Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Ký ức




Không thể có ký ức thuần khiết vì ký ức luôn được tái hiện trên nền hiện tại. Ta tha lôi ký ức đi từ hiện tại này đến hiện tại khác theo chiều thời gian cuộc đời chừng nào trí nhớ còn đủ khả năng mang vác. Ký ức vì thế mỗi lần lấp lánh lại có những ánh sáng mới toát ra từ những góc cạnh vừa lộ ra trên cái nền mới.
Sớm mai đi trên tuyết trắng, trắng tinh và bao phủ lên tất cả như thể hiện tại đã biến mất trong màu trắng của tuyết, ký ức trong tôi chợt hiện ra như ảnh hiện trên nền giấy trắng khi rửa ảnh. Trên giấy trắng như là tuyết trắng, tôi viết lên những mảnh ký ức xa xôi của đời mình. 

Năm tôi sáu tuổi, đang học lớp vỡ lòng thì miền Nam giải phóng. Một đêm thức giấc vì nghe tiếng ba mẹ rầm rì nói chuyện, rồi nhiều đêm như vậy. Dần dần thì tôi cũng mang máng hiểu ra, và rất buồn. Ba mẹ tôi vẫn yêu chiều tôi hết mực, khi nào tôi cũng là “cô con gái rượu” của ba mẹ tôi, nhưng những tiếng rầm rì ban đêm lại mở ra cho tôi một cánh cửa khác hé lộ cho tôi thấy những nỗi đau khổ của cuộc đời con người, cánh cửa bí mật này đã khiến tôi rơi nước mắt ướt gối, tôi thương ba mẹ tôi và cả những người khác nữa.
Có lẽ tôi cũng là đứa con gái hay khóc, vì cùng khoảng thời gian ấy, có lần ba mẹ tôi đưa tôi đi xem vở Kiều, có cảnh Hoạn Thư (mặc áo hồng) bắt Kiều (mặc áo xanh) ra đánh đàn cho hai vợ chồng Thúc Sinh uống rượu, tôi xem xong về khóc cả tuần, cứ ai nhắc đến vở đấy là lại ngồi khóc, thương cô Kiều. Anh trai tôi bình thản hơn tôi nhiều, cả khi anh đã biết những bí mật của ba mẹ tôi và chúng tôi trò chuyện cùng nhau, cả sau này trong những cư xử của anh, có nỗi đằm thắm sâu sắc đằng sau sự bình thản khiến cho tôi luôn cảm động khi nhớ về.

Ba tôi người Huế, là cán bộ tập kết năm 1954, trước đó ba tôi đã lấy vợ và có con. Khi ba tôi ra Bắc, vợ con của ba ở lại Nha trang, có lẽ khi ấy ba tôi cũng như mọi cán bộ tập kết khác đều nghĩ rằng ra Bắc hai năm rồi về lại miền Nam. Nhưng sự thể đã diễn ra khác với dự tính của họ, vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền triền miên năm này qua năm khác. Nhiều năm sau khi tập kết ba tôi nhận được tin từ miền Nam báo ra, vợ con ba đã về ở với một đại tá phi công của Việt nam Cộng hòa. Ông đại tá này đã có vợ, về sau, vợ cả của ông nói với ba tôi khi miền Nam đã giải phóng và chồng bà phải đi cải tạo, rằng ông đã giúp cưu mang vợ con của ba, nhưng đấy là những cuộc chuyện trò sau này. Những năm ấy, tin vợ của ba lấy đại tá "ngụy" khiến cho những người bạn của ba nhiệt tình tìm cách mai mối cho ba một người vợ miền Bắc, và kết quả là mười năm sau khi tập kết, ba tôi cưới mẹ tôi.  

