Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2010

Dạy vợ

Tác giả: Thái Bá Tân

1
Ở nước nọ, nghe người ta kể lại,
Có một ông lấy vợ chẳng ra gì.
Bà vợ ấy bất cần nghe phải trái,
Luôn cãi chồng, lười, hỗn, khiến nhiều khi
Vì đau khổ, và cũng vì sợ hãi,
Ông hận đời, những muốn bỏ nhà đi.
Thế mà ông, một con người đáng quí,
Vẫn ở lại với vợ mình, chung thủy.

2
Ông còn đáng khen hơn về cả việc
Giỏi cắn răng chịu đựng chính con mình.
Cô giống mẹ, đó là điều thật tiếc,
Dẫu ưa nhìn, có thể nói, thông minh.
Thế mà láo, không ngớt mồm mắng nhiếc
Bọn người hầu, cái miệng nhỏ xinh xinh
Làm việc nữa, là ăn không ngừng nghỉ.
Con giống mẹ cái hư, sao thế nhỉ?

3
Không khó hiểu cô nàng này bị ế,
Tuổi hăm hai vẫn chưa lấy được chồng.
Ông bố hứa các thêm nhà. Bà mẹ
Hứa cho tiền, mà không vẫn hoàn không.
Nhưng cuối cùng, một anh còn khá trẻ,
Hoặc từ xa không biết, hoặc vô công,
Đến tự nguyện cầu hôn cô nàng nọ,
Không đòi thêm dù một đồng xu nhỏ.

4
Các bạn nghĩ thế nào tôi chẳng biết,
Nhưng theo tôi việc ấy thật điên rồ.
Lấy vợ hư là tự mình muốn chết,
Lại chối từ tiền các khoản tiền to.
Xét mọi nhẽ, để bù phần thua thiệt,
Khoản tiền này đáng lấy, của trời cho.
Phải chịu đựng cô vợ hư, khó tính
Mà có tiền, cũng dễ hơn chút đỉnh.

5
Anh dẫn vợ về nhà, ngay tối ấy,
Khi đưa cô lên giường ngủ, thấy phòng
Cửa chưa đóng, liền chỉ tay nóng nẩy,
Quát: “Cửa phòng, mày tự đóng hay không?”
Cửa không đóng, tất nhiên. Anh đứng dậy
Đá một hồi, cánh cửa gãy. Đang đông,
Cô vợ trẻ nằm im không dám nói,
Run vì rét, vì sợ chồng quá đỗi.

6
Tối hôm sau, anh bảo cây nến nhỏ:
“Tự thắp lên, không thấy hả, tối rồi!”
Nến không thắp, anh chĩa gươm vào nó
Rồi lừ lừ, chém một nhát đứt đôi.
Anh bảo vợ: “Bướng, lười như chúng nó,
Thì rõ ràng chỉ cách ấy mà thôi”.
Cô vợ nghĩ: “Với anh chồng như thế
Thì tốt nhất nên phục tùng lặng lẽ”.

7
Theo phong tục, năm tuần sau lễ cưới,
Anh phải thăm bố mẹ vợ lần đầu.
Con la nhỏ hai vợ chồng anh cưỡi,
Một xe quà nó phải kéo đằng sau.
Đến hồ nước, nơi nhiều người chăng lưới,
Nó ngập ngừng không chịu bước hồi lâu.
Anh quát nó, nó không nghe, rút súng,
Bắn một phát, ruột phòi ra khỏi bụng.

8
Rồi thản nhiên, anh khoác lên cổ vợ
Chiếc dây đeo cỗ xe nặng đầy quà.
“Con này láo, định giở trò vô cớ.
Thật đáng đời! Giờ có lẽ thay la
Em chịu khó kéo giúp anh”. Vì sợ,
Cô nàng đành è cổ kéo. Chúng ta
Dẫu thông cảm với anh, nhưng phải nói
Bắt vợ làm thế này là có tội.

9
Thế là muốn hay không, cô vợ trẻ
Phải kéo xe, khỏi nói mệt thế nào.
Chồng đi cạnh, thêm đôi câu khích lệ,
Chỉ một lần giơ súng bắn lên cao.
Xe đến nơi, ông bố cô vui vẻ
Hỏi: “Vợ chồng hai đứa sống ra sao?”
Anh rể đáp: “Dạ, chúng con rất ổn.
Vợ con ngoan, lại ít lời, khiêm tốn”.

10
Bà mẹ hỏi: “Chồng con yêu con chứ?”
“Dạ, rất yêu, - cô con đáp thực lòng,
Rồi dừng lại cúi đầu, hơi lưỡng lự. –
Tuy có phần nóng tính, mẹ biết không...
Nhưng không sao, với con, là phụ nữ,
Con yêu người mạnh mẽ, tính đàn ông”.
Bố mẹ vợ, dẫu còn chưa tin cả,
Nhưng nghe thế cũng ít nhiều hỉ hả.

