Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Màu thu

Tuyết rơi hay tuyết đang ru:
Ngủ đi cho giấc mùa thu khép màu...














Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Thư gửi bác LH

Vì bác cho tôi hay là bác ít check mail nhưng lại hay vào blog nên tôi viết cho bác ở đây. Cũng không có gì riêng tư chỉ là kể chuyện này kia và bàn luận loanh quanh một hai chủ đề nên tôi nghĩ cứ viết ở đây cũng được.

Có chủ đề rất hot gần đây là vấn đề ngoại cảm. Ở một khía cạnh nào đấy, tôi có suy nghĩ rằng ngoại cảm có liên quan đến tâm thần mặc dù tôi chưa tìm thấy nghiên cứu nào về vấn đề này.
Để tôi từ từ trinh bày những điều khiến tôi có suy nghĩ trên nhé. Từ xưa, người ta thường nói những người yếu bóng vía thí hay gặp ma, có lẽ là do sức khoẻ tâm thần yếu thì dễ hoảng loạn, dễ bị hoang tưởng nhìn thấy những cái ko thực sự tồn tại hoặc nhìn cái nọ tưởng cái kia. Thường có chuyện xảy ra là sau một trận ốm thì người ta bỗng có khả năng ngoại cảm, nghe được hồn nói. Phải chăng là khi đó tâm thần đang ở một trạng thái bệnh dễ rơi vào hoang tưởng và chủ thể đã hướng khả năng dễ hoang tưởng ấy vào một mục tiêu cụ thể, tìm mộ chẳng hạn. Và người ta lại bảo rằng sau một thời gian thì khả năng này thường giảm hay đó chính là do chủ thể đã khỏi bệnh?
Tôi nghĩ nhà nước ko nên cổ vũ những trò đồng cốt gọi hồn này khác. Hãy nhìn nhận sự thật khách quan thay vì nương náu nơi ảo ảnh.
Vài dòng tạm thời với bác như vậy. Chúc bác luôn vui.

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Giải Nobel Hóa học 2013 (tiếp theo và hết) - Các công trình


(Ghi chú: ba entry trong loạt này được sắp xếp theo mức độ khó hiểu tăng dần, hai entry trước có sử dụng một số thông tin từ Reuter và báo chí mạng, riêng entry này được dịch từ phần mô tả các công trình của nhóm được giải trong tài liệu chính thức do Viện Khoa Học Hoàng Gia Thụy Điển công bố.)


Điều quan trọng trong mô hình hóa khi sử dụng cả Cơ học cổ điển và Cơ học lượng tử là việc thể hiện hai vùng này trong hệ thống mô hình được thực hiện thế nào để chúng có thể tương tác một cách có ý nghĩa vật lý. Thông thường, toàn bộ hệ thống phân tử được nhúng trong một chất điện môi liên tục, hình 1 minh họa một hệ thống như vậy.



                                   
                      Hình 1.  Multi-copper-oxidase nhúng trong nước.


Bước đầu tiên trong việc phát triển mô hình đa phạm vi được diễn ra khi Arieh Warshel đến thăm Martin Karplus tại Đại học Harvard vào đầu những năm 70. Warshel đã có hiểu biết sẵn về thế năng liên phân tử và trong phân tử còn Karplus đã có kinh nghiệm Hóa lượng tử cần thiết. Mục đích của họ khi đó là nghiên cứu các phân tử tương tự như các phân tử ở võng mạc. Đảm nhiệm khả năng nhìn của động vật, chất chromophore này đã thu hút sự chú ý của Karplus. Dựa một phần trên những ý tưởng được Honig và Karplus trình bày trước đó, Karplus và Warshel xây dựng một chương trình máy tính có thể tính toán phổ electron π và quang phổ dao động của một số phân tử phẳng với kết quả tuyệt vời. Cơ sở cho cách tiếp cận này là những ảnh hưởng của electron σ và hạt nhân đã được mô hình hóa sử dụng phương pháp cổ điển và electron π được mô phỏng bằng PPP ( Pariser - Parr - Pople ) cách tiếp cận lượng tử hóa đã được chỉnh sửa cho kết quả tốt nhất. Hình 2 cho thấy một phân tử điển hình trong nghiên cứu đó.



      Hình 2 . Các phân tử đối xứng gương 1,6 -diphenyl -1,3,5 - hexatriene mà Martin Karplus và Arieh Warshel nghiên cứu.


Đây là công trình đầu tiên cho thấy có thể xây dựng phương pháp lai kết hợp những ưu điểm của phương pháp cổ điển và phương pháp lượng tử để mô tả hệ thống hóa học phức tạp. Phương pháp đặc biệt này được giới hạn trong các hệ thống phẳng mà sự đối xứng tạo ra một sự tách biệt tự nhiên giữa các electron π đã được mô tả bằng Hóa học lượng tử và các electron σ đã được xử lý bởi mô hình cổ điển, nhưng đây không phải là giới hạn chính của nghiên cứu, như đã được thể hiện một vài năm sau, vào năm 1976. 

Sau đó Arieh Warshel và Michel Levitt cho thấy có thể xây dựng một chương trình chung cho một phân vùng giữa các electron trong các mô hình cổ điển và các electron được mô tả một cách rõ ràng bằng mô hình hóa học lượng tử. Điều này đã được thực hiện trong nghiên cứu của họ về  “Chất điện môi, tĩnh điện và sự làm ổn định trong không gian của Ion Carbon trong các phản ứng của Lysosyme". Nhiều vấn đề cơ bản cần giải quyết để cho một tiến trình như vậy làm việc. Các dạng khớp nối năng lượng mà mô phỏng tương tác giữa hệ thống cổ điển và hệ thống lượng tử phải được xây dựng, cũng như các khớp nối giữa các bộ phận cổ điển và lượng tử của hệ thống với điện môi xung quanh . Hệ thống nghiên cứu được biểu diễn trên hình 3.



