Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Tài liệu về bệnh tay chân miệng (LH dịch)

Tài liệu lấy từ :
http://www.ahsc.health.nb.ca/Patients/HealthInformation/EmergencyHealthServices/handfootmouthfr.shtml

Bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em và gây ra bởi một loại virus. Bệnh gây nên những vết loét đau trong miệng. Đó có thể là những vết mọng màu xám nhạt hoặc đỏ trên lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc đôi khi trên mông. Những vết nổi trên lòng bàn tay và lòng bàn chân thường là hiếm hơn, do vậy nếu bạn nhận thấy chúng xuất hiện ở trẻ, thì hẳn đó chính là bệnh tay chân miệng.
Mặc dù bệnh này thường gặp ở trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, nhưng người lớn cũng có thể nhiễm bệnh.

Nguyên nhân :
Bệnh tay chân miệng gây ra bởi một loại virus được tìm thấy ở trong phân. Bệnh có thể xuất hiện vì do trẻ không rửa tay sao khi đi vệ sinh. Thời gian ủ bệnh từ khoảng 3 tới 6 ngày trước khi những triệu chứng xuất hiện.

Triệu chứng :
- Xuất hiện những vết mọng trong miệng, trên lưỡi, phía trong má và trên vòm họng (giống như những vết nhiệt miệng, tức là những vết loét nhỏ). Những vết này có thể lành sau khoảng 7 ngày.
- Xuất hiện những vết mọng nhỏ màu xám trên lòng bàn tay, lòng bàn chân và đôi khi trên mông. Những vết trên da biến mất sau khoảng 10 ngày.
- Sốt từ 37,7 tới 38,8 độ C (100-102 độ F) trong vòng vài ngày.
Chăm sóc :
- Cho ăn uống nhiều chất lỏng. Do miệng trẻ bị đau, trẻ có thể từ chối uống. Một số trẻ thích mút kẹo lạnh hoặc đồ uống lạnh vì chúng làm đỡ đau. Đồ uống nóng cũng có thể làm trẻ đỡ đau. Tránh cho trẻ uống nước chanh, cam hoặc bưởi vì trẻ có thể có cảm giác bỏng rát trong miệng.
- Tránh cho trẻ ăn những đồ ăn mặn hoặc nhiều gia vị, vì chúng cũng gây nên cảm giác bỏng rát trong miệng.
- Bạn có thể cho trẻ dùng thuốc acétaminophène hoặc ibuprofène (thuốc chống viêm) theo chỉ dẫn (hỏi xin hướng dẫn sử dụng nếu bạn không biết làm thế nào hoặc cho trẻ uống số lượng bao nhiêu). Nếu bạn không chắc, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi cho trẻ uống thuốc.
- Nếu những vết loét gây ngứa, hãy dùng kem bôi (Benadryl), hoặc thuốc viên hay thuốc nước chống dị ứng.
- Trẻ có thể đi học lại khi những vết loét lành hẳn hoặc khi nhiệt độ trở lại bình thường.

Đưa trẻ đi cấp cứu :
- Nếu xuất hiện những vết loét ở những nơi khác trên cơ thể, tức là ngoài tay, chân, mông và miệng, hoặc nếu có vết loét ỏ kẽ những ngón tay và ngón chân.
- Nếu những vết loét trên da có vẻ bầm máu hoặc có dạng mạch máu vỡ, hoặc nếu chúng có màu tím.
- Nếu bạn nhận thấy có triệu chứng mất nước, như là khi trẻ cảm thấy khô và dính trong miệng, không có nước mắt khi khóc hoặc trẻ ít đi tiểu.
- Nếu trẻ cảm thấy cứng cổ, đau đầu, nếu trẻ ngủ thiếp đi ngay cả khi nó đã ngủ rồi hoặc nếu trẻ mê sảng.

