Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Thính vũ (Nghe mưa) - Nguyễn Trãi

Báo Tia sáng có đăng bài của bạn Lê viết về bài thơ Thính vũ của Nguyễn Trãi, mình copy về đây nhân thể phân tích thêm một chút về bài thơ này:

Bố cục mưa

Phạm Trần Lê



Cái hay của nghệ thuật là mở ra cánh cửa để người ta bước vào những không gian mới. Công việc khó khăn của nghệ thuật là giúp con người tìm lại cảm giác hân hoan khám phá trước những gì tưởng như đã chai mòn cũ kỹ, giúp họ tự lột xác và tái sinh sang một cảnh giới khác.

Nghệ thuật có chức năng khai tâm. Việc đó không nhất thiết phụ thuộc vào thông điệp cụ thể của một tác phẩm. Để hiểu được điều này, ta phải hiểu bản chất về sự hài hòa của bố cục.

Tịch mịch u trái lý
Chung tiêu thính vũ thanh
Tiêu hao kinh khách chẩm
Điểm trích sổ tàn canh
Cách trúc khao song mật
Hòa chung nhập mộng thanh
Ngâm dư hồn bất mị
Đoạn tục đáo thiên minh
(Thính vũ, Nguyễn Trãi)

Bố cục của bài thơ này là như thế nào? Bố cục nghệ thuật là gì? Để trả lời câu hỏi này, ta phải tạm quên đi tác phẩm. Phải sống và từng trải cái đã!

Bố cục là sự phân bổ các ấn tượng trong lòng người. Lê Quý Đôn nói “Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được”.

Càng đi xa thì bố cục về các ấn tượng trong lòng người càng rộng, càng phức tạp. Và người ta càng có sự hiểu tinh tế hơn, sâu sắc hơn, chân thật hơn về lễ.

Đúng lễ tức là hành xử làm sao cho ấn tượng trong lòng mình về hành xử ấy đúng thật là cân đối hài hòa trong từng hoàn cảnh đời sống. Cố gắng dụng công sao cho không thừa không thiếu, không mạnh quá không yếu quá, không già quá không non quá.

Cân đối theo chiều rộng với các đầu mối lớn liên kết giữa không gian. Cân đối có trước có sau theo chiều dài thời gian.

Được như thế người ta gọi là biết sống.

Nhưng lọc lõi đến một độ nào đó rồi con người ta phải biết tự lột xác. Bản năng sẽ bảo rằng mình mới như thế thì hãy còn chật hẹp.

Vậy thì phải rộng hơn nữa. Rộng đó nghĩa là bố cục trong lòng mình phải thay đổi.

Lấy ví dụ như nghệ thuật Trung Quốc. Người Trung Quốc lâu nay thích làm phim và viết tiểu thuyết về những vụ thiên tai, những biến cố lớn lao. Dùng ấn tượng về cái chết và sự đau khổ, nỗi tang thương, sự tù túng hoặc trớ trêu của các số phận, rồi những vấn đề chính trị liên quan, để đánh động vào cảm xúc người ta. Nhưng quanh đi quẩn lại thì vẫn chỉ như thế. Cho nên nghệ thuật Trung Quốc hiện nay không lớn được.

Nghệ thuật lớn là thứ nghệ thuật thực sự làm biến đổi bố cục trong nhân sinh quan người xem. Khiến những kẻ lõi đời nhất cũng phải giật mình. Phá vỡ đi những ảo ảnh định kiến. Cân đối lại mình trên một thế giới quan mới.

Đường tu tâm với đường đi của sáng tạo nghệ thuật chân chính, về bản chất thực ra không có sự khác biệt. Cả hai đều hướng tới sự cân đối hài hòa của tâm trên một bố cục ngày càng biến hóa, ngày càng mở rộng.

Tới đây không thể không hỏi: thế nào là cân đối hài hòa? Câu hỏi nghe chừng đơn sơ, hoặc quá đỗi đại tự sự nên Nghệ thuật Đương đại phương Tây hoặc là xem thường, hoặc là tránh né bỏ qua. Phương Tây vì ỷ mình đã quá thâm hậu nên đang tự chạy lòng vòng lạc lối.

