Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Sương mù và Tâm thức

Sương mù

Maurice CARÊME
(Lan Hương dịch)

Sương mù bỏ tất cả
Vào trong chiếc túi bông
Sương mù bao phủ hết
Xung quanh ngôi nhà tôi

Trong vườn không còn hoa
Lối đi không còn cây
Nhà kính bên láng giềng
Như đang bồng bềnh bay

Tôi cũng không biết nữa
Đang nấp ở chỗ nào
Chú chim sẻ nhỏ
Buồn rầu chiêm chiếp kêu.

----

Sớm nay đọc lại bài thơ Sương mù của tác giả Maurice CARÊME do bạn Lan Hương dịch trong phần comment ở một entry trước mà hôm qua tôi đã đọc và nghĩ mãi về tiếng chim kêu chiêm chiếp không biết ở đâu giữa sương mù dâng kín. Tự nhiên tôi lại liên tưởng đến một trạng thái của con người mà tâm thức cất tiếng kêu yếu ớt của con chim nhỏ, ta cảm thấy tiếng kêu đó mà không biết nó ở đâu trong sự chìm đắm của đời sống. Rồi có lúc sương bỗng tan ra ta có thể đến bên con chim nhỏ để nghe tiếng nó hót, thậm chí có thể giúp nó thoát khỏi cái lưới nào đó để nó có thể bay lên trời cao và hót vang. Và tôi nhớ đến bài viết của một người bạn, bèn tìm để đọc lại, mạn phép các tác giả xin chia sẻ với mọi người.
HY



Tâm thức

(Bài này của bạn Tiểu Vũ ở langven.com ngày 1-12-2004)

Một tâm thức khoẻ khoắn lành mạnh là điều cần thiết. Nó cũng là điều kiện để đôi khi ta có những khỏang tĩnh lặng cần thiết trong đời sống tinh thần. Tĩnh lặng để nhìn nhận mọi điều một cách thông suốt và chính xác hơn.

Con người ta suy đóan và hành động dựa vào ba yếu tố: lý trí, tình cảm, và tâm thức.

Khi đứa trẻ sinh ra, nó tư duy và hành động không theo những lý trí hay tình cảm tinh vi, bởi đó là những thứ đòi hỏi kinh nghiệm từ đời sống. Vậy đứa trẻ tư duy và hành động như thế nào? Xin thưa: bằng bản năng tự nhiên và tâm thức. Cảm giác yên tâm là một bản năng của tâm thức.

Có những cuộc trò chuyện chẳng đâu vào đâu nhưng lại tạo ra cảm giác nhẹ nhõm. Điều này thực ra không có gì huyền bí. Bình thường con người suy đóan và hành động theo lý trí và tình cảm nhất thời. Được chỗ này thì bỏ chỗ kia, nên luôn có cảm giác bất an và không hòan thiện. Khi đối thọai sẽ khơi gợi ra những góc cạnh khác nhau của vấn đề. Từ đấy mà ta vô tình tạo điều kiện cho tâm thức của mình có được một cảm nhận trước tòan cục.

Khi tâm thức của mình đã được tiếp xúc với tòan cục rồi, khi không còn gì là bất minh và mờ ám nữa, khi ấy bản năng tìm đến sự yên tâm sẽ được phát huy đầy đủ. Nó sẽ làm cho mình nhìn nhận mọi điều một cách thông suốt hơn. Thông suốt cũng có nghĩa là yên tâm.

Những khỏang lặng là luôn cần thiết cho một đời sống tinh thần phong phú. Muốn tâm yên tĩnh, thì trước hết ta phải nhận ra mình có một tâm thức tiềm ẩn. Nó luôn tìm cách suy xét và bảo vệ chính ta. Thứ hai, nên tạo điều kiện cho tâm thức ấy được tiếp xúc với tất cả những gì nó cần tiếp xúc.

Bởi vì con người là một chỉnh thể các mối quan hệ gia đình và xã hội.

Có thể các mối quan hệ trong gia đình mình ít nhiều còn lỏng lẻo. Những cảm nhận với nhau của vợ và chồng thực ra cũng nặng về lý trí và tình cảm. Cả với con cái cũng thế. Chúng ta chỉ nói chuyện học hành và sinh họat. Không phải lúc nào ta cũng quan tâm tới con mình thực ra suy nghĩ những gì, ham muốn điều gì. Do tâm thức không nhận đựơc đầy đủ dữ liệu như thế nên cảm nhận về chính người thân và gia đình cũng có thể lầm lạc.