Hình 3. Để hiểu làm thế nào lysozyme phân cắt một chuỗi glycoside, việc mô hình chỉ có những phần liên quan của hệ thống sử dụng Hóa học lượng tử là cần thiết, trong khi hầu hết các phần xung quanh có thể được xử lý bằng cơ học phân tử hoặc một mô hình liên tục .


Trong thời gian giữa những lần xuất bản của hai công trình nói trên (1975), một bước quan trọng làm cho các hệ thống lớn hơn có thể được nghiên cứu, Michel Levitt và Arieh Warshel đã tiến hành trong nghiên cứu của họ về sự gấp nếp của protein là chất ức chế trypsin trong tuyến tụy bò ( BPTI ). Dạng đơn giản hóa của hệ thống nghiên cứu được sử dụng trong công trình này được minh họa trong hình 4.





Hình 4 . Cấu trúc chi tiết của một chuỗi polypeptide (hình trên) được đơn giản hóa bằng cách gán mỗi axit amin còn lại với thể tích tương tác (giữa) và kết quả chuỗi - của - ngọc trai như cấu trúc (dưới) được sử dụng để mô phỏng .

Trong công trình này, sự gấp nếp của protein từ một thể cấu tạo mở đến một thể cấu tạo gấp đã được nghiên cứu, và người ta thấy rằng có thể nhóm các nguyên tử trong một hệ thống cổ điển thành các đơn vị cứng nhắc để xử lý chúng theo mô hình cổ điển. Rõ ràng, cách này giúp việc mô phỏng hệ thống tiếp cận tốc độ cao hơn.

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Giải Nobel Hóa học 2013 (tiếp) -Sự kết hợp giữa Vật lý cổ điển và Vật lý lượng tử

Làm thế nào để ba nhà hóa học mô hình hóa được các chuyển động và tương tác trong phân tử tham gia phản ứng hóa học. Để mô tả chuyển động của những hòn sỏi hay những quả bóng khi có lực tác dụng người ta có thể dùng các định luật Newton của môn Vật lý cổ điển nhưng điện tử chuyển động trong nguyên tử, phân tử các chất thì không tuân theo các định luật cơ học cổ điển mà phải dùng cơ học lượng tử để mô tả. Với phân tử kích cỡ lớn thì cơ học cổ điển lại có tác dụng, bởi vậy họ phải dùng kết hợp giữa Vật lý cổ điển và Vật lý lượng tử để thể hiện đầy đủ hoạt động bên trong của các phân tử trong các hệ thống hóa học.

Chẳng hạn khi mô tả tương tác của thuốc với protein đích trong cơ thể thì những nguyên tử nằm trong protein mà tham gia phản ứng với thuốc sẽ được áp dụng những tính toán lý thuyết lượng tử còn phần còn lại của protein có kích thước lớn thì được áp dụng vật lý cổ điển ít đòi hỏi hơn. Bởi vậy nên Viện Khoa học Hoàng gia Thụy điển mới viết rằng ba nhà hóa học đã đoạt giải vì "sự phát triển các mô hình đa phạm vi cho các hệ thống hóa học phức tạp" nguyên văn tiếng Anh là "the development of multiscale models for complex chemical systems" trong có từ multiscale có thể hiểu là nhiều quy mô hay đa phạm vi có báo dịch là đa tỷ lệ.

Các định luật vật lý cổ điển thì quen thuộc rồi còn lý thuyết về Cơ học lượng tử thì xuất phát từ việc lưỡng tính sóng hạt được giả định là bản chất cơ bản của vật chất.Có hai phương pháp mô tả Cơ học lượng tử là Cơ học ma trận của Heisenberg và Cơ học sóng của Shrödinger, về sau Paul Dirac đưa ra phương pháp Lý thuyết biến đổi thống nhất và khái quát hóa hai phương pháp trên.





Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Giải Nobel Hoá học năm 2013 - Khi máy tính thay thế phòng thí nghiệm hóa học

(Thấy bác Lê Trần Hải nói chưa có bài nào viết rõ về giải Nobel Hóa học nên em viết entry này kính bác ạ)

Giải Nobel Hoá học năm 2013 được trao cho ba giáo sư Martin Karplus, Michael Levitt  và Arieh Warshel, vì "sự phát triển các mô hình đa phạm vi cho các hệ thống hoá học phức tạp", đây chính là  sự vinh danh những người tiên phong đã nhìn thấy và phát triển khả năng tuyệt vời của máy tính trong việc nghiên cứu các phản ứng hóa học. Sự kết hợp giữa bộ môn lập trình máy tính và các dữ liệu, kiến thức trong hóa học đã tạo ra công cụ thực hiện được những công việc khó khăn phức tạp không chỉ trong hóa học mà còn giúp ích cho sinh học, y học... Có thể nói bằng sự kết hợp này, máy tính đã thay thế phòng thí nghiệm hóa học trong những nhiệm vụ vô cùng phức tạp.


Hiện giờ thì đã có cả bộ môn sinh học máy tính (Computational Biology) với rất nhiều người nghiên cứu nhưng nếu quay trở lại thời điểm những năm 70 của thế kỷ 20, khi các nhà hóa học còn miệt mài với những chai lọ dung dịch, máy đo trong phòng thí nghiệm, dùng các quả cầu và các đoạn nối bằng nhựa để mô phỏng cấu trúc của phân tử thì chúng ta mới thấy hết công lao của những người tiên phong đã đi theo hướng dùng máy tính thay thế phòng lab. 