Lại nói về bài thơ Thính Vũ của Nguyễn Trãi. Ai đó đã từng tạm dịch thơ thế này:

Nghe mưa
Tịch mịch phòng trai tối
Nửa đêm nghe tiếng mưa
Buồn buồn lay gối khách
Giọt giọt điểm canh tà
Luồn trúc gõ song cửa
Theo chuông vào giấc mơ
Ngâm song nằm chẳng ngủ
Đến sáng nhặt rồi thưa

Trước kia người viết bài này chẳng hiểu vì sao mà mỗi lần đọc xong Thính vũ không tránh khỏi khắc khoải, thao thức; vị ngọt dài không dứt. Bây giờ thì tạm hiểu. Mấu chốt của bài thơ này là bố cục của nó cứ mở ra mãi. Đang chơi vơi giữa không gian này thì một không gian mới lại lại mở ra.

Không vướng mắc nên bụi trần không bám được. Hài hòa vô tận.
Có sinh, có diệt, lại luân hồi.
Âm điệu mưa
Âm điệu đời
Âm điệu đạo của vũ trụ
Tất cả là một.


--------------------------------------------

Bài này bạn Lê tuy nhắc đến bài thơ Thính vũ nhưng bạn dành phần lớn của bài để nói đến bố cục, cách sống, nghệ thuật (phim và tiểu thuyết) Trung quốc và nghệ thuật phương Tây, hạn chế của chúng...
Tóm lại, sau khi lan man thiên địa một hồi nhiều vấn đề khá mênh mông, cuối cùng bạn mới có đoạn ngắn tả cảm xúc và nhận định về bố cục bài Thính vũ, đoạn này bạn viết hay, cái hay của việc cảm nhận và khái quát được bố cục bài thơ:

"Trước kia người viết bài này chẳng hiểu vì sao mà mỗi lần đọc xong Thính vũ không tránh khỏi khắc khoải, thao thức; vị ngọt dài không dứt. Bây giờ thì tạm hiểu. Mấu chốt của bài thơ này là bố cục của nó cứ mở ra mãi. Đang chơi vơi giữa không gian này thì một không gian mới lại lại mở ra.

Không vướng mắc nên bụi trần không bám được. Hài hòa vô tận.
Có sinh, có diệt, lại luân hồi.
Âm điệu mưa
Âm điệu đời
Âm điệu đạo của vũ trụ
Tất cả là một."


Tuy vậy, bài này gọi là một tản văn cảm nhận thì được, nếu gọi là bài phân tích bài thơ Thính vũ của Nguyễn Trãi thì mình e là thiếu hụt nhiều điều đáng nói trên con đường cảm thụ bài thơ cho dù bạn có tóm ra được điều cốt lõi.

Về biên tập thì có một lỗi chính tả trong bài thơ dịch: "Ngâm xong" chứ không phải "Ngâm song".

Nhân đây, mình xin phân tích thêm một chút về bài thơ Thính vũ của Nguyễn Trãi:

Không gian mở đầu bài thơ "Tịch mịch phòng trai tối" là một không gian kín, tối, yên tĩnh đến tịch mịch, người trong không gian đó thức và "Nửa đêm nghe tiếng mưa". Tiếng mưa lúc này mới bắt đầu ở bên ngoài vọng vào.
Theo chiều thời gian, tiếng mưa trở nên gần gũi hơn:

"Buồn buồn lay gối khách
Giọt giọt điểm canh tà"

Tiếng mưa lay động, tiếng mưa ở đó canh tàn canh, thức cùng với người theo chiều thời gian của đêm thâu. Khi này tiếng mưa đã gần gụi như người bạn, không gian không còn là không gian đơn độc của phòng trai tối nữa, tiếng mưa đã như mở cái không gian ấy ra để hòa nhập cùng khách thơ, buồn vui theo những buồn vui của khách thơ, như người bạn cùng chứng kiến thời gian trôi trong đêm, mưa như cùng người thức lâu để cùng thấy đêm dài.