Đó là ví dụ cho một dạng kẽ hở, một chỗ sơ đễnh mà tâm thức không được tiếp xúc đầy đủ. Tương tự như thế khi yêu thương một người, đáng nhẽ phải nhìn vào nhau trong mối giao hòa tâm thức tòan diện nhất, thì ta lại cuốn theo những tình tiết ong bướm nặng tính cải lương. Đôi khi đó cũng là điều ngăn cản người ta yêu thương nhau thật lòng và hết lòng.

Cảm nhận một tác phẩm văn học nói riêng hay nghệ thuật nói chung cũng như vậy thôi. Cảm thụ là một quá trình đàm thọai giữa tác phẩm và lý trí cùng tình cảm của chính mình. Nhưng cũng lại không thể quên đi vai trò của tâm thức. Phải là người cảm thụ có kinh nghiệm để khiến cho tâm thức của mình đối diện với tác phẩm một cách tòan diện nhất. Khi ấy nhìn nhận của mình sẽ trở nên thông suốt và chính xác hơn hết. Đương nhiên, như thế cần có cả một vốn sống dồi dào nữa.

26 nhận xét:

sonata nói...

Maurice Careme là nhà thơ mình rất yêu, thơ ông ấy giàu nhạc điệu, bạn Lan Hương hình như chưa để ý đến nhạc điệu của bài thơ, hay là bài này ông ấy ông ấy chú trọng đến hình ảnh hơn nhỉ- bản dịch cho thấy hình ảnh nhỏ nhoi của tiếng chim trong màn sương mù mịt, yếu ớt đến nao lòng.

Post thêm một bài của M.C tặng bạn HY nhá, lâu quá quên mất ai dịch rồi, và cũng quên mất một câu trong khổ cuối (sorry sorry :))

Vua về

Mũ sắt trên đầu nạng gỗ trong tay
Vua đi khập khiễng giữa bầy quan quân
Bụi bay lính hát
thôi rồi chiến tranh
Nhà vua cũng hát khàn khàn ngộ ghê

Quần lụa Nhe múc áo gấm Tờ roa
Hoàng hậu đứng đợi trên tòa lầu cao
Thấy quân đi tới
hoàng hậu vẫy chào
Vừa cười vừa khóc lệ trào đầm mi

Hoa dại cài mũ
Giầy rách dưới chân
ở ngoài đường phố nhân dân múa mừng
Khắp nơi khắp chốn
Trống đánh tưng bừng
ngày vui đến thế ai không hát nào

...(câu này quên mất rồi:))
Vua thua chiến tranh
nửa chân bị mất
Vẫn mừng đến rơi nước mắt vì được thoát về.

Một bài nữa của M.C, rất phổ biến ở VN:

Cô bé và cậu bé

Nếu tớ mà là con trai
cô bé có lần đã nói
thì tớ sẽ bỏ đi ngay
sang châu Phi chơi cho khóai

Còn nếu tớ là con gái
cậu bé vội tiếp lời ngay
thay cho chỉ mầu tớ sẽ
thêu bằng tia nắng ban mai

Rồi hai người dần khôn lớn
cùng nhau nên vợ nên chồng
với nhau suốt ngày họ chỉ
tòan là nói chuyện tiền nong!

:(
(hi hi cũng không nhớ ai dịch luôn! hình như Bàng Bá Lân, không chắc lắm)

phulangsa nói...

Chà chà, cái khái niệm Tâm thức này mình mới nghe lần đầu, chỉ hơi hiểu thôi, cũng cảm thấy đúng, mà nghĩ mãi vẫn chưa thấy tâm thức mình nó ở đâu. Để từ từ suy nghĩ thêm vậy. Trong lúc chờ đợi thì mình trích dẫn Nguyễn Huy Thiệp nhé : "Ai có tình người ấy có tâm" (các bạn có muốn đọc cả bài thơ không ?). Có vẻ như cái "tâm" này cũng giống với "tâm thức" nhỉ ?
@Sonata : chắc tạm thời mình mới chỉ dịch được ý thôi, còn nhạc điệu thì chắc phải mời bác HY cứ sửa thoải mái, hihi.

Goldmund nói...

cái bài thứ hai của chị So post, rõ ràng mình đã đọc một nghìn lần rồi mà kg biết của ai; cái tên tác giả cũng lạ hoắc với mình:)

Nặc danh nói...