 Năm 1976 ba tôi vào Nam lần đầu sau giải phóng mang theo tài sản lớn nhất trong nhà tôi khi ấy là cái xe đạp Phượng Hoàng mẹ tôi mới được phân. Mẹ tôi nói ba tôi mang vào làm quà tặng cho người anh trai cùng cha khác mẹ của tôi, khi ấy tôi đã nhớ rất rõ tên của anh, anh tên là Cư. Tôi cũng nhớ mẹ tôi có nói với ba tôi rằng ba tôi hoàn toàn có thể ở lại miền Nam nếu ba tôi muốn và mẹ tôi sẽ nuôi dạy hai chúng tôi, tôi và anh trai tôi khi ấy mới 7 và 11 tuổi, nên người. Mẹ tôi là người phụ nữ kiên cường nhất mà tôi biết ở trong cuộc đời này nhưng ba tôi không ở lại miền Nam, sau khi gặp lại người vợ đầu và con trai đầu, ba đi thăm gia đình ông đại tá phi công rồi trở ra miền Bắc tiếp tục làm việc ở miền Bắc và nuôi dạy chúng tôi lớn khôn. Tôi biết anh Cư tôi rất mong ba tôi vào Nam nên rất buồn khi thấy ba tôi quyết định như vậy, tôi đã đọc được những lá thư anh viết cho ba tôi khi ấy và cũng thấy buồn như lòng mình phân đôi ra vậy.

Anh Cư tôi tuy thế vẫn rất kính trọng ba tôi và chăm chỉ học tập làm việc, về sau anh làm hiệu trưởng một trường phổ thông ở Nha trang. Sau khi ba tôi mất chừng ba năm, vào khoảng thời gian trước khi sang Canada, tôi đã đưa chồng và con trai tôi vào Nha trang thăm gia đình anh. Chúng tôi nói chuyện với nhau như những người thân lâu ngày gặp lại. Anh có nhiều nét giống anh trai tôi còn mẹ anh là một bà cụ hiền lành đẹp lão, vợ anh rất dịu dàng, anh có hai cậu con trai đã lớn. Khi tôi mang ảnh chụp cùng gia đình anh về Hà nội, kể chuyện với mẹ và anh trai, chị dâu tôi, mọi người đều vui. Một bữa gần đây tình cờ tôi tìm thấy những bài giảng sinh vật anh làm cho học sinh còn lưu trên mạng, dù anh đã về hưu rồi, tự nhiên tôi thấy lòng rưng rưng.

Mỗi lần nghe chuyện thắng thua Bắc Nam tôi lại nhớ đến chuyện gia đình tôi, giá có cuốn sách nào mà khiến cho mọi người ôm lấy nhau yêu thương nhau thật nhiều sau khi đọc thì tôi khen là sách ấy hay, còn sách mà gây ra những mâu thuẫn và sự kể tội kể tình từ cả hai phía thì đều khiến tôi thấy mệt mỏi như người đi mãi trong chiến tranh, như nước mắt rơi dài trên gối canh thâu.
Bao nhiêu năm đã qua rồi, ba mẹ tôi đã về thế giới bên kia cả, chỉ còn yêu thương ở lại. Ký ức của tôi năm xưa bây giờ trở lại trong thương yêu nên cho tôi cảm giác bình an, vết thương năm xưa cũng đã hàn gắn để tôi có thể nói ra được nỗi lòng đứa trẻ sáu tuổi năm nào một cách bình tâm.

PS: Hôm nọ đọc blog GS Ngô Bảo Châu, thấy GS đem ví dụ của người Đức ra so sánh, tôi thấy hơi gợn và nghĩ rằng dùng ví dụ Đức diệt chủng Do Thái và sự thẳng thắn của họ để nhắc đến lịch sử VN là không thích hợp. Việc người Đức làm là tội ác kinh hoàng đối với loài người đặc biệt là người Do Thái mà họ phải ghi nhớ, việc ấy không thể đem so với cuộc chiến tranh ở VN cuộc chiến mà cả hai bên đều đau đớn và muốn quên đi. Dường như mọi người đang có xu hướng chê người Việt mà ko thấy cái hay của người Việt là không bao giờ làm việc ác như việc người Đức đã làm. Thầy Quyền, giáo sư Việt kiều ở Ottawa University, nói rằng ông thấy tự hào vì ông là người Việt chứ ko phải người Đức, dân tộc đã gây ra nạn diệt chủng người Do Thái, người Việt vì vậy trong con mắt ông văn minh hơn, nhân văn hơn người Đức. Trong sự không thẳng tưng của người Việt cũng có những sự tế nhị có lý do riêng cần trân trọng. Tôi rất thích cái kết của bộ phim Cuộc sống của những người khác, hai người từ hai phía dành cho nhau rất nhiều trong sự im lặng và xa cách. Giá Việt nam mình cũng có những bộ phim như vậy thì tuyệt.