Điều quan trọng là hướng đi này đòi hỏi nhà hóa học phải tìm hiểu thêm lĩnh vực lập chương trình cho máy tính, những kiến thức khi đó còn xa lạ với những nhà hóa học cùng thời. Thậm chí nhiều nhà hóa học vẫn nghiên cứu chuyên môn theo cách truyền thống còn tỏ ra lạnh nhạt và không tin tưởng vào việc ứng dụng máy tính vào nghiên cứu phản ứng hóa học. Khi Warshel gửi đi những bài báo về việc này, không một bài báo nào của ông được chấp nhận ngay lần đầu. Với Karplus, đồng nghiệp bảo ông là "lãng phí thời gian".  Những nhà hóa học cùng thời chưa hiểu hết ý nghĩa công việc của các ông trong tương lai, và thời gian đã ủng hộ những người tiên phong. Levitt là một nhà hóa học ham thích máy tính, ông tự nhận mình là computer geek. Thay vì làm thí nghiệm thì ông say sưa bên máy tính ngày qua ngày, không giống một nhà hóa học chút nào. Và bây giờ ba người được giải Nobel.


Có nhiều hệ phản ứng rất phức tạp, hoặc phản ứng xảy ra rất nhanh mà để nghiên cứu chúng thì các phương pháp trong phòng lab cũng chưa thực hiện nổi, nhưng máy tính làm được. Các chương trình mô phỏng phản ứng có thể diễn tả lại các hệ phản ứng xảy ra như thế nào như khi ta xem một bộ phim, bởi vậy mà các giáo sư vừa đoạt giải còn được gọi là những người đưa hóa học vào cyberspace. Thực ra thì có rất nhiều người đã nối tiếp công việc của họ để đưa các ứng dụng máy tính vào Hóa, Sinh nhưng họ là những người đầu tiên lập ra các chương trình mô phỏng để hiểu và dự đoán các quá trình hóa học, bởi vậy mà công đầu dành cho họ.  


Giải Nobel Hóa học lần này đã vinh danh những nhà hóa học đồng thời là những người mở đường cho ngành Computational Biology, cho thấy ranh giới giữa các ngành khoa học trong sự phân loại truyền thống có nguy cơ bị xóa nhòa và trong tất cả các ngành khoa học đều đang có sự đóng góp rất lớn của máy tính. Còn nhiều nhiệm vụ đang thách thức phía trước với môn Sinh học Máy tính và   Martin Karplus, Michael Levitt  và Arieh Warshel mãi mãi là những người đầu tiên được ghi nhận công lao cho ngành nghiên cứu này.



Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Mẹ tôi

Tuần vừa rồi có ngày giỗ đầu mẹ tôi, đã một năm trôi qua từ khi mẹ tôi mất. Mẹ tôi ra đi vào mùa thu, mùa thu trước mắt tôi khi này như đã cạn kiệt những đám lửa rực rỡ, chỉ còn sắc lá úa tàn rơi rụng càng lúc trông càng tan hoang mất mát.

Mẹ tôi là con gái út trong năm người con gái của người vợ thứ hai của ông ngoại tôi. Ông ngoại tôi xưa làm chánh hội, có người vợ đầu có một con trai rồi ốm mất nên lấy bà ngoại tôi. Bà ngoại tôi cũng mong có con trai mà đến mẹ tôi vẫn là gái cũng buồn lòng nhưng thương mẹ tôi lắm, giàu con út khó con út. Nhưng rồi bà ngoại tôi lại cũng mất sớm. Các chị gái mẹ tôi đi lấy chồng cả, người chị cả lấy lý trưởng, một người chị thứ lấy chánh tổng. Mẹ tôi được đi học lên mãi đến trường trung học học bằng tiếng Pháp rồi Cách mạng về thì mẹ thôi học, tham gia dạy Bình dân học vụ xóa mù chữ trong làng. Ông ngoại tôi sau đấy vài năm cũng mất. Mẹ tôi kể may mà ông mất trước khi Cải cách ruộng đất vì gia đình bị quy địa chủ. Đội cải cách gọi mẹ tôi ra đấu tố, hỏi vàng đâu. Ông bà tôi đông con, lúc mất thì khi đó nhà cũng chẳng còn của cải gì nhiều nên mẹ tôi làm gì có vàng mà khai. Tối mịt trời mưa phùn mà cứ bị gọi đi, mới tầm hai mươi tuổi mà bị người ta đấu tố tra hỏi xỉa xói nên mẹ tôi uất quá có lúc suýt nhảy xuống sông tự tử. May mà khi đó mẹ đang nuôi một đứa cháu 4 tuổi con một người chị của mẹ bị hậu sản mất nên mẹ ra đứng bờ sông rồi lại đi về. Cho nên mẹ tôi mới nói rằng khi Cách mạng về mẹ rất vui, tham gia công tác phong trào rồi dạy Bình dân học vụ nhưng cũng có nỗi khổ cực riêng trong lòng ở cái đận Cải cách là như vậy.

