Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010
Ảnh Hoàng Thành và bộ phim "giống Tàu"
Nhân có tranh luận về bộ phim "Đường tới thành Thăng Long", tôi thử tìm trên mạng ảnh Hoàng Thành thì được ảnh này, thấy Hoàng Thành Thăng Long rất thân thương gần gũi. Xem ảnh này mường tượng ra các vua ngày trước ở Hoàng Thành có lẽ cũng sống giản dị thôi.
Còn dưới đây là ảnh cung điện trong phim nói trên quay tại Trung quốc (VNexpress), cảnh trông hoành tráng nguy nga hơn rất nhiều.
Nhưng phim dã sử thì mọi thứ có thể cũng hoành tráng hơn cảnh thật. Có lần sau khi xem phim Hoàng Kim Giáp, tôi hỏi mấy người Tàu cùng trường: "bên ấy ngày xưa các Hoàng hậu và cung nữ đã ăn mặc hở ngực mát mẻ thế à?" thì mấy người đó nói: "trang phục ấy đạo diễn bịa ra cho câu khách đấy thôi, nhiều thứ trong phim không giống thực". Nghĩa là chính dân họ cũng chê đạo diễn của họ làm phim không giống thực tế lịch sử.
Trở lại phim "Đường tới Thăng long", tổng đạo diễn, đạo diễn phim đều là người Trung Quốc, trường quay ở Trung Quốc, diễn viên quần chúng hoàn toàn là người Trung Quốc. Tóm lại là như đứa con đẻ ở Việt nam nhưng mang sang Tàu nuôi nấng dạy dỗ, nó lớn lên bên ấy thì nó cư xử như thanh niên Tàu cũng là chuyện bình thường. Ngay từ đầu người mình đã không tự tin, tự lực đoàn kết cùng nhau làm phim giữ lấy tiền lấy việc cho dân mình để đến nước phải trông cậy vào họ thì đành phải nhận lấy cái kết quả này. Bây giờ đã mất tiền rồi không cho chiếu thì cũng tiếc tiền, tiền của tư nhân cũng là tiền, chiếu thì với tâm lý ghét Tàu sẵn dân mình cũng sẽ tức anh ách.
Mà nghĩ cũng lạ, Pháp đô hộ mình cả thế kỷ mà dân mình khi nói đến những tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp hay văn hóa Pháp thì lại khoái chí cứ như là tự hào mình được thừa hưởng những cái giống Pháp. Với Mỹ có lẽ cũng vậy, riêng Tàu thì ghét cay ghét đắng. Mà cái kẻ bị ghét ấy nó lại hao hao giống mình nhất. Trót hao hao rồi lại ngay bên cạnh thì mình càng khó khăn để giữ bản sắc riêng, bởi vì họ chắc chắn là luôn muốn bành trướng gây ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn văn hóa đối với mình. Tìm về với chính cội nguồn mình, không vay mượn cũng là một cách giữ bản sắc, thôi thì rút kinh nghiệm lần này...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
16 nhận xét:
Pháp đô hộ mình cả thế kỷ mà dân mình khi nói đến những tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp hay văn hóa Pháp thì lại khoái chí cứ như là tự hào mình được thừa hưởng những cái giống Pháp - Cái này chị nhận định rất chính xác. Việc chúng ta bị ảnh hưởng TQ là rất rõ ràng, tự nhiên và hợp lý dưới góc độ nhân văn và lịch sử. Chỉ từ khi Pháp xâm lược và mang văn hóa vào xứ An nam thì chúng ta mới có cái gọi là Văn Minh Châu Âu. Vậy mà mọi người cứ làm um lên coi việc giống TQ là xỉ nhục, cứ như thể từ trước đến nay ta không hề dùng chữ Hán, học đạo Khổng, sử dụng luật pháp học từ TQ không bằng.
Nếu muốn lớn mạnh và tách hẳn, tự bản thân ta phải nghiêm khắc, kỷ luật và làm được những việc đặc biệt độc đáo như người Nhật, người Hàn kia.
Đúng là Nhật, Hàn họ có bản sắc riêng còn mình thì vẫn đang lo sợ sự ảnh hưởng.
