Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Comment ở blog chị Lana

(Nhờ có Entry Điểm thơ ở blog chị Lana mà tôi viết comment này, copy về đây vì muốn lưu lại suy nghĩ của mình về một vấn đề gây tranh luận)

Chị Lana, cuối tuần em ra ngoại ô, chiều nay về mới viết trả lời chị được. Dù em có hay làm thơ nhưng em thường viết bằng cảm xúc/giác và thói quen chứ trình độ lý luận về thơ của em là không có, bình thường em cũng không giỏi tranh luận, nói chung em ít khi tranh luận về thơ văn một cách bài bản, em viết thế này theo những gì em cảm nhận thôi chị ạ.

Em nghĩ cuộc sống là dòng chảy theo thời gian cho nên thơ không thể đứng yên, bất biến, những định nghĩa về thơ cũng vậy.

Một ví dụ về sự thay đổi dễ thấy nhất là sự thay đổi trong môi trường sống, cách đây hơn nửa thế kỷ, Nguyễn Khuyến viết: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”, hay Lưu Trọng Lư viết: “Con nai vàng ngơ ngác/ đạp trên lá vàng khô”, đó là cảnh mà các thi nhân của chúng ta sống trong đó, những cảnh hiển hiện trước mắt họ và đi vào thơ. Cảnh và thơ đều đẹp, người đọc yêu thích cảnh và thơ ấy. Thi sĩ bây giờ tìm được một cái “ao thu nước trong veo”, hay “một con nai vàng ngơ ngác” giữa đời thực là rất khó, nai thì tuyệt chủng rồi, ao thì ô nhiễm túi nilon lềnh bềnh…

Ký ức về thơ của đa phần chúng ta thường là những gì trong trẻo đẹp đẽ, bi hùng nên nếu ta đọc thơ thi sĩ viết chệch ra khỏi đường ray đó thì cảm giác của ta là thất vọng, nhất là những lời thơ đó lại cho ta cảm giác bức bối, bẩn thỉu thậm chí như những lời rác rưởi của cuộc sống đời thường. Nhưng nếu ta nhận thấy rằng thi sĩ chỉ đơn giản phản ánh chân thực của cuộc đời mà họ đang sống thì liệu ta có chấp nhận thơ của họ không? Nếu chúng ta cũng có lúc cảm thấy bức bối về rác thì chúng ta có chấp nhận rằng: “Nay ở trong thơ nên có rác” không?

Những cảm xúc của người thi sĩ khác với những cảm xúc chúng ta thường thưởng thức trong thơ cũng vậy, đơn cử như bài Hoa sữa, nếu chúng ta quá quen với những mô tả về mùi hương hoa sữa nồng nàn lãng mạn, có người nói cảm giác khác khó chịu về mùi hương ấy thì sẽ khiến ta muốn phản ứng nhưng nếu ta lắng nghe cảm xúc của họ biết đâu ta lại hiểu được ra trên đời này cái gì cũng có hai mặt của nó. Những thi sĩ chọn những lối đi khác nhau để tiếp cận một mùi hương chẳng qua cũng để cho chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc đời. Nếu chỉ có những lời khen ngợi mùi hoa sữa được cất lên thì sự thể có lẽ sẽ dẫn đến đúng như thi sĩ nói “một không khí đậm đặc mùi hoa sữa”. Thi sĩ không chấp nhận được cái mùi đấy cũng chỉ vì muốn hướng đến một không khí tự do trong lành hơn. Tự do đơn giản có khi chỉ là không muốn ngửi mãi một mùi cho dù nó có thơm nồng nàn đến đâu, nó có được nhiều người từ trước đến nay ca ngợi đến đâu. Tự do đơn giản có lúc chỉ là ai cũng được nói ý nghĩ thật của mình ra mà không phải chịu sự kiểm duyệt nào dù người ấy là một Giáo sư toán được giải thưởng danh giá hay là một thi sĩ nghèo xác ở hẻm 47 xuất bản thơ theo lối photocopy…

Chị Lana, thơ Bùi Chát có bài em thấy hay có bài không nhưng em thấy thi sĩ BC là người dũng cảm, bữa trước em viết bài Cái đấy bỏ đi là muốn nói đến sự dũng cảm này. Ông công khai đưa vào thơ mình nhiều từ ngữ, hình ảnh mà các thi sĩ trước ông không dám. Đậm đặc hơi thở cuộc sống bình dân bụi bặm và nhạo cười tất cả, ông khiến người ta phải nghĩ lại về thơ, vậy cuối cùng thì thơ là gì? Hẳn nhiên là ông chịu sự ném đá của dư luận, chắc ông cũng phải chịu nhiều hệ lụy. Nhưng ông cùng những người bạn của mình ở nhà xuất bản Giấy Vụn cũng đã vạch ra một dòng chảy khác trong thơ Việt nam đương đại, dòng chảy mà sau này lịch sử thơ văn nước nhà chắc chắn phải kể đến.

