Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Thư gửi bác LH

Vì bác cho tôi hay là bác ít check mail nhưng lại hay vào blog nên tôi viết cho bác ở đây. Cũng không có gì riêng tư chỉ là kể chuyện này kia và bàn luận loanh quanh một hai chủ đề nên tôi nghĩ cứ viết ở đây cũng được.

Có chủ đề rất hot gần đây là vấn đề ngoại cảm. Ở một khía cạnh nào đấy, tôi có suy nghĩ rằng ngoại cảm có liên quan đến tâm thần mặc dù tôi chưa tìm thấy nghiên cứu nào về vấn đề này.
Để tôi từ từ trinh bày những điều khiến tôi có suy nghĩ trên nhé. Từ xưa, người ta thường nói những người yếu bóng vía thí hay gặp ma, có lẽ là do sức khoẻ tâm thần yếu thì dễ hoảng loạn, dễ bị hoang tưởng nhìn thấy những cái ko thực sự tồn tại hoặc nhìn cái nọ tưởng cái kia. Thường có chuyện xảy ra là sau một trận ốm thì người ta bỗng có khả năng ngoại cảm, nghe được hồn nói. Phải chăng là khi đó tâm thần đang ở một trạng thái bệnh dễ rơi vào hoang tưởng và chủ thể đã hướng khả năng dễ hoang tưởng ấy vào một mục tiêu cụ thể, tìm mộ chẳng hạn. Và người ta lại bảo rằng sau một thời gian thì khả năng này thường giảm hay đó chính là do chủ thể đã khỏi bệnh?
Tôi nghĩ nhà nước ko nên cổ vũ những trò đồng cốt gọi hồn này khác. Hãy nhìn nhận sự thật khách quan thay vì nương náu nơi ảo ảnh.
Vài dòng tạm thời với bác như vậy. Chúc bác luôn vui.

13 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bác hỏi khó quá, tôi phải suy nghĩ :-) Tạm thời thì tôi nghĩ rằng tôn giáo có giá trị đối với người dân bình thường cũng như nghệ thuật có tác dụng đối với tâm hồn của những người thưởng thức nghệ thuật. Tất nhiên là nhà nước không nên cổ vũ những chuyện mê tín đồng cốt, nhưng có lẽ cũng không cần phải ngăn cản.
LH

HY nói...

Vâng, tôi sẽ suy nghĩ thêm và lúc nào sẽ viết tiếp.

Nặc danh nói...

Ủa không biết tôi có nhấn nút nhầm không mà không thấy comment đâu ta? Ban nãy tôi nói là :

Tôi nghĩ là nếu ứng với Chân Thiện Mỹ thì Tôn giáo là hướng thiện, Nghệ thuật là Mỹ còn Chân là cái gì thì tôi chưa nghĩ ra, hihi, Khoa học chăng?
LH

Nặc danh nói...

Một trong những sai lầm của ông Ngô Đình Nhu là ông ấy dùng tôn giáo của ông ấy đàn áp tôn giáo khác, cái ấy trái ngược với bản chất hướng thiện của nó. Ông ấy còn nhiều điều kém cỏi khác, mà tôi nghĩ là do trong con người ổng nó thiếu sự hài hòa, công bình, sự công bình tự nhiên (l'équité naturelle), như Montesquieu nói, trong cuốn "Những lá thư Ba tư" (lettre CXXIX). Ông ấy Tây học, nhưng lại kém tiếng Việt, ông ấy có vẻ không được hạnh phúc trong đời sống gia đình. Tôi phỏng đoán rằng đã có một lúc ông ấy đã muốn thỏa hiệp với miền Bắc để đạt được thống nhất hòa bình, nhưng ông ấy lại tiếp tục nhận viện trợ của Mỹ. Viện trợ là gì, nếu không phải là tiền thuế làm lụng cực nhọc của dân Mỹ? Mình đâu có ăn không ăn hỏng của người ta như vậy được?
LH

HY nói...

Bác LH, tôi đang đọc thơ bác này, hay quá:
http://bloggoldmund.blogspot.ca/2013/11/buoi-toi-voi-charles-simic.html?m=1

HY nói...

Bác đọc cái bài cuối đi, bác thấy hay ko, nhưng đấy là hư cấu trong thơ, và trong thơ được phép. Đời thực thì khác, ta luôn phải phân biệt giữa hư và thực phải ko bác?

Nặc danh nói...

Bác HY, tôi còn nhiều suy nghĩ về tâm linh, tôn giáo và ngoại cảm nhưng chúng vẫn còn đang rối rắm nên tôi chưa trình bày được :-)

Về việc phân biệt giữa hư và thực, thơ và đời thực, thì việc phân biệt có vẻ khoa học nhỉ? Bên văn, ngược lại, dường như là người ta thích tìm những gì kết nối hơn (hehe, tôi không chắc lắm). Hư gắn với thực, thơ hòa vào đời.

