Thứ Ba, 25 tháng 9, 2007

Tình Phu Phụ

(Ảnh từ www.netaxs.com)

Nhân có ý kiến của Gà Con (ở đây), tớ dùng thể thơ song thất lục bát để viết về chủ đề từ entry trước, tình chồng vợ. Chúc mọi người một đêm Rằm vui.

.

Tình Phu Phụ

Phu xướng phụ tùy, vân tải nguyệt

Cầm phong ca vũ, tuyết in sương

Đường xa muôn nỗi vấn vương,

Ấm lòng một dải yêu thương dãi dầu.

*

Nhớ thủa ấy chung mầu rau cháo,

Leo lắt đèn khâu áo sờn vai.

Ốm đau chăm chút hôm mai,

Vắng xa một bước nhớ hoài hiền phu.

*

Mừng một mụn ấu nhi tuấn tú,

Vui tuổi già mẫu phụ hai bên.

Dốc lòng hoạn lộ một phen,

Dụm dành xây đắp cũng nên một tòa.

*

Đường cuốn bụi xa nhòa ảo ảnh,

Bão chợt kề chớp ánh mưa sa.

Thuyền dong giữa sóng hải hà,

Tố giông mới thấu ai là chắc tay…

*

Rồi cũng đến những ngày yên ả,

Soi mặt gương khỏa nước thong dong.

Dòng trôi cùng trải nỗi lòng,

Vớt lên gạo trắng sạn sòng bỏ đi.

*

Cơm chín tới thơm vì nặng nghĩa,

Trà đến tuần ngọt vị thanh tao.

Đêm rằm trăng tỏ trên cao,

Hàn huyên phu phụ thấm bao nhiêu tình…

***

25-9-2007

HY

10 nhận xét:

HY nói...

@GàCon: "Bài Đường luật, chẳng hạn như Thất ngôn bát cú Đường luật gồm có 8 dòng mà xét về cấu trúc có nhiều cách chia. Theo truyền thống như trong trường dạy thì nó được chia thành 4 phần, mỗi phần 2 câu (couplet) 2-2-2-2 tạm gọi là Đề-Thực-Luận-Kết..."
Gà Con viết chỗ này chính xác rồi, mình chỉ thêm tí, về lý do chia mỗi phần 2 câu bởi vì hai câu đó bao giờ cũng phải viết lối biền ngẫu, câu sau đối với câu trước rất cân về từ ngữ, ý nghĩa. Từng đôi câu đối nhau như thế từ đầu đến cuối bài, chuyển tải 4 phần đã nói trên.
Ở bài song thất lục bát của mình còn có nhiều chỗ chưa được (ép vận, nghĩa đối không cân...) mà không thấy Gà Con chỉ ra. Tuy vậy, mình phải cảm ơn Gà Con vì đã phân tích rõ bố cục của nó. :)

HY nói...

"chị giáo nói thế là không trúng ạ. Nói vế đối trong thơ Đường Thất ngôn bát cú thì chỉ có cặp Thực (câu 3 và 4) và cặp luận (câu 5 và 6) phải là cặp đối nhau thôi, còn cặp Đề (câu 1 và 2) và cặp Kết (câu 7 và 8) thì không cần ạ. Xin minh họa bằng bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu: ..."
Ô, vậy hóa ra mình đã quên vợi luật Thất ngôn Bát cú thơ Đường rồi. Cảm ơn Tào Lao nhé!
"Trước khi dứt lời, có thể nhờ chị giáo viết 1 bài tình phu phụ theo Trường đoản cú được không ạ? TL trước đây có đọc 1 bài như thế và nghĩa tào khang,vẫn ngưỡng mộ luôn."
Để chắc ăn thì Tào Lao nhắc lại cho mình luật của Trường đoản cú, mình sẽ viết. :)

Cà rem nói...

