Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

Những chuyến tàu đêm

Copy đoạn văn này ở blog loanh quanh, đoạn văn làm mình nhớ lại những chuyến tàu đêm Hà nội -Thái nguyên, nhớ ga xép Lưu xá vắng vẻ, ký ức xa xôi tưởng như chìm khuất dưới bao nhiêu gió bụi của thời gian, vậy mà xuôi theo những câu chữ thì lại như nghe âm âm tiếng còi tầu đâu đây, lại như thấy những vạt đồi chạy ngược hun hút vào bóng đêm...

Luôn luôn tôi nhớ những chuyến tàu đêm đi Yên Bái, Lào Cai... nhớ cái ấn tượng đến ám ảnh của lần đầu tiên. Con tàu cổ lỗ, còi hơi. Hành khách là những người bình dân-đủ mọi hạng người, nhếch nhác... Cái không khí chộn rộn, ngai ngái của sân ga về đêm, dưới ánh đèn điện vàng vọt. Cái giọng nhắc tàu rất đặc biệt, đặc biệt ngang với chương trình ngâm thơ trong mục Văn nghệ của đài tiếng nói VN lúc đêm khuya gần Tết âm lịch. Xe ôm, xich lô, khuân vác, chè chén,... người đưa người tiễn, cái dáng vẻ láo nháo ngơ ngáo tìm nhau... Sự vội vàng của người về, vẻ bồn chồn của người đi...

Con tàu sẽ rục rịch rồi đi qua phía lưng của những khu phố cũ. Tôi ngồi trong toa ghế cứng (đấy mới là nơi của đa số mọi người), nhìn qua khung cửa. Không bao giờ người ta chú ý đến phía sau ngôi nhà cả. Con tàu như đi qua một thế giới chưa hề thay đổi-một thế giới, cũ, nhếch nhác và không hề mảy may làm duyên làm dáng. Thảng hoặc có xuất hiện vài người thì cũng là những phút giây không hề duyên dáng, cũng chẳng buồn ngó con tàu... Tất cả là một thế giới không phải của hiện tại. Khi tàu đi qua đoạn Đường Thành, tự nhiên thấy khác lạ vô cùng. Phố cũ Hà Nội nhìn từ trên cao xuống thấp thoáng sau hàng bàng đã thưa lá ngày cuối đông thật yên tĩnh khác thường. Từ trên đây thấy phố chả khác ngày xưa chút gì.

Ngang qua sông Hồng, gió bắt đầu lộng thổi. Cây cầu Long Biên xa xa trong ánh đèn vàng mờ mờ một quầng..cầu chỉ riêng cho người đi bộ và đi xe đạp- chủ yếu là xe đạp thồ, nhiều nhất vào sáng tinh mơ, khi mọi người chở rau sang phố..Thành phố lãng quên nhiều thứ quá, nên mới còn đầu sông cuối bãi này để mà đôi khi ta ra ngó cho lòng dịu lại... Tôi luôn thấy chuyến tàu là một hình ảnh thật giống với hình ảnh cuộc đời. Đủ mọi hạng người trên cùng một hướng đến đại thể. Ngồi lên đây rồi là không ai nghĩ đến một hướng đi khác nữa-không chọn lựa. Ở trong xe lửa là yên tâm nhất. Mọi sự vẫn trôi đi mà khối sắt thép này là đảm bảo tuyệt đối cho sự an toàn trước mưa gió ngoài kia. Có thể gặp vô số cảnh đời nơi đây: một cụ già về quê, một gia đình chộn rộn có con nít, những người đi buôn, những người đi làm, những đôi lứa đi du lịch, những người không thể biết... Trên tàu cũng có sự phân biệt, có trật tự riêng... trật tự của những người cả cuộc đời ở trên dòng lắc lư này.