32 nhận xét:

sonata nói...

"giá có cuốn sách nào mà khiến cho mọi người ôm lấy nhau yêu thương nhau thật nhiều sau khi đọc thì tôi khen là sách ấy hay, còn sách mà gây ra những mâu thuẫn và sự kể tội kể tình từ cả hai phía thì đều khiến tôi thấy mệt mỏi như người đi mãi trong chiến tranh, như nước mắt rơi dài trên gối canh thâu"
Đúng vậy.

Titi nói...

Vậy nên chăng có cuốn sách khiến người Do Thái và người Đức ôm hôn nhau ?

Quá khứ là không thể làm lại, nhưng hiện tại có thể sẽ tốt đẹp nếu ta chân thành và bao dung ha chị :)

Nặc danh nói...

Tôi cũng nghĩ rằng tôi sẽ thích một dân tộc trưởng thành nhưng vẫn giữ được một phần tâm hồn trẻ thơ, hơn là một dân tộc muốn biến trẻ thơ thành người trưởng thành. Về phương diện con người cá nhân cũng thế, vì tôi tin rằng trẻ thơ và tuổi thơ là một trong những điều đẹp nhất mà nhân loại chúng ta có được. G. de Nerval cũng có một bài thơ nói về tuổi thơ tương tự ý này (mà tôi có dịch ở trong blog của bác).

Tôi cũng cảm nhận dường như là Văn học Nghệ thuật của Đức không mạnh bằng vài nước láng giềng, hay không mạnh bằng Triết học của họ chẳng hạn. Và khi tôi nghĩ đến những nền văn minh lớn, hay những nước có nền văn hóa lan tỏa, như Pháp, Ý, Anh... , thì tôi thấy là những nước ấy đều có nền Văn học lớn. Việt Nam vốn cũng là nước mạnh về Văn học, liệu điều ấy có làm cho chúng ta bớt mạnh mẽ không, kém trưởng thành không thì tôi không rõ, nhưng có lẽ nó làm chúng ta hiền hòa hơn, hay như bác nói, không làm điều "ác" quá!
Lan Huong

PTN nói...

Chị vừa đọc Bên thắng cuộc phải không ?

thích đọc sách nói...

đọc câu Việt Nam vốn cũng là nước mạnh về Văn học tôi hơi bất ngờ,
bạn nói thêm chút được không?

Unknown nói...

chị đọc cảm giác cô là môt nhà văn chứ không phải là một nhà hóa học, đọc xong có một cài gì đấy lắng trong lòng mà không nói ra được

HAT nói...

Mình cũng thoáng có ý nghĩ như PTN. Thật đau lòng khi mà dân tộc VN này chưa thể hòa hợp sau gần 4 thập kỷ đất nước thống nhất.

Nặc danh nói...

Thật là mừng khi thế giới phẳng ngày nay cho mình biết về bạn mình, người thân của mình khi mình muốn biết! Buồn, nhớ nhà Phương Thu lang thang trên mạng và thấy cái tên trường Đồi Độc Lập vào thăm thế là thấy ngay hình ảnh lớp của anh trai mình, anh Thành và các anh chị khác. Càng đọc càng thấy kỷ niệm ùa về và càng ngạc nhiên hơn khi được gặp Hoàng Yến trên này. Mấy mươi năm đã qua rồi Thu vẫn còn nhớ kẹo mè xửng Huế quà của ba về quê mang về Thu được Yến mời, sao ngày ấy thấy nó ngon đến vậy!. Nhớ nhiều về việc học hành, Thu mang tiếng học không tệ mà sang năm cấp3 lại thành tệ thế, nhờ Yến giảng bài mà không tiến bộ nhiều nên dù học thêm,học nếm mà có đậu Đại Học đâu.Nhìn thấy tuyết trắng xứ người mà nhớ nước Nga một thuở và qua blog này mới biết bạn đang ở tận Canađa.Biết ba mẹ đã đi xa,xin chia buồn cùng bạn, chúc bạn và gia đình bước sang một năm mới luôn vui khỏe, hạnh phúc, thành công thật nhiều nhiều để cho mọi người thấy rằng người Việt nói chung và người Gang Thép nói riêng ở nơi đâu trên trái đất này cũng giỏi.Mình sẽ liên lạc thường xuyên nhé.