11
Họ ở lại đúng ba ngày, mọi chuyện
Đều diễn ra rất tốt đẹp, và rồi,
Ngày thứ ba, trong tình thương lưu luyến,
Cô thực lòng kể bố mẹ, than ôi,
Chuyện chồng bắn chết la và chém nến,
Chuyện đêm đầu đạp cửa vỡ làm đôi.
Thế mà cô chẳng trách chồng, ngược lại
Còn khen anh công bằng, ưa lẽ phải.

12
Tiễn con về, suốt cả ngày ông bố
Cứ thẩn thơ như suy ngẫm điều gì.
Rồi tối đến, bước vào phòng, hùng hổ,
Chỉ cây đèn: “Mày phải tự thắp đi!”
Còn vợ ông, nằm trên giường, nói nhỏ:
“Này ông già, một ông lão ngu si,
Xin hãy bỏ cái trò kia lố bịch.
Để tôi nói cho ông nghe, nếu thích.

13
Ông đã ngốc, giờ ngốc hơn, bởi lẽ,
Quên xưa nay các cụ dặn: Làm chồng,
Muốn dạy vợ, hãy dạy khi còn trẻ.
Nó đã già thì dạy chỉ mất công.
Con lừa già, có đánh đau, vẫn thế,
Vẫn bướng, lười, ông có dạy được không?”
Ông già nghe, gãi đầu, rồi sau đó
Lại như cũ, như xưa nay vốn có.

14
Chuyện chỉ thế, nhân đây tôi chợt nhớ,
Có một anh vào hiệu sách Hàng Đào,
Xin hỏi mua cuốn cẩm nang dạy vợ.
Người bán hàng ái ngại nói: “Ôi chao,
Sách viễn tưởng thuộc loại này, tôi nhớ,
Chưa bao giờ được xuất bản, buồn sao”.
Câu chuyện này coi như thay đoạn kết.
Tôi chẳng biết nói gì thêm. Tạm biệt.

Hà Nội, 24.4.2009.
Thái Bá Tân

12 nhận xét:

Nặc danh nói...

hahaha, bài thơ này buồn cười quá, thứ nhất là đọc nó khô khong khỏng, thứ hai là tình tiết chuyện kể rất hài hước :-))). Nhưng mà hay nhờ, hóa ra ở nền văn hóa khác cũng phải học cách dạy vợ lúc mới về. Đàn bà ko dạy đúng là càng già càng đổ đốn mà. Đàn ông thì khỏi nói, đổ đốn là bản chất rồi =))
Tự soi xét mình, em thấy em đã đổ đốn được gần 10 năm :P
(Z)

HY nói...

Nhân lúc cuối tuần thấy có bài thơ hài hước này thì post lên mọi người đọc cho vui thôi, mình không định mượn bài thơ để nói quan điểm đúng sai gì đâu nhé! :P

Thuy Dam Minh nói...

Nghe tên bài thơ là đã thấy vui rồi. Làm sao dạy được vợ chứ! Cơ bản là vợ dạy mình thôi. Hic!

HwangNguyen nói...

Dạy vợ hay Vợ dạy? Làm sao bây giờ, chị?

HY nói...

Bác Thụy nói hay quá, còn hay hơn cả Khổng Tử, Khổng Tử chỉ mới nói đến Nữ nhân nan hóa, bác Thụy nói còn cao hơn nhé: "Làm sao dạy được vợ chứ! Cơ bản là vợ dạy mình thôi"

HY nói...

Hwoang Nguyen băn khoăn quá à? :D HN có thể học tập kinh nghiệm bác Thụy hoặc cộng Dạy vợ với Vợ dạy vào rồi chia đôi lấy nửa để thành ra hai vợ chồng dạy và học lẫn nhau hihi :D

Tung H nói...

Haizz, bài thơ này hẳn là do một con la già viết ra.

HY nói...

He he, bác ấy sinh năm 1949 :)

Lana nói...

há há..., đọc đoạn đầu ngạc nhiên, HY xưa nay chuyên lục bát bữa nay 'đổi tông' hay sao, mà đổi hay quá đỗi. hì hì. Cảm ơn HY và cảm ơn bác Thái Bá Tân. Bài thơ quá vui :)

HY nói...

Cảm ơn đồng hương, HY vào trang web của bác Thái Bá Tân thì đọc được bài này, trang web của bác ấy đây, rất thú vị: http://thaibatan.com

Titi nói...

Bài thơ ngộ quá. Com của bác THụy cũng ngộ không kém. Cơ mừ em thích suy nghĩ từng trải của bác Thụy lắm ấy :-)

HY nói...

Bác Thụy sướng nhé! :P