Thứ Ba, 19 tháng 9, 2006

Nhìn em

Nhìn em một thoáng ưu tư


Tóc xanh gió cả một hư ảo trời


Vai sừng sững núi trùng khơi


Nắng xuôi buồm ngực ghìm hơi phập phồng


Mắt đen lạnh giá như đồng


Thẳm sâu có đốm lửa lòng đơn côi


Nhói đau trong dạ bời bời


Người đâu lại có một đời đến đây


Cũng bình minh ấm bàn tay


Cũng hoàng hôn tiễn bóng gầy đường xa


Cũng chia gió bụi sơn hà


Cũng xem nhân thế bao la tự tình


Nhìn em thoắt bỗng giật mình....


 


19-9-2006


HY


 


Bài thơ này tôi viết tặng người bạn net tri kỷ của tôi, người em trai thân thương tôi chưa gặp mặt bao giờ, người có nickname Tiểu Vũ mà trong thời gian cùng tham gia diễn đàn làng Ven đã ghi dấu ấn sâu đậm trong tôi, dấu ấn như một niềm tin không bao giờ thay đổi... Cảm ơn em, Tiểu Vũ, cơn mưa nhỏ lâm thâm rơi giữa đất trời cao rộng...


 

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2006

Cái gì...Cái này

   Mình thích thơ lục bát, đặc biệt là lục bát ca dao. Nhịp 6-8 tựa như tay trên tay dưới điều chỉnh nhịp gầu tát nước của đôi trai gái giữa cánh đồng mênh mông bát ngát. Nhịp ấy cứ trôi đi, trôi mãi, có thể dừng lại đâu đó như để nghỉ, rồi lại trôi tiếp, chẳng cần biết về đâu... Hồi trước mình có cuốn tuyển tập ca dao của Vũ Ngọc Phan, bây giờ thì ko biết nó ở đâu.


  Ca dao hay ở chỗ tình cảm mà không sến, nhẹ nhàng mà da diết, nhiều hình ảnh ví von mà vẫn giản dị dễ cảm nhận, ngôn ngữ thì tuyệt vời, rất giàu nhạc điệu, những đoạn ca dao như những viên ngọc được mài dũa rất nhiều nên lúc nào soi đến cũng long lanh. Mình muốn thằng cu học thuộc ca dao, để cảm thấy cái hay trong ngôn ngữ Việt, nhưng mà ko làm sao hấp dẫn nó bằng phim HH trên TV. Mình thử tìm cách này cách khác, nhưng nó vẫn ko thích, mình đặt câu đố toàn dùng hình ảnh trong ca dao tục ngữ, nó cũng ko tha thiết tò mò gì, chán thật, nó bảo chả thấy hay, những hình ảnh ấy, cuối cùng nó trả lời đúng có mỗi một câu, lại còn lạ lẫm, trâm là cái gì con chẳng biết, tơ hồng như thế nào..., thôi con đi xem ti vi... 



Cái gì
 


Cái gì trôi mãi hững hờ
Cái gì trước có bây giờ thì không

Cái gì chẳng sợ mùa đông


Cái gì làm khách má hồng truân chuyên


Cái gì nhờ lúc còn duyên


Cái gì mà bắt chim quyên gọi hoài


Cái gì làm phí hoa nhài


Cái gì thanh tú để gài tóc mây


Cái gì vương ở trên cây


Cái gì mà khiến chàng ngây ngất người


Cái gì chưa nói đã cười


Cái gì cứ phải là mười mới sang


Cái gì chỉ thích lang thang


Cái gì mưa nắng xâm xang thì về


Cái gì chạy trốn câu thề


Cái gì là chốn đi về bướm ong


Cái gì thôi thế là xong


Cái gì vất vưởng chờ mong đãi đằng...