Theo chiều thời gian, không gian ngoài kia đã hòa với không gian trong phòng kín bằng mưa, mưa "Cách trúc khao song mật" (Luồn trúc gõ song cửa), hình ảnh mưa xiên xiên qua đám trúc bên song cửa để gõ vào "song mật" tựa như người bạn mưa đang gõ vào cánh cửa bí mật chứa đựng những tâm tư thầm kín của khách thơ, tiếng gõ miệt mài cho từng nỗi lòng sâu kín mở ra, mở ra tiếp...

"...Buồn buồn lay gối khách
Giọt giọt điểm canh tà
Luồn trúc gõ song cửa
Theo chuông vào giấc mơ"

Đến đây thì có hai âm thanh là tiếng mưa và tiếng chuông, đầu tiên là tiếng mưa hòa quyện với lòng người, rồi tiếng mưa lại hòa theo tiếng chuông vào giấc mơ của người, để ba đối tượng "mưa", "chuông", "người" có chung điểm gặp trong giấc mơ, tiếng chuông như kẻ làm chứng sự gặp gỡ của thiên nhiên vô định và con người hữu hạn. Không gian mở ra, không còn phòng trai tối u tịch mà là một không gian rộng rãi miên man và bay bổng hào phóng của giấc mơ.

Trong đêm thâu hòa với tiếng mưa có tiếng ngâm thơ của khách thơ:

"Ngâm dư hồn bất mị
Đoạn tục đáo thiên minh"

"Ngâm xong nằm chẳng ngủ
Đến sáng nhặt rồi thưa"

Tiếng ngâm thơ như đã đi vào tiếng mưa khiến cho lòng người cứ vang vọng mãi bởi nghe mưa mà ngỡ như thơ, độ hòa quyện giữa người và mưa lên cao nhất ở câu cuối.

Câu cuối "Đoạn tục đáo thiên minh" có bản dịch là "Chập chờn cho đến sáng" câu không có chủ thể nên có thể hiểu là người ngủ thức chập chờn cho đến sáng, cũng có thể hiểu như bản dịch trên là mưa cứ rơi thế "Đến sáng nhặt rồi thưa", mưa theo nhịp mà mau thưa, người theo giấc chập chờn, người và mưa hòa quyện, không gian kín tối tịch mịch cô lẻ của câu đầu bài thơ đã biến mất thay vào đó là không gian tự nhiên mênh mang âm điệu nhịp nhàng thay đổi theo thời gian, đúng như kết luận của bạn Lê:

"Âm điệu mưa
Âm điệu đời
Âm điệu đạo của vũ trụ
Tất cả là một."

Thính vũ là một bài thơ rất hay mà theo suy nghĩ của mình mặc dù bài thơ đã được Ức Trai Nguyễn Trãi làm rất lâu rồi nhưng sự hòa nhập gắn kết hòa quyện giữa con người và thiên nhiên trong bài thơ vẫn là một điều kỳ diệu mà con người hiện đại cần phải để tâm suy nghĩ.

30 nhận xét:

Rem nói...

Chị giáo vẫn ưu ái bác Chim nhỏ như ngày nào :)

HY nói...

Mình "nghiêm khắc" với bạn Mưa Nhỏ đấy chứ :)

A, mình chợt nhớ ra còn nợ bạn Rem một bài trường đoản cú viết về tình phu phụ, đã thử viết nhiều lần mà vẫn thấy chưa chín, tuy vậy vẫn hy vọng có lúc khá hơn :)

phulangsa nói...

Hòa chung nhập mộng thanh
Ngâm dư hồn bất mị
Đoạn tục đáo thiên minh


Theo chuông vào giấc mơ
Ngâm song nằm chẳng ngủ
Đến sáng nhặt rồi thưa

Liệu bản dịch có chính xác không nhỉ ? Bài thơ này cho mình cảm giác "trong suốt" (tiếng Pháp là limpide, ôi tiếng Việt của mình không được nhạy nữa). Mình tưởng tượng một người làm việc về đêm khi nghe tiếng mưa thì dừng nhưng đầu óc và tâm hồn thì vẫn suy tư tiếp, vẫn cảm giác tập trung như khi làm việc, nhưng tập trung vào lắng nghe tiếng mưa, thoát tục.