Rồi mẹ đi thoát ly khỏi làng lên Thái nguyên và gặp ba tôi. Đầu tiên mẹ làm ở công ty kiến trúc trên Thái nguyên rồi về Gang thép làm ở nhà trẻ. Mẹ tôi làm cô nuôi dạy trẻ rất lâu, từ hồi máy bay Mỹ còn bắn phá, mẹ phải trông trẻ theo ca sản xuất, phải đưa cả bọn trẻ xuống hầm mỗi khi có báo động máy bay đến. Mẹ tôi làm việc rất nghiêm túc và chăm chỉ nên năm nào cũng được bầu chiến sĩ thi đua. Tổng cộng mẹ tôi có 17 năm liền là chiến sĩ thi đua vì thế mà đượcđi dự đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc và được Nhà nước thưởng Huân chương Lao động. Mẹ tôi đã từng được xét phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động nhưng vì mẹ chưa phải là đảng viên nên lại ngưng lại, có lẽ mẹ tôi cũng rất muốn được vào Đảng nhưng khó khăn về lý lịch nên cũng thôi. Tuy vậy mẹ tôi luôn luôn cố gắng làm việc và phấn đấu hoàn thành tốt công việc của mình không hề oán thán gì, mẹ tôi thực sự là con người có lý tưởng vì công việc chung. Mỗi khi nghĩ đến những người sống có lý tưởng thì người đầu tiên mà tôi nghĩ đến lại chính là mẹ tôi. Ở nhà trẻ, mẹ tôi thường phụ trách những nhóm cháu bé sức yếu, gọi là nhóm suy dinh dưỡng, mẹ chăm các cháu vô cùng, nhiều thế hệ đã qua tay bế bồng của mẹ tôi mà bố mẹ các cháu về sau còn cứ nhớ đến và thăm hỏi mẹ tôi khi bà đã về hưu rồi.

Khi mẹ về hưu thì tôi còn đi học đại học, mẹ tôi về nhà bày ra làm bún cho người cháu họ ở gần đấy đem bán để kiếm thêm tiền cho tôi mỗi lần tôi ở trường về kêu đói. Bây giờ nhớ lại tôi mới thấy cả cuộc đời mẹ tôi không ngơi chân tay làm việc. Lo lắng cho công việc chung, cho chồng và các con, suốt đời tôi cứ thấy mẹ chịu thương chịu khó chăm chỉ cần cù như vậy. Tôi nhớ hồi nhỏ mẹ cứ hay kéo tôi vào làm việc bếp núc mà tôi thì ham đọc sách nên cứ tìm bài chuồn, dường như ngày nhỏ tôi thân thiết với ba tôi hơn còn anh trai tôi thân thiết với mẹ tôi hơn. Anh trai tôi thường nhắc: Yến đừng cãi mẹ, nghe lời mẹ đi nào. Còn tôi thì hay tị nạnh mẹ quý anh hơn mẹ chiều anh hơn không bắt anh làm cái nọ cái kia. Càng về sau mới càng biết thương mẹ, thương những lời dạy dỗ của mẹ khi lấy chồng rồi và có con rồi. Nhất là khi ba tôi ốm, mẹ lo chăm sóc ba năm năm trời nâng lên đặt xuống mà lúc nào cũng vui vẻ không cằn nhằn than thở gì, tôi nghĩ mẹ tôi thực sự vĩ đại chứ không phải người bình thường.

Sau khi mẹ mất, một lần tôi nói chuyện với chị dâu tôi, chị kể rằng mẹ bảo trong cuộc đời mẹ có một lần đã xảy ra một chuyện mà đấy mới là lần làm cho mẹ đau khổ nhất, hơn tất cả các nỗi đau khổ mẹ phải chịu đựng trong cuộc đời. Chị bảo: là khi Yến bị ốm năm hai mươi tuổi. Tôi rùng mình. Tôi nhớ lại khi đó tôi ngồi trong giường bệnh viện nhìn ra ngoài nắng và cây, thấy mà không thấy, hoang mang, ngơ ngác và trống rỗng. Mẹ chải tóc cho tôi ngay đằng sau, im lặng. Rồi tôi cảm thấy có giọt nước ấm nóng rơi vào gáy tôi, giọt nữa, giọt nữa... Tôi quay lại nhìn mẹ, rất lâu, mắt mẹ đỏ hoe, mở rộng ôm lấy tôi. Tôi đi vào trong đôi mắt ấy, một hành trình dài nhưng êm ái và cuối cùng tôi đã tìm thấy nơi có thể yên lòng ngả lưng xuống và ngủ. Tôi thầm thì trong giấc mơ: Mẹ đừng khóc nữa mẹ ơi, trái tim con đã nghe lời mẹ ru, hồn con hồn kẻ mộng du, đã bừng tỉnh giấc đã tan u buồn, mẹ đừng để nước mắt tuôn, cho con đau xót sóng lòng cuộn dâng... Một tháng sau, tôi được ra viện. Có lẽ đó là chiến công lớn nhất trong cuộc đời mẹ tôi.

Nhớ mẹ quá, yêu mẹ quá, mẹ ơi!



Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Vĩnh biệt Tướng Giáp

Nhẹ như lá vàng gieo xuống đất
Thu vừa mang đi mất một người
Anh hùng xoay chuyển vận đời
Ông đi để lại muôn lời kính yêu

Thủa Pháp thuộc dân nhiều tủi cực
Nghe Cụ Hồ cứu nước ông theo
Cao Bằng rừng núi cheo leo
Lập đội giải phóng rất nghèo súng gươm

Nhờ tài trí đôi đường xuất sắc
Ông dẫn quân đánh giặc phá đồn
Nà Ngần- Phai Khắt thắng dồn
Tính sao quân ít mà chôn địch nhiều

Lại dùng lối yếu điều chế mạnh
Lấy thô sơ tranh cạnh khí tài 
Tổ tiên kinh nghiệm lâu dài
Chiến Tranh rút lại một bài: Nhân Dân

Người Anh Cả đội quân bình dị
Đã chỉ huy chiến sĩ Điện Biên
Tài tình mưu trí lập nên
Chiến công lừng lẫy vang tên địa cầu

Nước chia cắt, dãi dầu binh nghiệp
Ông cầm quân đi tiếp trường chinh
Mỹ theo gót Pháp thất kinh
Thua đau mà vẫn cúi mình phục ông

Thời bình có thong dong, Đại Tướng?
Hay nhiều phen đeo vướng thị phi
Một lòng nhẫn nại, tùy nghi
Ông mong gìn giữ chữ uy Đảng mình

Sống trọn vẹn vì tình đất nước
Cả cuộc đời ông được dân yêu
Ung dung, giản dị đến điều
Xuôi tay nhắm mắt, sóng triều mến thương

Quảng Bình đó quê hương cát gió
Xưa sinh ra nay đón ông vào
Người thày dạy sử năm nao
Đi vào lịch sử Anh Hào Thế gian...


