời, nửa đất hoà không bến bờ
Nửa quay lưng, nửa đợi chờ
Nửa tin sắt đá, nửa ngờ nước mây
Nửa xa xôi, nửa đâu đây
Nửa nồng, nửa nhạt, nửa đầy, nửa vơi
Nửa phong kín, nửa tơi bời
Thời gian, canh bạc nửa hời, nửa thua
Lời anh nửa thực, nửa đùa
Tình em thắm được nửa mùa có phai



20-4-2009
HY

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2009

Vè bô-xít

Ve vẻ vè ve
Cái vè bô-xít
Các bác cao tít
Quyết định vội vàng
Dân chúng hoang mang
Tính lợi tính hại
Lợi chưa thấy lãi
Cái hại chất chồng
Bùn đỏ thành sông
Đất không là đất
Bao nhiêu nước mất
Bao rừng cây tàn
Sông suối than van
Con người ly tán
Quặng đào lên bán
Bán xong thì sao?
Hậu quả thế nào
Chúng dân phải chịu?
Cháu con phải địu?
Cho đến bao giờ?
Khách từ phương Bắc
Có giở trò dơ?
Câu chuyện bô-xít
Dân bàn dân lo
Các bác cao tít
Xin chớ làm ngơ...


19-4-2009
HY

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

Màu Trăng

(Ghi chép cũ - May 01, 2007)

Selen (Selenium) là tên nguyên tố mình nghiên cứu, tên này có nguồn gốc tiếng Hy lạp có nghĩa là Trăng. Nguyên tố thứ hai là Thủy ngân, nó có tên ngày xưa là "nước bạc".

Thành phố mình đang học cách đây 1.8 triệu năm có mảnh thiên thạch rất lớn rơi xuống, thiên thạch có chứa nhiều Niken, tạo ra mỏ Niken lớn thứ hai thế giới tại đây (mỏ lớn nhất ở Nga). Quặng Niken ở đây là quặng chứa nhiều lưu huỳnh (S), vì Selen cùng nhóm với S nên Se đi kèm thành phần quặng. Se thoát ra từ việc khai mỏ và nấu quặng gây ô nhiễm Se cho nhiều hồ nước quanh đây.

Tỉnh trung du nơi mình sinh ra cũng có mỏ quặng sắt oxit, nhờ mỏ quặng mà có nhà máy gang thép. Tất nhiên, mỏ quặng chỉ là một phần. Nhà máy đó được cả nước đổ tiền của vào để xây dựng trong thời gian chiến tranh. Mình lớn lên ở khu tập thể cán bộ của nhà máy. Ở nơi ấy, trăng mọc lên từ phía những quả đồi.

Nơi mình đang học, trăng mọc có màu vàng sáng nhạt, ánh trăng rất trong trẻo, con người ở đây hiền lành thân thiện và hơi nhòa nhạt. Có lẽ là do mình chưa hiểu nhiều về con người ở đây khi nghĩ họ nhòa nhạt.

Trăng thơ ấu của mình thường có màu vàng đậm hơn, nhất là những khi trăng bắt đầu mọc. Có lẽ do bụi, Thái nguyên thường được gọi đùa là "thành phố bụi", à, còn tên khác là "thành phố thép". Người Thái nguyên như mình biết hồi xưa, nói chung, giản dị thân thiện nhưng có tính cách khá rõ nét.

Nói về màu trăng cho vui thôi vì trăng chỉ có một. Màu của trăng ảnh hưởng bởi tầng khí quyển, bởi vị trí nhìn từ mặt đất. Cũng có thể ảnh hưởng bởi cảm xúc và trạng thái mắt người nhìn. Tính cách con người phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó phải kể đến lịch sử, văn hóa vùng đất họ sinh ra, hoặc sinh sống lâu ở đó.

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2009

The Story of Stuff

Cái phim ngắn này hay:


http://storyofstuff.com


Con trai xem rất chăm chú, không biết con nghĩ gì khi xem xong.

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Giọt phiêu bồng cũ có buồn

(Tự nhiên thấy nhớ thơ Bùi Giáng, đọc thơ ông lúc nào cũng cảm thấy rộng rãi thênh thang không vướng mắc, thơ của một người bao dung độ lượng.
Viết vài câu cho đỡ nhớ. Viết ra rồi mới thấy thơ mình nhỏ nhoi, dở ẹc thế nào. Vậy mà cứ viết hoài là sao.)