Đi khám bác sĩ :
- Nếu sốt quá 3 ngày
- Nếu tình trạng trẻ không đỡ hơn

(LH dịch)

Đối phó với bệnh tay chân miệng (kinh nghiệm của bác LH)

(Entry này được copy từ các comment của bác LH ở entry trước nhằm mục đích chia sẻ thông tin hữu ích về bệnh chân tay miệng ở trẻ em)

Về VN lần này chuyện làm tôi vương vấn bận tâm mãi là vụ vào Nhi Đồng 2. Tuy mẹ con tôi chỉ ở đó khoảng 18h thôi nhưng cảm giác khổ cực và thương xót thì không quên được. Thương con và tự thương thân, thương các em bé khác và bố mẹ chúng nó, cũng thông cảm với các bác sĩ và nhân viên bệnh viện, mặc dù không hài lòng. Giận dữ, mà không biết giận ai, vì sao tình trạng lại đến mức như vậy?

Một trong những điều tôi giận nhất là thông tin thiếu thốn. Chúng tôi, các cha mẹ, đem con vào đấy cấp cứu mà hoàn toàn mù tịt không được cung cấp thông tin gì về việc chăm sóc trẻ bị bệnh (chân tay miệng), chỉ có vài thông tin về phòng bệnh mà lúc đó thì bệnh đã mắc rồi. Hỏi nhân viên bác sĩ thì khó lắm, ai mà rảnh ? May mà tôi có người thân tìm thông tin trên internet giúp tôi. Nếu thông tin tốt hơn, tôi tin chúng ta sẽ đỡ tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền của.

Đọc thông tin y tế của Pháp, thì thấy nói rõ rằng một trong những triệu chứng nguy hiểm nhất của bệnh chân tay miệng là mất nước, cụ thể là trẻ không đi tiểu từ khoảng 10h, lúc đó phải đưa đi cấp cứu ngay (chứ không đợi đến lúc viêm não co giật thì đã trễ rồi). Lý do mất nước là do những vết loét trong miệng khiến trẻ không uống (và ăn) được. Thông tin này tôi không thấy ở bất cứ đâu ở VN.

Sau khi đã đọc vô số bài về chân tay miệng thì tôi thấy ông TS Khải đề nghị cách chữa rất là hợp lý. Nhiều người dân nói với tôi rằng bệnh này xưa nay vốn gọi là sài đẹn, mùa nóng thì phát ra, thường người ta cho trẻ con uống nước cỏ mực cho mát là khỏi, nhưng bây giờ dùng thuốc hóa chất, phá vườn ghê quá, không còn cỏ mực nữa, phải ra hiệu thuốc nam mua khá đắt.

Ông TS Khải ít nhất còn đề nghị một cách chăm sóc trẻ bệnh (khử khuẩn, chống viêm loét, bổ sung dinh dưỡng : uống nước chanh, vitamine, cháo đậu xanh, đậu đen,... tất cả đều hết sức hợp lý). Còn bộ Y tế thì không cho chúng tôi được lời khuyên cụ thể nào.

Càng suy nghĩ về bệnh chân tay miệng, tôi càng thấy việc chăm sóc trẻ tốt, nhất là cho uống nước, là hết sức quan trọng. Có lẽ điều đó có giá trị ngay cả trong việc phòng bệnh. Không phải vô cớ mà khi mùa hè nóng, trẻ con thường được cho uống đồ "mát". Ngày xưa, mùa hè tôi cũng hay được cho uống cỏ mực, ngoài Bắc kêu là "cây nhọ nồi", (nước màu đen, vị hơi ngọt và thơm, khá ngon) hoặc là ăn chè đậu đen nấu với bột sắn dây, uống nước chanh (vì chanh rẻ hơn cam).

Khi cháu bé nhà tôi nhập viện, tôi đã ra sức tìm kiếm mọi thông tin về bệnh này, hỏi tất cả những ai hỏi được. Khi nhận được lưu ý về việc bổ sung nước, suốt cả ngày tôi liên tục cho cháu uống nước chanh (bệnh viện cho uống thêm vitamine), chắc là vì vậy mà tình trạng cháu khá hơn và chúng tôi rời bệnh viện ngày hôm sau, dù bị ngăn cản (vì ở đấy điều kiện chăm sóc cháu rât tệ). Đêm trước đó cháu ngủ li bì và co giật, nhưng đến chiều hôm sau thì cháu vui vẻ tỉnh táo hơn.

