Tôi không rõ vì sao mình khiêu vũ
Giữa hội làng vui nhộn Saint-Jean,
Khi một chàng trai ôm tôi hôn quyến rũ
Tôi rùng mình như lòng đã phải duyên.
Làm sao mà lại không ngẩn ngơ
Khi được xiết trong vòng tay táo bạo
Ai chẳng tin những lời yêu dịu ngọt
Khi chúng được nói bằng ánh mắt nên thơ.
Tôi đã yêu chàng biết bao, chàng trai đẹp nhất Saint-Jean
Tôi đã mê mẩn, mất hồn vì những nụ hôn nồng cháy
Chẳng suy nghĩ nữa, tôi tặng tôi cho chàng đấy
Thật dẻo mồm, mỗi khi chàng nói dối, làm duyên
Tôi đều biết và yêu chàng tha thiết
Nhưng hỡi ôi, ở Saint-Jean cũng như ở mọi nơi
Lời hẹn ước chỉ là lừa dối thôi
Tôi thật điên rồ khi muốn giữ trái tim chàng và tin vào hạnh phúc
Làm sao mà lại không ngẩn ngơ
Khi được xiết trong vòng tay táo bạo
Ai chẳng tin những lời yêu dịu ngọt
Khi chúng được nói bằng ánh mắt nên thơ
Tôi đã yêu chàng biết bao, tình yêu đẹp đẽ
Người tình làng Saint-Jean của tôi
Nhưng chàng không còn yêu tôi nữa,
Đó là quá khứ rồi, đừng nhắc lại ai ơi!
(Phóng tác từ bài dịch bài hát Mon amant de Saint-Jean của bác Lan Hương ở đây, vì nhầm tưởng đấy là bài thơ hihi :)
11 nhận xét:
HY ngày xưa có được học lớp làm thơ không vậy?
@LVu: Mình không được học lớp nào như vậy :)
Bác HY phân biệt thơ với bài hát à ? Tôi thì cho rằng bài hát là một bài thơ được phổ nhạc, còn bài thơ thì là một bài hát đang đợi được phổ nhạc !! Cảm ơn bác HY vì bài hát của Lucienne Delyle nhé ! Không biết tìm nhạc trên Youtube có dễ không, bữa nào mình sẽ thử xem sao !
LH
Bài phóng tác "Chuyện tình ở St-Jean" (thực ra phải là "Người yêu/người tình ở St-Jean", nhưng tôi dịch thoát) cũng khá hay, nhưng chưa vừa ý tôi lắm!!
Việc thêm từ hơi làm loãng ý, và đặc biệt là thêm sắc thái khác, ví dụ các từ "vui nhộn", "nên thơ", "làm duyên" và "ai ơi", đặc biệt là câu "Lời hẹn ước chỉ là lừa dối thôi" hơi dở, tôi sẽ cố gắng nói vì sao nhưng chắc tôi sẽ phải nói từ từ trong nhiều comment.
Bài thơ này đặc biệt ở chỗ có một chuyện tình rất riêng được lồng vào một câu chuyện tình rất chung, có vẻ "xưa như trái đất". Quả thực là nếu chúng ta đọc nhiều câu chuyện tình khác nhau rồi rút ra một cấu trúc chung thì sẽ chỉ có hai chuyện là tình yêu hạnh phúc hoặc chia lìa, và sẽ có thể kết luận là mọi câu chuyện tình đều giống nhau cả!! Thế mà các thi sĩ luôn thuyết phục được chúng ta điều ngược lại.
LH
Vậy nếu chuyện tình này cũng giống như những câu chuyện tình "tầm thường" khác thì cũng chẳng có gì đáng nói, nhưng thực ra cái hay ở chỗ là nó vừa giống, lại vừa khác, và luôn luôn có một chuyển động (mouvement) giữa câu chuyện tình rất riêng và rất chung này, khiến cho nó khi thì hòa làm một, khi thì lại tách rời.
Khổ thơ đầu là chuyện tình riêng :"tôi không rõ vì sao mình đã đi khiêu vũ..."
Khổ thứ hai là chuyện chung : ai mà lại không ngẩn ngơ... và không tin lời yêu thương được nói bằng ánh mắt.
Khổ thứ 3 lại trở lại chuyện riêng, và nó phải được ngắt ra ở sau câu "Tôi đều biết và yêu chàng tha thiết".
Trở lại chuyện chung "Nhưng hỡi ôi, ở Saint-Jean cũng như ở mọi nơi/Lời hẹn ước chỉ là lừa dối".
Trở lại chuyện riêng " tôi thật điên rồ..."
Và cứ tiếp tục như vậy cho đến kết thúc.
Đây cũng là chuyển động giữa cảm xúc và lý trí : lý trí nhắc ta rằng đã nhiều chuyện tình đẹp có kết thúc buồn, tình cảm nói :"làm sao mà không yêu, không tin được ?"
LH
Vậy những từ bác HY thêm vào để làm cho bài thơ này trở nên "đàn bà" hơn nó làm mờ đi cái sự khác biệt riêng/chung và sự chuyển động tinh tế này.
