Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Đọc Xem Đêm của Phùng Cung

Bạn tôi đọc tập Xem Đêm nói rằng những bài thơ ngắn trong tập khiến bạn liên tưởng đến thơ Haiku của Nhật bản, và đó là những khoảnh khắc trở về với chân diện cuộc đời rất sắc nét và thấm thía của một người từng chịu những tai ương bút nghiệp nặng nề của một thời. Tác phẩm của Phùng Cung trước đây tôi chỉ mới đọc truyện Con ngựa già của Chúa Trịnh và xem đâu đó những lời rầm rì xung quanh nó.

 Nhận xét của bạn khiến tôi muốn đọc ngay tập Xem Đêm, những cảm nhận thích thú cứ tăng dần trong tôi qua từng bài, đến cuối tập thì tôi hoàn toàn bị thuyết phục và chìm đắm trong thế giới thơ của Phùng Cung. Viết lời cảm nhận này, tôi ghi lại cảm xúc của mình khi đọc Xem Đêm và cũng muốn nêu một suy nghĩ khác nối tiếp nhận xét của bạn tôi rằng thơ Phùng Cung trong Xem Đêm thực ra khác Haiku của Nhật, có một thứ keo đặc biệt của ngôn ngữ thuần Việt nối giữa các từ khiến cho các bài thơ của ông mang phong thái khác, đó thứ thơ mang hồn Việt chân chất và dân dã, nhưng lại có sức mạnh khơi gợi mênh mang, như nhát cuốc bổ xuống đất thịt sớm tinh sương và lật lên khối đất nâu để nắng sớm gió sớm đến đưa hương đất mùn màu mỡ bay xa.

 Những bài thơ không chỉ là khoảnh khắc tĩnh tại mà luôn chứa cả câu chuyện dài đằng sau.

Chuyện về một thủa ấu thơ ngây ngơ trong sáng:
Tiếc - đứt - ruột 
Cái thời mũi dãi 
Ổi cỏ xùm khua nón 
Phảng mùi tóc mẹ 
Xin bố con cua kềnh 
Buộc dây chuối dắt quanh sân.
(Mũi dãi)

Chuyện về một sự đổ vỡ:
Bình minh níu giọt tranh khoảnh khắc 
Đổ vỡ trong lặng im 
Hoa ngóng gió gửi hương tị nạn
(Đổ vỡ)
Khi tất cả xung quanh đều nằm trong cảnh thế vỡ nát, ngay cả một bông hoa trong cảnh thế ấy cũng chịu chung số phận, nhưng không hẳn thế, hương hoa vẫn chờ ngóng gió đến mang đi, thoát ra khỏi cảnh đổ nát góp hương thơm cho đời.

 Chuyện về cuộc đời người chị vì số phận vất vả gian nan mà phai tàn xuân sắc:
Chị đi lấy chồng 
Cuối hè năm đói 
Phù sa lặn lội má phấn úa dần 
Nón vá mo cau 
Dấu chân chim đầy mặt 
Thời gian trộm cắp hết ngày xưa
(Nuối tiếc)

 Chuyện về mùi tanh của máu trên gươm báu còn mãi sau chiến tranh dù có bao nhiêu tiệc rượu ăn mừng, một dư âm chua xót mãi:
Long lanh gươm gia bảo công hầu 
Ngày tháng bao người chiêm ngưỡng 
Mỗi chiến thắng mỗi lần gươm - tắm - rượu 
Ruồi vẫn qua lùng máu sa trường 
(Gươm báu)

 Nhà thơ, người kể chuyện, dùng những từ đặc biệt, rất hay và đầy chất gợi tả của người dân thôn quê:
Quất mãi nước sôi 
Trà đau nát bã 
Không đổi giọng Tân- Cương
(Trà)

Có những bài thơ lại mang chất lãng mạn bâng khuâng, lời thương nhớ một người con gái năm xưa nay đã thành kỹ nữ:
Đá đã mòn 
Sông đã cạn 
Mây trắng chơi vơi 
Ngàn năm tìm bạn 
Giờ này em ở đâu 
Thương em khăn áo trạt mùi thiên hạ.
(Tìm)

 Và nhiều bài thơ là nỗi thương xót âm thầm chính mình hay đồng loại vì những nỗi đau trong im lặng:
Con chim chích kêu đêm 
Tiếng kêu ướt tổ 
Gió mưa lấp liếm 
Một tiếng bay kêu 
Lạnh giữa âm thầm
(Bay kêu)

 Tôi biết mình còn đọc đi đọc lại nhiều lần Xem Đêm của Phùng Cung, vì đó là một giọng thơ mạnh mẽ, phong phú và đặc sắc, dù có lúc bị lấp chìm âm thầm trong bóng tối, nhưng không vì thế mà trở nên yếu ớt và tan biến, ngược lại Xem Đêm chứa những câu thơ đậm sắc hương của tiếng Việt và hồn Việt ủ mình chờ đợi cảm nhận của người đọc, những câu thơ chắt lọc như rượu cất lâu năm sẽ còn hay mãi với thời gian. Cảm ơn bạn tôi đã tặng và giới thiệu cho tôi về cuốn thơ này.

 11-2012