Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Đọc ra Vị

Ở đâu đó người ta đã nói: "Thơ không thích hợp với cuộc sống hiện đại", nàng là người rất thấm thía nhận định ấy sau những nỗ lực dai dẳng muốn chuyển dòng chảy tâm tình của mình thành thơ để rót vào tai hai người còn lại trong gia đình bé nhỏ, một chàng 45, một chàng 15, để rồi nỗ lực nào cũng thất bại.

Một ngày có hai khoảng thời gian cả nhà hội tụ đầy đủ, khoảng thứ nhất là bữa điểm tâm sớm, nhưng khi ấy trong đầu 45 có một lô khách hàng đang chờ đợi. Nhìn cốc cafe được dốc vội, nàng không nỡ đọc một câu thơ nào. 15 thì mau chóng kết thúc bữa sáng để ra bus stop, hơn nữa thơ tiếng mẹ đẻ đối với 15 chẳng khác gì một môn học dài dòng âm u càng lúc càng khó nhá, không thích hợp với buổi sáng vội vàng.

Nàng chờ đợi cơ hội của khoảng hội tụ thứ hai, trong và sau bữa tối, nhưng suốt bữa tối cho đến sau đó người nghe chủ yếu lại là nàng. 45 có nhiều vấn đề giấy tờ thuế má cần nàng giúp giải quyết. 15 cần tư vấn về các môn chọn học cho năm sau và nằn nì xin đăng ký thêm lớp Judo ngoài lớp bóng chuyền hiện tại ở Boys & Girls Club. Sau đó 45 vào phòng làm việc và 15 về phòng riêng để học bài.

Nàng vừa sắp dọn lau chùi vừa đọc vu vơ những câu thơ gói gọn tâm tình của nàng suốt một ngày nhưng dường như không có ai để ý. Cũng có khi 15 ló đầu ra nhắc nàng đọc nhỏ thôi, hoặc nhướng mắt tò mò hỏi đại ý những câu vừa đọc của nàng, 15 thường hỏi tại sao nàng không thể nói ngắn gọn đơn giản và chính xác suy nghĩ của mình trong một hai câu mà cứ phải đọc thơ câu nọ nối đuôi câu kia như đoàn tầu không dứt.

Ít ra nàng cũng có chút hy vọng nào đó khi nghe 15 hỏi, niềm hy vọng của một bà hàng rau ế ẩm chợ chiều có người ghé nhìn là tưởng tượng mình sẽ bớt rau phải gánh về. Nhưng khách nhiều khi chỉ ghé mắt cho vui, rau ế vẫn ế. 15 cũng chỉ hỏi để biết "ý chính" rồi lại vội quay về với đống bài tập High School của chàng. Phút chia sẻ ngắn ngủi không đủ để nàng giải thích cho 15 biết ở thời học sinh của nàng văn thơ càng dài dòng phong phú ý tứ bóng bảy càng được điểm cao và điểm văn của nàng lúc nào cũng dẫn đầu trong lớp.

Tâm tính đàn bà của nàng vẫn trôi ngày này qua ngày khác nhưng tự nó cũng biết trong khuôn khổ dân cư của gia đình này thơ không phải là thứ thích hợp để chuyển tải nó xuôi dòng đi vào lòng người như nàng mong muốn được hiểu, được chia sẻ và tạo ra một sự kết hợp khăng khít giữa mọi người, nàng phải tìm phương tiện khác. Nàng trở nên ít nói hơn, hầu như không còn đọc thơ một mình, chăm chú vào từng việc nhỏ nhặt trong nhà với một vẻ cam chịu và bất lực.

Và một bữa trong lúc cho muối vào canh nàng chợt phát hiện ra nàng có thể để tâm trạng của mình theo cùng sự gia giảm tra đồ trong khi nấu nướng. Phát hiện đó khiến nàng khoái chí không thể tả. Họ thích ăn và thèm ăn đồ ngon, họ sẽ nhận ra nàng trong từng bữa ăn. Họ chỉ cần nếm thức ăn và nghĩ xem nàng đã tra gì, ít hay nhiều và họ sẽ hiểu. 15 có thể chưa nhận ra nhưng 45 thì có thể...

Suốt mấy ngày liền tuyết rơi, tâm trạng mòn chán lặp đi lặp lại, nàng nấu những món nhàn nhạt dễ nuốt nhưng chẳng để lại ấn tượng gì. Xúp khoai nhạt, salad nhạt, món gì cũng nhạt… không ai phàn nàn gì nàng cả nhưng nàng nhận ra cả hai bắt đầu nhìn thức ăn bằng con mắt xem thường khó giấu. Sang một ngày mới, trời hửng nắng, vui vẻ trong lòng, nàng xay tôm nấu canh spinach thêm gừng và mắm muối cho vừa ngon. Món trứng thịt băm nàng rán kỹ với nhiều hành, tiêu thơm phức, còn món thịt kho tàu mềm mại ngấm vị nước hàng rất đậm đà... Cả hai ăn ngon lành khoái chí, thậm chí 45 sau bữa cơm còn nhìn nàng lâu hơn mọi khi. Nàng không nói gì nhưng trong dạ nhen nhúm hy vọng chàng sẽ đọc được tâm hồn nàng qua sự cảm nhận trầm bổng của vị giác sau những bữa ăn.