Khi đêm đã hơi muộn rồi, trời se lạnh thì mọi người đa phần đều ngủ hay gà gật. Tàu đang đi qua những cung đường vắng. Một vài ngọn đèn vẫn bật đủ soi mờ tỏ những dáng hình con người. Mọi người cố xoay sở cho mình tư thế thoải mái nhất có thể: những cái áo đắp tạm, người thì nằm ngang, chân gác qua thành đối diện, có người mắc võng và không ít người nằm luôn xuống sàn tàu có hoặc không có tấm gì kê lưng. Tạm bợ, tất cả đều tạm bợ vì chuyến đi chỉ là tình cờ, mọi người đều chờ đợi sự sạch sẽ tại nơi đến của mình. Bất giác tôi liên tưởng đến một cái nhìn trong suốt-tôi luôn ao ước có ai vẽ ra bức tranh ấy: trong con tàu, loại trừ đi những vách ngăn, nơi này là những người nằm ngồi la liệt, khoang bên là sáu con người một gian..mỗi người một tư thế, một dáng vẻ trong một thế giới ba chiều. Ai cũng bàng quan nghĩ rằng mình đơn lẻ, riêng tư... Ai đó nói mê, một vài người trở mình, thỉnh thoảng có người quờ quạng đi về phía toa lét, băng qua những cái chân ngáng, len lách giữa những thân người. Mỗi lần ngồi trong một toa tàu tôi thường luôn tìm một hình dáng nổi bật nhất. Một cô nào đó sẽ được chọn làm hoa hậu và hễ cô còn ở đó và không bị thay thế thì cảm xúc của tôi vẫn còn trung thành với cô đấy... Bất chợt một vài người bừng tỉnh, lục sục đồ đạc. Giọng thông báo ngái ngủ, con tàu sắp dừng lại một ga lẻ nào đó. Khuya rồi. Sương lạnh xuống mờ mịt. Con tàu dừng lại giữa một quãng rừng vắng. Trong đêm tối, cái ga xép chả thấy đâu, quầng sáng vàng vọt chỉ đủ soi thấp thoáng cây cột điện, hình như có nếp nhà sàn... Vài ba người xuống tàu, rồi vội vã tan mất vào trong đêm tối. Không biết giữa rừng thế này họ đi về đâu? Cũng không ai để ý họ cả, mọi người chìm trong giấc mộng mị, thấp thỏm...

(Tung H)

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2009

Trăng

Tôi ngồi tôi đợi trăng lên
Trăng đi đâu đấy mà quên lối về
Nước mây tình đã ê chề
Âm u trải khúc não nề chờ trăng.

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

Mùi tanh của cá

Hôm trước tôi có vào comment cho vui về một lỗi ngữ pháp trong tên bài "Đe dọa của loài heo" ở blog bạn QA. Nhân tiện hôm nay đọc entry mới cũng thuộc blog QA: "Ngữ pháp: quy chuẩn và tự do", tôi viết ra đây mấy suy nghĩ về chuyện viết và ngữ pháp. Gọi là mượn cái duyên bạn bàn đến ngữ pháp thì tôi nói đôi câu chuyện cũng cho vui thôi chứ cũng không có ý định anti "tự do" pro "quy chuẩn" gì, bởi cách viết thế nào là phụ thuộc vào người viết, người viết lại dựa vào môi trường giao tiếp, hoàn cảnh, mục đích viết và khả năng của mình mà lựa chọn cách viết cho phù hợp theo suy nghĩ của họ.

Mọi người đều biết ngôn ngữ là dòng chảy sống động theo thời gian, vì vậy ngữ pháp hay nói dài ra là thứ pháp luật của ngôn ngữ cũng không đứng yên, nó cũng phải phát triển phù hợp với sự đa dạng phong phú của ngôn ngữ. Tôi cho rằng lịch sử của ngữ pháp là cuộc đua chạy theo đặt tên, định dạng, tìm hiểu chức năng, phân tích các mối quan hệ ràng buộc, các quy luật chung... của ngôn ngữ. Vì vậy nếu hiểu ngữ pháp không thay đổi là sai. Bạn cứ bay theo lối tự do nếu có thể, một khi đường bay của bạn đẹp, nhanh, tiện lợi, hợp lý, nhiều con chim khác sẽ bay theo thành lối quen, lối quen sẽ dần dà được công nhận một cách chính thức. Vấn đề là "em đây chọn lối nào?".