Ông GS Nhật đoạt giải Nobel Vật lý năm 2008 Toshihide Maskawa có nói vài điều mà tôi thấy rất hay trong một bài phỏng vấn gần đây ở VN :

http://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C2093/N15202/GS.-Toshihide-Maskawa:-thanh-cong-trong-khoa-hoc-den-tu-su-lang-man-va-long-khat-khao.htm

Ông ấy nói về thành công trong khoa học, nhưng nó có thể áp dụng vào đời thường nữa, vì các nhà khoa học, nghệ sĩ... thực sự, họ thường nói những điều khái quát rất cao. Trong học tập, chẳng hạn, trạng thái khi ta cảm thấy lãng mạn và khát khao là một trạng thái rất thuận lợi cho việc học tập, có phải không ạ? Bác thử nghĩ xem? :-) Tôi cũng lưu ý là ông ấy nói "khát khao", chứ không phải "đam mê", như ta thường nghe. Hai từ ấy gần như là đồng nghĩa, nhưng "đam mê" có vẻ đa nghĩa hơn, và hòa lẫn với tình cảm, trong khi mà "khát khao" thì tinh khiết (pur) hơn. Nhưng khác nhau lớn nhất giữa hai từ ấy là "đam mê" thì có thể là đã đạt được đối tượng của nó rồi, còn "khao khát" thì vẫn chưa đạt được.

Cái trạng thái lãng mạn hòa cùng khao khát ấy, tôi nghĩ là nó tạo nên niềm hạnh phúc trong khoa học, cũng như trong đời thường. Một niềm hạnh phúc rất là sâu và tinh khiết.
LH

Nặc danh nói...

Về nghĩa từ nguyên, trong tiếng Pháp, thì "khao khát" (aspiration) bắt nguồn từ "spiro", tiếng latin, có nghĩa là "thổi" (hơi thở), còn "đam mê"(passion) bắt nguồn từ "passio", có nghĩa là chịu đựng, đau đớn, nó cũng có nghĩa "passif", nghĩa là bị động, tức là một trạng thái mà ta chịu đựng một cách bị động. Khác nhau khá nhiều, phải không ạ? Phần giống nhau là cái sự "muốn"(désir).
LH

Nặc danh nói...

"Nguyễn Du: Thiên hạ hà nhân bất mộng trung. Trong cõi đời này có ai không ở trong mộng."
LH

Nặc danh nói...

Nghĩ kỹ thì tôi cho là khoa học đại diện cho "Chân" thật. Lúc đầu tôi lúng túng là vì tôi bắt đầu với ý tưởng về việc "trị nước", nhưng tôi không biết xếp nó vào cực nào ở trong bộ ba "Chân- Thiện-Mỹ" ấy. Bên Pháp thì có trường "Khoa học chính trị", như vậy có thể chính trị được coi là một khoa học. Nhưng Montesquieu, cũng trong cái lá thư tôi kể trên, nói rằng là chúng ta không thể chỉ dùng tư duy logic để cai trị đất nước, vì nó khắc nghiệt quá. Khi dùng lý trí để tạo ra một đạo luật mới, thì lại tạo ra một điều xấu mới. Từ đó ông ấy nói đến sự công bình tự nhiên, và cho rằng là một đạo luật thì luôn luôn phải được coi là ý thức của công chứng (la conscience publique), và rằng là khi thay đổi một đạo luật, thì phải hết sức thận trọng, và chỉ nên chạm vào nó "với một bàn tay run rẩy", nếu không thì sẽ ném ngay dân chúng vào một sự lộn xộn (le désordre). Hehe, khi tôi nghĩ đến các vị muốn thay phắt ngay Hiến Pháp hiện nay bằng một HP mới cáu cạnh, thì tôi muốn mời các vị ấy đọc lại Montesquieu (chẳng biết đã đọc chưa).
LH

Nặc danh nói...

"công chúng" ạ
LH

HY nói...

Tôi chưa bàn được rộng thêm với bác, chỉ có một suy nghĩ cứ trở lại trong đầu tôi, đó là ở đâu thiếu vắng Chân (như bác cho là Khoa học, tôi thấy hợp lý) thì ở đó rất dễ có sự lừa đảo bịp bợm.

Nặc danh nói...

Pascal nói : chúng ta biết được sự thật không chỉ bởi lý trí mà còn bởi trái tim «Nous connaissons la vérité non seulement par la raison mais encore par le cœur » (Pensées) hihi, nhưng mà tất nhiên là tôi đồng ý với bác.
LH