Là tên một tập thơ thiếu nhi ba tôi mua về hồi tôi còn nhỏ, bây giờ dù không còn nhớ bài thơ nào trong tập này cả nhưng cái tên của tập thơ thì cứ ngân lên trong tôi. Mắt chúng em xanh.
Hồi ấy bọn trẻ con chúng tôi hay hát và nhiều bài hát có từ xanh: "Trái đất này là của chúng mình, quả bóng xanh bay giữa trời xanh", "Em đi trong tươi xanh, chim hòa bình tung cánh", "Trời cao trong xanh sương sớm long lanh, mặt nước xanh xanh cành lá rung rinh"...,
Từ xanh khiến tôi rất thích vì đó là sắc màu mà tôi thích nhất, nó cho tôi cảm giác đi qua những vườn cây vào mùa xuân, nhưng Mắt chúng em xanh là một kết hợp là lạ làm con bé tôi nhiều lần phải kiễng chân lên soi vào gương treo trên tường để xem mắt mình màu gì, có lẽ vì vậy mà cái tên tập thơ khiến tôi nhớ mãi.
Sau này lớn lên, đọc một truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp có câu: "Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống", tôi chợt nhớ về Mắt chúng em xanh và cũng chợt hiểu ra tại sao nhìn mắt trẻ con lại dễ sống, bởi vì mắt chúng em xanh trong đầy tin yêu, xanh biếc màu ước mơ, hy vọng.
Bài này của chị Phượng viết rất hay về ký ức "bị định hướng", ký ức trở lại giữa đời thực hay giấc mơ cũng đều bị định hướng cả. Không có lối thoát nào cho một ký ức đã bị định hướng. "Chúng tôi học thụ động vào năm 7 tuổi. Học giết chết sự uất ức trước bất
công. Và sự nhầm lẫn hiền và ác, đẹp và xấu sẽ còn giăng mắc, chồng
chất lên nhau tiếp nữa. Chúng tôi đi qua cuộc đời, mù mờ, đồng lõa, vô
cảm. Không ai nhắc cho chúng tôi nhớ cả."
Chị Phượng viết khi nào cũng hay và buồn, những lời văn như thể rượu đã ủ men kỹ và đã được cất lên, như thể những dòng suy nghĩ của ký ức đã đi qua đi lại rất nhiều trong chị mùa này mùa khác năm này năm khác ở một nơi rất xa cho đến khi được viết ra thì nó đã thành những áng mây trôi, nhẹ thênh thênh mà chứa tháng năm và các mùa, chứa cả miền xa nơi chị đã qua, mang cả nỗi niềm hướng về xưa cũ. Bài này của chị tôi đọc rất ám ảnh với sự khơi đường tìm về một ánh mắt trẻ thơ long lanh năm xưa nhưng cũng có cảm giác chị vì đường về đó mà phủ nhận sạch trơn (hình ảnh cô giáo) và một kết cục không có lối về khiến cho sự định hướng (cô giáo) bị kết tội vĩnh viễn.
Trở lại tuổi thơ của mình, tôi tự hỏi: ký ức của tôi có "bị định hướng" không?
Chúng tôi lớn lên ở Gang Thép Thái nguyên, ở trường học, học sinh hầu hết có bố mẹ làm CBCNV ở khu Gang thép. Mỗi kỳ nghỉ hè chúng tôi đi sinh hoạt hè được các anh chị chi đoàn thanh niên các xưởng của khu Gang thép dạy bài hát "Em sẽ là công nhân Gang thép" và nhiều bài hát khác về Đoàn, Đội. Nhiều bạn trong chúng tôi sống trong các khu nhà tập thể có lối đi chung ngang qua trước hiên nhà, trẻ con các dãy nhà hay cùng nhau chơi chung những trò rồng rắn lên mây, thả đỉa ba ba, bịt mắt bắt dê vào những đêm trăng sáng...
Có lẽ sự định hướng ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi là ấn tượng về một lợi ích CHUNG.
Khi tham gia mạng internet, ngoài những điều chia sẻ trong cuộc sống tôi đã gặp được những người bạn có cùng suy nghĩ, và điều này khiến tôi rất hạnh phúc.
Người ở giang hồ thương mến quá
Viết dăm ba chữ hiểu lòng nhau...
Vì cuộc sống bận rộn, những dự định viết thơ cho thiếu nhi của tôi còn dang dở, nhưng những điều có thể làm được thì tôi vẫn sẽ tiếp tục. Bởi vì Mắt chúng em xanh...
4 nhận xét:
hi hi... em cũng thích nhìn mắt trẻ con, âu yếm và trong ngần, khiến mọi mệt mỏi bay đi đâu mất.
Khi nào rảnh viết cho mắt xanh xanh, chị nhé :)
Anh nhớ lại mấy bài hát từ hồi còn nhỏ. Giờ chẳng thấy ai hát nữa. Hic!
Kiên nhẫn kiên nhẫn, bác HY ơi. Tôi đã tìm ra được một họa sĩ cho chúng mình, tôi sẽ bắt đầu bằng việc nhờ nàng vẽ minh họa cho chuyện thơ Tấm Cám của bác. Chúng mình nhất định phải xuất bản sách cho trẻ em, tôi về VN xem sách cho trẻ con thấy chưa hài lòng lắm. Phải đầu tư mạnh hơn, để chất lượng sách tốt và đa dạng hơn, khuyến khích trẻ em ham đọc sách hơn. (Còn bố mẹ của chúng nó thì chắc là vô phương rồi, bác xem "Dân ước" của Rousseau hay thế mà bọn họ có thèm đọc đâu, huhu!)
LH
Lâu lâu ngồi nhớ lại những kỷ niệm thời xa xưa và tự cười một mình ^^
Đăng nhận xét