Bởi ông Bàng Giúi thất tình
Cho nên em mới buộc mình đa đoan
Nhờ ông Bùi Giáng khôn ngoan
Em về khăn áo đoan trang thế này

Đồng xanh cho chấu chuồn bay
Cho ai tìm mộng những ngày chưa tan
Ai đi với cỏ cây ngàn
Để ai ở lại tan hoang một chiều

Bây giờ thương giận một niêu
Yêu kiều với cả tiêu điều một khuôn
Giọt phiêu bồng cũ có buồn
Biết ai xuống lạch lên nguồn kiếm vui

8-4-2009

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2009

Nhớ không

Dòng sông đã chảy đi rồi
Ngoái đầu lại hỏi núi đồi nhớ không
Em tôi bận bịu với chồng
Mặc ai ngồi hát dòng sông qua đời.

7-4-2009

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2009

Tiếng chim

Bữa trước đi ngang vườn trường chợt nghe tiếng chim, đúng ra là tiếng của nhiều con chim hòa vào nhau ríu rít, tôi dừng bước ngỡ ngàng. Sau một mùa đông dài chỉ có sự yên ắng trải ra trên nền tuyết trắng, thứ âm thanh này đột nhiên khiến thính giác như bừng tỉnh.

Đến ngồi bên chiếc bàn gỗ giữa vườn mới đây thôi còn phủ đầy tuyết, tôi làm một việc duy nhất là nghe, nghe thứ âm thanh trong trẻo tuyệt vời đang lan tỏa trong không gian của vườn cây buổi sớm. Tiếng chim gợi lại muôn hồi ức vui tươi non trẻ. Tiếng chim vô tư chảy tràn như một suối âm thanh trìu mến làm trôi đi bao nhiêu mệt mỏi buồn nản đọng lại đâu đó, như ánh nắng nhiệt tình tràn vào những góc vườn tăm tối xua đi những u uẩn tựa giống muỗi mòng nằm sâu trong những bụi cây.

Thính giác lặng lẽ đi theo suối âm thanh để tìm lại những dao động nó đã từng trải qua. Và đột nhiên trong chặng đường mỗi lúc một ngập sâu hơn vào tiếng chim, thính giác bỗng cảm nhận được những cảm xúc riêng biệt trong chuỗi âm thanh đang quấn vào nhau như tóc rối. Thảng thốt trong tiếng chim có nỗi sợ hãi, như tiếng kêu của trẻ nhỏ cất lên khi cần sự bảo vệ che chở. Nỗi sợ hãi như có từ lâu lắm rồi và bây giờ vẫn còn nguyên đấy, một gam vui tươi hơn có thể được thay thế lúc này lúc khác nhưng phải dè chừng điều bất trắc ở quanh đây.

Tôi chợt nhớ những bài hát được học hồi bé về tiếng chim, tiếng chim hót thường gắn với sự ca ngợi, ca ngợi cảnh vật tươi đẹp, ca mừng đất nước, ca ngơi con người… không nhớ có bài nào nói đến sự sợ hãi trong tiếng chim. Lại nghe, vẫn thấy bao trùm trong những âm vực khác nhau một nỗi lo lắng khôn nguôi, nỗi lo lắng sợ hãi một điều gì đó có thể ập đến trong tiếng chim khiến nước mắt tôi chực ứa ra vì thương xót. Thương cho loài có cánh làm bạn với trời xanh tưởng là tự do nhưng đang mỗi ngày mỗi mai một vì đủ thứ nguyên nhân.

Tự trấn tĩnh mình rằng đây là một buổi sớm mùa xuân chim hót rất vui, tôi vẫn cảm thấy ám ảnh về nỗi sợ hãi của bầy chim hòa vào trong những tiếng véo von ríu rít vui vẻ mà sớm ra tôi nghe được. Viết ra đây những dòng này cho nhẹ lòng dù biết rằng ám ảnh kia sẽ còn theo tôi dai dẳng mỗi khi nghĩ về tiếng chim...