Nhưng cảm giác tập trung trong suốt này bị làm phiền bởi tiếng chuông và tiếng ngâm thơ (hoặc hành động ngâm thơ). Như vậy theo mình đoán dựa trên bản gốc thì có lẽ ba câu thơ trên đây có thể có nghĩa là "tiếng mưa hòa trong giấc mộng, ngân nga mãi nên hồn không ngủ, vẫn nghe thấy tiếng mưa nhặt thưa cho đến sáng".
Nếu phóng tác sai thì xin cụ Ức Trai tha thứ cho !

HY nói...

Tịch mịch u trái lý
Chung tiêu thính vũ thanh
Tiêu hao kinh khách chẩm
Điểm trích sổ tàn canh
Cách trúc khao song mật
Hòa chung nhập mộng thanh
Ngâm dư hồn bất mị
Đoạn tục đáo thiên minh

Đúng là những tiếng cuối của các câu chẵn: "thanh", "canh", "thanh", "minh" gợi cảm giác trong suốt thật bác LH ạ.
Còn cách hiểu đoạn sau của bác thì có lẽ phải tìm những bản dịch khác để xem lại người ngâm thơ hay mưa ngân nga.

VMC nói...

Cám ơn em, phân tích rất hay và gợi mở nhiều điều.

HY nói...

@VMC: em cám ơn anh đã post entry Bố cục mưa lên blog :)

HY nói...

Bác LH, tôi xem các bản dịch ở entry Thính vũ blog anh VMC thì ở câu ấy họ toàn dịch có ý là người ngâm thơ thôi bác ạ.

Nặc danh nói...

Đôi khi mình cũng nhầm đi xa tuốt luốt. Nhưng nếu theo những bản dịch bên anh VMC thì mình sẽ nghĩ là người trong bài thơ đang ngủ, nghe tiếng mưa rơi thì thức dậy và nằm lắng nghe mãi cho đến sáng.

Nhưng liệu chữ "ngâm" còn nghĩa gì khác không (ngân nga ?) tại vì chữ "thơ" là phải đoán ra chứ trong bài không nói rõ phải không ạ ? Còn tiếng chuông thì ở đâu ra ? Nếu ở trong thiền viện và nghe tiếng chuông thì chắc cũng phải nghe tiếng mõ, làm sao nghe tiếng mưa được ?

Hihi, mình có vẻ không cảm được bài thơ này giống như các bạn nhỉ ? Nhưng mình thích bài luận của HY lắm, nhất là ý về bạn tri âm lúc đêm dài!
LH

Nặc danh nói...

Trong truyện ngắn "Nguyễn Thị Lộ" của N.H.Thiệp cũng có một bài thơ dài, lúc đầu mình không biết cứ tưởng là thơ của bác Thiệp, đến khi bác ấy cải chính mình ngạc nhiên quá hỏi sao thơ N.Trãi mà tình tứ thế (vì mới chỉ đọc "Bình Ngô đại cáo" thôi)? Bác ấy bảo là N. Trãi làm nhiều thơ Nôm lắm. Bài này là bài thứ hai mình đọc, hình như vậy, tuy chưa hiểu rõ nhưng đã cảm thấy rất hay rồi. Giá mà được đọc thêm nữa thì thích.
LH

HY nói...

Bác LH, hôm nay tôi đọc lại bài mình viết lại thấy hơi sến bác ạ, nhất là sau khi đọc cái ý bác nói về cảm giác trong suốt của bài thơ.