 


...Cái này


Cánh bèo trôi mãi hững hờ



Tuổi xuân trước có bây giờ thì không



Bếp lửa chẳng sợ mùa đông


Đa tình làm khách má hồng truân chuyên


Đón đưa nhờ lúc còn duyên


Mùa hạ cứ bắt chim quyên gọi hoài


Cứt trâu làm phí hoa nhài


Trâm ngà thanh tú để gài tóc mây


Tơ hồng vương ở trên cây


Rượu nồng thì khiến chàng ngây ngất người


Vô duyên chưa nói đã cười


Vàng kia cứ phải là mười mới sang


Mây trắng thì thích lang thang


Cầu vồng mưa nắng xâm xang thì về


Bội bạc chạy trốn câu thề


Lầu xanh là chốn đi về bướm ong


Chết rồi thôi thế là xong


Cô hồn vất vưởng chờ mong đãi đằng...


 


13-9-2006


HY


Thứ Năm, 14 tháng 9, 2006

Buồn sao...

Đọc bài báo về việc lạm dụng tiền cứu trợ, thấy người dân bị nạn hóa ra được hưởng rất ít, thật là...


 


Buồn sao chua chát là buồn


 


Dân thương dân gặp vòng bão lụt


Sẻ áo cơm chi chút cho nhau


Lá lành đùm lá rách nhầu


Một con ngựa khốn cả tầu ko yên


Ai ngờ lũ cậy quyền cậy thế


Thâu tóm tiền cứu trợ dùng riêng


Than ôi lá rách đã phiền


Lại thêm sâu mọt đục nghiêng cây cành...


 


14-9-2006


HY

Thứ Tư, 13 tháng 9, 2006

Sự mệt mỏi

   Không muốn đổ lỗi lại cuộc sống đã gây ra mệt mỏi, đâu phải ai cũng mệt mỏi. Nhìn lũ trẻ chạy tung tăng, các cô cậu tin tin nhảy nhót loạn xạ trong tiếng nhạc rốc gầm gào chói tai, đành phải tự luận sự mệt mỏi là do mình. Có lúc cảm thấy rã rời trong từng tế bào, ở khắp các nơi trên cơ thể. Bải hoải bao trùm như chìm nghỉm xuống hố sâu mù mịt.

   Vẫn phải đi vì còn có những công việc trước mặt đang đợi. Đôi lúc lấy làm lạ là sao những ngày tháng còn thiếu thốn khổ sở thậm chí đói ăn của ngày xưa lại không thấy mệt nhiều như thế này. Và khi ấy mơ ước cũng giản dị, phòng nội trú vài đứa về quê mang sắn, khoai, bỏ ra luộc ăn với nhau tấm tắc khen ngon. Có thể đấy là niềm sung sướng của tuổi trẻ mà thượng đế ban cho mỗi người chỉ một lần thôi.

   Phải chăng mệt vì luôn vướng vào tâm trạng hoài cổ, phân thân ra làm hai, một cuốn theo những chi phối hiện tại, một luôn ngoái lại phía xa, ở đó còn gì mà lưu luyến nhiều vậy?

   Thèm một chốn yên tĩnh, thật yên tĩnh, có chăng tiếng động thì chỉ là tiếng gió, một tiếng gió nhẹ nhẹ, có khi lại xua tan được trĩu nặng trong lòng.

   Nghỉ ngơi trong yên tĩnh cho các tế bào hoàn hồn trở lại, ý nghĩ sắp đặt lại thứ tự ngăn nắp. Và hai thân sẽ hoà làm một để đừng cản trở nhau trong khi cùng bước về một phía nào đấy của ngày mai.

   Để rồi lại thích câu : "Mọi điều thuộc về con người đều không xa lạ với tôi" và coi sự mệt mỏi cũng là điều tất yếu.

   Tôi mệt mỏi tức là tôi tồn tại. Nào tiếp tục chiến đấu, cho những gì mình đã chọn, đã yêu, đã khổ đau. Cho hiện tại trước mặt.

   Dù mệt mỏi.




26-11-2004


HY

Bánh trôi

Cho Ch.





Lại chòng chành, lênh nổi

Bánh trôi ơi.

Sôi sục rừng đời

Thợ săn cũ

Con mồi nhao nhác mới

Giờ thì chạy

Hay là nằm chờ đợi...