7-10-2013



Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Tướng Giáp



Tướng Giáp từ nay gặp Cụ Hồ
Đội quân Giải Phóng đứng nghiêm hô
Hào khí âm vang từng trang sử
Cháu con theo dấu một cơ đồ

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Đào Liễu

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Đỏ và Trắng và Đỏ và Trắng


Quốc Khánh Canada 1-7-2013

Hoa lan

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Từ Thức gặp tiên (III)

(Tiếp phần II)

Giáng Hương khuyên nhủ cạn lời
Từ Thức chàng vẫn vời vời trông xa
Ước ao nhìn thấy quê nhà
Người đây tâm trí những là nơi đâu
Giáng Hương đem chuyện chàng cầu
Kể cho mẹ rõ đuôi đầu nguồn cơn
Phu nhân suy nghĩ thiệt hơn
Thấy lòng chàng rể vẫn còn đa mang
Duyên chưa dứt nợ trần gian
Phu nhân sai lấy xe loan tiễn người
Giáng Hương theo bước ngậm ngùi
Lấy phong thư dặn về rồi hãy xem
Phu thê tình nghĩa êm đềm
Bỗng đâu đôi nẻo đôi niềm rẽ chia
Từ Thức từ biệt nàng về
Rồi lên xe vút sơn khê phong hà
Chốc lát đã thấy quê nhà
Nhìn phong cảnh cũ có đà khác xưa
Chỉ còn khe núi bước vừa
Vẫn y như cũ dù mưa nắng nhiều
Từ Thức hồi hộp thương yêu
Xe vào thôn xóm bóng chiều vắt ngang
Bâng khuâng chân bước vào làng
Thấy bao người lạ, hỏi han mấy hồi
Chẳng ai biết được mấy lời
Bèn tìm các cụ da mồi tóc sương
Đi đến nhà cuối con đường
Một cụ chống gậy nghe xưng nhớ rằng:
"Hồi nhỏ, vào những đêm trăng
Bà tôi thường kể chuyện làng khi xưa
Người làng khi ấy còn thưa
Có một cụ tổ cũng ưa du hành
Tên là Từ Thức, hiền lành
Lạc vào hang đá vô thanh khứ hồi
Cách đây hai trăm năm rồi
Bây giờ lại thấy có người nhắc tên"
Càng nghe càng thấy buồn thêm
Từ Thức rầu rĩ xuống thềm bước ra
Định đi trong lúc bóng tà
Tìm xe, xe đã hóa là chim loan
Bay đi trong khói chiều loang.
Chàng liền mở bức thư nàng ra xem
Giáng Hương thảo vắn một bên
"Ở nơi tiên cảnh kết duyên với chàng
Nay duyên đã hết đá vàng
Không mong hội ngộ sóng hàng cùng nhau"
Từ Thức rười rượi buồn đau
Nhưng mà tất cả qua mau mất rồi
Về sau, một buổi có người
Thấy chàng vào núi cao vời Hoàng Sơn
Lần này xa mãi xóm thôn
Không thấy về nữa, đi luôn đến giờ...

25-7-2013
Hoàng Yến


Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Từ Thức gặp tiên (II)

            (Tiếp phần I)

Phu nhân sai tiểu thư ra
Từ Thức trông thấy chợt à nhớ ngay
Người con gái lỡ vịn tay
Mẫu đơn cành gãy không may phải đền
Phu nhân bày tỏ tiếp liền:
"Con tôi là gái thảo hiền Giáng Hương
May nhờ ông đã xót thương
Ra tay cứu giúp nên vương chút tình
Nay gặp lại ân nhân mình
Muốn cho con gái kết tình phu thê
Mẫu đơn duyên thắm vẹn bề
Cũng là đền đáp nhớ về ơn sâu"
Ngay đêm hôm ấy trên lầu
Phu nhân mở tiệc canh thâu tơ hồng

                ***

Từ Thức từ khi làm chồng
Nắng mưa thấm thoắt đã vòng một năm
Giáng Hương đẹp tựa trăng rằm
Nghĩa tình quấn quít như trâm tóc cài
Vậy mà những lúc hôm mai
Từ Thức bỗng thấy khôn ngoai nhớ nhà
Nhớ chiều khói bếp vương xa
Nhớ đêm trăng sáng bước qua vườn chè
Nhớ thôn xóm, nhớ bạn bè
Nhớ sông nước cũ, nhớ về tuổi thơ
Ngày mong đêm lại nằm mơ
Từ Thức thổ lộ tóc tơ với nàng:
"Tôi đi xa xóm xa làng
Đã lâu cũng muốn lên đàng về thăm
Quê nhà khắc khoải nhân tâm
Thỏa lòng tôi lại đồng cam với nàng"
Giáng Hương òa khóc hai hàng:
"Thiếp không phải giữ tình tang hẹp hòi
Mà ngăn thiện ý chàng đòi,
Chỉ vì ngắn ngủi là đời trần gian
Sợ chàng về chốn thôn trang
Không còn như trước, trái ngang tình đời"

                 ***

        (còn tiếp)

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Từ Thức gặp tiên (I)