HY nói...

Ôi Phương Thu! Lâu quá rồi chúng mình không gặp nhau. Cảm ơn Thu đã chia sẻ, bạn nhắc chuyện ngày xưa làm mình nhớ ra nhiều kỷ niệm ở Gang thép quá. Vậy là Thu đang sống ở xa Thái nguyên. Bố mẹ Thu có khỏe không? Chúc bạn và gia đình năm Mới mạnh khỏe bình an, gặp nhiều điều tốt lành.
Nhớ ngày xưa Thu học rất giỏi văn và viết rất tốt, mình những khi nhớ quê hương cũng hay viết linh tinh, cũng nhờ blog này mà mình gặp lại khá nhiều bạn cũ. Thật là thú vị với khả năng kết nối của internet. Đợt này mình bận nên viết blog không đều, email của mình đây: th_truong@laurentian.ca nếu Thu có FaceBook thì gửi cho mình link nhé.

HY nói...

@PTN: mình có đọc mà ngại phải tranh luận đề tài này quá, chỉ viết về những điều mình trải qua thôi.

HY nói...

@Chị Hoa: em vẫn lắc lọ rửa chai tốt lắm chị Hoa ơi. Nhiều lúc nhớ thời phân tích mẫu ở Trung tâm mình lắm ạ :)

News nói...

Có phải Thu lớp A1 không hả Yến?

News nói...

Đọc Ký ức mới biết. Ngày xưa không biết về chuyện này. Hồi đó hình như chỉ năm mới cả lớp mới rủ nhau tụ tập đến nhà của từng thành viên trong lớp và hồi đó cũng trẻ con chả biết gì mấy chỉ biết tết được nghỉ được đi chơi là vui rồi, con bé nhà mình cứ ghen tị sao bố mẹ chả phải học gì mà con cứ phải học suốt ngày rồi mong ước được là người lớn. Còn mình khi là người lớn lại mong ước được trở lại ngày xưa, cái thời vô tư, vô lo vô nghĩ.

News nói...

Đọc mấy cái post của cậu hóa ra vỡ lòng, lớp 1 mình học cùng lớp. vì hồi đó cô Loan làm chủ nhiệm, mình nhớ cô Loan vì hồi đó mình hay chốn học cùng Dương ra mấy cái hố bom cạnh trường tát cá, cô Loan mách mẹ mình rồi mình và Dương bị bố của Duông bắt được quả tang hai thằng trốn học đúng lúc 2 thằng đang hì hụi be bờ tát cá, và mình cũng học cùng Linh mốc thời đó, sau đến lớp 2 trường thiếu phòng học mở thêm lớp ở khu Phố Hương bố mẹ mình xin chuyển về đó cho gần nhà mãi đến lớp 4 thì lại ra Độc lập học.

HY nói...

Đúng rồi đấy Thành ạ.

HY nói...

À, sắp Tết mình cũng hay nhớ cái tục lệ rồng rắn đi đến nhà nhau chơi chúc Tết hồi xưa :)

News nói...

Vì mình học cùng lớp với Thu cả mấy năm cấp 2. Và hồi đó cũng nghịch nên bị cô giáo xếp ngồi giữa hai bạn gái là Thu và Xuân. Chả hiểu sao lên cấp 3 lại Hiền hẳn đi mới lạ. Chỉ nhớ Thu viết Văn rất hay, và chữ viết cũng đẹp hay được cô giáo đọc cho cả lớp nghe.

News nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Nặc danh nói...

Phương Thu đó là cô ấy đó! Nghe các bạn khen giỏi văn mà PT thấy buồn vì có thể khi đi học thì học rất tốt môn văn nhưng lại không phát huy thế mạnh thi khối ngành xã hội mà lại thi ngành Lâm nghiệp khối A và cứ thích gì thì làm vậy thôi chẳng có ai tư vấn hay giúp đỡ gì và rồi số phận chỉ dần nên nó cứ tự nhiên cuốn chúng mình vào dòng đời các bạn nhỉ! Mấy chục năm rồi mỗi người một nơi, nhớ tới nhau qua nhiều kỷ niệm tuổi học trò.
PT thấy Thành nói ngồi gần mình và Xuân nên đoán có lẽ là Trung Thành Phố Hương.Nhớ lại PT thấy thật ngạc nhiên vì khi học cấp II Thành rất hay đối phó việc làm bài tập ở nhà,học hành cũng bình thường mà vào cấp III thi luôn vào lớp chọn và nghe nói học rất giỏi, khi làm bài kiểm tra phương pháp giải hay quá mà thầy chưa có kết luận ngay phải đem ra tổ bộ môn để bình loạn và chấm điểm, sau này đậu đại học điểm cao và đi du học ở bên Nga.Còn PT cũng đi Nga mà đi HTLĐ nên hồi đó PT cảm thấy tự ti lắm khi bạn mình đi du học mà mình đi LĐ nơi xứ người, khi tình cờ gặp Quyến ở Mat- PT đã không chào bạn mình mà quay mặt đi và như vậy cơ hội để gặp các bạn khác hoặc là gặp đồng hương Gang Thép ở bên đó là rất hãn hữu.Sau này càng trưởng thành mình càng suy nghĩ khác và càng thấy thật trân trọng những cơ hội dù lớn dù nhỏ khi nó đến với mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Hiện nay PT đang ở tận Bảo Lộc-Lâm Đồng, một vùng đất với đặc sản là trà, cà phê , thời tiết của xứ này rất tuyệt vời, con người nơi đây cũng ở rất nhiều vùng miền tới sinh cơ lập nghiệp như đất Thái nguyên vậy nên rất hòa đồng thân thiện. Mười bảy năm ở đây thì chỉ có một năm PT đón Tết ở Thái Nguyên cùng gia đình cha mẹ nên mỗi dịp Tế đến xuân về nhớ nhà, nhớ mẹ,nhớ bạn bè, nhớ từng góc phố hàng cây(ngày xưa)của đất Thái Nguyên, nhớ khi đi học phổ thông cả lớp có 54 người thì có khi tụ tập đi chúc Tết cùng nhau được 52 người. Thời nay con cái chúng mình sống đầy đủ hơn, vô cảm hơn, thực dụng hơn, xã hội cũng mất an toàn hơn nên tình cảm không dạt dào đoàn kết như ngày xưa đâu nhỉ!Làm gì còn cái cảnh đạp xe một đoàn đi hết nhà thầy cô đến nhà từng bạn chúc Tết cả mấy ngày mùng. Thôi, cứ hoài niệm mãi năm mới lại đến nơi rồi, PT đi rửa lá ngày mai gói bánh chưng đây! Chào các bạn nhé.

Nặc danh nói...