Phận bồng bềnh

Ngọt nhức nhối trong tâm

Thân ấm nóng vớt lên là rơi xuống

Giọt nước rưng tròn

Giọt mắt em.






19-7-2004

HY

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2006

Không đề

Một ai đó, ở một nơi nào đó

Đang chôn mình trong nỗi buồn riêng

Bệnh tật, tai ương, rủi ro số phận,

Khiến tâm hồn đau đớn triền miên.



Hoa khoe sắc không còn thấy đẹp

Nhạc du dương nghe cũng tựa lặng tờ

Day dứt cuộn từng cơn trùng điệp

Đau tìm về trong cả giấc mơ



Thì ai hỡi xin cứ buồn cho trọn

Trong nỗi đau có nét đẹp âm thầm

Ta sống đây nghĩa là ta hứng lấy

Ngọt bùi đắng cay của những thăng trầm.



Rồi một ngày ta sẽ nói cám ơn

Những mất mát cho ta thêm sức sống

Lòng thư thái giữa đất trời cao rộng

Hoa đẹp hơn và nhạc cũng hay hơn.


Khi nỗi đau làm toạc rách nước sơn

Cuộc đời hé ra phần chân thực nhất

Ta bước qua vui, buồn, được, mất

Mặc phù du trôi dạt cuối chân trời...




 



22-7-2004


HY

Thứ Hai, 11 tháng 9, 2006

Entry for September 11, 2006

    Nam nam truoc, trong can phong nho cua gia dinh minh o Ha noi, moi nguoi sung so khi nhin canh do nat cua vu khung bo 11-9 tren ti vi. Luc ay, me cam thay mot cach sau sac su yen binh ma chung ta dang duoc huong quy gia biet bao nhieu trong cai the gioi bat on nay...  


 


Loi ru cho con


 


Ngu di con, giac binh yen


Me tat ti vi dang dua tin khung bo


So con giat minh khi vua am cho


Ngu di con, giac binh yen...


 


The gioi dao dien quay cuong trat tu


Nhung do nat duoc chua bang bom dan


Long han thu gieo hat


Chien tranh noi chien tranh


 


Ngu di con, giac binh yen


Mot giac ngu phai tra bao gia dat


De duoc binh yen


Ngu di con...


 


2001


HY

Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2006

Thư cho con

Ví dầu cầu ván đóng đinh


Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi


Muốn đi mẹ dẫn con đi


Con đi trường học mẹ đi trường đời...


 


   Ngày ở Việt nam mẹ hay hát thầm lời ca dao Nam bộ này khi đưa con đi học, đôi lúc mẹ lẩm nhẩm thành tiếng làm con giật áo hỏi mẹ: mẹ lại hát gì thế, mẹ cười với con. Cười vui mà trong lòng đang rối bời đấy con ơi, con ngây thơ làm sao con hiểu được, trường đời mẹ đi bao nỗi gập ghềnh, mẹ cũng vừa đi vừa học đó con. Học để vượt qua những lắt lẻo, khi vấp ngã thì học cách đứng dậy, mỗi khúc quanh giống mà lại khác nhau nên có bao giờ mẹ dám nghĩ mình đã thông thuộc hết những gập ghềnh để yên tâm rằng mình sẽ vững vàng ko bao giờ vấp ngã nữa... trường đời mà con ơi...con đi trường học mẹ đi...


   Thôi, mẹ không viết những điều con khó hiểu nữa, thư cũ viết cho con ngày xưa toàn những chuyện dễ thương này...


 


Ngày 25-5-2004



   Khi gọi điện cho mẹ con rối rít hỏi mẹ đã nhìn thêm thấy được con vật gì ở trong rừng, có chuyện gì mẹ mới biết thêm ở đây, mẹ sợ hết nhiều tiền điện thoại nên chỉ nói sơ sơ. Bây giờ có chút thời gian rỗi, mẹ kể chi tiết hơn cho con nghe. Từng chuyện một.