Thực ra có lẽ ai cũng từng trải qua cái cảm giác đêm nghe tiếng mưa, cảm giác nao nao buồn khó tả, cái buồn rung gối khách mà Nguyễn Trãi nhắc đến. Nhưng sau đấy nỗi buồn đấy trong bài thơ không bị kéo xuống nặng nề mà nó cứ nhẹ nhàng trôi đúng như cảm giác "trong suốt" bác nói, và nó làm không gian bài thơ mở ra mãi.

Bạn Lê trong bài viết của mình phân tích về bố cục với nhiều dẫn chứng đời, đạo, Đông, Tây... sau đó mới quay lại bài thơ. Đó cũng là cách của bạn. Tôi thì dùng cách cổ điển giản dị hơn là đọc bài thơ lên từng câu một cho từng câu thơ đi vào lòng mình và cảm nhận. Bởi vậy mà khi viết ra lời phân tích nó phần nào mang một chút cảm xúc của bản thân tôi về ký ức đêm nằm nghe mưa mình đã từng trải qua, có lẽ nó có chút sến là vì vậy.

An Thảo (Chuồn) nói...

Xin mạn phép chia sẻ cùng các bạn chút về nỗi băn khoăn ở khổ cuối.

Thiển nghĩ trọn khổ này không nên tách ra từng câu mà vỡ cảm nhận tứ. Ở đây thử cảm theo nghĩa bóng trong tâm thế người chập chờn giấc bởi tâm không đủ tĩnh do lý do sâu xa khác hơn là tiếng mưa gõ giọt.

Tiếng trúc là có thật. Mưa lay cành trúc, cành trúc động cửa phòng, vọng động vào tâm khảm khách.

Tiếng chuông không chắc có thật. Khách cảm chừng như từ tiếng trúc khua xói vào tâm mà vọng thành âm chuông. Chuông mơ hồ điểm mà làm nhói đứt giấc mơ đang êm đềm. Tiếng âm vang ngâm vọng của chuông dứt rồi mà giấc không về được nữa. Lại tiếng mưa nhịp dâng, nhịp hạ mãi đến tờ mờ sáng.

Lúc này người thơ thao thức ngẫm về lẽ nhân gian (với cụ Nguyễn Trãi những ngày ở ẩn Côn Sơn thì càng có thể lắm), lúc dào lên, lúc lặng ngớt dường như hoà theo chính nhịp mưa.

Mình không dám chắc mưa làm giảm đi vẻ tĩnh lặng cô quạnh của khổ thơ thứ nhất nhưng chắc chắn người thơ và mưa (như một sự vật trữ tình) đã hoà hợp với nhau lên một tầng mới. Ai đã từng chập chờn vỡ giấc nửa đêm về sáng sẽ thấu hiểu cảm giác mờ mờ tỏ tỏ này trong tâm lý. Hồn người không ngủ yên nữa vì đã vượt khỏi đáy thâm u của phòng trai để ra với mênh mông không gian cõi thế.

Khách là người thơ nhưng lúc ấy không ngâm nhẩm thơ chờ giấc quay lại, có lẽ thế. Hiểu theo cách ngâm (thơ) thì sự truyển tải logic không gian, thời gian và tâm lý con người bị trúc trắc chăng?

An Thảo (Chuồn) nói...

(truyền tải)

HY nói...

Cám ơn bạn An Thảo đã phân tích thêm với những chi tiết rất hay! Vì tiếng chuông đã vào giấc mơ mà giấc mơ thì có yếu tố huyền ảo nên đúng là cũng không thể khẳng định tiếng chuông đó có thực hay không được.

Quả thật bài thơ càng đọc lại càng thấy hay dù có những chỗ không dám chắc là hiểu hết được ý tác giả.

HY nói...

Đồng ý với bạn AT là không nên tách câu ở khổ cuối, mặc dù không ngủ được, trong cái chập chờn đứt nối của của đêm mưa có thể có những ảo giác của cơn mơ ở đâu đó, không nhất thiết theo trình tự thời gian và việc ngâm thơ có thể xảy ra từ trước nhưng tiếng ngân nga của những câu trong đầu khách thơ thì vẳng lại trong tiếng mưa.

