Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Đối phó với bệnh tay chân miệng (kinh nghiệm của bác LH)

(Entry này được copy từ các comment của bác LH ở entry trước nhằm mục đích chia sẻ thông tin hữu ích về bệnh chân tay miệng ở trẻ em)

Về VN lần này chuyện làm tôi vương vấn bận tâm mãi là vụ vào Nhi Đồng 2. Tuy mẹ con tôi chỉ ở đó khoảng 18h thôi nhưng cảm giác khổ cực và thương xót thì không quên được. Thương con và tự thương thân, thương các em bé khác và bố mẹ chúng nó, cũng thông cảm với các bác sĩ và nhân viên bệnh viện, mặc dù không hài lòng. Giận dữ, mà không biết giận ai, vì sao tình trạng lại đến mức như vậy?

Một trong những điều tôi giận nhất là thông tin thiếu thốn. Chúng tôi, các cha mẹ, đem con vào đấy cấp cứu mà hoàn toàn mù tịt không được cung cấp thông tin gì về việc chăm sóc trẻ bị bệnh (chân tay miệng), chỉ có vài thông tin về phòng bệnh mà lúc đó thì bệnh đã mắc rồi. Hỏi nhân viên bác sĩ thì khó lắm, ai mà rảnh ? May mà tôi có người thân tìm thông tin trên internet giúp tôi. Nếu thông tin tốt hơn, tôi tin chúng ta sẽ đỡ tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền của.

Đọc thông tin y tế của Pháp, thì thấy nói rõ rằng một trong những triệu chứng nguy hiểm nhất của bệnh chân tay miệng là mất nước, cụ thể là trẻ không đi tiểu từ khoảng 10h, lúc đó phải đưa đi cấp cứu ngay (chứ không đợi đến lúc viêm não co giật thì đã trễ rồi). Lý do mất nước là do những vết loét trong miệng khiến trẻ không uống (và ăn) được. Thông tin này tôi không thấy ở bất cứ đâu ở VN.

Sau khi đã đọc vô số bài về chân tay miệng thì tôi thấy ông TS Khải đề nghị cách chữa rất là hợp lý. Nhiều người dân nói với tôi rằng bệnh này xưa nay vốn gọi là sài đẹn, mùa nóng thì phát ra, thường người ta cho trẻ con uống nước cỏ mực cho mát là khỏi, nhưng bây giờ dùng thuốc hóa chất, phá vườn ghê quá, không còn cỏ mực nữa, phải ra hiệu thuốc nam mua khá đắt.

Ông TS Khải ít nhất còn đề nghị một cách chăm sóc trẻ bệnh (khử khuẩn, chống viêm loét, bổ sung dinh dưỡng : uống nước chanh, vitamine, cháo đậu xanh, đậu đen,... tất cả đều hết sức hợp lý). Còn bộ Y tế thì không cho chúng tôi được lời khuyên cụ thể nào.

Càng suy nghĩ về bệnh chân tay miệng, tôi càng thấy việc chăm sóc trẻ tốt, nhất là cho uống nước, là hết sức quan trọng. Có lẽ điều đó có giá trị ngay cả trong việc phòng bệnh. Không phải vô cớ mà khi mùa hè nóng, trẻ con thường được cho uống đồ "mát". Ngày xưa, mùa hè tôi cũng hay được cho uống cỏ mực, ngoài Bắc kêu là "cây nhọ nồi", (nước màu đen, vị hơi ngọt và thơm, khá ngon) hoặc là ăn chè đậu đen nấu với bột sắn dây, uống nước chanh (vì chanh rẻ hơn cam).

Khi cháu bé nhà tôi nhập viện, tôi đã ra sức tìm kiếm mọi thông tin về bệnh này, hỏi tất cả những ai hỏi được. Khi nhận được lưu ý về việc bổ sung nước, suốt cả ngày tôi liên tục cho cháu uống nước chanh (bệnh viện cho uống thêm vitamine), chắc là vì vậy mà tình trạng cháu khá hơn và chúng tôi rời bệnh viện ngày hôm sau, dù bị ngăn cản (vì ở đấy điều kiện chăm sóc cháu rât tệ). Đêm trước đó cháu ngủ li bì và co giật, nhưng đến chiều hôm sau thì cháu vui vẻ tỉnh táo hơn.

Diễn biến bệnh như sau : sáng thứ 3 khi tôi cho cháu uống khẩu phần nước cam như mọi ngày thì cháu từ chối nói là đau miệng. Tôi nhìn miệng thì thấy hai nốt mọng đỏ, đã hơi lo. Buổi chiều tôi đi làm vê cháu hơi sốt nhẹ. Sáng hôm sau cháu không sốt, song vẫn ăn uống kém vì đau miệng, đến trưa cháu lại sốt nhẹ, khi chơi ngã vài ba lần, thường ngày nó lẹ như cheo hiếm khi ngã như vậy. Tối đến cháu vẫn sốt, ngủ li bì bỏ ăn, dến khuya thì bát đầu hơi co giật, đến khoảng 2h sàng thì giật mạnh hơn, rung cả con gấu bông trên chân nó. Khi đó thì tôi chuẩn bị đồ và chúng tôi đi bệnh viên. Tôi nhớ khi con gấu bông rung bắn lên, tim tôi có cảm giác lạnh giá và sau đó tôi cứ lạnh run cầm cập, phải khoác thêm bao nhiêu áo dù trời Sài Gòn nóng lắm.