NHỮNG CON CHIM



   Hồi mẹ mới sang đây, trời rất lạnh (thường xuyên -30oC), ra ngoài chỉ toàn thấy tuyết, sáng sớm ngó qua cửa sổ thấy một màu trắng xóa, cây trơ cành khẳng khiu, ngước lên là nền trời ảm đạm. Cảnh buồn lạnh lẽo. Ra đường chờ Bus vài phút cũng run hết cả người vì lạnh.

   Một tháng sau, trời bớt lạnh hơn một chút, một chiều đi mua đồ về mẹ nghe có tiếng kêu khàn khàn, đậu trên cành cây bạch dương là hai con quạ, chúng đen nhức nhối, mỏ vàng, to bằng con gà ta một cân, bay chậm, đập cánh phành phạch và kêu rất to. Mẹ chẳng thích chúng mấy tuy thấy chúng thì vui hơn là chẳng nhìn thấy gì. Mẹ thôi không đi Bus mà đi bộ tắt ngang khu rừng nhỏ đến trường, ngày nào cũng gặp quạ, mẹ thủ một ít bánh mì vào túi thỉnh thoảng ném cho chúng, xem chúng chí choé tranh ăn. Chúng tỏ ra rất bạo dạn với người. Sau này bà giáo sư nói cho mẹ hay là ở đây họ cấm mọi hình thức săn bắn nên chim chóc thoải mái sinh sôi và rất dạn người.

   Khoảng hơn hai tháng sau, trời ấm hơn nữa (-5oC) một buổi sáng mẹ đi qua rừng chợt thấy có tiếng chim, không phải tiếng quạ, những tiếng hót nhỏ nhoi yếu ớt, và mẹ nhìn thấy mấy con chim nhỏ như chim chích ấy. Không biết những ngày rất lạnh vừa rồi chúng trốn ở đâu? Tuyết dày như thế, những cành cây gầy guộc phủ tuyết, chúng trốn ở đâu nhỉ, mà bây giờ kéo nhau ra hót líu ríu, mẹ cứ thắc mắc mãi...Thế đấy, chúng chẳng có nhà cửa ấm áp như mẹ, mà chúng vẫn sống được qua mùa đông dài, chúng làm cho mẹ thấy can đảm hơn con ạ. Mẹ yêu chúng lắm.




 


Ngày 5-6-2004


HANSON



   Ông bà giáo sư hướng dẫn mẹ có hai đứa con, Mely 13 tuổi và Hanson 10 tuổi (hơn con một tuổi). Mẹ ăn cơm ở nhà ông bà ấy vài lần nên cũng có dịp nói chuyện với Hanson, nó cao hơn con độ 5 cm, béo hơn con khá nhiều, da trắng hồng, mắt nâu, tóc hung, rất nghịch (khoản này chưa biết là hơn hay kém con). Nó nói tốt tiếng Pháp, lưu loát tiếng Anh và kha khá tiếng Tàu vì ông giáo sư người gốc Quebec nói tiếng Pháp còn bà giáo sư người Trung Quốc.


   Lần đầu gặp nó, mẹ có hỏi nó về chuyện học hành, nó có vẻ không khoái nói chuyện học mấy, nó kể phải học 6 môn, một tuần có một buổi đi học thêm Piano. À, mẹ quên chưa kể cho con là ở phòng khách nhà ông bà ấy có một cái piano rất đẹp. Cũng hôm ấy mẹ được biết hôm sau là sinh nhật Hanson, mẹ gửi qua ông giáo sư món quà cho nó là bức tranh sơn mài vỏ trứng mà mẹ mang từ Hà nội sang (con còn nhớ bức tranh con cùng mẹ và bố đi mua ở Tràng Tiền không? chính nó đấy, cùng với một cái lọ hoa sơn mài vỏ trứng, tiếc là cái lọ hoa sang đây thời tiết khô quá nên đã bị bong rộp hết lớp ngoài).