Thời xưa ở mạn Hóa Châu
Có chàng Từ Thức thông lầu văn chương
Bước chân vào chốn quan trường
Được bổ một chức thường thường bậc trung
Ở miền Kinh Bắc một vùng
Đồng xanh vườn thắm vui cùng nắng mưa
Trong vùng có một ngôi chùa
Cạnh chùa rực rỡ gió đùa mẫu đơn
Mùa xuân hoa nở rập rờn
Khách thập phương đến đông hơn hội hè

                     ***

Mùa xuân năm đó ngựa xe
Nườm nượp đưa đón người về chùa chơi
Mẫu đơn nở đẹp tuyệt vời
Hoa cười quyến rũ lòng người đắm say
Một nàng thiếu nữ tóc mây
Vừa chừng mười bảy má hây môi hồng
Càng nhìn càng thấy mặn nồng
Tuyệt trần nhan sắc có đông bao giờ
Người bên hoa đẹp như mơ
Vô tình nàng chạm gãy xơ một cành
Nhà chùa giữ lại rất nhanh
Người hoa không có của dành chuộc hoa
Từ Thức đi dạo ngang qua
Liền cởi áo gấm mang ra đền bù
Chàng vì chỉ thích ngao du
Xem phong cảnh đẹp chẳng xu theo thời
Quan trên quở trách hết lời
Chàng từ quan sống cuộc đời nhẹ tênh
Tiêu dao sơn thủy hữu tình
Nơi nào cảnh đẹp có hình chàng qua

                  ***

Một buổi sáng chàng trông ra
Cửa Thần Phù thấy mây sa một vầng
Hoa sen ngũ sắc như dâng
Từ Thức lòng dạ bâng khuâng chẳng đành
Chàng vội chèo thuyền thật nhanh
Về phía ấy gặp núi xanh hang trời
Chàng men hang tối bời bời
Bám theo vách đá lần hồi chàng đi
Rất lâu vẫn tối rậm rì
Đi thêm một lúc nữa thì sáng choang
Chàng lần ra khỏi cái hang
Đến chân núi khác trèo sang bên sườn
Nhìn ra thấy một con đường
Rộng thênh thang đến một vùng phong quang
Xa xa cung điện trang hoàng
Lung linh giát ngọc thếp vàng đẹp sao
Từ Thức theo đường bước vào
Có hai thiếu nữ ra rồi bảo nhau:
"Chú rể nhà ta thật mau!"
Và họ lễ phép cúi đầu gửi thưa:
"Phu nhân chúng tôi đang chờ
Mời chàng cất bước hải hồ vào chơi"
Từ Thức đi theo hai người
Ngang qua gác tía bên hồi lầu son
Gấm thêu rực rỡ núi non
Những điều đọc sách chàng còn ngất ngây
Đều hiện ra hết ở đây
Lấp lánh trên cửa rồng vây chữ vàng
"Điện Quỳnh Hư", "Gác Giao Quang"
Nguy nga lộng lẫy giàu sang vô ngần
Rồi chàng vào gặp phu nhân
Mặc áo lụa trắng, sập ngồi đàn hương
Phu nhân hỏi chàng khiêm nhường:
"Ông xem phong cảnh lạ thường khắp nơi
Bây giờ nhân ghé đây chơi
Hỏi ông có biết là nơi chốn nào?"
"Vùng này tôi đã ra vào
Mà không biết có động đào cảnh tiên"
Phu nhân cười nụ rất hiền:
"Ông đâu biết được thiên nhiên chốn này
Hang cùng thứ sáu là đây
Trong ba sáu động chung bầy Phi Lai
Địa tiên Nam Tạc núi dầy
Ngụy phụ nhân, chính tên này của tôi
Thấy ông cao nghĩa trọng người
Nên tôi mới cố công mời  ông qua"

                ***

(Còn tiếp)


Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Vote cho thi ca

    Định ngưng viết blog một thời gian vì những bận rộn của đời thường nhưng chuyện đang xảy ra với nhà thơ Nhã Thuyên đã khiến tôi không thể im lặng mà yên ổn sống.

   Ta làm gì khi thấy một nhà thơ bị đưa lên thớt như một con cá? Tại sao một người cất tiếng cho thi ca lại phải chịu đựng nỗi trầy da tróc vẩy như vậy? Văn chương học thuật nước nhà đã không ngăn nổi lưỡi dao ám mùi tử khí đó hay sao? Lưỡi dao đã từng khua lên trong quá khứ rồi chuốc lấy sự ô nhục muôn đời không rửa sạch, bây giờ là bao giờ mà vẫn còn ngạo nghễ khua lên?

   Về thơ Bùi Chát và nhóm Mở Miệng có lần tôi đã viết ý kiến của mình bằng một entry, ở đây. Thiết nghĩ cũng không cần phải nói dài thêm, chỉ chốt lại một câu là hãy để cho thi ca được tự do, như cá bơi dưới nước, như chim bay trên trời, vàng son ngọc ngà hay cát bụi bùn lầy đều chất đầy thi vị, mắc mớ gì mà cấm đoán. Thơ ca được xây lên từ những ngôn từ đẹp đẽ như đá ngọc cát vàng thành lâu đài rực rỡ thì nó cũng có thể được làm nên từ gạch vụn ngói nát của thực tế cuộc đời bởi từ nguyên sơ xa thẳm thơ ca vẫn là cuộc chơi miên man bất tận không biên giới.  

   Làm thơ, chạy theo từ ngữ, câu vần, thi tứ là thi sĩ đã đủ gặp quá nhiều rắc rối giữa cuộc đời rồi, bạn không muốn du hành cùng họ qua những cuộc phiêu du cùng chữ nghĩa cũng không sao, nhưng đừng tìm cách ngăn cản họ bằng những định kiến sáo mòn. Sẽ có những người khác tìm thấy thi vị trong thành quả của họ, và cuộc sống là như vậy, muôn vàn đường lối.

