Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Ký ức




Không thể có ký ức thuần khiết vì ký ức luôn được tái hiện trên nền hiện tại. Ta tha lôi ký ức đi từ hiện tại này đến hiện tại khác theo chiều thời gian cuộc đời chừng nào trí nhớ còn đủ khả năng mang vác. Ký ức vì thế mỗi lần lấp lánh lại có những ánh sáng mới toát ra từ những góc cạnh vừa lộ ra trên cái nền mới.
Sớm mai đi trên tuyết trắng, trắng tinh và bao phủ lên tất cả như thể hiện tại đã biến mất trong màu trắng của tuyết, ký ức trong tôi chợt hiện ra như ảnh hiện trên nền giấy trắng khi rửa ảnh. Trên giấy trắng như là tuyết trắng, tôi viết lên những mảnh ký ức xa xôi của đời mình. 

Năm tôi sáu tuổi, đang học lớp vỡ lòng thì miền Nam giải phóng. Một đêm thức giấc vì nghe tiếng ba mẹ rầm rì nói chuyện, rồi nhiều đêm như vậy. Dần dần thì tôi cũng mang máng hiểu ra, và rất buồn. Ba mẹ tôi vẫn yêu chiều tôi hết mực, khi nào tôi cũng là “cô con gái rượu” của ba mẹ tôi, nhưng những tiếng rầm rì ban đêm lại mở ra cho tôi một cánh cửa khác hé lộ cho tôi thấy những nỗi đau khổ của cuộc đời con người, cánh cửa bí mật này đã khiến tôi rơi nước mắt ướt gối, tôi thương ba mẹ tôi và cả những người khác nữa.
Có lẽ tôi cũng là đứa con gái hay khóc, vì cùng khoảng thời gian ấy, có lần ba mẹ tôi đưa tôi đi xem vở Kiều, có cảnh Hoạn Thư (mặc áo hồng) bắt Kiều (mặc áo xanh) ra đánh đàn cho hai vợ chồng Thúc Sinh uống rượu, tôi xem xong về khóc cả tuần, cứ ai nhắc đến vở đấy là lại ngồi khóc, thương cô Kiều. Anh trai tôi bình thản hơn tôi nhiều, cả khi anh đã biết những bí mật của ba mẹ tôi và chúng tôi trò chuyện cùng nhau, cả sau này trong những cư xử của anh, có nỗi đằm thắm sâu sắc đằng sau sự bình thản khiến cho tôi luôn cảm động khi nhớ về.

Ba tôi người Huế, là cán bộ tập kết năm 1954, trước đó ba tôi đã lấy vợ và có con. Khi ba tôi ra Bắc, vợ con của ba ở lại Nha trang, có lẽ khi ấy ba tôi cũng như mọi cán bộ tập kết khác đều nghĩ rằng ra Bắc hai năm rồi về lại miền Nam. Nhưng sự thể đã diễn ra khác với dự tính của họ, vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền triền miên năm này qua năm khác. Nhiều năm sau khi tập kết ba tôi nhận được tin từ miền Nam báo ra, vợ con ba đã về ở với một đại tá phi công của Việt nam Cộng hòa. Ông đại tá này đã có vợ, về sau, vợ cả của ông nói với ba tôi khi miền Nam đã giải phóng và chồng bà phải đi cải tạo, rằng ông đã giúp cưu mang vợ con của ba, nhưng đấy là những cuộc chuyện trò sau này. Những năm ấy, tin vợ của ba lấy đại tá "ngụy" khiến cho những người bạn của ba nhiệt tình tìm cách mai mối cho ba một người vợ miền Bắc, và kết quả là mười năm sau khi tập kết, ba tôi cưới mẹ tôi.  