   Lần sau gặp mẹ, nó mừng lắm, nó nói cảm ơn mẹ về món quà. Nó hỏi mẹ về những chi tiết trên bức tranh. Bức tranh có cảnh con thuyền trên bến sông quê, người lái đò đội nón trông rất Việt nam. Rồi mẹ được nghe nó đánh đàn Piano. Những bài ngắn thôi và có giai điệu vui tai lắm. Mẹ nhớ có một bài có tên là Con chuột, nhịp điệu nghe như chuột đang đùa nghịch rúc rích vậy. Mỗi lần nó đánh xong một bài, mẹ vỗ tay hoan hô rất nhiệt tình. Nó hơi ngượng nhưng mũi cũng nở ra khoái chí.

   Sau khi trổ tài hết các bài đàn đã tập, nó vác bộ cờ vua ra rủ mẹ chơi. Thằng này rất hiếu chiến và ham ăn quân nên ván nào cũng thua mẹ. Mấy ván thua sợ nó buồn nên mẹ thả cho nó vài nước ván cuối, nhưng đang đánh thì nó phát hiện ra mẹ có ý định để cho nó thắng thế là nó bảo mẹ, thôi để lần khác chơi. Con thấy có lạ không? một thằng hiếu thắng như thế mà không thích thắng theo kiểu ấy. Từ những lần sau không bao giờ mẹ thả nó nữa và luôn đánh rất nghiêm túc.


   Hanson có một thú vui nữa là xem Khúc côn cầu. Nó mê món này đến mức mẹ nó luôn phải giục giã nó rời màn hình mỗi khi có việc gì cần nó. À Hanson và Mely có nhiệm vụ rửa bát con ạ, mỗi đứa một ngày, chúng làm việc ấy rất nhanh và sạch sẽ. Mẹ rất ngạc nhiên khi thấy nó làm việc ấy khá thành thạo. Mẹ tiếc là khi ở nhà mẹ đã không dạy con cách rửa bát. Hy vọng là con sẽ học được và làm việc ấy một cách chu tất như cái thằng Hanson.

   Chuyện về thằng Hanson có thể còn tiếp tục vì mẹ vẫn có cơ hội gặp nó, hơn nữa bà giáo sư cũng hay nói chuyện về lũ trẻ cho mọi người ở nhóm nghiên cứu nghe. Thỉnh thoảng bà ấy cũng phàn nàn là Hanson lười học, ham chơi và hay tự cho mình là thông minh, bà ấy bảo chân tay nó luôn hiếu động và ít khả năng tập trung. Mẹ thấy nó cũng hơi giống con ở vài điểm nào đó. Tất nhiên, nếu con cố gắng hơn một chút thì có khả năng sẽ hơn nó sau này. Mẹ rất mong như vậy.





Tổ chim bồ câu

31-7-2004


   Mẹ ở cùng với một bà giáo sư dạy toán tên là Hafida trong một căn hộ ở tầng mười có hai buồng ngủ, một phòng khách rộng, bếp và nhà tắm. Căn hộ còn có cửa thông ra ban công, mùa hè có thể ra đó ngắm cảnh hồ, rừng rất đẹp, thấy rõ mấy tòa nhà cao ở trường mẹ học.



   Mùa hè, bà Hafida nói với mẹ về dự định mua hoa và cây cảnh về trồng vào những chậu nhựa nhỏ ngoài ban công, mẹ nghe rất thích nên hưởng ứng nhiệt tình. Cuối tuần, bà ấy cùng mẹ dọn dẹp ban công, và một chuyện xảy ra đã làm đảo lộn kế hoạch trồng hoa.

    Số là ở ban công có một số bàn ghế gấp xếp ở một góc, khi bà Hafida lôi cái ghế ngoài cùng ra để lau chùi thì bất ngờ một con bồ câu từ trong góc bay vụt ra, mẹ và bà ấy cùng ngó vào thì thấy trong cái hốc kín đáo giữa những cái ghế gấp nan nhựa có một cái tổ chim kết bằng một mớ lá khô và sợi rác đường kính khoảng 20cm, bên trong tổ là một con chim bồ câu nhỏ trần trụi mới nhú chút ít lông và hai quả trứng nhỏ màu trắng lấm tấm. Con chim mẹ chắc đang ấp trứng thấy có động bay vụt đi. Mẹ và bà ấy khá sửng sốt vì không ngờ lại có tổ chim ở ngay ban công. Thỉnh thoảng ngồi trong nhà nghe tiếng chim gù bên ngoài chỉ nghĩ chúng ở đâu bay đến đậu một chút ngoài lan can thôi chứ làm sao nghĩ chúng lại rủ nhau làm tổ ở đó được.