Em thử ghép mấy chữ có vần với nhau vào bản dịch của bác LH:
Sương mù bỏ mọi thứ/ Vào túi bông của y/ Quanh nhà tôi tất cả/ Đều bị sương che đi
Vườn không còn hoa nữa/Lối đi không còn cây/Nhà kính bên hàng xóm/Cứ bồng bềnh như bay
Thực lòng tôi không biết/Thanh âm ấy từ đâu/Tiếng chim sẻ chiêm chiếp/Tôi nghe rất u sầu
CVN

HY nói...

Em cảm ơn chị So, bài "Cô bé và cậu bé" giống như bạn Goldmund em cũng đọc nhiều lần hồi học ĐH, bài này hay được bọn con gái cùng phòng nội trú bọn em lôi ra để làm ví dụ cho việc so sánh giữa sự mơ mộng lãng mạn và thực tế trần trụi, cũng như để so tình yêu và giai đoạn sau tình yêu là hôn nhân hihi :P

Bác Lan Hương đọc cả bài thơ của Nguyễn Huy Thiệp đi ạ, đọc câu "Ai có tình người ấy có tâm" nghe đã thấy hấp dẫn rồi, tôi cũng không rõ "tâm" này có giống "tâm thức" không nhưng về tâm thức thì tôi chỉ có một kinh nghiệm của bản thân là khi nào tôi cảm thấy không yên ổn về một việc gì đấy thì hình như là khi ấy tâm thức của tôi bảo tôi cần phải xem xét lại mọi thứ. Điều này cảm nhận được những nói rõ ra thì rất khó ạ.

HY nói...

Bắt chước bác cavenui tôi thử nắn vần một chút bài Sương mù xem sao ạ:

Sương mù bỏ tất cả
Vào trong chiếc túi bông
Sương phủ hết khoảng không
Quanh ngôi nhà tôi ở

Trong vườn không còn hoa
Cây lối đi không thấy
Láng giềng nhà kính đấy
Như đang bồng bềnh bay

Tôi cũng không biết nữa
Đang ẩn nấp ở đâu
Một chú chim sẻ nhỏ
Chiêm chiếp kêu buồn rầu.

phulangsa nói...

Gửi thơ trước bình luận sau nhé (bài thơ này mình không thấy có tựa đề):

Bài thơ song thất lục bát đầu tiên được công bố của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp:

Cạnh Hồ Tây có chàng Ngọc Thái,
Dân Tràng An quen thói phong lưu.
Khi mê say đắm bóng chiều,
Lại khi rung động dáng Kiều thướt tha.
Cũng có lúc xa nhà bát ngát,
Đỉnh non cao mây trắng dừng chân.
Cô em xóm núi tần ngần,
Mõ trâu một khúc lòng xuân rộn ràng.
Kiếp nhân sinh phù vân đâu tá?
Nào ai hay cửa sổ bóng câu?
Cảnh xưa người cũ phai màu,
Ai lưu ảnh lại cho nhau ngậm ngùi?
Chuyện bể dâu đời nào chẳng có,
Người với người ly biệt tương phùng.
Hỡi ơi, kỳ nữ anh hùng,
Đôi khi giáp mặt còn chừng chiêm bao…
Kiếp con người vận vào một chữ:
Ai có "tình" người ấy có tâm.
Dở hay muôn sự Hoá công,
Danh ai phận nấy thuận dòng mà theo.
Cõi Ta bà nhân gian bé tí,
Thân phận người bèo giạt mây trôi.
Bức tranh vân cẩu trên giời,
Thoát dưng chuyển dịch là đời tang thương.
Kìa ai thân gái dặm trường,
Kìa ai lưu lạc trên đường công danh?
Trời xanh xanh, nước xanh xanh,
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ.
Người đi Tam đảo, Ngũ hồ,
Người về bể Sở sông Ngô mặc người.
Tấm lòng nghệ sĩ đầy vơi,
Mong sao góp chút tình đời thêm xuân.
Người phù vân, cảnh phù vân,
Tìm trong hư ảnh cái chân, cái thường.
"Khi đã hiểu lẽ vô thường,
Nhìn đâu cũng chỉ thấy đường mà thôi …" (*)

Hà Nội ngày 12 tháng 12 năm 2009

------------------------------------------

(*) Trích thơ Nguyễn Bảo Sinh

HY nói...

