Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

Hỏi quê ? Rằng mộng ban đầu đã xa

(Hôm nay nhớ quê, nhớ đến câu thơ trên của Bùi Giáng, hôm nọ tình cờ có bạn ở Vietphd đưa ra bốn câu thơ của ông mà mình ngồi phiêu diêu theo ông để phân tích bốn câu đã làm nhiều bạn thích thú, vài bạn thậm chí lấy làm chữ ký (một thời hoặc hiện thời), phân tích xong mà thấy chưa thỏa (tự thấy giống một bài văn cấp 3 vậy) mong có người ném đá mà chả ai ném giúp, ngó bên nhà bạn Tung H –chuyên gia Bùi Giáng - có hẳn entry có tên Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm trong đó bạn có đưa bốn câu này mà ko thấy phân tích, thấy mình hóa ra cũng liều mạng, bạn Tung H và các bạn vào ném đá tớ đi!)

Đề bài: Bạn hãy phân tích 4 câu thơ sau của Bùi Giáng:

Hỏi tên ? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê ? Rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.


Bài làm:

Bùi Giáng rất yêu thích truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhiều bài thơ của Bùi Giáng có cảm hứng từ Kiều. Đọc 4 câu thơ trên của Bùi Giáng tôi liên tưởng đến bốn câu này trong Kiều:

Hỏi tên, rằng Mã Giám Sinh
Hỏi quê, rằng Huyện Lâm Thanh cũng gần.
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.


Chân dung MGS hiện ra chỉ trong 4 câu thơ của Nguyễn Du, cũng bằng cấu trúc hỏi đáp ấy Bùi Giáng tự khai về mình:

Hỏi tên ? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê ? Rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.

Vậy con người của Bùi Giáng hiện ra thế nào. Nếu đoạn trên của Nguyễn Du tả họ Mã có một cái tên cụ thể, một quê quán xác định thì với Bùi Giáng: “Hỏi tên ? Rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê ? Rằng mộng ban đầu đã xa”. Người ta biết gì về biển xanh dâu ngoài liên tưởng bãi biển nương dâu là ước lệ về sự thay đổi của thời gian. Bạn yên tâm với câu trả lời là một cái tên xác định và bạn hoang mang trước “Rằng biển xanh dâu”? Nhưng với con người ấy một cái tên đâu có ràng buộc được con người, đâu có khiến người ấy thôi mơ theo châu chấu chuồn chuồn, không lang thang chăn bò những đồi sim tím? Và sự thể thì con người cũng thay đổi khác gì dâu bể, một cái tên cụ thể liệu có làm ngừng sự thay đổi ấy không?

Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa...

Bùi Giáng có lúc đã viết:

Lỡ từ lạc bước bước ra
Bước đi đi mãi đi là đi luôn

Quê đã hóa mộng ban đầu xa xôi cách nẻo, có tìm về cũng sao thấy được người xưa cảnh cũ, nhắc đến quê là nhắc đến niềm thương yêu luyến tiếc xưa cũ...
Tên- biển xanh dâu, quê- mộng ban đầu thì gọi tên sao đây, có đâu như họ Mã huyện Lâm Thanh, con người này đã lưu lạc theo thời gian và trời đất, đã hòa quyện với xoay vần dâu bể...

Hai câu tiếp: Gọi tên rằng một hai ba/ Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm, một, hai, ba... theo nhịp thời gian, theo chiều hòa nhập thấu hiểu... hiểu bằng gì, bằng diệu tưởng, bằng nghi tâm chứ không phải bằng cái tên tuổi quê quán xác định, không phải bằng cách nhìn hình thức mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao, lấy cái tâm tưởng hòa vào đất trời vời vợi ấy mà xác định đếm đo, mà tri ngộ với con người ấy. Bùi Giáng là như vậy.

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau...

14 nhận xét:

Tung H nói...

Chị nêu ra cái tương quan ấy hay nhỉ, tự nhiên nó nổi ra cái dụng ý giễu nhại.

Em để ý thấy không phải là một phép đối xứng vì một đàng là trần thuật một đàng là tự sự. Như vậy tương quan đối ngược chỉ là khởi đầu. Nhìn như vậy nên cảm thấy mấy câu đó có màu ngậm ngùi.

Hai chữ -chuyên gia- thật là oái oăm :(

Tung H nói...

