Thứ Tư, 22 tháng 7, 2009

Khoa học và văn hóa


Đặt tên entry cho kêu, đưa cái ảnh (trên mạng) cho đẹp vậy chứ nội dung bài này chỉ là những mẩu chuyện tôi gặp phải ở trường. Có thể đặt tên cho oai cũng là một thứ văn hóa hay gặp còn đặt như vậy có khoa học hay không thì là chuyện khác, theo tôi thì khoa học và văn hóa là hai anh bạn có nhiều lúc rất khó có thể ngồi chung một mâm, cho dù người ta có cố gắng đẩy hai anh vào nhau thì cũng chỉ phí công vô ích.

Chuyện thứ nhất, số là mỗi buổi trưa thứ ba trong tuần nhóm chúng tôi có một cuộc thảo luận về môi trường và những thứ liên quan. Nhóm có bốn người, thường thì 12h trưa chúng tôi mang đồ ăn trưa đến ăn xong thì vào việc, vì các buổi sáng hay chiều mỗi người bận làm những việc khác nên sắp lịch từ 12h đến 1h30 cho các buổi ăn trưa và thảo luận này.
Hôm ấy ba người đến đúng giờ, ăn xong rồi mà người thứ 4 chưa đến nên chúng tôi quyết định bắt đầu trước. Vừa mới bắt đầu thì D là người đến muộn xuất hiện cùng hộp thức ăn xin lỗi mọi người vì sự chậm trễ và đề nghị mọi người cứ tiếp tục, bạn ấy sẽ tham gia.
Thực ra chuyện này cũng rất bình thường, các buổi seminar diễn ra vào tầm giữa ngày ở khoa một phòng có ba chục người thì thể nào cũng có vài người mang thức ăn vào vừa nghe vừa nhai. Ở VN tôi nhớ là không được phép ăn trong lớp nhưng tôi cũng chỉ ngạc nhiên lần đầu còn về sau thấy bình thường hợp lý khi cả giáo sư lẫn sinh viên ngồi dưới ăn trong khi người ở trên bục nói, cũng thông cảm vì họ không có thời gian.

Vậy là D ăn còn chúng tôi tiếp tục thảo luận, thế nhưng có điều oái oăm là đề tài của chúng tôi hôm nay lại là phân, nghĩa là bàn luận về phân. Đại khái trước đây con người sử dụng phân để bón cho cây trồng, hố xí tự hoại và việc phát triển các thành phố cộng với việc sử dụng lối phân hủy phân này khiến cho một lượng lớn chất dinh dưỡng cho cây trồng phân hủy thành không khí chứ không đến được với đất và cây trong khi đất cần bổ xung chất dinh dưỡng thường xuyên. Và người ta đã giải quyết vấn đề bạc mầu của đất bằng cách xây dựng nhà máy sản xuất phân hóa học tốn kém năng lượng và kèm theo những hệ lụy cho môi trường. Tóm tắt lại là như vậy, đây là vấn đề khá thú vị trong tổng quan so sánh ảnh hưởng sinh thái của những giai đoạn khác nhau trong lịch sử loài người đến hệ sinh thái chung. Vâng, thú vị lắm trừ một việc là khi tôi đang nghe và nói về phân thì bạn D ngồi ngay trước mặt tôi lại đang nhai ngon lành. Từ nhỏ tôi đã được dạy dỗ là khi mình hay người khác đang ăn thì không được nói đến những thứ bẩn thỉu, việc đó có thể làm hỏng bữa ăn hoặc ít ra là gây khó chịu mất ngon. Thế mà giờ đây chúng tôi lại đang sôi nổi thoải mái nói về phân trong khi bạn mình đang dùng bữa ngay cùng bàn. Tôi cảm thấy có gì đó khó tả và chợt cười không kìm được, sự mâu thuẫn khiến người ta cười, trong cơn cười tôi đã biết mình rất vô lý vì ba người kia chẳng ai cười cả và họ đang trố mắt nhìn tôi.

Tôi càng cười to hơn và vì cố kìm lại không được nên nước mắt tôi chảy ra rất khổ sở. Một người hỏi tôi tại sao cười, tôi khi ấy dở khóc dở cười giải thích cho mọi người rằng ở nước tôi có văn hóa không nói về phân khi có người đang ăn, mọi người quay ra hỏi D: có vấn đề gì không? D trả lời không, chẳng sao cả, mọi người cứ tiếp tục đi. Tôi hiểu tất cả bọn họ đã không có cảm giác giống tôi, khi nói đến phân họ không liên tưởng ngay đến sự bẩn và không tiếp tục kết nối sự đó với bữa ăn của người trước mặt. Họ đã tham gia thảo luận một cách khoa học, phản ứng của tôi chính là văn hóa mà tôi mang theo vào cuộc tranh luận, nó lạc lõng như một thím nhà quê răng đen ngồi giữa những người răng trắng lịch duyệt, lau khóe môi trầu và kể lể những chuyện kiêng cữ âm u lạc hậu...

Kỷ niệm xấu hổ này khiến tôi nhớ mãi, nó dạy tôi một bài học rằng muốn làm khoa học một cách thực sự người ta phải bỏ lại đằng sau những suy nghĩ định kiến kể cả những nếp nghĩ đã ăn sâu thành văn hóa.
Một số điều thuộc về văn hóa ở Việt nam rất khó lòng đứng chung với khoa học ví như văn hóa "sống lâu lên lão làng" chẳng hạn, nhưng thôi entry dài quá rồi để hôm khác kể những chuyện tiếp. :)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

ừ, một chuyện hay, đáng suy ngẫm.
Có lẽ cũng chẳng nên xấu hổ,
và cũng chẳng nên dùng từ "văn hóa",
nên dùng từ "mỹ tục" (mỹ là đẹp) chăng?
tất nhiên là hủ tục thì khó lòng đúng chung với K.H.