Đúng là không thấy Nguyễn Huy Thiệp làm thơ, trừ mấy bài đồng dao trong truyện ngắn của ông và bài này. Thú thực em thấy thích đồng dao ông viết hơn, chờ bác Lan Hương bình bài này xem thế nào ạ :)

HY nói...

Bài Vua về của Maurice CARÊME càng đọc càng thấy hay, như lời bài hát ngân nga về một ông vua thua trận mà vẫn được cả vương quốc đón chào trong mừng vui và yêu thương, coi như vua thoát chết là may mắn lắm rồi :) Thanks chị So phát nữa, hôm nay em tìm được thêm hai bài của MC là bài Hoa huệ chuông và bài Hai kẻ thất tình nhưng ko thú vị bằng bài Vua về.

phulangsa nói...

Hi HY & các bạn, mấy bữa nay tâm thức mình nó hơi bị rối loạn vì mấy cái séminaires nên cứ phải hoãn việc "bình thơ" lại.

Thực ra hôm bữa mình viết vội nên gây hiểu nhầm, ý mình là sẽ bình 2 bài thơ được bạn cavenui và bác HY "nắn lại" kia. Nhưng nghe bác HY nói vậy thì mình cũng muốn "bình" luôn cả bài thơ của Nguyễn Huy Thiệp. Làm việc nào trước bây giờ ? N.H.Thiệp trước nhé.

Mình rất thích 2 câu : "Kìa ai thân gái dặm trường,/Kìa ai lưu lạc trên đường công danh?", nghe có vẻ bi thảm nhưng thực ra rất buồn cười. Bác Thiệp rất hay nói đùa, văn của bác ấy thường rất hài hước, tuy nhiều khi tình huống bi thảm nhưng không thể nào nhịn cười được. Hai câu thơ trên mình nghĩ là rất thích hợp với chị em đang làm Phd chẳng hạn, ví dụ khi nào mình đang phải xa gia đình mà lại bị deadline thì sẽ hiểu ngay, mình sẽ tự bảo "ôi sao lại tham sân si làm gì cho khổ thế này ?".

Tất nhiên hai câu tuyệt diệu nhất vẫn là : "Kiếp con người vận vào một chữ:/
Ai có "tình" người ấy có tâm." Hai câu này và cả bài thơ này nói lên triết lý sống của NHT, mình tin là thế.

Có lẽ nhiều bạn cũng như HY không thích thơ NHT lắm, nhưng mình cũng không phải thực sự chuyên về thơ. Đối với mình, thơ chỉ cần đọc lên thấy thích là thơ hay. Mình thích tư tưởng của bác Thiệp, cũng rất thích cách dùng từ của bác ấy, rất là sắc sảo mạnh mẽ, ngoài ra thì những chuyện bi thảm bác ấy kể làm mình xúc động, còn những chuyện hài hước thì hết sức buồn cười.

phulangsa nói...

Về bài thơ được bạn cavenui chỉnh lại, về nhạc điệu thì chắc là ổn (cái này phải hỏi ý kiến chị Sonata), còn về ý thì mình cảm thấy sương mù là một lão độc ác còn chú chim sẻ nhỏ thì bị ốm (hihi, đừng giận nhé).

Minh thích bài của bác HY hơn (hơi thiên vị nhé !!), nhạc điệu khổ thơ thứ 2 khiến mình có cảm giác bồng bềnh (chẳng mấy chốc nữa mình cũng sẽ rất rành nhạc điệu).

Thực ra mình rất thích việc "phóng tác" lại một bài thơ vì như vậy người đọc đã thêm một phần "tâm thức" của họ vào bài thơ ấy, giống như nhà thơ có "tri âm" vậy, cho dù nhiều khi họ không suy nghĩ giống nhau, nhưng như vậy cũng đâu có sao.

HY nói...

Bác Lan Hương nhặt được ra bốn câu rất hay, tôi đọc bài này cứ miên man theo chuyện về cái anh chàng nghệ sĩ có tấm lòng đầy vơi Ngọc Thái nào đấy nên không rút lại được những điều cô đọng của bài thơ :)

HY nói...

Bác Lan Hương thiên vị thật rồi, bài bác Cavenui chuyển vần chắc chắn hơn ạ, khổ hai có một từ tôi lấy cho vần mà nghĩa thì lại bơ vơ, từ "đấy" ạ :)

phulangsa nói...

À mình cũng rất xúc động về cuộc đời và tâm hồn của chàng Ngọc Thái này đấy, bác HY là nhà thơ nên diễn đạt những cảm xúc tinh tế thật.

sonata nói...