Có 1 giai thoại trên net liên quan kể là BG từng có các vi dít in mấy câu kia :P

Chắc là bịa vì nghĩ cảnh ổng lăn tăn xem hôm nay ra đường bỏ mấy cái vô túi thấy tội quá :D

HY nói...

Ừ không phải là phép đối xứng đâu chỉ là cái duyên khởi đầu để Bùi Giáng tự viết về mình, em thấy có màu ngậm ngùi à, chị thấy màu tha thiết :)

Tung H nói...

Khác mới đúng, mới hay :D

today20 nói...

4 câu này làm chữ ký thì rõ là hợp còn gì, có đầy đủ cả tên cả quê :-)

Mà cũng là diệu tưởng nghi tâm cả thôi :-)

HY nói...

Bạn today20 hồi trước có chữ ký 4 câu này nhỉ, cái hồi còn "diệu tưởng nghi tâm" ấy, lâu rồi thấy bạn đổi sang chữ ký khác, chắc đến đoạn "mắt thấy tay sờ" rồi, chữ ký sau của bạn thơm ngát mùi tình yêu :)

today20 nói...

:-) Thì hỏi mãi mà tên vẫn cứ là biển xanh dâu thì thôi ở lại với mùi hoa cỏ dại mà chị Yến :-)

salem nói...

cho phép tớ mạn phép nhận xét một chút, theo ý tớ bạn phân tích bài này mà bám vào câu chữ là hoàn toàn sai.
Bài này mang tính thiền ["Hỏi tên ? Rằng biển xanh dâu " sự biến đổi vô thường ], mà thiền vốn vô ngôn, nên không nên bám vào văn bản mà nên bám vào ý.
Về ý 2 câu đầu
"Hỏi tên ? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê ? Rằng mộng ban đầu đã xa "
với 2 câu này tớ dám khẳng định ý cố thi sỹ BG muón nói về cái vô thường trong cuộc đời này . "Tên" ở đây muốn nói chính bản thân tác giả, cái thân ngũ uẩn vốn không có thật , nó luôn biến đổi (theo quan niệm của người xưa cứ 30 năm biển biến thành nương, nương biến thành biển chỉ sụ biến đổi) [vô thường]. quê hay tên cũng vậy, nó không có thật ...
2 câu sau tớ không dám chắc ý lắm nhưng theo tớ hiểu ở đây tác giả muốn nói bổ sung cho 2 câu trước "Gọi tên rằng một hai ba" vốn đã không thật thì làm j có tên ?[tớ có đọc có một nhà văn phân tích cái này xuất từ đạo lão "Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam vạn vật" nhưng tớ thấy thế có vẻ không được logic cho lắm]
"Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm" tất cả đã chỉ là một giấc mộng thì đừng đo, đừng đếm nữa ... đã chót sinh ra ở cõi đời, thì hãy cứ rong chơi ở cái cõi tạm này rồi chờ một ngày...

tớ là một người không giỏi văn chương cho lắm nên ý của tớ hơi lủng cũng [tớ mạn phép dám nhận xét bài này, chẳng qua là tớ muốn nói cách nhìn của một phật tử vào bài thơ thôi ] [ rất mong nhận sụ đóng góp của bạn với nhưng suy nghĩ của tôi . địa chỉ của tớ là :love_is_big_illusion_88@yahoo.com]

HY nói...

Cảm ơn bạn Salem đã góp ý kiến của bạn vào bài này. Nhận xét của bạn về hai câu đầu trong đoạn thơ của BG rất thú vị.

Nặc danh nói...

“Thơ chẳng có gì để bàn ra tán vào. Muốn, hãy cứ làm một bài thơ tương phùng nọ để đáp vào tận địa một bài thơ kia” :D

HY nói...

Câu trên hình như của Bùi Giáng, đúng phong cách của họ Bùi là như vậy! :D

hồng vân nói...

Đồng ý với SALEM về cách giải thích hai câu thơ đầu , Còn hai câu sau mình có suy nghĩ thế này; Thời gian và không gian là không có thật , Nó chỉ mang tính biến kế nên ĐO và ĐẾM là vô ích , Chỉ là diệu tưởng và nghi tâm mà thôi

Nặc danh nói...

Đếm là diệu tưởng:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Chuỗi_tràng_hạt_(Phật_giáo)

đo là nghi tâm:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Công_án

GioChanChuongLovesBuiGiang



Nặc danh nói...

Đếm là diệu tưởng: It's also counting breaths in Buddhist meditation?

GC