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Đôi khi

Đôi khi muốn gặp người xưa
Hỏi xem người ấy bây giờ ra sao

Khó nghèo hay đã sang giầu?
Lạc quan phấn khởi (hay) buồn rầu ủ ê?
Khỏe mạnh hay bệnh yếu rề?
Cố công thành đạt (hay) cam bề buông xuôi?

Chăm chỉ hay hóa biếng lười?
Thủy chung hay đã chơi bời trăng hoa?
Thẳng ngay hay hóa gian tà?
Ra người quân tử hay là tiểu nhân?

Hỏi xa cho chí hỏi gần
Hỏi làng xóm cũ đông lân bạn bè
Vấn an cha mẹ cận kề
Hỏi sang em út nghiệp nghề ra sao?

Rồi thì hỏi vợ thế nào
Xấu xinh? hiền dữ? thấp cao? sang hèn?
Yêu thương có sánh hờn ghen?
Thảnh thơi hay phải bon chen nhọc nhằn?

Hỏi sang đến của để dành
Gái trai nếp tẻ phúc lành mấy cơi?

Bao câu hỏi bấy nhiêu lời
Như dòng sông chảy xuyên đời bấy nay
Lắng nghe nước tỏa thưa dày
Tràn muôn giăng mắc những ngày xa xưa...




Ảnh mình và bạn cùng học hồi lớp 4 :)

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Cái đấy bỏ đi

Muốn gọi cái đấy bằng tên
Cái tên dung dị đậm duyên cội nguồn
Nhưng mà ngại chúng bạn buồn
Hay là có kẻ giận hờn bỏ đi
Đành bắt cái đấy nhu mì
Giấu vào tơ lụa rồi thì gấm nhung
Nhiễu Tàu thêm dải bó lưng
Xiết ngoài cho chặt núi rừng bể dâu
Nào ngờ dung dị rĩ rầu
Một ngày duyên đậm âu sầu bỏ đi
Có người thương nhớ vân vi
Hóa ra Bùi Chát mê si kiếm tìm
Lênh đênh biết mấy nổi chìm
Một ngày anh cũng đã nhìn được ra
Tên xưa dung dị thật thà
Bồn chồn nguồn cội đậm đà phiêu du
Vào ra chén tạc chén thù
Hỏi rằng có muốn đền bù nhục vinh
Cái đấy thủ thỉ tâm tình:
"Mong đời rộng lượng cho mình chính danh"
Nhưng vì thiên hạ hẹp vành
Cho nên danh chính cũng đành bỏ đi...

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Your Dream City

(Hôm nay tôi nhận được email này từ em Dương, một người bạn mạng rất đáng yêu có nick Oshin/Daisy, rất nhiệt tình trong việc phổ biến các kiến thức, thông tin hữu ích cho cuộc sống, cho việc bảo vệ môi trường, tôi post thư em Dương lên đây hy vọng nhận được sự giúp đỡ của các bạn cho nghiên cứu của em, cảm ơn các bạn - HY)

Dear friends,

Please take some minutes to help me with this survey as it is part of the research for my thesis.

What kind of city/community do you want to live in? How do you envision it?

* https://sites.google.com/site/sustainabilityvision/urban-survey

Please feel free to forward this survey to your network if possible...

Many thanks in advance!

With my best regards,

Thuy Duong

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

Bảo tàng hàng không Canada

Cuối tuần trước mình đưa con trai đi xem Bảo tàng hàng không Canada, nhà trưng bày rất rộng và đẹp, có nhiều loại máy bay từ xưa đến nay khiến con trai thích mê.

Hai mẹ con đang đi xem các mẫu trưng bày máy bay rất khoái chí thì đột nhiên mình nhìn thấy một pháo đài bay chuyên dùng thả bom, có hai cánh mở dưới bụng nơi bom được treo thành hàng, bên cạnh máy bay cũng có trưng bày một đống bom. Mình thấy quặn ruột hết muốn xem tiếp, nhìn theo con trai chạy tung tăng.

Ngồi ở ghế đợi con nhớ đến những đêm tối mịt xa xưa mẹ đưa mình xuống hầm tránh bom, đến khi lên khỏi hầm thì trời hưng hửng sáng, sương đầy trên cỏ miệng hầm. Cũng nhớ cả "Kìa chú là chú ếch con có đôi là đôi mắt tròn chú ngồi học bài một mình bên hố bom kề vườn xoan..." bữa trước vừa nghe lại.

Thấy ở Youtube có video này quay cảnh ở Bảo tàng nhưng không thấy cái pháo đài ném bom kia, chắc người quay cũng có ý muốn tránh, vậy cũng đỡ: