Tuần vừa rồi có ngày giỗ đầu mẹ tôi, đã một năm trôi qua từ khi mẹ tôi mất. Mẹ tôi ra đi vào mùa thu, mùa thu trước mắt tôi khi này như đã cạn kiệt những đám lửa rực rỡ, chỉ còn sắc lá úa tàn rơi rụng càng lúc trông càng tan hoang mất mát.
Mẹ tôi là con gái út trong năm người con gái của người vợ thứ hai của ông ngoại tôi. Ông ngoại tôi xưa làm chánh hội, có người vợ đầu có một con trai rồi ốm mất nên lấy bà ngoại tôi. Bà ngoại tôi cũng mong có con trai mà đến mẹ tôi vẫn là gái cũng buồn lòng nhưng thương mẹ tôi lắm, giàu con út khó con út. Nhưng rồi bà ngoại tôi lại cũng mất sớm. Các chị gái mẹ tôi đi lấy chồng cả, người chị cả lấy lý trưởng, một người chị thứ lấy chánh tổng. Mẹ tôi được đi học lên mãi đến trường trung học học bằng tiếng Pháp rồi Cách mạng về thì mẹ thôi học, tham gia dạy Bình dân học vụ xóa mù chữ trong làng. Ông ngoại tôi sau đấy vài năm cũng mất. Mẹ tôi kể may mà ông mất trước khi Cải cách ruộng đất vì gia đình bị quy địa chủ. Đội cải cách gọi mẹ tôi ra đấu tố, hỏi vàng đâu. Ông bà tôi đông con, lúc mất thì khi đó nhà cũng chẳng còn của cải gì nhiều nên mẹ tôi làm gì có vàng mà khai. Tối mịt trời mưa phùn mà cứ bị gọi đi, mới tầm hai mươi tuổi mà bị người ta đấu tố tra hỏi xỉa xói nên mẹ tôi uất quá có lúc suýt nhảy xuống sông tự tử. May mà khi đó mẹ đang nuôi một đứa cháu 4 tuổi con một người chị của mẹ bị hậu sản mất nên mẹ ra đứng bờ sông rồi lại đi về. Cho nên mẹ tôi mới nói rằng khi Cách mạng về mẹ rất vui, tham gia công tác phong trào rồi dạy Bình dân học vụ nhưng cũng có nỗi khổ cực riêng trong lòng ở cái đận Cải cách là như vậy.
Rồi mẹ đi thoát ly khỏi làng lên Thái nguyên và gặp ba tôi. Đầu tiên mẹ làm ở công ty kiến trúc trên Thái nguyên rồi về Gang thép làm ở nhà trẻ. Mẹ tôi làm cô nuôi dạy trẻ rất lâu, từ hồi máy bay Mỹ còn bắn phá, mẹ phải trông trẻ theo ca sản xuất, phải đưa cả bọn trẻ xuống hầm mỗi khi có báo động máy bay đến. Mẹ tôi làm việc rất nghiêm túc và chăm chỉ nên năm nào cũng được bầu chiến sĩ thi đua. Tổng cộng mẹ tôi có 17 năm liền là chiến sĩ thi đua vì thế mà đượcđi dự đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc và được Nhà nước thưởng Huân chương Lao động. Mẹ tôi đã từng được xét phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động nhưng vì mẹ chưa phải là đảng viên nên lại ngưng lại, có lẽ mẹ tôi cũng rất muốn được vào Đảng nhưng khó khăn về lý lịch nên cũng thôi. Tuy vậy mẹ tôi luôn luôn cố gắng làm việc và phấn đấu hoàn thành tốt công việc của mình không hề oán thán gì, mẹ tôi thực sự là con người có lý tưởng vì công việc chung. Mỗi khi nghĩ đến những người sống có lý tưởng thì người đầu tiên mà tôi nghĩ đến lại chính là mẹ tôi. Ở nhà trẻ, mẹ tôi thường phụ trách những nhóm cháu bé sức yếu, gọi là nhóm suy dinh dưỡng, mẹ chăm các cháu vô cùng, nhiều thế hệ đã qua tay bế bồng của mẹ tôi mà bố mẹ các cháu về sau còn cứ nhớ đến và thăm hỏi mẹ tôi khi bà đã về hưu rồi.