Về đoạn bạn AT viết "người thơ thao thức ngẫm về lẽ nhân gian" và những ngày ở ẩn ở Côn sơn mình sẽ suy nghĩ thêm.

Nặc danh nói...

Bác HY họa "Thính vũ" đi ! Nha, nha!
LH

Nặc danh nói...

Bạn AT nói "tiếng trúc khua xói vào tâm mà vọng thành âm chuông" làm mình băn khoăn tiếp !? Mình nhớ có lần học về âm dương ngũ hành thầy giáo có cắt nghĩa về "kim" khắc "mộc", lấy ví dụ là khi các nhà sư tụng kinh thì gõ mõ (mõ bằng gỗ nên là mộc), vì tiếng mõ đều đều có tác dụng an (cái) tâm. Nhưng theo luật âm dương thì không thể cứ "âm" mãi, nên thi thoảng lại đánh một tiếng chuông (kim) để tạo nên sự khắc với mộc (tiếng mõ), như vậy là âm dương hòa hợp.

Do vậy việc nghe tiếng trúc khua thành tiếng chuông có vẻ cũng không phù hợp, ngay cả trong mơ, mặc dù mơ thì chắc là chẳng hợp lý được, nhưng mà cảm xúc thì thường cũng có sự liền lạc (cohérence) của nó. Mình nghĩ nếu đúng là có tiếng chuông thì nó là thật, chắc phải là chuông chùa, ví dụ ở kinh đô thì có lẽ là tiếng chuông chùa Trấn Võ chăng ?

À còn việc ngâm thơ thì cũng có thật, là bài thơ "Thính vũ" này, hihi mình đúng là không phải nhà thơ.
LH

HY nói...

Bác LH, tôi họa bài này chiều bác thôi, tôi biết là bài họa ko ra gì, tôi họa theo bản dịch ở bài trên:

Nghe mưa

Tịch mịch phòng trai tối
Nửa đêm nghe tiếng mưa
Buồn buồn lay gối khách
Giọt giọt điểm canh tà
Luồn trúc gõ song cửa
Theo chuông vào giấc mơ
Ngâm xong nằm chẳng ngủ
Đến sáng nhặt rồi thưa


Họa Nghe mưa

Vò võ khuê phòng tối
Lại một đêm nữa mưa
Buồn lay gối thiếu phụ
Giọt rơi tiễn canh tàn
Mẫu đơn rụng ngoài cửa
Trong mưa gió ngút ngàn
Tương tư nằm chẳng ngủ
Sáng mưa còn nhặt khoan

Nặc danh nói...

Ôiiiiiii tôi thích bài họa bác HY ơi (chắc bác lại bảo tôi là nhà phê bình dở !!!), tuy nhiên có câu "Mẫu đơn rụng ngoài cửa" ý thì rất đẹp nhưng mà buồn quá, liệu có bớt buồn hơn một chút được không ?
LH

HY nói...

Thế thì có thể thay bằng "Mẫu đơn xô ngoài cửa" hay "Mẫu đơn xao song cửa".

Ôi, bác LH ơi, bài họa ý tứ nữ nhi kém cỏi vì hai chữ "tương tư", tâm mê mà bác lại còn khen ;)

HY nói...

Bác LH quen bác Thiệp à? Thích thế, tôi thấy truyện ngắn của bác Thiệp hay lắm, từ ngữ trong đó khiến tôi lặng người. Bạn Phạm Trần Lê cũng có bài viết khá hay phân tích những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, để bữa nào tôi tìm lại bác xem.

Nặc danh nói...

"Mẫu đơn xao song cửa" hay đấy! Nữ nhi thì phải tương tư chứ ? Trúc thanh cao cứng cỏi thì mẫu đơn rực rỡ nồng nàn, "lấy đâu mà chê đó quý đây hèn ?" (hihi, mượn lời Nguyễn An Ninh). Chính vì bài họa rất mềm mại, "tâm mê" đối với bài xướng mạnh mẽ trong suốt làm tôi thích đấy.
LH

Nặc danh nói...