Chào Hoàng Yến! PT rất vui khi liên lạc được với bạn qua Blog này.Mười chín năm rồi kể từ khi về Việt Nam dự đám cưới của Yến thì đó là dịp mà PT được gặp mặt nhiều bạn đồng niên nhất kể từ khi rời xa mái trường Gang Thép.Sau này họp lớp mấy lần mà PT ở tận đâu chẳng ai biết mà kết nối nên chẳng có dịp nào gặp lại các bạn xưa. PT vẫn nhớ ngày sang chào ba để đi vào "nơi khỉ ho cò gáy" này, được ba động viên rất nhiều nên PT đã có thêm nhiều nghị lực để ra đi.Sau này về chỉ nghe mẹ PT nói ba Yến đã mất,cả nhà Yến đã chuyển về Hà Nội sinh sống.Nay biết bạn sống nơi xa, biết bạn cũng nhớ nhà, nhớ quê hương như mình luôn nhớ vậy.Chúc gia đình bạn mọi sự tốt lành, nếu có thể năm nào cũng về Việt Nam nghỉ đông và đón Tết bạn nhé! Còn bố mẹ của PT thì vẫn khỏe tuy sức khỏe của mẹ thì cũng có đôi chút lo lắng nhưng mẹ bảo dù sao cũng hoàn thành trách nhiệm rồi nên không thấy buồn hay tiếc điều gì.Vậy đó! Các bà mẹ luôn dành cả cuộc đời cho gia dình,con cái mà không có gì nhiều dành cho riêng mình.

News nói...

Hồi cấp 2 mình cũng thuộc loại nghịch ngợm, không chỉ ở trường mà còn ở khu phố Hương vì cầm đầu một nhóm lít nhít suốt ngày đi đánh nhau với khu khác. Có chịu học hành gì đâu, bài vở không làm chỉ đến khi kiểm tra mới cuống lên hỏi rồi chép. Nhưng cứ đến cuối cấp thì có tu chí hơn. có cái không hiểu sao lên cấp 3 thì tính nết lại thay đổi như vậy. không chới bời gây gổ nữa. Có lẽ do môi trường vì vào lớp chọn toàn những bạn học hành tử chăm chỉ mình có muốn phá cũng chả được. Thu có số ĐT hay facebook không? vì mình về cũng hay vào SG, và lên Đà lạt. Chả hiểu bây giờ mình hay nhớ lại những kỷ niệm cũ, về VN lần nào cũng tụ tập bạn cùng học cấp 3, bạn cùng hội thời trẻ con, còn bạn bè cùng lớp thời cấp 2 thì chỉ còn liên lạc được với Dương(Bây giờ là đâị tá bác sĩ quân y viện phòng không không quân, chuyên đi khám tuyển phi công) và Tuấn Thìn. Năm mới chúc bạn và gia đình một năm mới sức khỏ dồi dào, một gia đình hạnh phúc. Cũng nhờ Facebook và Blog của Yến mà mình cũng tìm ra một số bạn bè đó. Cảm ơn cầu kết nối của Yến và cũng chúc gia đình Yến một năm mới mọi sự như ý.

HY nói...

Cảm ơn các bạn rất nhiều! Chúc mọi người ăn Tết vui vẻ, năm Mới mạnh khỏe và bình an.

Lana nói...

Năm Mới thật an lành nha Hoàng Yến. Sức khoẻ, may mắn, và những ngày đầy cảm nhận hạnh phúc nhé.

phulangsa nói...

Mến chúc bác HY và gia đình một năm mới Quý Tỵ đầy sức khỏe, an khang, cùng mọi sự tốt lành.

HY nói...

Em cảm ơn chị Lana nhiều.

HY nói...

Cảm ơn bác phulangsa nhiều, chúc bác năm mới nhiều niềm vui.

Nặc danh nói...

Chúc HY và các bạn bước sang năm Quý Tỵ tràn đầy năng lượng,hạnh phúc ấm áp, nụ cười luôn song hành trong cuộc sống. PT rất vui khi được cùng các bạn ôn lại nhiều kỷ niệm của một thời gắn bó với Thái Nguyên. Hãy liên lạc với PT qua địa chỉ này nhé:phuongtkt8@.gmail.com

Lana nói...

Thích đọc những bài như này của HY lắm. Trầm lắng nhưng không uỷ mị mà yêu thương HY à.

Nói về chiến tranh, nhất là với người Việt, vẫn luôn khó, luôn có những vết đau còn gợn. Chị thích câu em nói giá như có cuốn sách nào viết mà để mọi người ôm nhau thấu hiểu sau khi đọc thì mình nói cuốn ấy hay. Có nhiều cách cảm nhận, nhiều cách đọc, nhưng trong chuyện này mình đọc giống nhau.