Khi mẹ về hưu thì tôi còn đi học đại học, mẹ tôi về nhà bày ra làm bún cho người cháu họ ở gần đấy đem bán để kiếm thêm tiền cho tôi mỗi lần tôi ở trường về kêu đói. Bây giờ nhớ lại tôi mới thấy cả cuộc đời mẹ tôi không ngơi chân tay làm việc. Lo lắng cho công việc chung, cho chồng và các con, suốt đời tôi cứ thấy mẹ chịu thương chịu khó chăm chỉ cần cù như vậy. Tôi nhớ hồi nhỏ mẹ cứ hay kéo tôi vào làm việc bếp núc mà tôi thì ham đọc sách nên cứ tìm bài chuồn, dường như ngày nhỏ tôi thân thiết với ba tôi hơn còn anh trai tôi thân thiết với mẹ tôi hơn. Anh trai tôi thường nhắc: Yến đừng cãi mẹ, nghe lời mẹ đi nào. Còn tôi thì hay tị nạnh mẹ quý anh hơn mẹ chiều anh hơn không bắt anh làm cái nọ cái kia. Càng về sau mới càng biết thương mẹ, thương những lời dạy dỗ của mẹ khi lấy chồng rồi và có con rồi. Nhất là khi ba tôi ốm, mẹ lo chăm sóc ba năm năm trời nâng lên đặt xuống mà lúc nào cũng vui vẻ không cằn nhằn than thở gì, tôi nghĩ mẹ tôi thực sự vĩ đại chứ không phải người bình thường.
Sau khi mẹ mất, một lần tôi nói chuyện với chị dâu tôi, chị kể rằng mẹ bảo trong cuộc đời mẹ có một lần đã xảy ra một chuyện mà đấy mới là lần làm cho mẹ đau khổ nhất, hơn tất cả các nỗi đau khổ mẹ phải chịu đựng trong cuộc đời. Chị bảo: là khi Yến bị ốm năm hai mươi tuổi. Tôi rùng mình. Tôi nhớ lại khi đó tôi ngồi trong giường bệnh viện nhìn ra ngoài nắng và cây, thấy mà không thấy, hoang mang, ngơ ngác và trống rỗng. Mẹ chải tóc cho tôi ngay đằng sau, im lặng. Rồi tôi cảm thấy có giọt nước ấm nóng rơi vào gáy tôi, giọt nữa, giọt nữa... Tôi quay lại nhìn mẹ, rất lâu, mắt mẹ đỏ hoe, mở rộng ôm lấy tôi. Tôi đi vào trong đôi mắt ấy, một hành trình dài nhưng êm ái và cuối cùng tôi đã tìm thấy nơi có thể yên lòng ngả lưng xuống và ngủ. Tôi thầm thì trong giấc mơ: Mẹ đừng khóc nữa mẹ ơi, trái tim con đã nghe lời mẹ ru, hồn con hồn kẻ mộng du, đã bừng tỉnh giấc đã tan u buồn, mẹ đừng để nước mắt tuôn, cho con đau xót sóng lòng cuộn dâng... Một tháng sau, tôi được ra viện. Có lẽ đó là chiến công lớn nhất trong cuộc đời mẹ tôi.
Nhớ mẹ quá, yêu mẹ quá, mẹ ơi!
6 nhận xét:
Vậy là đã một năm rồi.
Những người trông trẻ có tâm như mẹ quý lắm em à... Chị nghe mọi người nói có cô lấy chôie xuể rửa đít cho trẻ con bị mẹ em bắt gặp... khốn khổ đó...
Đợt em ốm đó nghe nói phải nghỉ học mất một năm à...
Bạn thật may mắn. Tuy mẹ mất nhưng bạn có bao nhiêu là kỉ niệm đẹp về mẹ.
Mình hình như chẳng còn nhiều vì khi mẹ mất mình mới có 5 tuổi. hic...
Người thân yêu bỏ ta đi thời gian trôi vùn vụt. Lại nhớ về hồi chúng ta 20 tuổi, thương Yến biết bao nhiêu.
Bác làm tôi thương bác quá ! Làm sao đến nông nỗi như vậy! Thực ra tôi nghĩ trong đời có đủ hỉ nộ ái ố, có lẽ mình phải cam chịu, chứ nếu mình chỉ muốn hạnh phúc sung sướng không thôi, thì khi đau khổ bất hạnh rơi xuống đầu, mình không quen, không chịu được. Khi con gái tôi khổ sở, tôi cứ để nó khóc một lúc, khi nào nó nguôi nguôi, thì mới an ủi nó, để nó tự tìm cách chống chọi với nỗi buồn.
Tôi với mẹ tôi thì không được như mẹ con nhà bác, tôi thấy chúng tôi giống hệt như mẹ con bà Clytemnestre và cô Electre trong vở kịch của Jean Anouilh ấy, hihi.
LH
Chi cung co vai lan tiep xuc voi Me cua Yen, Dung day! Ba la nguoi song dep! chung minh muon hoc cung kho! ....cu thich dau tranh! khong biet gianh cai thang de lam gi nhi?
Đăng nhận xét