He he mình cũng thích bài Vua về nhất, nhất là bản dịch, tuy hình như không sát bản gốc lắm-bên nhà mình có một entry về bài này các bạn có thể xem thêm
http://sonatan05.blogspot.com/2008/12/mot-bai-tho-hay-ma-quen-mat.html

phulangsa nói...

Về tâm thức.

Mấy bữa nay mình suy nghĩ thêm về tâm thức. Mình thấy có 2 điều không ổn:
1- Một tâm thức khoẻ khoắn lành mạnh là điều cần thiết.
2- Một đứa trẻ tư duy và hành động "bằng bản năng tự nhiên và tâm thức"
Hai ý này mâu thuẫn nhau. Một đứa trẻ thì tâm thức tự nhiên phải "khỏe mạnh" đúng không ạ ? (hay là có em tâm thức khỏe có em thì tâm thức yếu ?)

Giả sử tất cả trẻ em mới sinh ra đều có tâm thức khỏe, như vậy "một tâm thức khoẻ khoắn lành mạnh là điều cần thiết" ngụ ý là tâm thức có thể trở nên ốm yếu khi ta lớn dần lên (vì một lý do nào đó, ví dụ nó không được tiếp xúc với «toàn cục » chẳng hạn).

Trong tường hợp đó, việc lắng nghe tâm thức có thể là một sai lầm nếu tâm thức ốm yếu. Vậy một đứa trẻ nghe theo tâm thức của nó hoặc vợ chồng giao tiếp với nhau bằng tâm thức sẽ không ổn nếu ít nhất là 1 trong số họ có tâm thức không khỏe.

Hm hm hm, mình cho rằng đây chính là lý do khiến mình tìm hoài không thấy tâm thức.

Từ tâm thức này trong tiếng Pháp có thể là «esprit », với rất nhiều định nghĩa khác nhau trong các lĩnh vực tôn giáo, triết học, khoa học, vv. Thiên chúa giáo cho nghĩa liên quan đến niềm tin và ý chí, Phật giáo cho nghĩa là giác quan thứ 6, thuộc về tâm thần, Descartes định nghĩa esprit được cấu thành từ 3 yếu tố : tư tưởng, trí tưởng tượng và trí nhớ.

Suy nghĩ kỹ, mình cho rằng « tâm thức » đúng hơn là một trạng thái cân bằng giữa cảm xúc và lý trí, nếu trạng thái cân bằng này tốt thì nó được coi là « khỏe », và chúng ta sẽ suy nghĩ «thông suốt ». Nếu coi nó là một khái niệm vật thể, thì mình thích so sánh nó với khái niệm «Thái cực » trong đó lý trí và tình cảm là 2 cực dương và âm.

phulangsa nói...

Ôi nhầm 1 lỗi nặng : Thiên chúa giáo cho nghĩa liên quan đến niềm tin và lý trí (chứ không phải "ý chí")

HY nói...

Vâng, có những chi tiết không rõ trong bài viết trên mà tôi nghĩ là bạn tác giả đã viết bằng linh cảm nhưng tôi thích cái toàn cục của bài viết, nó gợi mở ra những đường hướng cho suy nghĩ.

"Descartes định nghĩa esprit được cấu thành từ 3 yếu tố : tư tưởng, trí tưởng tượng và trí nhớ"
Tôi nghĩ thế này còn thiếu nếu cũng dùng định nghĩa này cho tâm thức. Tâm thức còn có phần tiếng chuông từ bản năng nó bảo mình làm gì có lợi cho mình đi. Ví dụ những mách bảo từ tâm thức khiến người ta thoát hiểm được trong những trường hợp hiểm nghèo.

HY nói...

"Suy nghĩ kỹ, mình cho rằng « tâm thức » đúng hơn là một trạng thái cân bằng giữa cảm xúc và lý trí, nếu trạng thái cân bằng này tốt thì nó được coi là « khỏe », và chúng ta sẽ suy nghĩ «thông suốt ». Nếu coi nó là một khái niệm vật thể, thì mình thích so sánh nó với khái niệm «Thái cực » trong đó lý trí và tình cảm là 2 cực dương và âm."

Đoạn này của bác thú vị, nhưng tôi muốn suy nghĩ thêm, như vậy là khi cân bằng thì tâm thức khỏe nhưng vì bác nói đến âm dương nên tôi cũng suy ra là khi đó tâm thức bằng 0, không âm không dương, phải vậy không ạ.

phulangsa nói...