Tôi có được gặp bác Thiệp vài lần, người làm sao thì văn làm vậy. Tôi thấy văn bác ấy rất giàu tính nhân đạo (toàn là những bi kịch của người đời), tính khái quát rất cao, văn phong lời lẽ thì tuyệt đẹp, đọc các đại văn hào khác thì thấy không thua kém ai cả. (Nói trộm Nhị Linh, tôi thấy M. Kundera còn thua xa bác ấy).

Bác cò tài liệu gì về N.H.Thiệp thì cho tôi với nhé!
LH

HwangNguyen nói...

Chị HY
Chị ơi, văn - thơ của người khác thì chỉ để đọc và ngẫm thôi, em thích nghe cảm xúc của người đọc hơn chị ạ. Em nói thật cũng cùng một tác phẩm với người này thì hay với người khác thì chả ra gì, em nói thật suy nghĩ của mình chị đừng buồn em nhé. :)

HY nói...

Bác LH, nhất trí với nhận xét của bác về văn bác Thiệp nhất là phần văn phong lời lẽ tuyệt đẹp, tôi sẽ tìm lại bài viết về văn bác Thiệp để bác xem.

Em HwoangNguyen: em cứ nói tự nhiên suy nghĩ và nhận xét của em đừng ngại gì cả, chuyện thích hay không thích một tác phẩm là chuyện bình thường mà :)

Nặc danh nói...

Trời ơi bác HwangNguyen này bác ấy cứ gây sự với mình !! Ý bác ấy nói bài họa "Thính vũ" của bác HY đối với mình thì hay còn đối với bác ấy thì chả ra gì chứ gì ?
LH

HY nói...

Hihi, bác LH vui tính ơi, thế bác có thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn không? Sắp đến kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn rồi đấy ạ.

Nặc danh nói...

Bác HY mát tính ơi, HwoangNguyen chê thơ bác mà bác lại cười hihi !

Tôi có thích một số bản nhạc của Trịnh Công Sơn, thích cả nhạc và lời, ví dụ như bài "Đi về đâu hỡi em" hay bài "Nối vòng tay lớn" chẳng hạn, nhưng chủ yếu là tôi thích những bài mà ông ấy sáng tác khi còn trẻ, những bài về sau này thì tôi thấy cũng "không tệ" mà thôi.

Tôi nghĩ có lẽ tôi không thực sự thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn lắm, vì tôi không tìm được cảm giác tập trung mà tôi ưa thích. Tuy nhiên bài "Đi về đâu hỡi em" thì tôi rất thích, khi nghe đoạn " trả lại em ngày tháng êm đềm, trả lại nắng cho tim, trả lại thoáng hương thơm..." thì tôi nghĩ đến những ngày tháng không êm đềm, những ngày tim không có nắng, những hương thơm mà ta không cảm thấy...

Mới đó mà đã kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông ấy rồi nhỉ ?
LH

HY nói...

Hai bài bác thích của Trịnh Công Sơn tôi cũng thấy hay, mà không hiểu sao tôi cũng đoán là bác sẽ thích ít bài của TCS thôi và sẽ không thích những bài nhạc vàng :)

Vâng, 10 năm rồi, nhanh thật!

Unknown nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Unknown nói...

Mình vẫn thích đọc Thính Vũ theo nhịp ngày xưa hơn, nghĩa vẫn vậy nhỉ :

Đã được xem 2264 lần
Đăng bởi Vanachi vào 30/06/2005 16:10
Đã sửa 1 lần, lần sửa cuối bởi Vanachi vào 04/08/2007 16:34
Vò võ trai phòng vắng,
Suốt đêm nghe tiếng mưa.
Não nùng rung gối khách,
Thánh thót mấy canh dư.
Cách trúc khua song nhặt,
Hoà chuông động giấc mơ.
Ngâm rồi vẫn chẳng ngủ,
Đứt nối đến tờ mờ.

Nhớ ngày nào mê mẩn bài này với Cảnh Mùa Xuân :)

Thanks Hoàng Yến, Blog của bạn đa dạng lắm !