Tại sao lại cần đến quy chuẩn trong ngữ pháp trong khi dù có viết thoải mái tự do đảo lộn tùng phèo cắt từ cắt ngữ người ta vẫn hiểu nhau? Quy chuẩn ở đây chính là cái thước đo để người ta có thể so sánh mọi biến hóa trong cách viết với nó. Các môi trường hoàn cảnh khác nhau có thể cho ra các biến hóa khác nhau, người ta cần đến một cái thước nhất định để xem xét chúng.

Hiểu nhau là được, lý do mà người ủng hộ lối viết tự do không cần quy chuẩn đưa ra rất hợp lý, nhưng câu hỏi ở đây là: người hiểu được là ai, bạn viết cho ai đọc? những người chia sẻ chung lối viết tự do không niêm luật với bạn hay cả những người khác số đó? À, nhân đây tôi giải thích luôn cái tên nghe có mùi của bài viết này. Nó bắt đầu từ câu chuyện ai cũng biết về anh chàng treo biển "Ở đây có bán cá tươi", nghe người ta bàn anh cứ cắt dần câu quảng cáo đến khi chỉ còn chữ "cá". Người cuối cùng góp ý cho anh rằng: đến gần đã thấy mùi tanh rồi còn trưng biển cá làm gì. Thế là anh chàng cất luôn cái biển. Như vậy mặc định là những người mua hàng của anh phải là những khách quen hoặc những người ngửi được mùi tanh của cá mà đến mua, những người lạ và mũi điếc có đang đi tìm hàng cá cũng thôi khỏi mua. Mùi tanh của cá ở đây là một quy ước để hiểu nhau, nó cũng tựa như thứ ngôn ngữ mạng hoặc ngôn ngữ teen chỉ có dân mạng với dân teen thấy dễ hiểu, những người khác dịch toét mắt không ra.

Một người bám vào quy chuẩn trong viết lách để mỗi câu viết ra đúng ngữ pháp quy chuẩn cũng có thể là một người có nhược điểm tỉ mẩn, hèn nhát và chưa chắc đã thành công trong sự nghiệp nhưng một kẻ viết câu cú sai phạm quá trời trong những bối cảnh cần theo quy phạm cũng không chắc không phải là một kẻ cẩu thả, lười biếng, thậm chí mất gốc về ngữ pháp, câu cú. Lối nói chuẩn tắc của ai đó nơi bàn nhậu với đầy đủ câu cú "sự" nọ "sự" kia có thể bị chê là rởm đời, không quần chúng, cũng như vậy lối viết lách tự do, cẩu thả, nhầm lẫn ở nơi này rất khó chấp nhận có thể được chấp nhận thậm chí được tán thưởng như một style mới ở chỗ khác. Vấn đề quay trở lại với hoàn cảnh và đối tượng hướng đến của người viết. Lối viết nào hướng đến số đông công chúng, lối viết nào chỉ phục vụ nhóm nhỏ.

Cũng có khi có người cố tình dùng lối viết sai gây sock, tạo cảm giác lạ, unecxpected nhằm mục đích thu hút sự chú ý của người đọc. Một trường hợp khác là để biểu lộ sự phản kháng, muốn phá bỏ những luật lệ mực mẹo cũ, làm cách mạng trong ngôn ngữ, điều này hay gặp ở tuổi trẻ.