Chỉ là, chị không nghĩ so sánh 'người Việt' hay 'người Đức' hay 'người Mỹ' hay người nào lấy nền là chiến tranh. Trong mọi cuộc chiến, số đông những cá nhân cầm súng/ huỷ diệt đều làm theo lý tưởng mà họ tin là chính nghĩa thời điểm họ tham gia cầm súng.
Câu chuyện là của một số đếm được người tạo ra đức tin/lý tưởng và lại có power lôi cuốn đám đông. Cho dù ảnh hưởng lớn đến đâu cũng khó qua họ để nói về một tộc người, nhất là nhiều năm sau khi ảnh hưởng ấy đã tắt, ha HY.

người ở xa nói...

Chuyện riêng của gia đình HY, nhưng mà không riêng chút nào. Mình biết cũng nhiều gia đình có hoàn cảnh tương tự, kể cả trong dòng họ nhà mình. Trong một hoàn cảnh lịch sử của đất nước bị chiến tranh , một đất nước bị chia cắt, như vậy có biết bao chuyện trái ngang xảy ra. Chiến tranh chẳng bao giờ đem lại sự tốt đẹp cả, mà chỉ là sự tàn phá, sự đau thương , sự mất mát.
Nói đến chuyện này mình nhớ cách đây một tháng con gái mình có giờ kiểm tra miệng tiếng anh do giáo sư tiếng mẹ đẻ,người Mỹ, đảm nhiệm, vì biết mẹ của sinh viên là người Viêt nên cô giáo yêu cầu con gái mình chuẩn bị đề tài " Ký ức của mẹ về chiến tranh VN". Đêm trước giờ kiểm tra, mình đã kể lại tuổi thơ dưới cho con gái nghe... ký ức về một thời tuổi thơ ở khu gang thép, về những năm máy bay Mỹ đánh phá thành phố này; mình kể về ông ngoại vì sao lưu lạc đến gang thép; kể về những người hàng xóm khi có con lên đường vào nam chiến đấu.... . Dòng kể nghẹn ngào đầy cảm xúc ( có lẽ vì nhớ nơi mình sinh ra quá ...), thâm chí nhiều lúc con gái phải an ủi mẹ. Cuối cùng mình nói với con gái rằng : Con ạ mẹ không quan trọng bài kiểm tra của con ngày mai có được điểm cao hay không mà mẹ muốn nói với con rằng , nếu có quyền ước mơ thay đổi một quá khứ , thay đổi được chuyện đã xảy ra mẹ mơ ước một tuổi thơ trong hòa bình , mẹ mơ ước ít nhất một lần được đi thăm và làm quen với ông bà cố nội của con , mơ ước gia đình các chú của mẹ không có cảnh con phân chia con trước và con sau, không có cảnh người yêu của ông ngoại con đi tìm sự bình yên nơi cửa chùa sau bao năm dài chờ đợi .
Để kết thúc vài dòng suy nghĩ này mình muốn ghilại đoạn này của HY : mỗi lần nghe chuyện thắng thua Bắc Nam tôi lại nhớ đến chuyện gia đình tôi, giá có cuốn sách nào mà khiến cho mọi người ôm lấy nhau yêu thương nhau thật nhiều sau khi đọc thì tôi khen là sách ấy hay, còn sách mà gây ra những mâu thuẫn và sự kể tội kể tình từ cả hai phía thì đều khiến tôi thấy mệt mỏi như người đi mãi trong chiến tranh, như nước mắt rơi dài trên gối canh thâu.
Kim Chi

HY nói...

Đồng ý với Lana chuyện chiến tranh thường do một nhóm người khởi lên. Tuy vậy đám đông bị lôi cuốn phải chăng dã có sẵn ham muốn họ phải là dân tộc thượng đẳng?

HY nói...

Hôm nay em mới đọc được kỹ comment chị KC viết, chị nhớ được nhiều thật, đọc rất thích ạ :)

Unknown nói...

Em nói ba mẹ đã mất, vậy mẹ mới mất hả em? Chia buồn cùng em nhé.