Từ đấy mỗi bữa cơm là một tâm trạng của nàng mở ra cho người ăn khám phá. Nàng mua thêm nhiều loại gia vị hơn, của Tây, Tầu, Ấn, Thái,.. đem về chất đầy mấy ô tủ tường. Đến những cửa hàng bán rau, nàng luôn ngây ngất ở góc rau thơm, nàng muốn khám phá từng loại mùi để thêm vào món ăn theo đúng ý của nàng.

Có thể trước đây tâm tính cũng ảnh hưởng đến cung cách nấu nướng của nàng nhưng một cách vô thức, còn bây giờ là một sự chú tâm đến mức phóng túng. Nàng đọc thêm nhiều sách nấu ăn, tập làm những món mới để sự thể hiện của mình thêm phong phú. Một lần 45 vô tình trót nói với nàng một câu gì đó khiến nàng muốn chảy nước mắt, nhưng cuối cùng nước mắt không chảy mặn chát môi nàng, chỉ có món canh escarole tự nhiên hơi nhiều muối, và đáp lại là cái giật mình hơi khẽ của 45 nhưng nàng đã kịp đọc được, cuộc đối thoại trong lặng thinh đã diễn ra. Đối thoại luôn là điều mà nàng muốn, theo cách của riêng nàng. Lần khác, 45 để lộ trước mắt nàng cái nhìn hơi lâu vào bộ ngực phơi ra hơi nhiều của cô bán hàng dầu gội đầu mà nàng kéo chàng ghé qua, kết cục là món cá kho bữa đó nhiều ớt và tiêu gấp ba lần mọi khi, 45 vừa ăn vừa xuýt xoa và cuối bữa khẽ à ra cười gượng.

Nàng nghĩ đến bao nhiêu bài thơ mình viết, tại sao chúng lại không có tác dụng hay ho như những thức nàng nấu này. Từng món ăn dường như đã nói với vị giác của chàng nhanh hơn nhiều hơn rất nhiều so với suối từ mà nàng ngâm nga trau chuốt.

15 mặc nhiên ăn uống, có khi khen có khi chê có khi không nói gì, nhưng một hôm sau khi đi ăn hàng với bố khi mẹ bận đi vắng thì bèn gọi điện cho mẹ và nói đại ý, con nhớ thức ăn mẹ nấu quá, có những thức này thức kia, bữa khác bữa với những vị này vị nọ mà đi ăn hàng không thể nào có được.

45 ngày càng thích trò chơi đối thoại nấu nướng và ăn uống, nó tạo ra bao nhiêu vui thú, hấp dẫn, kích thích những khám phá và trong lúc ăn cơm chàng bắt đầu dành cho nàng nhiều câu nhắn nhủ đầy ý nghĩa. Với một bữa thật ngon lành dịu dàng, gia vị thênh thang vừa đủ, chàng thường hạ thấp giọng: “Tối nay nhé!”. Nàng quay đi như không nghe nhưng trong bụng cười vui miên man. Cuối cùng thì họ đã "đọc" ra "vị" của nhau, không phải qua thơ mà là qua những bữa cơm đời thường...

8-3-2011

10 nhận xét:

ChịBaĐậu nói...

"Toi nay nhe!" hihi....

HY nói...

Hihi, Chị Ba Đậu đọc ngay được câu "bí mật" :P

Titi nói...

Hay quá! Chị thật kiên nhẫn và tràn đầy tình yêu với 2 chàng trai bên cạnh. Chợt nhận ra, thỉnh thoảng em cũng nấu rất dở, do tâm trạng tồi tệ mà ra hé hé...

PTN nói...

He he, đường dẫn đến trái tim của đàn ông đi qua dạ dày.

phulangsa nói...

Bác HY ơi, tôi đọc blog của bác cứ tưởng blog của tôi, đọc bài bác viết cứ tưởng bài tôi viết !!

Chữ "đang" trong bài thơ bác họa "xuân về" của bác Đông A tôi thấy hay quá bác ạ!

Lana nói...

Nói túm lại là thơ thì để bốt lên blog, còn gia vị thì để chơi trò 'đối thoại' với 'tối nay nhé', hihi :D

HY nói...

@Titi: cám ơn Titi, dù chưa được như em khen ;)

@PTN: he he, "chân lý" ấy càng ngày càng thấy đúng :P

@LH: bác nói vậy tôi khoái quá vì có người đồng cảm, chứ ngoài đời nhiều khi tôi có cảm giác lạc lõng chả giống ai hihi :P

Bác LH, thực ra bốn câu thơ của Chế Lan Viên đấy đã ngầm nói đến sức sống của mùa xuân rồi, mấy câu tôi viết họa là nói thêm nên hơi thừa. Chữ "đang" ý của tôi là "đang thì", một hiện tại mạnh mẽ tràn đầy, bác khen từ đấy làm tôi cũng thích hi hi :P

HY nói...

@Chị Lana: vâng, "nói túm lại" như chị Lana đúng là tiện cả đôi đường ạ :)

HA nói...

Haha, bài này hay và duyên chị Yến ạ!

HY nói...

Chắc tại thêm mắm thêm ớt đấy em HA :P