   Chú chim non thấy mẹ bay đi kêu chíu chít lo sợ. Bà Hafida bảo mẹ thôi không dọn dẹp gì nữa và để yên cái ban công cho lũ chim có chỗ trú và khỏi sợ. Bà ấy lại lo chim mẹ không quay lại, mẹ bảo không lo đâu, thể nào rồi chim mẹ cũng quay lại, làm sao nó có thể bỏ con mà đi được. Quả nhiên, một lúc sau, mẹ và bà ấy nhìn qua cửa kính thấy chim mẹ quay lại lần này có cả chim bố tha cái mồi gì trên mỏ nhìn không rõ.



   Cái ban công ấy bây giờ vẫn thuộc gia đình nhà chim bồ câu, con chim non hôm nào bây giờ lông cánh đã dài có thể bay được chập chững, hai quả trứng thì đã nở ra hai chú chim non hau háu đợi mồi. Mẹ thỉnh thoảng cũng mang bánh mì khô ra đó rắc và ngó trộm chúng, rất thích! 




   Bà Hafida sang Paris thăm người chị gái, có lẽ bà ấy ở đó cho đến hết tháng 8, thỉnh thoảng gửi e-mail cho mẹ, lần nào cũng hỏi thăm về lũ chim. Mẹ ở nhà lúc rỗi chăm chút mấy chậu cây cảnh trong nhà và ngó ra ban công ngắm lũ chim, hai chim bố mẹ vẫn tiếp tục gù nhau và cần cù kiếm mồi nuôi con, cảnh sống thật thanh bình.



Thứ Ba, 5 tháng 9, 2006

Viet cho con trai

   Bai nay me viet cho con tu hoi thang 6 nam 2004, hom nay nhan dip con khai giang nam hoc moi, me tim lai in ra cho con doc, chuc con trai co mot nam hoc moi vui ve va bo ich.


 


ĐI HỌC





   Nghỉ hè rồi sướng lắm phải không con? Rồi lại sắp được đi chơi một chuyến sang Bắc Kinh nữa, mẹ nghe mà phát thèm. Cái cặp sách sẽ được xếp vào một góc và cái vai con thì được nghỉ ngơi thư dãn. Mẹ nhớ lại hồi con đi học lớp một, có người bạn mẹ hỏi con: "Cháu đi học để làm gì?" , mẹ không hy vọng con sẽ trả lời học để sau này cháu làm bác sỹ hay kỹ sư gì, vì mẹ biết cái tính con, cho dù ai đó có dạy con nói thế thì con cũng không trả lời vẹt như vậy, con có nhớ con đã nói thế nào không? Con bảo: "Cháu đi học cho nó vui, ra lớp còn có bạn chơi, ở nhà toàn người lớn, chán." Bác ấy cứ cười mãi, mẹ thì chả biết nói gì nhưng cũng lo cho con. Vì chuyện học cũng nhọc nhằn lắm, rồi con thấy đấy.