"...Gà Con viết chỗ này chính xác rồi, mình chỉ thêm tí, về lý do chia mỗi phần 2 câu bởi vì hai câu đó bao giờ cũng phải viết lối biền ngẫu, câu sau đối với câu trước rất cân về từ ngữ, ý nghĩa. Từng đôi câu đối nhau như thế từ đầu đến cuối bài, chuyển tải 4 phần đã nói trên..."
Dạ,chị giáo nói thế là không trúng ạ. Nói vế đối trong thơ Đường Thất ngôn bát cú thì chỉ có cặp Thực (câu 3 và 4) và cặp luận (câu 5 và 6) phải là cặp đối nhau thôi, còn cặp Đề (câu 1 và 2) và cặp Kết (câu 7 và 8) thì không cần ạ. Xin minh họa bằng bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu:
Hoàng Hạc Lâu
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán dưng thụ
Phương thảo thê thê Anh vũ châu
Nhật mộ hưng quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
Câu 3 và 4 đối chan chát: hoàng hạc vs. bạch vân, nhất khứ vs. thiên tải, bất phục phản vs. không du du
Câu 5 và 6 cũng đối chan chát: lịch lịch vs. thê thê (đối lặp từ), Hán Dương thụ vs. Anh vũ châu (đối địa danh)
Ngoài luật vần (gieo vần chân ở các câu 2-4-6-8) và luật đối (cặp 3-4 và cặp 5-6), Đường luật còn phải kể thêm luật niêm (dính với nhau): câu 1 niêm với câu 8, câu 2 với câu 3, câu 4 với 5, câu 6 với 7. Rùi còn có thể kể thêm về nhạc tính, về thanh điệu, về dụng chữ, về thi đề, về thi bệnh (các lỗi cần tránh) khá nhiêu khê nhưng học hỏi nó cũng lợi ích thiệt nhiều.
Trở lại, chuyện tại sao chia thơ Đường làm 4 phần: Đề-thực-luận-kết hay khai-thừa-chuyển-hiệp. Có 2 kiểu trả lời: trả lời theo lịch sử và trả lời cá nhân. Trả lời lịch sử tức là theo thư tịch bên Tàu để lí giải sự ra đời, thực hành của cấu trúc 2-2-2-2 (như trong sách Thi pháp thơ Đường của Quách Tấn có kể ra khá dài dòng mà em TL chẳng nhớ xiết). Còn câu trả lời cá nhân thì phải trân mình nói liều: tại sao lại chia làm 4 phần (hay 2,3 phần) với theo 4 nhiệm vụ khác nhau.
Nói đơn giản thì cấu trúc bài thơ (hay bài văn, bài nhạc) phải có đủ 3 phần cái đã: Mở bài, thân bài, và kết bài. Ở phần thân bài vì 'lí do gì đó' mà chia ra làm 2 phần nữa, vậy là ta có 4 phần. Nhưng câu hỏi đáng nêu ra là: chia ra làm 4 phần như vậy có phải là cách tốt nhất cho 1 thể thơ, is it the best way to form a such a form or is it universal caused by human nature reason/thinking? Tất nhiên, như mọi câu hỏi kiểu 'triết học', siêu hình học như thế ko có câu trả lời tối hậu nào hết.Tùy từng người trả lời cho câu hỏi thuộc về cấu trúc của thơ này mà người ta đã sáng tạo ra nhiều thể thơ khác nhau.
- Rút gọn lại thể bát cú ta có thể tứ tuyệt (bài 4 câu).
- Mở rộng tứ tuyệt, tức lấy tứ tuyệt làm 1 đơn vị cơ bản ta có loại Tứ tuyệt (quartrain) (số câu= 4 x số khổ thơ)
- Modified form: điều này Nguyễn Trãi đã làm cách nay mấy trăm năm ! Ông đã modified các cặp song thất trong thơ Đường thành các cặp song lục (thay vì 7 chữ, ông viết 6 chữ thôi). Và cái hiệu ứng của nó khá tuyệt diệu (xem nhiều bài trong Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi)
- Mở rộng Đường thể: chẳng hạn như bài thơ trên của chị giáo.
dzân dzân và dzân dzân (thiệt ra TL chưa nghĩ ra còn có chiêu nào khác nữa hôn...hì hì)
Dạ,tiếp về bài thơ của chị giáo. Chuyện ép vận thì TL không có để ý ạ. Mà thiệt ra TL thấy các cụ nhà ta còn ép vận, phá vận ghê nữa. Tiêu biểu là Nguyễn Trãi (như modified form là phá cấu trúc rồi), Kiều của Nguyễn Du cả đống chỗ không hề theo luật vần lục bát (vd như Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng/có nhà viên ngoại họ Vương, gieo đúng phải là họ Vang), rồi Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm (phá luật đến nỗi muốn kiếm chỗ nào Đoàn nữ sĩ gieo trúng luật cũng khó luôn á). Nói vậy để thấy các cụ nhà ta cũng 'phá rào' ghê nơi chứ có cứng nhắc hồi nào đâu nè (bởi vậy, phải minh oạn vụ này vì mấy cha cổ vũ thơ mới 30-45 'không vú' quá).
Trước khi dứt lời, có thể nhờ chị giáo viết 1 bài tình phu phụ theo Trường đoản cú được không ạ? TL trước đây có đọc 1 bài như thế và nghĩa tào khang,vẫn ngưỡng mộ luôn