Diễn biến bệnh như sau : sáng thứ 3 khi tôi cho cháu uống khẩu phần nước cam như mọi ngày thì cháu từ chối nói là đau miệng. Tôi nhìn miệng thì thấy hai nốt mọng đỏ, đã hơi lo. Buổi chiều tôi đi làm vê cháu hơi sốt nhẹ. Sáng hôm sau cháu không sốt, song vẫn ăn uống kém vì đau miệng, đến trưa cháu lại sốt nhẹ, khi chơi ngã vài ba lần, thường ngày nó lẹ như cheo hiếm khi ngã như vậy. Tối đến cháu vẫn sốt, ngủ li bì bỏ ăn, dến khuya thì bát đầu hơi co giật, đến khoảng 2h sàng thì giật mạnh hơn, rung cả con gấu bông trên chân nó. Khi đó thì tôi chuẩn bị đồ và chúng tôi đi bệnh viên. Tôi nhớ khi con gấu bông rung bắn lên, tim tôi có cảm giác lạnh giá và sau đó tôi cứ lạnh run cầm cập, phải khoác thêm bao nhiêu áo dù trời Sài Gòn nóng lắm.

Tôi cũng nhớ lại là trước đó, cũng phải tới 14h đồng hồ hoặc hơn cháu không đi tiểu. Cháu chưa cai sữa và tôi nghĩ có lẽ nhò vậy mà cháu có thêm chút dinh dưỡng vì nó hầu như không ăn gì cả.

Nốt mọng trong miệng thì phải gần 2 tuần sau mới lặn.

Hy vọng giúp ích cho các bạn,
LH

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Tấm Cám (phần cuối)

9.
Một hôm bà cụ nhẩn nha
Giả vờ đi chợ thực ra quành về
Nấp nhìn cụ ngỡ nằm mê
Quả thị bỗng chốc to ghê bằng người!
Bước ra nàng Tấm xinh tươi
Tay năm tay mười thu dọn trước sau
Thổi cơm, kín nước, têm giầu
Vẻ xinh tươi ngắm càng lâu càng giòn
Bà cụ thấy cô gái ngoan
Đẹp người lại rất hay lam hay làm
Sướng vui, cụ chạy ôm chầm
Rồi tìm vỏ thị cụ cầm xé tan
Từ đó bà cụ bán hàng
Ở cùng với Tấm mọi đàng quý yêu
Như con với mẹ thương chiều
Têm trầu, gói bánh mọi điều Tấm lo
Bà cụ tiếp khách nhỏ to
Cuộc đời yên ả tựa hồ nước thu…

Vua mất xoan đào buồn ru
Nhìn bộ dạng Cám hình như đáng ngờ
Lòng càng chán nản phớt lờ
Vi hành thăm thú thẩn thơ nhớ người
Một hôm, chim hót nắng cười
Vua qua đường thấy một ngôi quán lành
Thanh bạch, sạch sẽ, chân tình
Vua bèn ghé lại một mình nghỉ chân
Bà cụ rót nước ân cần
Lại mời vua thưởng đôi phần trầu cay
Vua nhìn trầu bỗng mắt ngây
Trầu têm cánh phượng khéo tay vô cùng
Hệt hồi Tấm ở trong cung
Têm trầu cánh phượng cho chồng ngày đêm
Vua hỏi: “Trầu này ai têm?”
Cụ rằng: “Con gái bà têm đấy mà”
Vua bèn đề nghị thiết tha
Được gặp con gái trong nhà một phen
Bà cụ gọi Tấm ra liền
Vua nhìn thấy Tấm: vợ hiền đẹp xinh!
Nhà vua kể hết sự tình
Xin bà cụ để vợ mình về cung…

