Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Sonnet 45 của Shakespeare

The other two, slight air and purging fire,
Are both with thee, wherever I abide;
The first my thought, the other my desire,
These present-absent with swift motion slide.
For when these quicker elements are gone
In tender embassy of love to thee,
My life, being made of four, with two alone
Sinks down to death, oppressed with melancholy;
Until life's composition be recured
By those swift messengers return'd from thee,
Who even but now come back again, assured
Of thy fair health, recounting it to me:
This told, I joy; but then no longer glad,
I send them back again and straight grow sad.
 Dịch nghĩa:

Hai thứ khác (nữa), khí nhẹ và lửa thiêu
Đều ở bên em, dù anh có ở nơi đâu
Cái thứ nhất là suy nghĩ của anh, cái kia là mong muốn (khát khao)
Chúng xuất hiện- vắng mặt với chuyển động nhanh từ chỗ này đến chỗ kia
Khi những nguyên tố mang đầy sức sống này ra đi
Trong nhắn gửi dịu dàng của tình yêu đến em
Đời anh, tạo ra từ bốn thứ, chỉ còn hai thứ*
Chìm xuống cái chết, bị áp bức bởi nỗi u sầu
Cho tới tận khi thành phần của sự sống được chữa trị
Bởi các sứ giả mau lẹ hồi đáp từ em
Chúng, tới tận lúc này, mới trở về lại, đảm bảo

Cho sức khỏe của em, cho anh biết về nó
 Điều đó đến, anh vui, nhưng sau đó vui không kéo dài
Anh gửi chúng lại và lập tức dâng cao nỗi buồn

(*đất, nước, lửa, khí là bốn thứ tạo ra con người theo triết học cổ, hai thứ nặng còn lại là đất và nước)


Dịch thơ:
 

Khí nhẹ, lửa thiêu, hồn vía của anh
Tới bên em, dẫu xa cách muôn trùng
Khí - nghĩ suy, lửa - khát khao vỗ cánh
Đến và đi, xuôi ngược giữa khoảng chung

Chúng mang theo sức sống của anh
Trong nhắn gửi em yêu tình dịu ngọt
Bốn thứ tạo anh, còn đất, nước, nặng đanh
Sầu thảm trói, đời anh chìm, chết ngột

Cho tới khi sinh khí lại trở về
Bởi sứ giả từ phương em mầu nhiệm
Tình yêu, sự sống đến chở che
Cứu vớt đời anh như phép thần tái hiện

Anh đã vui, nhưng vui liền tan mất
Gửi chúng cho em, anh lại buồn chất ngất.

 Chuyển thể lục bát

Hai điều đã tạo nên anh
Lửa thiêu, khí mảnh xin dành gửi em
Dù anh xa cách ngày đêm
Khí là suy nghĩ, lửa - niềm khát khao

Đến đi mau mắn thiết thao
Chúng mang sức sống dâng trào của anh
Dịu dàng âu yếm chân thành
Tới bên em để lòng anh thỏa tình

Đời anh bốn thứ tạo hình
Đất dầy, nước cả, khí thanh, lửa nồng
Còn hai thứ nặng như đồng
Chìm xuống cái chết, dưới vòng sầu đau

Tận khi sức sống quay đầu
Theo chân sứ giả nhiệm mầu từ em
Biết em khỏe mạnh ấm êm
Anh mừng trong dạ càng thêm mong cầu

Anh vui cũng chẳng được lâu
Đem chúng gửi lại, anh sầu thảm ngay.


CẬP NHẬT: đã sửa lại khổ thứ 4 trong chuyển thể lục bát, một số chỗ trong bài dịch thơ đã được sửa lại và post ở comment.

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Woman's Moods (Tâm trạng phụ nữ)


    Tôi đang đọc cuốn này, thấy hay vì cuốn sách giải thích nhiều điều về tâm tính của phụ nữ một cách khoa học. Nhiều đoạn tôi muốn dịch ra vì thấy rất thú vị. Theo cuốn sách thì phụ nữ có tỷ lệ bị bệnh trầm cảm hoặc lo lắng (depression or anxiety) cao gấp đôi nam giới. Những thay đổi về tâm tính phụ nữ có liên quan với các chất tạo thành trong não và việc tạo ra các chất này chịu ảnh hưởng rất lớn bởi quá trình sinh sản.

    Liên hệ đến những điều nói về phụ nữ từ xưa đến nay, những lời tả tâm tính lên xuống của phụ nữ: "nói nắng là mưa, nói gió cấp tám là chưa có gì", Khổng Tử viết: "Phụ nhân nan hóa" (đàn bà khó dạy), rồi những lệ đàn bà không tham gia triều chính, đàn bà hết kinh mới đi chùa... thấy hiểu và thương phụ nữ chúng ta hơn.   

    Cuốn này có bản online ở đây nhưng không đầy đủ:
http://www.amazon.ca/Womens-Moods-D-Sichel/dp/0380728524#reader_0380728524

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Văn chương trong đời tôi (1)

    Luẩn quẩn trong đầu tôi mấy bữa rồi vẫn là câu hỏi: "Thực ra thì văn thơ đã có ý nghĩa thế nào trong cuộc đời mình?".