HY nói...

Từ chắc hẳn cũng có những luật nào đó, phải không Tào Lao?

Cà rem nói...

hi`...em TL 'bình loạn' lung tung như học trò nói leo thơ chị giáo, chị giáo có cầm thước kẻ 'gõ đầu trẻ' thì nhớ nhắc TL đội nón bảo hiểm vô nhe.
'Bình loạn' cũng e rằng ý thơ thâm viễn sâu xa của chị giáo mình ko thấy mà nói linh tinh, hay nói về 'bình loạn' thơ nói chung ko khác nào 1 engineer soi mói, mổ xẻ cái đẹp của một bông hoa. Chẳng những không làm được chuyện chi có ích mà chỉ làm hoa bầm dập tả tơi. Phí của trời vì tội của kẻ phàm phu. Nhưng mà (TL hay nhưng lắm) TL cũng mạo muội nói ra cái suy nghĩ (nông cạn, phàm tục) của mình như anh Vót 'lấy thân mình lấp lỗ châu mai' nhân cái mùa trăng, trung thu nì (trăng lên thì huyết áp nghệ sĩ cũng lên tăng xông theo ý mà).
- Về từ vựng (thơ phong, hay chất liệu 'material' gọi gì cũng ok) hay nhạc tính: bài này có thể nói là classic-alike, nghe rất gần với Chinh Phụ Ngâm, Dạ Cổ Hoài Lang
- Về cấu trúc: bài này có thể nói là một mô phỏng/mở rộng của Đường luật thể. Xin giải thích thêm vì sao mà TL nói như thế. Bài Đường luật, chẳng hạn như Thất ngôn bát cú Đường luật gồm có 8 dòng mà xét về cấu trúc có nhiều cách chia. Theo truyền thống như trong trường dạy thì nó được chia thành 4 phần, mỗi phần 2 câu (couplet) 2-2-2-2 tạm gọi là Đề-Thực-Luận-Kết(hay người Tàu gọi là Khai-Thừa-Chuyển-Hiệp; gọi theo 2 kiểu đó, cái 'hồn' của mỗi cách gọi tên này nó có khác, chứ hông đơn thuần chỉ là 2 cách gọi cho cùng 1 cách chia). Nhưng một số nhà phê bình thơ Trung Hoa có kiểu chia khác nữa: chia làm 2 phần 4-4, hay chia làm 3 phần 2-4-2. Chia như thế là do người ta dựa vào 'tính khách quan' của những bài thơ Đường hiện đã tồn tại, nếu cứ gán cấu trúc 2-2-2-2 thì nhiều bài ko có vô được cái khuôn đó, hoặc phải chia 2-4-2 vì 2 phần giữa (Thực-Luận) không thể tách ra rạch ròi được.
Ở đây, TL tạm chia bài thơ chị giáo như vầy, theo 2-4-2:
- Phần Khai (phần mở bài): khổ số 1 nêu chủ đề Tình phu phụ
- Phần thực-luận (phần thân bài, phần phát triển): khổ số 2,3,4,5: những cung điệu 'tình cảm' từ nhớ (khổ 2), mừng (khổ 3), tri ân... chồng (khổ 4), an hưởng-ăn chơi (khổ 5). Lồng trong đó có tả thực (có rau cháo nè, có 'dạ cổ hoài lang' đêm khuya mơ mộng ông chồng nè, có thằng cu nè,có ông bà vui nè, có cố công mần ăn nè) và có luận (đời có trắc trở những cũng có lúc ăn chơi , 'qua cơn bỉ cực tới hồi thái lai', chứ không phải 'giờ ráng chịu cực sau này chịu khổ')
- Phần kết luận: khổ số 6. Phần này vừa tả thực, vừa kết luận:có cơm tình cơm nghĩa, có trà thanh tao (chỉ thiếu mỗi bánh trung thu), có trăng sáng trên trời mà có chồng ngồi trước mặt 'tâm sự loài chim biển' là cuộc sống number 1.
Bài này tất nhiên không phải là 1 bài Đường thể, nhưng cái 'hồn' của nó vẫn hiển hiện nên mạn phép ép chó nó cái tên 'một mô phỏng bài Đường thể' về cấu trúc.
Dạ, em xin hết bài tập làm văn của em. Chị giáo Hoàng Yến cho bao nhiêu điểm thời cho, thương tình em em cảm ơn ạ.
P/s: Nói thiệt, nhỏ lớn em đi học tập làm văn cứ mỗi lần phát bài là cô giáo lại đọc to bài của em và nhắc nhở các bạn: 'mấy em nhớ ghi nhớ cho kỹ bài của em này để mà...tránh mắc lỗi đa'. Bó chiếu.