@ Đoạn này của bác thú vị, nhưng tôi muốn suy nghĩ thêm, như vậy là khi cân bằng thì tâm thức khỏe nhưng vì bác nói đến âm dương nên tôi cũng suy ra là khi đó tâm thức bằng 0, không âm không dương, phải vậy không ạ.

Uh, nói chung là âm = dương, còn không âm không dương thì chăc là trường hợp trẻ con mới sinh ra, mình nghĩ vậy. Tuy nhiên ông Trần Ngọc Thêm cho rằng tỷ lệ âm dương tốt nhất là 3 âm/2 dương, vì nó lâu bền, đại khái ông ấy giải thích là vì âm dương bằng nhau thì không có sự phát triển, còn dương thịnh hơn âm thì nhiều bạo lực, vv. (nếu muốn nói kỹ hơn thì mình phải ôm sách đọc lại hihi).

@Sonata : Em thử đối chiếu bản dịch với bản gốc bài "Vua về" thì thấy là câu dịch thiếu là câu sau đây :

Le vent faisait claquer l’été
Sur les places comme un drapeau.
(Gió đập mùa hạ phần phật như lá cờ trên các quảng trường)

Câu này có vẻ kỳ kỳ chắc vì vậy mà chị Sonata không nhớ được.

Vậy em đề nghị mình nhờ bác HY nắn vần lại rồi đem ráp vào bản dịch cũ, chắc là cũng hay chẳng kém đâu ?

HY nói...

Bác Lan Hương, bài thơ "Vua về" vẫn đang tiếp tục được bàn luận ở bên nhà chị So ạ: http://sonatan05.blogspot.com/2008/12/mot-bai-tho-hay-ma-quen-mat.html

phulangsa nói...

Dịch tặng bác HY một bài thơ nữa của Maurice Carême :

Etre poète
A qui rêve d'être poète,
Dieu donne un tranquille visage,
Des mains patientes et sages,
Une pensée si inquiète,
Si humble en son repli sur soi
Qu'elle comprend l'âme des bêtes
Et un coeur sans bornes, sans âge
Où, comme en des grottes profondes,
Toutes les douleurs se répondent.
Maurice Carême

Là thi sĩ
Thượng đế ban cho người mơ làm thi sĩ
Gương mặt thanh bình
Những bàn tay nhẫn nại và ngoan hiền
Một tư tưởng đầy lo âu,
Khiêm nhường tự thu mình
Đến mức có thể hiểu được tâm hồn của thú vật
Và một tấm lòng không giới hạn, không tuổi tác,
Trong đó, tựa như trong những hang động sâu thẳm,
Những niềm đau vang vọng đáp lời nhau.

phulangsa nói...

Ok mình sẽ chạy sang nhà chị So

HY nói...

Cảm ơn bác Lan Hương về bài thơ Là thi sĩ, bài này tác giả vừa động viên tinh thần những ai mơ làm thi sĩ nhưng cũng cho thấy những đòi hỏi rất cao đối với người thi sĩ. Em thích hình ảnh này: "Trong đó, tựa như trong những hang động sâu thẳm/ Những niềm đau vang vọng đáp lời nhau." Cảm ơn bác lần nữa. :)

HY nói...

copy vào đây bản dịch bài Là thi sĩ của bác [cyclo], bác LH biên tập, bên nhà chị So:

Cho người mơ làm thi sĩ
Thượng đế ban khuôn mặt tĩnh lặng,
Đôi tay nhẫn nại và hiền lành,
Ý tưởng đầy ưu tư,
Thật khiêm cung trong tự vấn
Đến mức thấu hiểu tâm hồn loài thú
Và trái tim không biên giới, vượt thời gian
Nơi đó, như trong những hang sâu,
Mọi niềm đau đáp lời nhau.


[cyclo]

HY nói...

Copy bản sửa cuối bên nhà chị So:

Tổng hợp các ý kiến của tao đàn, chủ nhà (chị So) xin mix lại nhá:)

Thi sĩ

Thượng đế ban cho người mơ làm thi sĩ
Một gương mặt tĩnh tại
Đôi tay nhẫn nại và hiền lành
Ý tưởng đầy ưu tư,
Thật khiêm cung trong tự vấn
Đến mức thấu hiểu tâm hồn cả loài thú
Và trái tim không biên giới, không thời gian
Nơi đó, như trong những hang sâu,
Mọi niềm đau đáp lời nhau.

;)