   Suốt năm lớp một mẹ phải soạn sách cho con mỗi khi đến lớp vì nhiều môn quá, mỗi môn lại phải mang mấy sách giáo khoa và mấy vở con không nhớ hết được, sang kỳ đầu lớp hai mẹ vẫn phải cùng con soạn sách, cái cặp sách trên vai con nặng trĩu. Mẹ định đeo hộ con nhưng bố bảo để con tự lực, đứa trẻ nào cũng phải vậy. Mẹ thấy thương con lắm nhưng biết làm thế nào được. Mỗi buổi học xong con vác cặp xuống sân trường đợi mẹ đến đón, nặng quá con ngả cặp xuống gốc cây chạy chơi cùng các bạn, chắc trong lúc chơi con luôn phải ngoái nhìn để ý cặp của mình. Thế mà cũng có lần ai đó lấy mất của con. Lúc mẹ đón con cứ thẫn thờ chạy ra chạy vô mãi. Mẹ nhớ cái lần ấy lắm. Còn cái lần con bị bạn nào đó xô ngã u một cục trên trán như quả ổi thì mẹ nhìn thấy con là khóc ầm lên không sao ngừng được, bác bảo vệ phải ra khuyên nhủ mãi. Con thì cứ giật tay mẹ. Đi học cũng nhiều gian nan con nhỉ.



   Mất cặp rồi hai mẹ con lại phải đi cửa hàng sắm lại toàn bộ. Mẹ cố gắng không cằn nhằn gì con vì sợ bố lại đánh thêm. Rồi cũng qua cái đận ấy, con có vẻ cẩn thận giữ gìn hơn cái cặp. Có lần sau khi mẹ soạn sách cho con, con lén đút truyện Đoremon và socola thêm vào, mẹ hy vọng con chỉ đọc nó trong giờ ra chơi, nhưng sợ hy vọng của mình quá mong manh nên mẹ lén lôi Đoremon ra chỉ giữ lại socola để con chăm chú việc học.



   Ở lớp hai, con đã thấy khá mệt với chuyện học đúng không? Cho nên thỉnh thoảng con thèm những ngày nghỉ, hai mẹ con đi chơi loanh quanh. Ngày đi học thì hôm nào cũng phải chuẩn bị bài, kèm con học có bao nhiêu là chuyện buồn cười, con còn nhớ bài thơ "Con tôi đi học" mẹ viết cho con không? Ông nội đọc khen hay bảo mẹ nên gửi đăng báo, mẹ chỉ nghĩ gửi cho vui lên báo Văn Nghệ thế mà họ đăng. Hai mẹ con đi mua báo về mọi người đọc cứ buồn cười mãi, vì chuyện thực thế nào mẹ viết y như vậy, bài thơ ấy thế này:



Con tôi đi học



Con tôi hàng ngày cõng cặp trên lưng

Sáu sách giáo khoa và tám vở mỗi ngày

Lưng còng xuống như dấu hỏi thơ ngây

Thế đã đủ cho con chưa mẹ nhỉ?



Nó học lớp hai thằng con trai bé bỏng

Ngồi toát mồ hôi với môn tập làm văn

Em hãy đặt câu với từ : mộc mạc

Mẹ ơi, mộc mạc nghĩa là chi?



Sách giải thích là đơn sơ giản dị

Vậy đơn sơ giản dị nghĩa là gì?

Ôi thằng con với cái lưng đeo nặng

Ngại đi học và sợ đi thi



Thôi đừng lo lắng nữa con ơi

Đến lớp rất vui rộn tiếng cười

Xin cô giáo hãy cho con tôi niềm vui đơn sơ giản dị:

Đi học là hạnh phúc nhất trên đời!





   Quả là hôm ấy mẹ đã phải giải thích mãi cái từ ấy cho con, con còn nhớ mẹ mang mảnh gỗ còn thô ra so sánh với cái mặt bàn gỗ đánh vec ni bóng lộn, cái này thì trông mộc mạc, cái này không thể nói là mộc mạc. Cuối cùng thì chắc con cũng mang máng một khái niệm. Có một chi tiết mà mẹ buồn cười quá nhưng không thể đưa vào bài thơ ấy là sau khi giải thích mẹ để con tự đặt câu. Khi con đi ngủ rồi mẹ lén giở ra đọc cái câu con viết: " Mẹ em có khuôn mặt mộc mạc." Mẹ cười ngất, có lẽ tại mẹ chẳng bao giờ trang điểm nên con viết vậy?!! Bài ấy con được có 6 điểm nhưng mẹ không phàn nàn gì. Ở tuổi con hiểu từ ấy thế là ổn rồi.




13-6-2004


HY