Cà rem nói...

Ngồi chờ ăn cơm trưa mà nói thêm về vần, về tính âm dương trong Song thất lục bát, chỉ là cái học mót nhỏ mọn từ ông Cao Xuân Huy (thân phụ Cao Xuân Hạo):
- Vần trong song thất lục bát gieo như vầy:
Câu 7 chữ số 1
Câu 7 chữ số 2
Câu 6 chữ
Câu 8 chữ
Chữ thứ 5 'câu 7 chữ thứ 2' vần với chữ thứ 7 của 'câu 7 chữ số 1'. Chữ thứ 6 của 'câu 6 chữ' vần với chữ thứ 7 của 'câu 7 chữ số 2', và chữ thứ 6 của 'câu 8 chữ' vần với chữ chữ thứ 6 của 'câu 6 chữ'. Đó là vần trong 1 khổ. Để nối 2 khổ thì chữ thứ 7 trong 'câu 7 chữ số 1' phải vần với chữ thứ 8 của 'câu 8 chữ' trong khổ trước đó.
Ta thấy gieo vần ở đây có gieo cả vần chân( cước vận, tức vần gieo ở cuối câu) và vần lưng (yêu vận, tức vần gieo ở giữa câu). Trong đa số thơ Hán cũng như thơ English, ta chỉ thấy họ gieo cước vận (Đường luật,quartrain, sonnets v.v.), chỉ có thơ lục bát của mình là gieo 'yêu vận' và thơ song thất lục bát là gieo cả yêu vận và cước vận. Vậy nên mới dám nói thơ Việt 'độc' chớ không phải chơi.
Tính âm dương- một triết lý cho thể song thật lục bát nói theo Cao Xuân Huy (nói ý, ko trích nguyen văn, bà con đừng chọi dép cũng ko nên quá serious về tính chính xác của nó). Một cách đại khái:
- Câu thơ Dương tính = câu thơ có số lẻ số chữ (odd number of syllables). Lẻ nên mới dương đó đa, các bạn có thể đọc các câu có số lẻ số chữ và ngẫm nghĩ về ý kiến này (câu thơ đọc lên rất 'dương', rất mạnh, lẻ loi), tuy ý kiến này nghe tưởng hơi 'nhảm' nhưng cũng có lí đó chớ.
- Câu thơ Âm tính= câu thơ có số chẵn số chữ (even number). Sô chẵn tức chia hết cho 2, tức là có đôi có cặp nên câu thơ nó rất mềm mại, uyển chuyền và tròn đầy.
Xét thể song thất lục bát. 2 câu 7 chữ 'rất dương' và bởi cách gieo vần của nó (như đã trình bày ở trên) nên nó rất chông chênh (gieo vần chân 2 câu 7 chữ thì ok,chứ gieo lững lững như vậy thì thiệt 'bất ổn'). Cái dương tính, cái bất ổn đó như 1 nội lực thôi thúc nội tại của thể thơ, nó ép người ta phải có 1 cái gì đó để mang lại sự cân bằng. Đó chính là nhờ 2 câu lục bát âm tính, ổn định mang lại. Đặt cái bất ốn, mãnh liệt của 2 câu 'con rồng' song thất lên cái trầm ồn, âm tính, ổn định của lục bát thì thiệt là 'sành điệu'. Tiếp theo, cái lực dương tính đó lại tiếp diễn trong 2 câu song thất tiếp theo và 1 lần nữa bị trấn áp bởi 2 câu lục bát. So on and so forth...Chính cái lực nội tại đó làm cho Song thất lục bát có tính 'hành vân lưu thuỷ', liên miên bất tuyệt. Đem nó mà làm thơ dài, làm truyện thơ thì thiệt là trúng điệu (cho nên người Việt xưa có cả 1 lô 1 lốc truyện Nôm làm bằng Song thất lục bát ha).
( nói nghe xin đừng chửi: truyện Kiều cứ lục bát 1 lèo đọc lẽ ra là buồn ngủ lắm nhưng chính cái tài hoa của Nguyễn Du, chữ nghĩa dàn trời, hình ảnh sống động... đã 'cứu vớt' nó, Nguyễn Du number one...hì)
Bàn thêm: Cao Xuân Huy có ý 'chê trách' thơ Đường quá Dương tính, mãnh liệt và tán dương song thất lục bát. Tuy nhiên, như TL thấy Thơ Đường luật không phải là quá Dương tính đâu nếu xét về cấu trúc tổng thể của nó: 8 dòng, 4 (hay 2,3) phần tạo nên cái âm dương tương liên, mang lại tính nhất thể, toàn diện và cân bằng cho nó. Thơ Đường vẫn là loại thơ 'thứ dữ'. Ậy, nhưng thơ ta cũng có cái lợi hại riêng, chưa chắc bên nào đã là ngon hơn à. Tán dương thơ Đường thái quá là chưa hiểu thơ mình, còn ca ngợi mình dữ quá, xem chừng là chưa hiểu cái hay của người ta.
In poetry we trust, Amen!

