Chiều thứ bảy, chúng tôi đi men rừng ra hồ để câu cá, chúng tôi ở đây có con trai tôi và tôi thôi, chồng tôi có việc bận không đi cùng. Hồ nằm vắt ngang rừng nên có nhiều đường mòn đi đến những vị trí khác nhau của hồ, tôi cũng chưa đi hết các đường đó nên rủ con trai đi con đường men rừng quen thuộc mà chúng tôi thường qua lại, cháu có vẻ thích đi đường khác nên quay qua hỏi tôi:
- Tại sao chúng ta không thử đi một đường khác?
- Tại vì con đường này mình đi quen rồi, sẽ không có chuyện đi lạc sang con đường khác đâm sâu vào trong rừng thay vì ra hồ.
- Nếu thế mãi mãi chúng ta chỉ biết con đường này, cái cảnh này, nhìn mãi cũng chán.
- Dù đi như vậy cũng chưa chắc đã nhìn ra vẻ đẹp của nó đâu, thử chú ý hơn xem nào, con đường này rất thích.
- Nhưng biết đâu nhiều con đường khác còn thích hơn, mẹ lúc nào cũng sợ.
- Mẹ có sợ đâu.
- Mẹ sợ, con biết mẹ sợ, mẹ sợ đủ thứ, mẹ sợ đi lạc, mẹ sợ gặp gấu, sợ đi lâu quá về muộn...
- Sợ gì nữa không?
- Nhiều thứ nữa, mẹ sợ con học dốt, con viết sai một câu mẹ cũng sợ, cứ nói mãi...
- Viết sai thì đáng sợ thật, còn sợ hơn là đi lạc đường. À, thực ra cũng giống nhau đấy, đi đường đúng và đi đường sai. Đường sai đi đến những đích khác hoặc đi vào những bụi rậm rối rít không lối ra. Loại đường sai dễ chấp nhận nhất là có thể đến đích nhưng vòng vèo không ngắn gọn sáng sủa như đường đúng. Con có thích những động từ bất quy tắc (irregular) không? Nếu tất cả các từ đều theo quy tắc thì con khỏi cần phải nhớ từng trường hợp đúng không? Giả sử bây giờ người ta viết sai linh tinh đi mà cũng được chấp nhận thì những người thế hệ sau phải nhớ thêm rất nhiều những thứ lang tang chẳng có quy tắc, như vậy có khổ không?
- Thế đi đúng là phải đi cái lối của người đi trước à? Nhỡ người đi trước đi sai thì sao?
- Có trường hợp người đi trước đi sai và người đi sau tìm cách sửa lại cho đúng, khi ấy tạo ra hai con đường, càng nhiều người nhận ra đâu là con đường đúng thì con đường ấy càng được đi nhiều hơn, con đường sai kia dần dần ít người đi sẽ bị bỏ hoang cho cỏ mọc.
- Nhiều con đường cũng hay mẹ ạ.
- Ừ nhưng người ta dùng đường để đi đến đích, dùng ngôn ngữ để diễn đạt ý của mình, nghĩa là chúng ta còn nhiều việc quan trọng khác nữa phải làm nếu cứ luẩn quẩn giữa những con đường thì rất mất thời gian nên phải biết tìm những con đường sáng sủa mà đi, chọn lối viết đúng mà thể hiện ý mình. Muốn biết rõ để lựa chọn không có cách nào khác hơn là phải học hành cho chăm chỉ.
- Con biết rồi mẹ ạ...
Trong lúc câu cá tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện mà chúng tôi vừa nói, thực ra có một chuyện đã xảy ra ngay trước buổi đi câu, trước khi chúng tôi phải phân vân giữa những con đường, sáng nay tôi mới biết được rằng từ "phân tâm học" mà tôi vẫn cho là đúng hóa ra nó phải là "tâm phân học" mới chuẩn xác. Tình cờ mà tôi biết được điều đó ở đây, một sự tình cờ thú vị.
Xem ra chuyện phân định đúng sai trong dùng từ hay chọn đường đi (hoặc nói rộng ra là nhiều chuyện muốn xác định phải trái khác) không phải là việc dễ dàng. Trong khi ta đinh ninh một điều gì đó là đúng thì biết đâu điều đó lại là sai?
9 nhận xét:
Câu chuyện gợi thật nhiều suy nghĩ. Cảm ơn chị.
Vì mãi trò chuyện nên không có cá à chị? A mà cá lựa chọn sai thì phải đổi bằng mạng sống đấy nhé. ;P
@Marcus: cảm ơn Marcus.
@Khuê Việt: ở đây có quy định thả cá nhỏ nên cá nhỏ thì vẫn còn cơ hội lựa chọn lại (đời còn dài cho tuổi trẻ nếu vướng sai lầm có thể sửa chữa) :) À, mà người nhỏ dưới 18 tuổi là không được cấp giấy phép câu cá đâu, vậy nên thằng cu chỉ được đi theo mình thôi. Bọn mình sau khi thả ra một số cá con thì mang về một con trên 30cm, chủ yếu là đi chơi thôi KV, đùa với nước cũng thích.
Nói vậy nhưng thằng cu toàn giành lấy cần câu và con cá cũng là do nó câu được.
Bài học rút ra: tuổi trẻ cũng không nên sợ. Nếu có đi lạc vẫn còn nhiều thời gian để quay lại tìm đường khác :-D
chau may tuoi roi a?
@today20: Hihi, một bài học khác là tuổi trẻ mà đi với tuổi già thì tự do sẽ bị hạn chế :P
Cháu mười ba tuổi rưỡi ạ.
Cho nên tuổi trẻ muốn tự do phải dũng cảm đi một mình hi hi :-D
Rồi sẽ đến lúc ấy thôi :)
Đăng nhận xét