    Với nghề nghiệp chuyên môn của tôi thì nó không có lợi nếu không muốn nói là có hại. Tôi nhớ những lần đầu nộp báo cáo nghiên cứu mỗi tháng, một dạng nhật ký công việc để giáo sư biết mình hiện đang làm gì để tham gia thảo luận góp ý. Bà giáo hướng dẫn gọi tôi đến và phàn nàn rằng tôi đã viết với cảm xúc của mình, như vậy không được, bà nói các thí nghiệm phải được mô tả ở dạng bị động, rõ ràng đầy đủ thông tin nhưng không lan man và KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CÓ những từ biểu lộ cảm xúc. Chẳng hạn như không được viết: "kết tủa đỏ xuất hiện trong dung dịch là minh chứng tuyệt vời của phản ứng khử từ Se(IV) về Se(0)"...

    Vậy nên tôi lúc nào cũng phải nhắc mình tỉnh táo và luôn rà soát lại những ghi chép để bỏ đi những từ không cần thiết hay bị đưa vào theo cảm nghĩ của mình một cách vô thức. Văn thơ cũng khiến tôi hay nghĩ vẩn vơ trong khi làm việc, có lần đang thảo luận với bà giáo sư ở nhóm nghiên cứu thì tôi chợt nghĩ: mắt và lông mày bà ấy sao mà giống câu 6 câu 8 trong một đôi lục bát quá, kìa hai đôi lục bát đặt song song, long lanh sinh động. Chỉ có nghĩ thế mà nhãng đi mất điều mình đang định nói, thật là tệ hại. Còn những khi bà ấy nhắc đi nhắc lại nhiều cái mà tôi không muốn nghe nữa thì tôi lại cũng để đầu óc sang chỗ khác, thường là thơ thẩn. Anh VMC có lần nói đến chuyện không nên tuyển người hay làm thơ vào làm việc, thật là chí phải :)

    Với gia đình thì số lần chồng tôi phàn nàn về chuyện thơ thẩn của tôi nhiều không nhớ hết, viết hẳn một entry cũng còn chưa đủ ;) Trong lúc chồng tôi ca cẩm tôi xếp những từ của anh ấy thành lục bát hoặc chán trò đấy rồi thì nghĩ đến chuyện khác. Bề ngoài thì như một người vợ rất ngoan ngoãn nghe chồng nói về chuyện dừng hết thơ và đừng vào mạng đọc thơ văn nữa. Tôi không biết cái trò phân tâm này là lợi hay hại, chắc là có hại nhưng mà nghe mãi một chuyện thì rất chán, nghĩ sang chuyện khác giống như mình được thoát ra vậy. Dù sao thì tôi cũng có lỗi với chồng mình vì chồng nói bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn không bỏ được thơ thẩn mạng mẽo.

    Sao tôi lại không bỏ được? Vì văn thơ luôn cứu tôi những khi buồn hay hẫng hụt, cả những khi stress vì công việc dồn dập. Tôi nhớ những chiều mùa đông chóng tối phải hướng dẫn SV trong phòng thí nghiệm hữu cơ đầy dụng cụ thủy tinh và mùi hóa chất hữu cơ, tôi chỉ mong họ làm xong để tôi được trở về phòng làm việc của mình, thả hồn vào một đoạn văn hay thơ nào đấy một vài phút trước khi trở về nhà. Vậy là dọc đường về trong đầu tôi đã ngân nga những câu thơ và văn ấy mà quên đi những mùi phát sợ và quên đi cả cái nhọc nhằn trong sự diễn đạt tiếng Anh của mình.

    Bữa trước tôi gọi điện cho một người bạn mà tôi biết đã lâu rồi, giọng bạn ấm áp chậm rãi, rất dễ mến. Vậy mà trong lúc nói chuyện tôi chợt nhận ra rằng tôi đã có thể viết ra rất tốt điều mình nghĩ, từng dòng từng dòng một cho đến khi hết ý, nhưng nói thì không như vậy. Nó giống như sự khác nhau giữa văn chương và đời thực, có nghĩa là văn chương đã ám ảnh tôi nhiều hơn tôi tưởng. Nó vẫn là sợi dây từ xưa đến giờ xuyên suốt những khúc mắc của tôi giữa cuộc đời này.

    Tôi nhớ từ khi còn nhỏ mình đã thích đọc như thế nào, tôi đi chơi khắp dãy nhà 319 nhiều khi chỉ để xem nhà ai có truyện gì mà tôi chưa đọc. Một cô gái nhỏ ngồi trên chiếc ghế gần của sổ cầm cuốn sách và tưởng tượng mình là cô gái mù trong truyện Thằng Cười, đấy chính là tôi ngày niên thiếu. Thật kỳ lạ, tôi đã nhập vai tốt đến nỗi đôi lúc trong những giấc mơ có lúc tôi thấy mình chính là nhân vật trong truyện. Khi thì là đứa con gái mơ màng trong Chó hoang Dingo khi thì là cô gái mạnh mẽ Giamilia chạy theo tiếng gọi tình yêu...
Khi ấy tôi mới khoảng 14, 15 tuổi.