10.
Cám thấy có sự lạ lùng
Tấm không như nó hình dung: chết rồi!
Hồn ba bốn bận rã rời
Sao nay về đẹp tuyệt vời thế kia
Vờ như chẳng có chia lìa
Cám hỏi: “Chị Tấm từ khi vắng nhà
Dầm mưa dãi nắng đường xa
Sao giờ trắng đẹp như hoa thế này?”
Thật lòng Tấm kể Cám hay:
“Trèo cau chị bị chặt cây chết chìm
Bụt thương cho hóa làm chim
Lại bị người bóp ngạt tim chết hờn
Bụt thương lần nữa trong vườn
Để cho hồn chị vào khuôn xoan đào
Bị tay người chặt hôm nào
Đóng thành khung cửi xếp vào buồng sâu
Vải kia dệt được mấy lâu
Đã hóa tro bụi bay đâu mất đàng
Một lần nữa bụt cưu mang
Cho hồn đậu quả thị vàng thơm hương
Rồi may gặp được người thương
Bà cụ bán quán bên đường nâng niu
Ngày đêm hồn được ấp iu
Để rồi may mắn thoát siêu thành người.”
Cám nghe u tối thầm cười:
“Hóa ra càng chết càng tươi càng giòn!”
Rồi chẳng bàn bạc mẹ con
Nó tìm hố nước vừa tròn vừa sâu
Mong rằng mình đẹp như cầu
Cám nhảy ngay xuống ngập đầu chết luôn
Mãi mà chẳng thấy Bụt thương
Cho nó sống lại thành nường Cám xinh
Cám kia ngu muội hại mình
Nghĩ cho đời nó sự tình khốn sao
Nghe điều xấu mẹ buộc vào
Lấy chồng của chị khi nào cũng lo
Không được yêu, chẳng được cho
Lòng u tối đã lên đò quá giang
Mẹ Cám nghe tin bàng hoàng
Kêu la ầm ĩ xóm làng ngoài trong
Rằng Cám bị giết oan ròng
Đang kêu thì có Bụt ông hiện về
Sự thật Bụt nhắc cho nghe
Mụ dì ghẻ sợ im re lẩn chuồn
Chết già ân hận tiếc con
Người đời sau chẳng thấy hồn mụ đâu
Gieo chi cái ác ban đầu
Để cho con gái về sau gánh phần…

Vượt qua sinh tử gian truân,
Tấm cùng vua sống quây quần trăm năm
Trăng khuyết rồi trăng lại rằm
Truyện xưa cũng được vài trăm năm rồi.


30-8-2011
Hoàng Yến

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Trường của em be bé...

Đọc blog anh Tuấn, các bài viết và comment của các anh chị các khóa trước viết về trường Đồi Độc lập thú vị quá, xốn xang trong lòng không yên, thế là em cũng ngồi viết về ngôi trường thân yêu...


Dưới chân Đồi Độc lập có con đường lát đá khá rộng trải men theo suốt quả đồi, đi gần hết con đường này thì đến trường Đồi độc lập ở ngay bên phải đường. Hồi tôi học vỡ lòng, mẹ dắt tôi đi những buổi đầu tiên, về sau thì đi với các bạn cùng dãy tập thể. Dãy 319 nhà chúng tôi có Hiền, Hòa, Tùng, Tuấn, Sửu đều học cùng khối với tôi. Các lớp nhỏ cấp một học buổi chiều, lớp lớn cấp hai học buổi sáng. Từ nhà đến trường cũng gần, ở nhà lắng tai có thể nghe thấy cả tiếng trống báo ở trường, khi đấy chạy đến trường vẫn kịp nhưng thường thì chúng tôi đi học sớm hơn, sắp đến giờ học buổi chiều là thấy học sinh từng tốp vừa đi vừa trò chuyện ríu ran trên đường đến trường.

Dãy nhà tập thể chúng tôi ở phía đồi bên kia so với trường, có thể đi lối khác theo đường tắt lên đỉnh đồi rồi rẽ xuống bằng các con đường nhỏ giữa các dãy nhà tập thể để đến trường. Hai bên đường cây cối xanh um, trước mỗi dãy nhà tập thể cũng là những hàng cây nhãn hoặc vải cũng xanh um rồi đến những vườn rau tươi tốt. Ký ức của tôi về Đồi độc lập rất đậm màu xanh cây cối, một quả đồi xanh, và dưới chân đồi cách một con đường là ngôi trường hình chữ U ngay ngắn, khang trang. Đằng sau trường một phía là cánh đồng lúa xanh rộng miên man, một phía là những ao to và có đường dẫn đến nhà trẻ Đồi Độc lập là nơi mẹ tôi làm việc. Trước khi học vỡ lòng thì tôi đi mẫu giáo ở nhà trẻ này, khi đi đến trường học thì gặp cả các bạn cùng đi mẫu giáo với nhau. Hồi ấy tôi có cảm giác ở Đồi Độc lập mọi người đều biết nhau, và mọi người hay nói kèm tên bố mẹ và số của dãy nhà: à cái đấy con ông A dãy ba mười chín, thằng đấy con bà B dãy ba mười tám...