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009

Ảnh lớp mình


























Ảnh hôm 26-3-2009, chín người cùng học Ph D ngành Ecology chụp ảnh chung với thầy cô trong khoa Sinh và ở trường (thầy đeo kính là thày trưởng khoa Sinh). Hôm đó là lễ bảo vệ của bạn David, học trước mình một năm (bạn áo vàng, đeo cà vạt, đứng phía trên). Trong này có bạn Dan người Trung quốc (đứng thứ hai, từ trái sang) ở trong cùng nhóm nghiên cứu với mình (nhóm n/c thuộc khoa Hóa và Hóa sinh), bạn Dan đến tháng 9 này bảo vệ. Bạn gái đứng cạnh David là Jen (bạn này rất hay), tiếp đấy là Sarah và Nadia, các bạn sẽ bảo vệ khoảng cuối năm nay, còn một bạn gái người Pháp nữa hôm ấy không có mặt.

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2009

Dr. J.

Thời gian trôi nhanh quá, mình chỉ còn một tuần nữa là xong phần việc TA của khóa học này, sinh viên sẽ chuẩn bị thi Final exam, mình sẽ tham gia chấm môn Hóa hữu cơ, mất một ngày chấm tập trung, Dr. J giảng dạy môn này vừa báo cho mình biết hôm qua.
Môn Hóa hữu cơ là môn khá xương xẩu đối với sinh viên đại học, một số phải trở lại lấy lớp này lần hai lần ba. Dr. J dạy môn này rất cẩn thận chu đáo, đến lúc chấm thi thì rất nghiêm túc, mình rất quý mến bà. Bà khoảng trên 50 tuổi sống độc thân, trước đây bà sống với mẹ nhưng mẹ bà mất năm ngoái. Bà rất say sưa với công việc, thứ bảy mình đến phòng lab tầng bốn thấy phòng làm việc của bà mở cửa sáng đèn, chủ nhật có khi cũng thấy bà ở trường.
Khoa Hóa và Hóa sinh có hai bà Dr. J và Dr. M sống độc thân, thường xuyên ở trường cuối tuần, làm việc rất say mê và vui vẻ, mình cảm thấy nể phục cả hai bà nhưng thấy thú vị với bà J hơn, phần vì bà có vẻ rất thông minh, dí dỏm, phần vì bà gặp mình hay hỏi han quan tâm. Có lần bà cần thêm người đi coi thi buổi tối, mình nói với bà không có ai thì tôi đi cho, bà bảo thôi mày còn con nhỏ, để tao tìm đứa khác.
Hôm trước mình vừa xong TA thì gặp bà, bà hỏi han chuyện công việc rồi bà hỏi mày dự định học xong thì làm gì, mình nói tôi muốn nghỉ ngơi đi đâu đó một thời gian. Bà cười, mày mệt rồi à, tiếng cười của bà đầy sức sống làm mình tự nhiên thấy xấu hổ. Mình nghĩ bà ấy hơn mình hơn chục tuổi, hàng ngày miệt mài với bao nhiêu công việc của một giáo sư: giảng dạy, nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu sinh... mà lúc nào cũng vui vẻ yêu đời, tiếng cười hồn nhiên, thoải mái, mình mới có làm cái Ph D mà chưa xong đã muốn nghỉ xả hơi, đúng là đáng xấu hổ thật.
Gặp những người như bà J đôi khi mình thấy như được tiếp thêm sức mạnh, lại tự nhủ mình phải cố gắng hơn.

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2009

Montréal Biodôme

(Up thử một đoạn ở chuồng chim cánh cụt, con trai quay.)

Ở Montréal Biodôme có các khu vực nuôi dưỡng sinh vật ở các điều kiện khí hậu khác nhau, các loại sinh vật đa dạng nên đi xem rất thú vị. Tuy vậy, xem những động vật được nuôi dưỡng đầy đủ trong chuồng sắt, kính dù sao cũng có cảm giác chúng đã bị hoàn cảnh làm thay đổi, rằng đây thực ra không phải nhà của chúng. Chắc chắn giữa cảnh tự nhiên không bị ngăn trở, chúng mới bộc lộ vẻ đẹp đầy đủ nhất của loài mình.

Ảnh chụp ở Montréal Biodôme (3)