Tôi cũng nhớ lại là trước đó, cũng phải tới 14h đồng hồ hoặc hơn cháu không đi tiểu. Cháu chưa cai sữa và tôi nghĩ có lẽ nhò vậy mà cháu có thêm chút dinh dưỡng vì nó hầu như không ăn gì cả.

Nốt mọng trong miệng thì phải gần 2 tuần sau mới lặn.

Hy vọng giúp ích cho các bạn,
LH

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tài liệu lấy từ :
http://www.ahsc.health.nb.ca/Patients/HealthInformation/EmergencyHealthServices/handfootmouthfr.shtml

Bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em và gây ra bởi một loại virus. Bệnh gây nên những vết loét đau trong miệng. Đó có thể là những vết mọng màu xám nhạt hoặc đỏ trên lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc đôi khi trên mông. Những vết nổi trên lòng bàn tay và lòng bàn chân thường là hiếm hơn, do vậy nếu bạn nhận thấy chúng xuất hiện ở trẻ, thì hẳn đó chính là bệnh tay chân miệng.
Mặc dù bệnh này thường gặp ở trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, nhưng người lớn cũng có thể nhiễm bệnh.

Nguyên nhân :
Bệnh tay chân miệng gây ra bởi một loại virus được tìm thấy ở trong phân. Bệnh có thể xuất hiện vì do trẻ không rửa tay sao khi đi vệ sinh. Thời gian ủ bệnh từ khoảng 3 tới 6 ngày trước khi những triệu chứng xuất hiện.

Triệu chứng :
- Xuất hiện những vết mọng trong miệng, trên lưỡi, phía trong má và trên vòm họng (giống như những vết nhiệt miệng, tức là những vết loét nhỏ). Những vết này có thể lành sau khoảng 7 ngày.
- Xuất hiện những vết mọng nhỏ màu xám trên lòng bàn tay, lòng bàn chân và đôi khi trên mông. Những vết trên da biến mất sau khoảng 10 ngày.
- Sốt từ 37,7 tới 38,8 độ C (100-102 độ F) trong vòng vài ngày.
Chăm sóc :
- Cho ăn uống nhiều chất lỏng. Do miệng trẻ bị đau, trẻ có thể từ chối uống. Một số trẻ thích mút kẹo lạnh hoặc đồ uống lạnh vì chúng làm đỡ đau. Đồ uống nóng cũng có thể làm trẻ đỡ đau. Tránh cho trẻ uống nước chanh, cam hoặc bưởi vì trẻ có thể có cảm giác bỏng rát trong miệng.
- Tránh cho trẻ ăn những đồ ăn mặn hoặc nhiều gia vị, vì chúng cũng gây nên cảm giác bỏng rát trong miệng.
- Bạn có thể cho trẻ dùng thuốc acétaminophène hoặc ibuprofène (thuốc chống viêm) theo chỉ dẫn (hỏi xin hướng dẫn sử dụng nếu bạn không biết làm thế nào hoặc cho trẻ uống số lượng bao nhiêu). Nếu bạn không chắc, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi cho trẻ uống thuốc.
- Nếu những vết loét gây ngứa, hãy dùng kem bôi (Benadryl), hoặc thuốc viên hay thuốc nước chứa histamine chống dị ứng.
- Trẻ có thể đi học lại khi những vết loét lành hẳn hoặc khi nhiệt độ trở lại bình thường.

Đưa trẻ đi cấp cứu :
- Nếu xuất hiện những vết loét ở những nơi khác trên cơ thể, tức là ngoài tay, chân, mông và miệng, hoặc nếu có vết loét ỏ kẽ những ngón tay và ngón chân.
- Nếu những vết loét trên da có vẻ bầm máu hoặc có dạng mạch máu vỡ, hoặc nếu chúng có màu tím.
- Nếu bạn nhận thấy có triệu chứng mất nước, như là khi trẻ cảm thấy khô và dính trong miệng, không có nước mắt khi khóc hoặc trẻ ít đi tiểu.
- Nếu trẻ cảm thấy cứng cổ, đau đầu, nếu trẻ ngủ thiếp đi ngay cả khi nó đã ngủ rồi hoặc nếu trẻ mê sảng.

Đi khám bác sĩ :
- Nếu sốt quá 3 ngày
- Nếu tình trạng trẻ không đỡ hơn

Nặc danh nói...

Tôi xin lỗi dịch sai câu này : "Nếu những vết loét gây ngứa, hãy dùng kem bôi (Benadryl), hoặc thuốc viên hay thuốc nước chứa histamine chống dị ứng."

Trong đó chữ "chứa histamine" là sai. Vậy câu đúng phải là :
"Nếu những vết loét gây ngứa, hãy dùng kem bôi (Benadryl), hoặc thuốc viên hay thuốc nước chống dị ứng."
LH