Trước khi muốn viết lách một cách phóng túng thì người viết cần được học môn ngữ pháp một cách bài bản, đó chính là lý do mọi trường học phổ thông ở mọi nơi đều dạy học sinh môn ngữ pháp. Và cuối cùng tôi muốn chốt lại một câu là ngữ pháp theo quy phạm giúp cả người viết lẫn người đọc hiểu nhau một cách chắc chắn cho dù họ không thuộc một nhóm, không biết nhau là ai, không ngửi được "mùi tanh của cá".

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009

Chuyện CO2

(Chuyện về CO2 bạn sẽ còn được nghe dài dài ở blog này, mình tranh thủ lúc rỗi tiếp tục điểm báo về tình hình thải khí CO2 toàn cầu và hành động của các chính phủ. Nếu coi thế giới là một cái làng nhỏ thì có mấy câu cửa miệng của người Việt mình có thể áp dụng trong trường hợp này, đó là : 1. "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi", 2. "Nói mãi cũng thế thôi" 3. "Cha chung không ai khóc", 4. "Sống chết mặc bay, anh mày cứ xả" ... và những câu khác chưa nghĩ ra, nghe gần gũi nhỉ)























(Figure: Nature.com)


Trong khi các nhà khoa học đang tính toán hàm lượng CO2 trong không khí ở mức nào được coi là an toàn thì việc thải CO2 thiếu kiểm soát vẫn tiếp tục diễn ra.

Ít nhất 9 tỉ tấn CO2 thải ra mỗi năm cộng thêm vào số 500 tỉ tấn do con người đã thải vào bầu khí quyển. Nếu xu hướng này tiếp tục, tính đến trước năm 2050, loài người sẽ thải khoảng một nghìn tỉ tấn CO2 vào bầu khí quyển và điều đó có thể đủ để biến hành tinh của chúng ta thành một nơi nguy hiểm(1).

Vậy mà nói đến chuyện cắt giảm mức khí thải CO2 thì nhiều nước kể cả những nước có mức thải rất lớn hoặc là không hành động gì hoặc là hành động hết sức chậm chạp. Gần đây, lý do phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế được đưa ra che chắn cho sự chậm trễ đối phó này.

Chính phủ Úc đã trì hoãn kế hoạch cắt giảm khí thải, ngày 4-5 vừa rồi thủ tướng Úc Kevin Rudd thông báo kế hoạch cắt giảm sẽ được thực hiện vào ngày 1-7-2011, lùi lại 1 năm so với dự kiến, lý do là để: “kiềm chế những ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu”(2).

Với Canada, trong cuộc tranh cử năm 2008, đảng Tự do vận động cho “green shift”, một kế hoạch thu thuế việc gây ô nhiễm. Do đảng này bị mất một số ghế đáng kể nên ý tưởng thu thuế carbon trong nước (thuế gây ô nhiễm CO2) bị loại bỏ.

(còn tiếp)

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Cuộc sống sau loài người

Cuộc sống trên trái đất sẽ thế nào nếu không còn con người, bộ phim mô tả quá trình xảy ra theo dòng thời gian kể từ thời điểm con người vắng bóng:
Life After People

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2009

Hành động đi thôi

Nature.com mới có bài Time to act phản ánh một sự thật rõ ràng: nếu không có một cam kết chắc chắn từ các chính phủ của các nước trên thế giới, thì việc ngăn chặn sự biến đổi khí hậu chẳng thu được mấy kết quả.

Bài báo nhắc đến Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc sẽ được tổ chức tại Copenhagen tháng Mười hai năm nay.

Đúng là chính phủ các nước có các biện pháp để thắt chặt mức khí thải, nếu áp dụng nghiêm túc, các biện pháp này sẽ cho kết quả tốt. Nhưng có lẽ các chính phủ sẽ ngại nhúc nhích vì áp lực từ kinh tế, vì vậy các công dân trên khắp thế giới cần phải đòi hỏi sự nghiêm túc từ chính phủ của mình ở trong nước họ và trên phạm vi thế giới.