Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Muốn đi mẹ dẫn con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời...
Ngày ở Việt nam mẹ hay hát thầm lời ca dao Nam bộ này khi đưa con đi học, đôi lúc mẹ lẩm nhẩm thành tiếng làm con giật áo hỏi mẹ: mẹ lại hát gì thế, mẹ cười với con. Cười vui mà trong lòng đang rối bời đấy con ơi, con ngây thơ làm sao con hiểu được, trường đời mẹ đi bao nỗi gập ghềnh, mẹ cũng vừa đi vừa học đó con. Học để vượt qua những lắt lẻo, khi vấp ngã thì học cách đứng dậy, mỗi khúc quanh giống mà lại khác nhau nên có bao giờ mẹ dám nghĩ mình đã thông thuộc hết những gập ghềnh để yên tâm rằng mình sẽ vững vàng ko bao giờ vấp ngã nữa... trường đời mà con ơi...con đi trường học mẹ đi...
Thôi, mẹ không viết những điều con khó hiểu nữa, thư cũ viết cho con ngày xưa toàn những chuyện dễ thương này...
Ngày 25-5-2004
Khi gọi điện cho mẹ con rối rít hỏi mẹ đã nhìn thêm thấy được con vật gì ở trong rừng, có chuyện gì mẹ mới biết thêm ở đây, mẹ sợ hết nhiều tiền điện thoại nên chỉ nói sơ sơ. Bây giờ có chút thời gian rỗi, mẹ kể chi tiết hơn cho con nghe. Từng chuyện một.
NHỮNG CON CHIM
Hồi mẹ mới sang đây, trời rất lạnh (thường xuyên -30oC), ra ngoài chỉ toàn thấy tuyết, sáng sớm ngó qua cửa sổ thấy một màu trắng xóa, cây trơ cành khẳng khiu, ngước lên là nền trời ảm đạm. Cảnh buồn lạnh lẽo. Ra đường chờ Bus vài phút cũng run hết cả người vì lạnh.
Một tháng sau, trời bớt lạnh hơn một chút, một chiều đi mua đồ về mẹ nghe có tiếng kêu khàn khàn, đậu trên cành cây bạch dương là hai con quạ, chúng đen nhức nhối, mỏ vàng, to bằng con gà ta một cân, bay chậm, đập cánh phành phạch và kêu rất to. Mẹ chẳng thích chúng mấy tuy thấy chúng thì vui hơn là chẳng nhìn thấy gì. Mẹ thôi không đi Bus mà đi bộ tắt ngang khu rừng nhỏ đến trường, ngày nào cũng gặp quạ, mẹ thủ một ít bánh mì vào túi thỉnh thoảng ném cho chúng, xem chúng chí choé tranh ăn. Chúng tỏ ra rất bạo dạn với người. Sau này bà giáo sư nói cho mẹ hay là ở đây họ cấm mọi hình thức săn bắn nên chim chóc thoải mái sinh sôi và rất dạn người.
Khoảng hơn hai tháng sau, trời ấm hơn nữa (-5oC) một buổi sáng mẹ đi qua rừng chợt thấy có tiếng chim, không phải tiếng quạ, những tiếng hót nhỏ nhoi yếu ớt, và mẹ nhìn thấy mấy con chim nhỏ như chim chích ấy. Không biết những ngày rất lạnh vừa rồi chúng trốn ở đâu? Tuyết dày như thế, những cành cây gầy guộc phủ tuyết, chúng trốn ở đâu nhỉ, mà bây giờ kéo nhau ra hót líu ríu, mẹ cứ thắc mắc mãi...Thế đấy, chúng chẳng có nhà cửa ấm áp như mẹ, mà chúng vẫn sống được qua mùa đông dài, chúng làm cho mẹ thấy can đảm hơn con ạ. Mẹ yêu chúng lắm.