HY nói...

Thế để mình nghiên cứu những ý kiến của TL và tìm hiểu thêm một số từ Hán- Việt xong rồi sẽ viết sau vậy. :)

HY nói...

À, vậy độ dài bài đó khoảng bao nhiêu câu thì được TL ơi?

Cà rem nói...

Dạ, Từ về bản chất là 1 điệu nhạc, là sản phẩm 'made in China', nên nói 'luật từ' tức là nói về thanh/nhịp luật. Có khoảng vài trăm điệu từ, và nổi tiếng nhất là Từ thời Tống , trong cái câu motto về văn Tàu: ' Hán Phú, Đường Thi, Tống Từ, Nguyên Khúc, Minh Thanh tiểu thuyết'.Làm từ tức là 'Điền từ'(điền chữ vào điệu nhạc có sẵn ý mừ), một thú vui của nhã sĩ bên Tàu đời xưa. 'Từ made in Việt Nam' một cách tương đương là ca trù, hát xẩm của ta. Ca Trù chẳng hạn là 1 thể rất phong phú về từ vựng (nhớ áp dụng cả 'Hán-Việt đề huề' cả Hán và Việt nên đọc vô thấy ngộ lắm) và giàu nhạc tính, các danh gia xưa sáng tác nhiều bài rất 'độc' (vd như ông Nguyễn Công Trứ là 1 'playboy' có tiếng về hát ca trù).
Trường đoản cú theo như TL hiểu cũng là sản phẩm 'made in China' nốt. Nó có một 'bộ luật' hay ko thì TL ko chắc, có lẽ là không ngoài vài quy định về số chữ khi nhiều, khi ít. Tiêu biểu có thể kể bản Chinh phụ ngâm tiếng Hán của Đặng Trần Côn.Trong cuốn văn thơ tuyển nhan đề Văn Đàn Bảo Giám của Trần Trung Viên (xuất bản 1934?) không thấy nhắc đến Phú hay Trường Đoản cú mà chỉ thấy Thể loại Văn biền ngẫu. Trường đoản cú có cần chất biền ngẫu không, TL ko chắc ạ.
Mà thiệt ra khi yêu cầu chị giáo làm bài Trường đoản cú , ý TL chắc là làm 'văn biền ngẫu' ấy ạ, câu có câu vắn câu dài và có chất biền ngẫu trong đó. TL đã có 'hân hạnh' đọc 1 bài biền ngẫu như thế. Vô cùng giàu nhạc tính (vì khi ngắn khí dài mà), đối nhau chan chát đọc thiệt sướng, lại thêm Hán-Việt đề huề vừa trang trọng, vừa dí dỏm lại rất cảm động. Đấy là kể chuyện 1 cô người VN có nhờ 1 ông nhà thơ làm 1 bài văn gủi anh chồng phụ bạc đã bỏ đi, nghe đâu khi anh chồng đọc xong thấy hối hận thương vợ quá xá mà quay về 'tự thú quy hàng'. Thiệt ngộ nghĩnh.