Trong ngày xáo chộn vo viên 
Thơ Bùi Chát có Nhã Thuyên vỗ về
 Một vần Mở Miệng anh thề
Viết cho đến tận cái lề bỏ đi

    Mặc cho những gì người ta sẽ chụp lên đầu Nhã Thuyên, chị là một thi sĩ thực thụ, người đã đứng về phía thi ca trong cuộc đối thoại không cân sức với những kẻ dùng mũi dao chính trị hòng đánh bại chị theo cách hèn hạ nhất. Chính họ chứ không phải ai khác đã chém vào thi ca nước nhà.  

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

mơ về sự thực

tôi nói với Gọng kìm: Dừng lại!
Gọng kìm quay gót bỏ đi
nhưng đấy chỉ là giấc mơ
thực ra tôi đã im lặng
trong lúc Gọng kìm lừ lừ tiến
và Máu thịt giãy giụa


Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Xưa đài vũ trụ thiếp mang riêng mình

Em về vũ trụ của em
Một cơn gió thổi khát thèm lá bay
Một tia nắng sưởi ban ngày
Một vầng trăng sáng lấp đầy bóng đêm
Vườn mơ khúc nhạc êm đềm
Đưa em bay đến bên thềm trời anh

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Thơ

Mai sau tôi chết xin đời
Ghi lên mộ chí: đây người viết thơ
Vì thơ đẹp tựa giấc mơ
Thơ đưa tôi đến bến bờ bình yên
Thơ cho tôi trút ưu phiền
Thơ mang tôi gặp những duyên ngọt lành
Thơ là trời rộng thắm xanh
Tôi bay liệng mãi cho thành cánh chim
Thơ là mặt nước trăng in
Cho tôi làm cá đớp xin sóng vần...
Nhờ người ghi cuối mộ phần
Thơ là bệnh viện tâm thần của tôi

3-6-2013



Trên tường FB


14-7-2012
Khi tôi viết một bài thơ
Là khi tôi ở giữa mơ cùng mòng
Tung tăng chân bước xuống dòng
Bơi trong nước mát cho lòng thỏa thuê
Hết mơ tôi phải quay về
Để rơi giọt chữ bờ đê cỏ mềm...


20-12-2012
Tận thế rồi anh, khỏi kiếm tiền
Mình chờ giây phút hoá ra tiên
Bao nhiêu công quả tan thành bụi
Tan cả ưu tư lẫn muộn phiền


13-1-2013
Vì mây nên xấu mặt trăng
Vì con thiếp phải cắn răng chịu chàng
Thôi đừng khen thiếp dịu dàng
Chẳng qua là thiếp nhẹ nhàng cắn răng 
(Răng Cắn Ngâm Khúc)

8-3-2013
Vào ngày Phụ nữ Vùng lên
Mà tôi bị cả dưới trên chồng đè
Vừa đè anh ấy vừa đe:
Vùng lên thì sẽ bị đè mạnh hơn!



Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

My Son's Essay

How does Secondary Characters Support a Central
Theme in Macbeth by William Shakespeare?

A Formal Essay by Son Truong
(2013-05-30, Thurs)

            Hello, today this essay will explore question number 3 in the topic page that Ms. Vallillee (the English teacher) gave our class. Macbeth is a play written by William Shakespeare in 1623 which was when it appeared in print but some scholars believe that it was performed to King James in 1606. This was according the book “Macbeth with Related Readings” from the “Global Shakespeare Series”.
           
            The thesis of this essay is that secondary characters can amplify a major theme greatly which the writer’s is Good versus Evil in the play. Here are some reasons to support this. The three witches represent evil in the play and was the main driving force in Macbeth's actions. Malcolm represented Good and was one of the main antagonists in the play. Lastly, Duncan's powers were the original temptation for Macbeth. In this formal essay, the points above will be proven to the reader.

            The first point, the witches, says that they drive Macbeth's actions. Is this true? Well, in the beginning it was because of the witches that Macbeth had the idea of killing and getting power in the first place. The writer of this essay thinks that The Witches were the evil force that pushed Macbeth to Macbeth’s downfall. And it was because of the witches that Evil had power in the play. The witches had powers but in the play they were just bystanders, it was Macbeth who did the deed. Remember that the killings of Banquo and Macduff was a result of the witches prophecy. So, without the witches pulling Macbeth, Evil would not have a hand in the play. Therefore that means that the Witches had a big Evil role in the play which also means that they amplified the theme Good vs. Evil greatly.

            On to the next point; Malcolm, a secondary character, how can that person affect the theme on good vs. evil? Well, Malcolm was the good. The smartness, charms, the good will, the fact that the people of Scotland like him, and the fact that Malcolm opposed Macbeth in the end showed that that character was the good in good vs. evil in the play. Having little lines in the play, Malcolm showed smartness, good will, and loyalty rather quickly. At that time when talking to Macduff, and lying to the later, telling him how bad the first was at being king but this was a test. Then finally, Malcolm told the truth and asked if Macduff wants to join. So, without Malcolm, good would not have an edge and evil would not have a rival. Therefore he amplified the theme.

            The last point is Duncan’s powers. It might not be a force but the temptation is what caused Macbeth to go Evil. Also, it was the king’s powers that were given to Macbeth with the fear, and the will to keep that power contributed greatly to the Evil in the theme Good vs. Evil in the play. This is seen when he killed his best friend to try to stay king because Macbeth was afraid. When Lady Macbeth, also hungry for Duncan’s powers, urged Macbeth into the fire. She did this by pressuring him calling him not manly and scolding him to clean the blood. Her planning was what started Macbeth’s rampage. So because of the temptations for Duncan’s power in Macbeth and in the wife, terror was witnessed. This is the reason why Duncan’s powers support the theme.