Ngày 5-6-2004
HANSON
Ông bà giáo sư hướng dẫn mẹ có hai đứa con, Mely 13 tuổi và Hanson 10 tuổi (hơn con một tuổi). Mẹ ăn cơm ở nhà ông bà ấy vài lần nên cũng có dịp nói chuyện với Hanson, nó cao hơn con độ 5 cm, béo hơn con khá nhiều, da trắng hồng, mắt nâu, tóc hung, rất nghịch (khoản này chưa biết là hơn hay kém con). Nó nói tốt tiếng Pháp, lưu loát tiếng Anh và kha khá tiếng Tàu vì ông giáo sư người gốc Quebec nói tiếng Pháp còn bà giáo sư người Trung Quốc.
Lần đầu gặp nó, mẹ có hỏi nó về chuyện học hành, nó có vẻ không khoái nói chuyện học mấy, nó kể phải học 6 môn, một tuần có một buổi đi học thêm Piano. À, mẹ quên chưa kể cho con là ở phòng khách nhà ông bà ấy có một cái piano rất đẹp. Cũng hôm ấy mẹ được biết hôm sau là sinh nhật Hanson, mẹ gửi qua ông giáo sư món quà cho nó là bức tranh sơn mài vỏ trứng mà mẹ mang từ Hà nội sang (con còn nhớ bức tranh con cùng mẹ và bố đi mua ở Tràng Tiền không? chính nó đấy, cùng với một cái lọ hoa sơn mài vỏ trứng, tiếc là cái lọ hoa sang đây thời tiết khô quá nên đã bị bong rộp hết lớp ngoài).
Lần sau gặp mẹ, nó mừng lắm, nó nói cảm ơn mẹ về món quà. Nó hỏi mẹ về những chi tiết trên bức tranh. Bức tranh có cảnh con thuyền trên bến sông quê, người lái đò đội nón trông rất Việt nam. Rồi mẹ được nghe nó đánh đàn Piano. Những bài ngắn thôi và có giai điệu vui tai lắm. Mẹ nhớ có một bài có tên là Con chuột, nhịp điệu nghe như chuột đang đùa nghịch rúc rích vậy. Mỗi lần nó đánh xong một bài, mẹ vỗ tay hoan hô rất nhiệt tình. Nó hơi ngượng nhưng mũi cũng nở ra khoái chí.
Sau khi trổ tài hết các bài đàn đã tập, nó vác bộ cờ vua ra rủ mẹ chơi. Thằng này rất hiếu chiến và ham ăn quân nên ván nào cũng thua mẹ. Mấy ván thua sợ nó buồn nên mẹ thả cho nó vài nước ván cuối, nhưng đang đánh thì nó phát hiện ra mẹ có ý định để cho nó thắng thế là nó bảo mẹ, thôi để lần khác chơi. Con thấy có lạ không? một thằng hiếu thắng như thế mà không thích thắng theo kiểu ấy. Từ những lần sau không bao giờ mẹ thả nó nữa và luôn đánh rất nghiêm túc.
Hanson có một thú vui nữa là xem Khúc côn cầu. Nó mê món này đến mức mẹ nó luôn phải giục giã nó rời màn hình mỗi khi có việc gì cần nó. À Hanson và Mely có nhiệm vụ rửa bát con ạ, mỗi đứa một ngày, chúng làm việc ấy rất nhanh và sạch sẽ. Mẹ rất ngạc nhiên khi thấy nó làm việc ấy khá thành thạo. Mẹ tiếc là khi ở nhà mẹ đã không dạy con cách rửa bát. Hy vọng là con sẽ học được và làm việc ấy một cách chu tất như cái thằng Hanson.
Chuyện về thằng Hanson có thể còn tiếp tục vì mẹ vẫn có cơ hội gặp nó, hơn nữa bà giáo sư cũng hay nói chuyện về lũ trẻ cho mọi người ở nhóm nghiên cứu nghe. Thỉnh thoảng bà ấy cũng phàn nàn là Hanson lười học, ham chơi và hay tự cho mình là thông minh, bà ấy bảo chân tay nó luôn hiếu động và ít khả năng tập trung. Mẹ thấy nó cũng hơi giống con ở vài điểm nào đó. Tất nhiên, nếu con cố gắng hơn một chút thì có khả năng sẽ hơn nó sau này. Mẹ rất mong như vậy.
3 nhận xét:
Có thế chứ! Đằm thắm lắm HY ạ! Phải thế thôi.
Vâng ạ.
Một phương pháp mới về giáo dục!
Đăng nhận xét