Cà rem nói...

Dạ, bài đó chắc dài cỡ bài chị giáo đã làm.
Nói về thơ cổ điển Việt Nam,TL cho là có 3 lực lượng có thể cho ta học tập đề tạo ra sản phẩm made in Việt Nam chất lượng cao.
- Thứ nhất là lực lượng đến từ Tàu: nhạc Phủ Kiến An, Tống từ, Đường Thi, ca dao Tàu- Kinh Thi+Sở Từ. Lực lượng này có lẽ ko hứa hẹn nhiều vì ông bà ta đã làm từ xưa. But did they really do it systematically and nothing left for us to do? I am not sure. Học tập những cái hay của Tàu cũng có những cái lợi. Ít ra, coi đó như cuộc tổng duyệt lần cuối
- Thứ hai là lực lượng nội tại: các thơ vần của ta, đồng dao, ca dao, ca trù, hát xẩm, biền ngẫu, hệ từ vựng (xưa và nay). Lực lượng này có lẽ cũng ko hứa hẹn gì lắm, nhưng thiệt ra số người từng cho thấy họ có hiểu sâu sắc về văn thơ cổ điển chỉ đếm đên đầu ngón tay (Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Hãn, Quách Tấn, Nguyễn Khắc Phi, họa may có thể kể thêm Nguyễn Tài Cẩn và Cao Xuân Hạo)
- Lực lượng đến từ phương Tây: có lẽ là lực lượng hứa hẹn nhất as so far this idea is as fresh as i suppose. Thể nhạc thì phong phú đa dạng: rondo, sonata form, themes and variation, song, aria da capo là các thể thật sự, rồi các cái tên đầy cảm hứng fantasia, ballade, prelude, polonises, muzaka, noctune, serenade ... Ít ra 1 chuyện có thể làm: phổ thơ cổ điển Việt Nam hát theo lối thanh nhạc cổ điển Âu Châu. Chuyện phổ thơ thành nhạc (pop, tiền chiến)đã quá cũ, hay phổ thơ VN cổ điển, đồng dao (Phạm Duy có làm) nhưng phổ thơ để hát như thanh nhạc cổ điển thì TL chưa thấy.
Thiệt ra, thơ cổ điển TL không mong có ngày phục hưng trước sự bá chiếm của thơ mới, thơ tự do, thơ trẻ và thơ ngoại lại đến từ phương Tây! Tuy nhiên, TL chưa từng thấy những gì đáng gọi là nghệ thuật mà ko phải là kết tinh của quá trình học tập, kết tinh, sáng tạo bền bĩ cả. Cho nên những thứ thơ kể sao có thể nói là Hopeless to be real art (lên gân chút). Tiện thể, nêu vài ý mà em TL có học lõm bõm như những mong ước (với rất nhiều thách thức, thực tế có thể cho thấy nhiều ý là 'điên cuồng, phi thực tế'). Mong ước, có nhiều cái chẳng bao giờ thành hiện thực. Biết đâu.