"Hội làng" tất nhiên là vui vẻ rồi, nhưng thêm "vui nhộn" vào sẽ nhấn mạnh cái sự vui vẻ này hơn, khiến cho người đọc chờ đợi một câu chuyện vui, nhưng thực ra nó lại rất buồn.
"Ôm hôn quyến rũ" (thực ra nghe lời bài hát thì là "khi chàng bất ngờ hôn tôi một cái thì trái tim tôi đã bị cầm tù", lời tôi lấy trên mạng hơi khác đi một chút): khi bất ngờ nhận một nụ hôn như vậy thì chắc ta khó mà tỉnh táo để đánh giá là nụ hôn đó "quyến rũ".
"ánh mắt nên thơ" : tình yêu được nói bằng ánh mắt thì chắc còn hơn cả nên thơ.
vv.
Như vậy nói chung những từ bác thêm vào đều có chung đặc điểm là làm cho mọi thứ hơi "quá" lên một chút, khiến cho mọi cảm xúc đều bớt thật, khiến cho ta cảnh giác, trong khi đối với cô gái đang yêu này thì mọi thứ đều thật, hoặc gần như là thật, nên cô ấy mới không tỉnh táo phân biệt được. Thay vì thông cảm với một cô gái (cũng như mọi cô gái) say vì tình yêu, thì ta lại cảm thấy cô ấy hơi ngốc nghếch (một cách đàn bà).
Cũng vậy, câu "Lời hẹn ước chỉ là lừa dối" là một câu rất ấn tượng vì nó khẳng định về ảo tưởng tình yêu, nhưng câu "Lời hẹn ước chỉ là lừa dối thôi" hơi quá lên một chút, lại biến thành lời than vãn, trách móc.
Câu cuối cùng "Đó là quá khứ rồi/Thôi chúng ta đừng nói chuyện ấy nữa" có vẻ như nói với mọi người, nhưng thực ra sẽ là "Tôi sẽ không nói chuyện ấy nữa" (vì tôi bây giờ vẫn còn đau lòng lắm). Khi trở thành "Đó là quá khứ rồi, đừng nhắc lại ai ơi!" thì có vẻ như xin mọi người đừng đàm tiếu chuyện buồn của tôi nữa!
Câu chuyện tình này là một câu chuyện chung mà tất cả những người thất tình đều biết, nhưng là một câu chuyện riêng vì mỗi cô gái đều cảm nhận được nỗi buồn này theo cách riêng của mình (hihi tôi có cảm tưởng là bác HY chưa bao giờ thất tình kiểu này). Tôi thì muốn mượn lời bác Chu Nam Cuong (Lăn một cục lần cuối/Nấm đất phủ đầy lên cơn mơ/Cúc nở xoè dĩ vãng) để nói rằng ta đã muốn đào sâu chôn chặt quá khứ đau lòng, nhưng hoài niệm vẫn mạnh mẽ đâm chồi và nở xòe ra những cánh hoa rực rỡ.
LH
Nhưng nói vậy không phải là tôi chê bác HY phóng tác dở đâu nhé, tôi chỉ muốn nói tôi cảm nhận như thế nào về bài thơ này thôi, tức là rất khác với bác, phải không ạ ? Còn nhà thơ thì hẳn sẽ hài lòng vì bài thơ của mình gợi nhiều cảm xúc.
LH
Chao ôi, bác phân tích hay quá! Và quả nhiên, đúng là như vậy, sự thêm bớt của tôi đã làm cho bài thơ "đàn bà" hơn và cũng ngốc nghếch hơn, khiến nó không những đã mất đi những ngã ba phân vân riêng/chung mà còn chui vào con đường hẹp. Cảm ơn bác LH! :)
Cảm ơn bác HY, nói chung nếu bài bác sửa trên đây là một bài phóng tác hoặc một bài họa thì hoàn toàn không có vấn đề gì, nhưng vì nó là một bài dịch nên tôi rất cẩn thận muốn truyền đạt chính xác nhất có thề ý tưởng của tác giả. Đây là quan niệm riêng của tôi về dịch thuật chứ nhiều dịch giả khác có lẽ cũng không nghĩ như vậy, vì thực ra muốn chính xác nhất thì chỉ có đọc bản gốc mà thôi!
Vậy bác HY nên để là "phóng tác từ bài dịch..." thay vì "Sửa từ lời dịch" chăng ? Vì dịch giả cũng đã "phóng tác" khác bác rồi ?
LH
Vâng, tôi đã chữa lại thành "Phóng tác từ bài dịch..." rồi bác ạ.
Nói chuyện dịch thì tôi rất ngại dịch thơ cũng chính vì luôn luôn có những khoảng trống trong khi dịch mà mình dễ bị lôi cuốn vào việc đưa từ ngữ của chính mình vào đó khiến cho lời dịch đáng lẽ phải là lời tác giả thì lại mang đậm dấu ấn của mình. Thành thử đâm ra tôi thấy mình cứ tự viết thơ thì dễ hơn và thoải mái hơn là dịch thơ hihi :)
Làm thơ cũng hay đấy nhỉ, cảm xúc bất tận luôn ^^
Đăng nhận xét