Bạch Cư Dị có bài Yến Tử lâu thi, đề tựa rằng:
Trương Thượng thư ở Từ Châu (tức Trương Kiến Phong) có người con hát yêu tên Miến Miến, giỏi ca múa, phong tư trang nhã xinh đẹp. Tôi làm Hiệu thư lang, tới vùng Hoài Tứ, được Trương Thượng thư mời ăn tiệc, lúc rượu say ông gọi Miến Miến ra ca múa giúp vui. Tôi nhân đó làm thơ tặng, hai câu cuối như sau “Túy kiều thanh bất đắc, Phong niễu mẫu đơn hoa” (Say vẻ yêu kiều quên tiếng hát, Chỉ hay múa gió mẫu đơn mềm). Một lần vui rồi chia tay, từ đó về sau tuyệt không biết gì về nàng cả. Đến nay đã mười hai năm, hôm trước quan Tư huân Viên ngoại lang Trương Trọng Tố (con Trương Kiến Phong) tự Hội Chi tới thăm tôi, nhân ngâm ba bài Yến Tử lâu, lời lẽ dịu dàng đẹp đẽ, hỏi ra thì là thơ của Miến Miến. Hội Chi làm Tùng sự ở Vũ Ninh nhiều năm, biết rõ chuyện Miến Miến, kể rằng Trương Thượng thư đã chết, phủ đệ cũ ở Bành Thành có ngôi lầu nhỏ gọi là Yến Tử lâu (lầu Chim Én), Miến Miến nhớ lòng yêu dấu của ông ngày trước nên không lấy chồng, về ở lầu ấy hơn mười năm, nay vẫn còn sống. Thơ Miến Miến như sau:
I. Lâu thượng tàn đăng bạn hiểu sương,
Độc miên nhân khởi hợp hoan sàng.
Tương tư nhất dạ tình đa thiểu,
Địa giác thiên nhai bất thị trường.
II. Bắc khâu tùng bách tỏa sầu yên,
Yến tử lâu nhân tứ tiệu nhiên.
Tự mai kiếm lý ca trần tán,
Hồng tụ hương tiêu thập nhất niên.
III. Thích khan hồng nhạn Lạc Dương hồi,
Hựu đổ huyền cầm bức xã lai.
Dao sắt ngọc tiêu vô ý tự,
Nhiệm tùng thù võng nhiệm tùng khôi.
(I. Trên lầu nến lụn, sáng mờ sương,
Tỉnh giấc yêu đương gối lẻ giường.
Một tối tương tư tình xiết kể,
Biển trời khôn sánh dạ sầu thương.
II. Tùng bách gò xa ngút khói sương,
Nơi lầu Chim Én luống mơ màng.
Từ chôn giày kiếm đàn ca dứt,
Mười một năm rồi áo nhạt hương.
III. Hồng nhạn phương xa thấy kéo sang,
Lại nghe ríu rít sát bên tường.
Đàn vàng sáo ngọc mơ gì nối,
Mặc nhện giăng tơ, mặc bụi vương).
Tôi ưa thích ý thơ mới lạ, bèn họa lại như sau:
I. Mãn song minh nguyệt mãn liêm sương,
Bị lãnh đăng tàn phất ngọa sàng.
Yến Tử lâu trung hàn nguyệt dạ,
Sầu lai chỉ vị nhất nhân trường.
II. Tế đới la sam sắc tự yên,
Kỷ hồi dục khởi tức tiềm nhiên.
Tự tùng bất vũ Nghê thường tụ,
Điệp tại không sương thập nhị niên.
III. Kim xuân hữu khách Lạc Dương hồi,
Tằng đáo Thượng thư mộ thượng lai.
Kiến thuyết bạch dương kham tác trụ,
Nhẫn giao (giáo) hồng phấn bất thành khôi.
(I. Song ngập màu trăng, rèm ngập sương,
Chăn côi nến lụn hắt hiu giường.
Trăng soi đêm vắng lầu Chim Én,
Một bóng hình xưa mấy nhớ thương.
II. Thắt lưng màu khói áo màu sương,
Mấy bận toan dùng lại chẳng màng.