Hành trình của phim này thật buồn vì PTT và BT đều ủng hộ. Chẳng còn để nói nữa.
@HY ơi, có lẽ không tức anh ách Pháp là vì kiến trúc Pháp và văn hóa Pháp để lại thực sự có giá trị, quan trọng hơn là Pháp bây giờ nó không còn nhăm nhe ta nữa. Bạn TQ kia nếu không quá tham lúc nào cũng lấn chiếm tí một để ta luôn phải đề phòng mất nước thì tớ nghĩ mọi người sẽ đón nhận những giá trị TQ hơn.
Đấy là điểm khác biệt. Tớ nghĩ thế.
Cho nên mình cũng sẽ không xem 'đường tới Hoàng Thành'. Mình không muốn con đường đó đi từ TQ.
Chị Lana, tâm lý tẩy chay TQ vì sự tham lam của họ hiện tại đang diễn ra là sự khác biệt như chị nói là thực tế, tuy vậy trong trường hợp điện ảnh mình lại muốn học hỏi cách làm phim dã sử của họ để phục vụ khán giả mình tốt hơn (trước nay vẫn bị chê trách) vì TQ rất giỏi trong việc này thì giữa hai điều trên đúng là mâu thuẫn khó giải quyết. Làm sao để học họ mà không giống họ em nghĩ là khó. Để tự mình tìm lối đi riêng thì dân tình lại tiếp tục phải chờ thôi.
Theo em nghĩ thì thế này:
+ Đây là một vấn đề vốn đã nhạy cảm, thế nên không thể đem cái lý ra đây mà nói. Nhất là đối với người Việt, vốn có máu sĩ diện rất cao :)
+ Có thể chọn nhiều cốt truyện lịch sử khác không cần cảnh hoành tráng, ngựa giáp binh sĩ, áo mũ xông xênh. Nhưng nếu đã chọn thì khó mà không núp vào cái bóng quá lớn của bạn Tàu được.
+ Với những ai "thiển cận" vơ Tàu "cả nắm", các bạn thấy HK và ĐL làm phim dã sử không hề hoành tránh như phim Trung Quốc đại lục. Họ chú ý đến cái tính nhân văn, ý nghĩa xã hội của câu chuyện hơn.
+ Cần phân biệt sự tự ti trong con người ta, hay cả dân tộc ta, với lòng yêu nước thực sự. Nhật Trung vẫn căng thẳng, nhưng không vì thế mà Nhật tuyên bố bỏ Kanji :)
@HY: Dù bỏ qua việc 'tẩy chay' thì chị vẫn nghĩ học họ không phải là đưa tiền cho họ làm phim về lịch sử nước mình em ạ.
Hôm nay chị đọc được bài này trên tuanvietnam.net là trang báo chị thấy nhiều cái hợp với mình. Chia sẻ với HY và mọi người:
http://tuanvietnam.net/2010-09-25-sau-ly-cong-uan-duong-toi-thanh-thang-long-se-la-gi-
@Nặc danh trên: Bạn ẩn danh ơi, có thể cái bạn Lana là người 'thiển cận' (mong là chỉ có thế). Nếu hiểu về những chính sách chính trị của TQ với VN và đọc phân tích của Ng. Đắc Xuân ở bài trên tuanvietnam trên thì sợ rằng nếu vì chút lợi trước mắt để bạn TQ 'qua mặt'/ dùng chiêu bài 'giúp đỡ' giới thiệu với TG sự lệ thuộc của VN vào TQ từ trong lịch sử, e rằng tự trách thiển cận thì đã trễ.
Chào chị Lana.
Đúng là chị và nhiều người khác "thiển cận" (vô tình hay hữu ý) thực sự đấy chị ạ.
