Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

Bão Trên Phây


Giờ thì tôi biết vì sao Canada có giải Nobel văn chương, thứ nhất là mùa đông lạnh lẽo và yên ắng, rất thích hợp cho việc đọc và viết sách, thứ hai là họ không có bão trên phây, có nghĩa là không phải chúi mũi vào FB để xem hoặc tham gia những trận bão tố cuồng phong trên đó, cho nên cứ tha hồ tập trung tư tưởng mà viết sách cho đến khi đoạt giải thì thôi.
FB Việt thì luôn có bão, hết trận này đến trận khác, có cơn dài đôi ngày thì lặng có cơn dai dẳng cả tuần giời cuồn cuộn, cuốn đi không biết bao nhiêu thời gian và sức lực của bao nhiêu con người. Bao nhiêu nhà báo, nhà đài, nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, nhà đạo đức... nhà vv và vv... đều tự nguyện biến mình thành những nhân viên phòng chống bão trong vòng 24h sau khi bão chớm hình thành và đa phần trong số họ thường khiến cho bão lớn hơn thêm nhiều lần, cứ là cuồn cuộn gió những tầng news feed, dào dạt mưa notes và share, rất hãi.
Để tìm hiểu tại sao lại có sự khác biệt giữa hai nơi quê hương thứ nhất và thứ hai của tôi về vấn đề bão tố này, tôi xét đến mọi yếu tố địa lý, khí hậu, con người, văn hóa... và cuối cùng thì rút ra được mấy điểm khác nhau mấu chốt như sau:
Thứ nhất là môi trường thông tin ở Ca công khai rõ ràng, bà con muốn biết gì đều có thể tìm hiểu. Các thủ tục hành chính từ đóng thuế cho đến lĩnh hưu trí, trợ cấp, thậm chí đến giấy đăng ký nuôi mèo...vv đều có thể làm online, rất dễ dàng thuận tiện cho người dân. Bà con có thắc mắc gì có thể gọi điện gửi email đến các cơ quan thành phố hay bang phụ trách về vấn đề đó, không đồng ý việc chặt cây hay chó hàng xóm quấy rối, mọi việc đều có hồi đáp rất nhanh chóng dễ dàng.
Trong khi đó thì báo chí Việt có vẻ rất rôm rả nhưng thông tin lại khá mờ mịt, tịt mít, cái người dân muốn biết chưa chắc đã được biết, muốn thay đổi cũng khó mà thay đổi. Rốt cuộc là báo chí nặng về giải trí, moi móc tin showbiz mua vui. Khi nhân dân cần tìm lời giải đáp cho một vấnđề thì thường phải tự tìm kiếm và bàn bạc tụ tập trên FB, từ những cơn áp thấp ấy mà bão dễ hình thành.
Ở Ca, nếu có vấn đề gì lớn, báo chí sẽ vào cuộc, khi đó các nhà báo sẽ mời các nhà khoa học, chuyên môn, các chức sắc hữu quan tham gia ý kiến, đưa ý kiến cuả họ lên báo đài rộng rãi bàn thảo. Các nhà khoa học có ý kiến khác nhau thì có thể tìm đến những người giỏi nhất về lĩnh vực đó để đưa ra ý kiến tiếp tục.
Thường thì ngay cả giáo sư tiến sĩ họ cũng chỉ có chuyên môn về một lĩnh vực nào đó thôi, tựa như chuột đào hầm thì rõ các hang hốc mình nhất, hỏi đến hang hốc của họ thì họ sẽ nói rõ ràng đường ngang ngõ tắt của nó, chứ không phải đi hỏi cái người việc gì cũng chém phăng phăng, mình rất nghi các bác chém gió quanh năm gió nào cũng chém trên phương tiện thông tin Việt hihi.
Thứ hai, về mặt văn hóa, người ở Ca tôn trọng cuộc sống cá nhân của người khác và của mình, ít khi có chuyện lôi đời tư người ta ra chém ầm ầm trên FB, cái văn hóa này mà du nhập được dần dần vào ta thì cũng đỡ đi bao nhiêu phần bão tố. Trong cái vụ Hà Hồ thật ra thì người ta ở vị trí nào thường bênh vị trí đó và phê phán các vị trí kia, người thứ nhất thì bênh người thứ nhất chê người thứ hai, ba và ngược lại...
Thứ ba, người Việt giỏi văn chương thơ ca, có giỏi toán đấy nhưng không có áp dụng toán vào đời sống, cái cần xem nhiều khi chỉ là cái biểu đồ hay bảng số liệu, thì lại đi viết notes dài lâm li tâm tư nhiệt huyết phun trào khiến cho bão đã to lại càng to thêm mà chẳng hiểu đầu cua tai nheo và sự chính xác của nó nằm ở chỗ nào, cứ bão là bão thôi, bão chán chê mê mỏi mới biết cái tâm của cơn bão không có thật. Thế có chết bà con không?!
Cuối cùng, chắc là do nhiều người cứ thích hóng bão nên bão mới hay xuất hiện, nhân tiện kiểm điểm luôn, tui cũng hay hóng bão trên phây, tự mình mà thế còn đi chê bà con quê nhà, thật là xấu hổ quá đi. Hy vọng bão trên phây là hãy là những cơn gió lành có ích có thể tích tụ theo ngày tháng góp phần thay đổi quê hương tôi. Hóng gió ấy vừa đỡ ngượng vừa vui thích, cho dù có tốn thời gian đến nỗi ko được giải gì cũng hạnh phúc một đời.
3-3-2016