Hôm trước tôi có vào comment cho vui về một lỗi ngữ pháp trong tên bài "Đe dọa của loài heo" ở blog bạn QA. Nhân tiện hôm nay đọc entry mới cũng thuộc blog QA: "Ngữ pháp: quy chuẩn và tự do", tôi viết ra đây mấy suy nghĩ về chuyện viết và ngữ pháp. Gọi là mượn cái duyên bạn bàn đến ngữ pháp thì tôi nói đôi câu chuyện cũng cho vui thôi chứ cũng không có ý định anti "tự do" pro "quy chuẩn" gì, bởi cách viết thế nào là phụ thuộc vào người viết, người viết lại dựa vào môi trường giao tiếp, hoàn cảnh, mục đích viết và khả năng của mình mà lựa chọn cách viết cho phù hợp theo suy nghĩ của họ.
Mọi người đều biết ngôn ngữ là dòng chảy sống động theo thời gian, vì vậy ngữ pháp hay nói dài ra là thứ pháp luật của ngôn ngữ cũng không đứng yên, nó cũng phải phát triển phù hợp với sự đa dạng phong phú của ngôn ngữ. Tôi cho rằng lịch sử của ngữ pháp là cuộc đua chạy theo đặt tên, định dạng, tìm hiểu chức năng, phân tích các mối quan hệ ràng buộc, các quy luật chung... của ngôn ngữ. Vì vậy nếu hiểu ngữ pháp không thay đổi là sai. Bạn cứ bay theo lối tự do nếu có thể, một khi đường bay của bạn đẹp, nhanh, tiện lợi, hợp lý, nhiều con chim khác sẽ bay theo thành lối quen, lối quen sẽ dần dà được công nhận một cách chính thức. Vấn đề là "em đây chọn lối nào?".
Tại sao lại cần đến quy chuẩn trong ngữ pháp trong khi dù có viết thoải mái tự do đảo lộn tùng phèo cắt từ cắt ngữ người ta vẫn hiểu nhau? Quy chuẩn ở đây chính là cái thước đo để người ta có thể so sánh mọi biến hóa trong cách viết với nó. Các môi trường hoàn cảnh khác nhau có thể cho ra các biến hóa khác nhau, người ta cần đến một cái thước nhất định để xem xét chúng.
Hiểu nhau là được, lý do mà người ủng hộ lối viết tự do không cần quy chuẩn đưa ra rất hợp lý, nhưng câu hỏi ở đây là: người hiểu được là ai, bạn viết cho ai đọc? những người chia sẻ chung lối viết tự do không niêm luật với bạn hay cả những người khác số đó? À, nhân đây tôi giải thích luôn cái tên nghe có mùi của bài viết này. Nó bắt đầu từ câu chuyện ai cũng biết về anh chàng treo biển "Ở đây có bán cá tươi", nghe người ta bàn anh cứ cắt dần câu quảng cáo đến khi chỉ còn chữ "cá". Người cuối cùng góp ý cho anh rằng: đến gần đã thấy mùi tanh rồi còn trưng biển cá làm gì. Thế là anh chàng cất luôn cái biển. Như vậy mặc định là những người mua hàng của anh phải là những khách quen hoặc những người ngửi được mùi tanh của cá mà đến mua, những người lạ và mũi điếc có đang đi tìm hàng cá cũng thôi khỏi mua. Mùi tanh của cá ở đây là một quy ước để hiểu nhau, nó cũng tựa như thứ ngôn ngữ mạng hoặc ngôn ngữ teen chỉ có dân mạng với dân teen thấy dễ hiểu, những người khác dịch toét mắt không ra.
Một người bám vào quy chuẩn trong viết lách để mỗi câu viết ra đúng ngữ pháp quy chuẩn cũng có thể là một người có nhược điểm tỉ mẩn, hèn nhát và chưa chắc đã thành công trong sự nghiệp nhưng một kẻ viết câu cú sai phạm quá trời trong những bối cảnh cần theo quy phạm cũng không chắc không phải là một kẻ cẩu thả, lười biếng, thậm chí mất gốc về ngữ pháp, câu cú. Lối nói chuẩn tắc của ai đó nơi bàn nhậu với đầy đủ câu cú "sự" nọ "sự" kia có thể bị chê là rởm đời, không quần chúng, cũng như vậy lối viết lách tự do, cẩu thả, nhầm lẫn ở nơi này rất khó chấp nhận có thể được chấp nhận thậm chí được tán thưởng như một style mới ở chỗ khác. Vấn đề quay trở lại với hoàn cảnh và đối tượng hướng đến của người viết. Lối viết nào hướng đến số đông công chúng, lối viết nào chỉ phục vụ nhóm nhỏ.
Cũng có khi có người cố tình dùng lối viết sai gây sock, tạo cảm giác lạ, unecxpected nhằm mục đích thu hút sự chú ý của người đọc. Một trường hợp khác là để biểu lộ sự phản kháng, muốn phá bỏ những luật lệ mực mẹo cũ, làm cách mạng trong ngôn ngữ, điều này hay gặp ở tuổi trẻ.