Từ điệu Nghê thường không múa nữa,
Mười hai năm ấy xếp mùi hương.
III. Xuân này có khách Lạc Dương sang,
Qua mộ người xưa biết tỏ tường.
Dương trắng bên mồ nay đã lớn,
Phấn hồng trong ý vẫn còn vương).
Lại tặng nàng một bài thơ tứ tuyệt như sau:
Hoàng kim bất tích mại nga mi,
Luyện đắc như hoa tứ ngũ chi.
Ca vũ giáo thành tâm lực tận,
Nhất triêu thân khứ bất tương tùy.
(Chẳng tiếc ngàn vàng cưới mỹ nhân,
Bốn năm đóa đẹp rộn cành xuân.
Múa ca tiệc dứt, trần gian vắng,
Chín suối nhìn quanh chỉ một thân).
Sau Trọng Tố đem bài thơ của tôi đưa Miến Miến xem, nàng đọc đi đọc lại, khóc nói “Từ Trương công mất, thiếp không phải không dám chết, nhưng lại sợ trăm năm sau người đời cho rằng công chuộng sắc đẹp nên có thê thiếp chết theo, lại làm nhơ đức tốt của công, đành gượng sống mà thôi”. Bèn làm bài Họa Bạch công như sau:
Tự thủ không lâu liễm hận mi,
Hình đồng xuân hậu mẫu đơn chi.
Xá nhân bất hội nhân thâm ý,
Nhạ đạo tuyền đài bất khứ tùy.
(Lầu không luống hận mặt giai nhân,
Như mẫu đơn tàn buổi cuối xuân.
Ai đó biết đâu lòng kín đáo,
Lại ngờ phụ nghĩa chẳng liều thân).
Bài tựa của Bạch Cư Dị tới đây là hết. Nhưng theo Trường Khánh tập, sau khi được thơ của họ Bạch, Miến Miến bắt đầu nhịn ăn, mười ngày thì chết. Nhưng lại ngâm thơ rằng “Nhi đồng bất thức xung thiên vật, Mạn bả thanh nê ô tuyết mao” (Trẻ con chẳng biết loài bay bổng, Cứ lấy bùn xanh trát cánh lông).
Trên thực tế, hai bài thơ của Bạch Cư Dị đã giết Miến Miến. Nhưng trên thực tế thì đây cũng không phải là một vụ án mạng Đường thi. Phải đâu họ Bạch không am hiểu tâm sự Miến Miến? Câu cuối trong bài Họa Yến Tử lâu thi cho thấy ông biết nàng không có cớ để chết theo Trương Kiến Phong, và bài thơ tặng đóng vai một người thương xót họ Trương mà kết án đám con hát bạc tình kia chính là nhằm tạo lý do cho nàng hoàn thành sở nguyện. Và dĩ nhiên Miến Miến cũng hiểu cái ý tứ sâu xa ấy, nên trong bài Họa Bạch công nàng đã tỏ lòng biết ơn ông bằng cách nhắc lại lời thơ “mẫu đơn” mười hai năm trước. Và chính là nhờ biết Bạch Cư Dị hiểu được tâm sự của mình, nên nàng mới ngạo nghễ nói với người đời rằng vì bị họ Bạch bôi nhọ nên nàng phải chết bằng hai câu thơ trước khi nhắm mắt. Tự ví mình như loài chim én “xung thiên” bị trẻ em trát bùn lên cánh trắng - Bạch Cư Dị có hiệu là Lạc Thiên, nàng quy trách nhiệm cái chết của mình về ông, nghĩa là cho người sống chứ không phải về Trương Kiến Phong, để dập hết những đàm tiếu của người sau đối với người chồng mà nàng yêu thương kính trọng. Mới biết cái tâm tình tài tứ, độ lượng tri giao của hạng danh sĩ kỳ nữ, loại người tầm thường có dễ mà theo kịp được đâu!
(Cao Tự Thanh, Giai thoại thơ Đường)
1 nhận xét:
Miến Miến xinh đẹp, tri âm.
Đăng nhận xét