Chị phải biết cái tư tưởng hoành tráng, bành trướng, Đại Hán, nó là sản phẩm của nền văn minh Hoa Bắc, cộng với tính chất chuyên chế độc tài của Cộng sản TQ hiện tại. Đại bộ phận người dân Hoa Nam từ dải Thượng Hải đến Quảng Tây, người ta không hề hoặc rất ít nhiễm những tư tưởng này. Chị có thể đi thăm những vùng này của TQ để tận mắt thấy. Chị cũng nên gặp nhiều bạn Tàu: họ thậm chí còn không biết Việt Nam là nước nào, ở đâu thì làm gì có chuyện muốn cai trị và xâm chiếm Việt Nam.
Nước nào mà chả có mâu thuẫn với nhau. Đó là quyền lợi quốc gia, là công việc của chính quyền. Ở tầm cá nhân, có người ghét Tàu, có người thích Tàu, nhưng không nên dùng cái thích/ghét của mình áp đặt lên người khác bằng những bình phong chính trị đao to búa lớn.
Chỉ có thế thôi.
Tái bút: Em coi mấy cái lời bình của bác Xuân này không đáng một xu. Bác này có bao nhiêu công trình đăng trên tạp chí quốc tế về lịch sử rồi nhỉ?
Chị Lana: thanks chị. Về việc đưa tiền cho họ làm phim em thấy có bài báo này nói rõ khá rõ những khó khăn mà đoàn làm phim gặp phải:
http://www.thethaovanhoa.vn/176N20100921142734713T133/nha-phe-binh-my-thuat-phan-cam-thuong-dien-anh-viet-nam-chua-the-lam-duoc-phim-lich-su!.htm
Bạn ẩn danh biết nhiều về TQ chắc cũng phải công nhận là việc TQ lấn chiếm biển đảo Việt nam là có thực, và điều đó dẫn đến nhiều mối lo ngại trong nhân dân VN thì cũng là điều dễ hiểu thôi. Không thể nói rằng đây chỉ là việc của chính quyền nhân dân không cần có ý kiến gì. Ở đây cũng chưa ai áp đặt gì lên người khác, chỉ là những trao đổi bên lề thôi vậy nên mong bạn đừng quá lời.
@HY: Cảm ơn HY vì đường link nha - thêm một bài nên đọc về câu chuyện làm phim này.
Chị HY! Sao HN tìm không thấy cái ảnh nào giống tấm Hoàng Thành bên trên vậy? Giúp HN với.
Làm thơ đi nha, bàn mấy chuyện này mệt đầu lắm.
@Lana: You are welcome :)
@HwoangNguyen: chị có sơ suất không nói rõ trong bài, đây là điện Kính Thiên trong Hoàng Thành, em xem ở link này tìm ảnh có ghi tên điện Kính Thiên nhé: http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/2010/09/3BA20C58/
TB: Ok, làm thơ thôi, bàn mấy chuyện này rõ là ngoài sức của mình rồi :)
Xin lỗi chị Lana và chủ nhà. Thật ra là em bực cái bác Xuân này là chủ yếu.
Ai mà không yêu nhạc Trịnh, chẳng lẽ biết thêm bác Trịnh gốc Minh Hương (Tàu) thì bớt yêu chăng?
Mà thôi nói nhiều lại mất đi ý nghĩa của lời xin lỗi.
Mong chị HY tiếp tục cống hiến các bài thơ lục bát ạ.
Mấy ông nội này thích làm gì thì làm, chớ có đau xót gì đâu. Tiền làm phim là tiền thuế của dân. Mà bộ phim này toàn tiền tỷ không à?
Còn nữa, làm theo Trung Quốc thì cứ chiếu bên đó cho họ xem chứ đem về không ai xem đâu à nha.
Tôi nghĩ các bạn nếu có bức xúc thì chỉ nên phản ứng với chính phủ Trung Quốc, còn người dân Trung Quốc không có tội tình gì. Họ là những người lương thiện và chăm chỉ, thậm chí họ còn chẳng biết VN là đất nước nằm ở đâu trên bản đồ thế giới (ngoại trừ một số người cao tuổi từ thời hai nước còn núi liền núi, sông liền sông). Do đó, thái độ thành kiến với người dân thường TQ và sự đánh đồng giữa chính phủ và người dân nước họ là một sự thiển cận hết sức nghiêm trọng.
Thiên Mã.
Đăng nhận xét