Trước khi muốn viết lách một cách phóng túng thì người viết cần được học môn ngữ pháp một cách bài bản, đó chính là lý do mọi trường học phổ thông ở mọi nơi đều dạy học sinh môn ngữ pháp. Và cuối cùng tôi muốn chốt lại một câu là ngữ pháp theo quy phạm giúp cả người viết lẫn người đọc hiểu nhau một cách chắc chắn cho dù họ không thuộc một nhóm, không biết nhau là ai, không ngửi được "mùi tanh của cá".
7 nhận xét:
Hì hì, vụ này các nhà (ngâm cứu) ngữ pháp giằng co hoài mà chị, chưa thấy hồi kết.
Cũng giống như các sách ngữ pháp bây giờ chịu thua, cho "data is" là OK rồi. Hay người Anh sau một thời gian than phiền bọn Cao bồi cứ phang danh từ như động từ thì bây giờ ngay cả họ (trên báo dòng chính) cũng bắt đầu dùng khi thấy rằng thỉnh thoảng nó rất "ép phê" và "gọn nhẹ".
Về ý của chị bên blog bạn QA nó cũng gần như vụ GS Cao Xuân Hạo than phiền biên tập viên (tự ý/ vô ý) sửa "Tội ác và Hình Phạt" thành "Tội ác và Trừng Phạt".
Theo em nghĩ là tùy ngữ cảnh cụ thể. Như trường hợp trên em thấy chấp nhận được:
Thứ nhất, khi nói "Đó là một trừng phạt đích đáng", vẫn có thể hiểu.
Thứ nhì, khi tò mò tra thử xem tên tiếng Nga chính xác là "Hình phạt" hay "Trừng phạt" em thấy (từ điển) dịch là Punishment.
"Trước khi muốn viết lách một cách phóng túng thì người viết cần được học môn ngữ pháp một cách bài bản" -> Câu này chắc không có gì phải bàn cãi. ;))
@Khuê Việt: Punishment thì phải dịch là "Hình phạt" mới đúng chứ.
Việc thêm "một" vào đằng trước "trừng phạt" rõ ràng là biến nó thành danh từ rồi.
Trường hợp trên có liên từ và cần được nối hai từ cùng loại, nối danh từ với động từ là khập khiễng. Ví dụ "Yêu và Cưới" nhưng "Tình yêu và Cưới xin". Nói chi li vậy chứ việc người ta dùng lẫn cũng thường xảy ra.
Nói chung là ngắn gọn tiện lợi ai cũng thích nhưng việc dùng đúng ngữ pháp giúp thông tin trong câu hiện ra rõ ràng chặt chẽ hơn ít gây nhầm lẫn. Mọi người thường nghĩ là chẳng có chuyện nhầm, mình thử ví dụ một trường hợp nhé:
Ai cũng biết chuyện "Đau bụng uống nhân sâm ... tắc tử" ở bên Tàu. Câu này là câu điều kiện, viết đầy đủ ra sẽ là "Nếu đau bụng mà uống nhân sâm thì tắc tử". Người đọc gặp mệnh đề "Nếu..." sẽ phải tìm đọc nốt "thì..." dù nó có ở trang sau. Vậy là không ai chết cả. :)
Ngữ pháp cứu người trường hợp ấy nhé :) Suy ra ngữ pháp bên Tàu hồi đấy chưa chặt chẽ.
Hì, em đồng ý với chị là khi thêm mạo từ vào, nó biến cái đứng sau nó thành danh từ.
"Punishment" vẫn có thể hiểu/dịch là "sự trừng phạt/ hành động trừng phạt" chứ ạ.
"Tội ác và [sự] trừng phạt" nghe cũng xuôi. Ví dụ như "Bông huệ trong thung" nghe khó quên, và ...rất đã. ;))
Chị HY đọc Mai Thảo chắc sẽ không thích, vì bác này chủ trương Duy mỹ, nhiều chỗ chơi giống anh Cao bồi luôn.
Nhưng bàn cho vui chứ ngôn ngữ văn chương chắc khác với ngôn ngữ khoa học. Ngôn ngữ nói khác ngôn ngữ viết, v.v. "Đau bụng uống nhân sâm" thuộc về y khoa. Y khoa nhất định là khoa học rồi. ;D
Punishment dịch là "sự trừng phạt" thì rất ổn nhưng lược bỏ "sự" đi thì thành sai. Nhưng sai mà nghe mãi lại hóa xuôi tai thế mới phức tạp. Có lẽ sau này trong Tiếng Việt sẽ có sự chấp nhận nhiều động, tính từ cũng là danh từ chỉ vì việc người ta ngại thêm "sự" vào.
Phân tích chút cho vui chứ việc đọc thì mình cực dễ tính, kiểu gì đọc, kể cả dãy ký hiệu chữ cái đầu. :)
Gõ thiếu: "kiểu gì cũng đọc"
Đăng nhận xét