Ở trường các lớp được gọi tên theo chữ cái từ A đến G, lớp A thường là lớp chọn. Lớp vỡ lòng tôi học cô giáo Loan, sau đấy lên lớp 1A, lớp một học cô Dậu, lớp hai và ba cô Quạt, lớp bốn cô Thắm, lớp năm cô Mẫn...
Trong các cô giáo chủ nhiệm lớp tôi thích nhất cô Thắm, chữ cô rất đẹp, tính cô nghiêm khắc và cô giảng bài rất hay. Bây giờ tôi vẫn nhớ giọng nói của cô vang lên trong lớp học như thế nào. Cô hay mặc áo màu tím nhạt, quần lụa đen, trông rất mềm mại. Cô giảng môn nào cũng hay, học trò chăm chú theo dõi quên cả nói chuyện riêng. Chúng tôi rất nghe lời cô, cô rèn chúng tôi từ việc nhỏ như vở phải bọc giấy báo, phải dán nhãn vở ghi đầy đủ tên họ môn học, cho đến việc vào lớp tóc tai quần áo gọn gàng, giữ tay sạch (hồi xưa trước khi vào lớp có lệ khám tay, tay ai bẩn phải đi rửa). Cuối các buổi học cô thường kể những câu chuyện nhỏ cho chúng tôi nghe, mỗi chuyện đều có ý nghĩa cô gửi gắm trong đó mà chúng tôi khi ấy chỉ hơi lờ mờ nhận ra nhưng đều rất thích nghe. Chúng tôi yêu quý cô giáo của mình lắm, tiếc là cô chỉ dạy bọn tôi năm lớp 4.

Lớp tôi có bốn đứa nhà ở Đồi độc lập chơi thân với nhau và toàn làm cán bộ lớp, Y Linh (con trai, lớp trưởng), Cẩm Vân và tôi hai lớp phó, Quỳnh Loan là tổ trưởng tổ hai, là tổ thuộc dãy bàn giữa nơi cả bốn bọn tôi ngồi. Sau mỗi giờ kiểm tra, khi cô giáo trả bài, chúng tôi thường hỏi điểm nhau và so xem đứa nào cao hơn, đứa thấp điểm hơn dù chỉ một điểm cũng cảm thấy như bị thua. Điểm phảy của bốn đứa chúng tôi thường xuyên cao nhất lớp, hàng tháng cô giáo xếp thứ, ai điểm phảy cao được xếp thứ 1, cứ thế... cuối tháng ai được xếp thứ 1 thì rất khoái chí nhưng tháng sau điểm phảy bạn khác nhích hơn tí thì lại xếp thứ 2. Cứ thi đua nhau học như vậy, rất là thích. Có một hồi Linh, Vân và tôi rủ nhau học nhóm, ba đứa đến nhà một đứa để học cùng những bài ngày hôm sau nhưng vì ngại các bạn trêu nên phải đi bí mật giấu giếm, những buổi học đấy rất vui.

Ngoài nhóm ở Đồi Độc lập, lớp tôi còn có các bạn nhà ở Bách hóa như Thiện, Hải Hà... các bạn ở Đoàn Mười như Phương, Nguyệt, Nga... Vào giờ ra chơi, lớp chúng tôi thường ra sân chơi các trò chơi chung như đồ, âm, bọn con gái có thêm trò nhảy ngựa, nhảy dây chun, bọn con trai thì đá cầu. Đến lớp 6 thì tôi lên học ở trường Nha Trang nên không biết lớp tôi tiếp tục thế nào. Về sau Thiện, Linh học cùng với tôi cấp 3 còn các bạn khác thì chuyển vào miền Nam hoặc học khác lớp khác trường. Lớp A của chúng mình ngày xưa bây giờ ở đâu rồi các bạn ơi?

Nhớ mãi ngôi trường nhỏ của chúng tôi nằm yên tĩnh ở nơi mà xung quanh có cả đồng ruộng, đồi cao, ao hồ. Từ ngôi trường ấy chúng tôi đi...