 Năm 1976 ba tôi vào Nam lần đầu sau giải phóng mang theo tài sản lớn nhất trong nhà tôi khi ấy là cái xe đạp Phượng Hoàng mẹ tôi mới được phân. Mẹ tôi nói ba tôi mang vào làm quà tặng cho người anh trai cùng cha khác mẹ của tôi, khi ấy tôi đã nhớ rất rõ tên của anh, anh tên là Cư. Tôi cũng nhớ mẹ tôi có nói với ba tôi rằng ba tôi hoàn toàn có thể ở lại miền Nam nếu ba tôi muốn và mẹ tôi sẽ nuôi dạy hai chúng tôi, tôi và anh trai tôi khi ấy mới 7 và 11 tuổi, nên người. Mẹ tôi là người phụ nữ kiên cường nhất mà tôi biết ở trong cuộc đời này nhưng ba tôi không ở lại miền Nam, sau khi gặp lại người vợ đầu và con trai đầu, ba đi thăm gia đình ông đại tá phi công rồi trở ra miền Bắc tiếp tục làm việc ở miền Bắc và nuôi dạy chúng tôi lớn khôn. Tôi biết anh Cư tôi rất mong ba tôi vào Nam nên rất buồn khi thấy ba tôi quyết định như vậy, tôi đã đọc được những lá thư anh viết cho ba tôi khi ấy và cũng thấy buồn như lòng mình phân đôi ra vậy.

Anh Cư tôi tuy thế vẫn rất kính trọng ba tôi và chăm chỉ học tập làm việc, về sau anh làm hiệu trưởng một trường phổ thông ở Nha trang. Sau khi ba tôi mất chừng ba năm, vào khoảng thời gian trước khi sang Canada, tôi đã đưa chồng và con trai tôi vào Nha trang thăm gia đình anh. Chúng tôi nói chuyện với nhau như những người thân lâu ngày gặp lại. Anh có nhiều nét giống anh trai tôi còn mẹ anh là một bà cụ hiền lành đẹp lão, vợ anh rất dịu dàng, anh có hai cậu con trai đã lớn. Khi tôi mang ảnh chụp cùng gia đình anh về Hà nội, kể chuyện với mẹ và anh trai, chị dâu tôi, mọi người đều vui. Một bữa gần đây tình cờ tôi tìm thấy những bài giảng sinh vật anh làm cho học sinh còn lưu trên mạng, dù anh đã về hưu rồi, tự nhiên tôi thấy lòng rưng rưng.

Mỗi lần nghe chuyện thắng thua Bắc Nam tôi lại nhớ đến chuyện gia đình tôi, giá có cuốn sách nào mà khiến cho mọi người ôm lấy nhau yêu thương nhau thật nhiều sau khi đọc thì tôi khen là sách ấy hay, còn sách mà gây ra những mâu thuẫn và sự kể tội kể tình từ cả hai phía thì đều khiến tôi thấy mệt mỏi như người đi mãi trong chiến tranh, như nước mắt rơi dài trên gối canh thâu.
Bao nhiêu năm đã qua rồi, ba mẹ tôi đã về thế giới bên kia cả, chỉ còn yêu thương ở lại. Ký ức của tôi năm xưa bây giờ trở lại trong thương yêu nên cho tôi cảm giác bình an, vết thương năm xưa cũng đã hàn gắn để tôi có thể nói ra được nỗi lòng đứa trẻ sáu tuổi năm nào một cách bình tâm.

PS: Hôm nọ đọc blog GS Ngô Bảo Châu, thấy GS đem ví dụ của người Đức ra so sánh, tôi thấy hơi gợn và nghĩ rằng dùng ví dụ Đức diệt chủng Do Thái và sự thẳng thắn của họ để nhắc đến lịch sử VN là không thích hợp. Việc người Đức làm là tội ác kinh hoàng đối với loài người đặc biệt là người Do Thái mà họ phải ghi nhớ, việc ấy không thể đem so với cuộc chiến tranh ở VN cuộc chiến mà cả hai bên đều đau đớn và muốn quên đi. Dường như mọi người đang có xu hướng chê người Việt mà ko thấy cái hay của người Việt là không bao giờ làm việc ác như việc người Đức đã làm. Thầy Quyền, giáo sư Việt kiều ở Ottawa University, nói rằng ông thấy tự hào vì ông là người Việt chứ ko phải người Đức, dân tộc đã gây ra nạn diệt chủng người Do Thái, người Việt vì vậy trong con mắt ông văn minh hơn, nhân văn hơn người Đức. Trong sự không thẳng tưng của người Việt cũng có những sự tế nhị có lý do riêng cần trân trọng. Tôi rất thích cái kết của bộ phim Cuộc sống của những người khác, hai người từ hai phía dành cho nhau rất nhiều trong sự im lặng và xa cách. Giá Việt nam mình cũng có những bộ phim như vậy thì tuyệt.