Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

viên- điều, sĩ- sự, nỗi- quân

Sang nhà bạn Nhị Linh thấy cái tiêu đề có lối cân bằng viên- điều ngồ ngộ gây cười: Biên tập viên là một điều ác :), cái mặt tủm tỉm kèm theo có thể hiểu là tác giả cố tình viết hài hước thế (để câu view chẳng hạn ;), tôi bắt chước NL viết ra vài câu kiểu đó:

- Ca sĩ hiện nay là một sự khoe ngực

- Hải quân VN là một nỗi thiếu thốn gian nan

Viết sai mà đọc có vẻ xuôi tai nhỉ, sai vì người thì phải tương đương với người, nếu coi "là" là một dấu bằng, hai vế cần tương đương, người (viên, sĩ, quân) không thể là điều, sự, nỗi được. Tôi là kẻ yếu, anh là kẻ mạnh...

Nhưng trong văn học thì lối viết sai này lại được chấp nhận thậm chí được coi như một sự so sánh sáng tạo. Ví dụ: "Nàng là một nỗi buồn không tuổi", "Thằng ấy là nỗi nhục của dòng họ"...

(Nhân thể, chị Đoàn Minh Phượng có nhắc đến niềm mong ước được tự do viết sai của Nguyễn Ngọc Tư ở đây)

Đương nhiên trong văn học thì "nàng" cũng mênh mông mà "buồn" cũng mênh mông, và "Làng quê thì mênh mông" lắm, bữa trước tôi cũng nhân đọc blog bạn Nhị Linh mà đang đêm khuya đi Gúc truyện ngắn này để đọc, đọc xong sợ đến mất ngủ, thế là đêm cũng thành mênh mông nốt! :)

Trong các văn bản không phải văn học, lối viết viên- điều, sĩ- sự, nỗi- quân ở trên gây sự chú ý bởi khoảng chênh lệch giữa danh từ và danh từ không cùng loại. Sự khập khiễng này khiến ta có cảm giác tác giả đã viết lệch. Nhưng với tôi dù sao nó cũng không gây ra cảm giác tức họng giống bị hóc xương như khi đọc một câu khác trong đó người được so với người chẳng sai ngữ pháp tí nào hết, chỉ có điều ở câu này, một người yêu nước bị coi là một thằng ăn cắp. Nghẹn họng.

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

"Nghẹn" thật.
Bởi khó ngờ những mớ học thức được nhồi nhét kỹ lưỡng đã "vật dụng hóa nhân cách" đến thế!

Lana nói...

Cái này sắc sảo, nhà thơ ơi.
Đọc hay lắm. Và không thể lướt.

HY nói...

@Chu Nam Cuong: dù biết rằng mọi sự phơi bày ra ánh sáng nhanh thôi vẫn không khỏi cảm thấy buồn thay cho học thức :(

@Lana: thanks chị Lana, em lan man và xả ấm ức tí.