            In the end, this essay had shown that Evil had five secondary characters that supported its part in the theme, and two that supported good. But good triumph over evil and killed it’s representor in the play. This writer also thinks that the secondary character’s role in supporting the theme was well presented in this essay. In conclusion, it seems like the thesis was right. In the play, most characters were either good or bad, there weren’t many that was in between except for Duncan but this writer guessed the latter’s ideals were remembered by people in the play so his presence is there. That means Duncan was actually on the good side. The writer probably is right. There might be a slim chance of a backwards argument but there might be none. So it is hoped that the reader has enjoyed this writing but keep in mind that in the end, it is in the reader’s hands that the thesis was true or not. It is also hoped that the reader has learned something about the Shakespeare’s Macbeth and one of its themes.


Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Chuyện xe cộ

    Cái xe Honda Accord ở cái ảnh cuối của entry trước là cái xe mình đi từ lâu đến giờ. Xe này là xe đầu tiên của bọn mình, mua từ hồi năm 2006 ở Sudbury, hồi đấy mình nhớ mua về rồi tân trang hết khoảng 7 nghìn. Trước đó chồng mình đi làm toàn phải đi bus, khi có xe này  không phải đợi bus ngoài tuyết lạnh nữa, đi về vi vu thích lắm. Thỉnh thoảng chở cả nhà đi chơi, có lúc lái xuống Niagara Falls hay sang cả Quebec. Mình thi lấy bằng G1 là đã thay nhau lái với chồng, xấu hổ cái đoạn thi G2 đến ba lần mới đỗ, nhưng sau đó thi G thì một phát đỗ ngay, chẳng hiểu tại sao. Chồng mình tính cẩn thận, ngồi bên cạnh mình là cứ hay nhắc vợ cái nọ cái kia làm mình nhiều khi cũng sốt ruột: "Anh làm ơn trật tự đi được không". Bây giờ thì mình thành tay lái lụa lắm rồi, có khi còn lụa hơn cả chồng. :)

   Về sau chồng mình mua xe khác nên giao toàn quyền Honda Accord cho mình, mình đi mãi, đi mãi rồi nó cũng cũ đi như bây giờ. Mình được cái đức hiền lành, đi xe là chỉ có đi xe, cùng lắm hết xăng thì đổ thôi chứ nó hỏng gì là mình chịu, phải gọi chồng. Chồng mình thì ngược lại rất hay kiểm tra các loại máy móc trong nhà xem có cái gì hỏng để lôi ra sửa. Thế là cái ngày hôm nọ, mình đi xe tự nhiên thấy tiếng nổ nó khang khác, vừa to phe lại vừa khệnh khạng hơn mọi khi, nhưng mình cũng chẳng biết làm gì hơn là kệ nó cứ đi tiếp đã. Về nhà chưa kịp báo cáo với chồng thì chồng đã nói ngay: "Xe em thủng ống xả rồi đấy, mai để ở nhà đi tạm xe anh để anh mang đi thay". Sáng hôm sau mình vội đi làm quên béng cứ thế nhảy lên xe mình đi, cái xe kêu to vang đường làm mình chợt nhớ ra việc chồng nhắc nhưng thôi cứ phải đi đã. Chồng mình có tính đã định làm việc gì là nhất định làm việc ấy, tính kỷ luật đúng là như người Nhật, 10 giờ tối cắt internet là đúng 10 giờ tối chằn chặn, cho nên ngay sáng hôm ấy chàng lái xe đến tận chỗ mình làm, ra bãi đỗ tìm xe mình để đổi xe mang đi sửa.

   Tối về chồng bảo nếu để họ thay thì hết chín trăm quá tội tiền xe nên chàng mang đi hàn mất hơn một trăm, của đáng tội cái xe của mình bây giờ mà bán thì chẳng được bao nhiêu, thậm chí vài trăm có khi người ta còn suy nghĩ.:)
   Chồng bàn với mình hay là để chồng mua xe khác, mình nói thôi, mình thích cái xe này, mình đi lâu rồi thấy quen thuộc cứ đi thế đi. May là từ hôm hàn vào thì tiếng nó lại êm êm, thế là mình cứ tiếp tục đi. Chồng bảo nó đã cũ thì nó sẽ hỏng cái này rồi sẽ hỏng cái kia. Mình bảo hỏng thì sửa, chồng mình thấy mình cứ thích đi cái xe cũ thì cũng thôi không nói nữa, sáng hôm Mothers day vừa rồi chồng gọi con trai ra sân, hai bố con lau rửa, hút bụi trong ngoài cái xe sạch bóng. Khi mình lên xe để đi, lúc khởi động xe, mình chợt nghĩ, chồng mình chẳng bao giờ tặng mình bài thơ hay bài văn nào, lời lẽ nói với mình thì khô như ngói, cư xử với mình thậm chí có lúc còn hơi gia trưởng nhưng cái tình của chàng thì nhiều lúc mình cảm nhận được rất rõ, chẳng hạn như khi ngồi trên chiếc xe sạch sẽ, máy chạy êm ru này đây, mình cứ việc yên tâm mà lướt thôi.

   Chuyện xe cộ nhà mình chỉ có vậy, bây giờ mình tranh thủ lướt oép tí kẻo chàng lại sắp cắt internet đến nơi rồi. :)

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Mùa xuân



























Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Ném đá hội đồng

Tôi nghi ngờ sự tỉnh táo của đám đông
Trong những cuộc hội đồng ném đá
Vì  ghét, ghen, hay vì buồn bực quá
Người ta cũng vào ném hòn đá cho vui
Họ biết đâu đá có thể chôn vùi
Một tài năng, một con người nghiêm túc
Họ hả hê khi thấy người chịu nhục
Không biết một ngày đá cũng khiến họ đau

4-2013