Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Không chỉ một giờ

Giờ Trái Đất là sự kiện toàn cầu được khởi xướng bởi WWF - World Wide Fund for Nature, quỹ này còn có tên World Wildlife Fund, báo tiếng Việt dịch là quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên. Giờ Trái Đất được ấn định vào ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba hàng năm, với sự kêu gọi cá nhân và doanh nghiệp tắt đèn và các thiết bị dùng điện không cấp thiết trong một giờ để nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải có những hành động đối phó với sự biến đổi khí hậu.

Giờ Trái Đất có tác dụng nhắc nhở mọi người hãy giảm việc sử dụng năng lượng, giảm thải CO2. Nếu coi đó là một hoạt động rầm rộ cho vui, tắt điện trong một giờ nhưng lại đốt nến tưng bừng kỷ niệm, hoặc có ý nghĩ coi việc tắt điện một giờ đó là xong nghĩa vụ đối với môi trường trong cả năm thì ý nghĩa của việc khởi xướng Giờ Trái Đất không phát huy tác dụng được bao nhiêu.

Giờ Trái Đất còn có ý nghĩa rộng hơn, nhắc chúng ta yêu Trái Đất, yêu môi trường sống. Sống thân thiện với môi trường là lối sống tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm, không phá rừng, không giết hại động thực vật hoang dã hay có những hoạt động khiến chúng bị tuyệt chủng, thực hiện trồng cây, gây rừng phủ xanh đất trống đồi trọc... Con người sống trong môi trường của Trái Đất cần phải bảo vệ môi trường của mình không chỉ một giờ mà là ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác không ngừng nghỉ. Cụ Hồ khi chết viết di chúc lại có nhắc đến ước nguyện được hỏa táng, tro chôn ở ba quả đồi ở ba miền Bắc Trung Nam để người đến viếng có thể trồng cây tưởng niệm cho phong trào trồng cây gây rừng được lan rộng. Cụ quả thật đã có con mắt nhìn xa trông rộng khi mường tượng ra càng nhiều người đến với Cụ thì càng có nhiều cây xanh được trồng lên phủ hết đồi này sang đồi khác tốt lành cho đất nước, tiếc rằng di chúc của Cụ đã không được thực hiện như ý nguyện.

Tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất cần được sử dụng hợp lý để giữ được dài lâu cho các thế hệ sau, tiết kiệm trong sử dụng nhiên liệu, năng lượng cũng có tác dụng làm giảm lượng khí thải. Những hành động bảo vệ tài nguyên môi trường được thể hiện ngay trong lối sống của cá nhân mỗi người hàng ngày, ở tầm quốc gia thì thông qua đạo luật, chính sách, hành động của các tổ chức, chính phủ. Lối sống xa hoa lãng phí chắc chắn không phải là lối sống thân thiện với môi trường, tham nhũng hối lộ dẫn đến những việc rút ruột dẫn đến giảm tuổi thọ các công trình cũng là một sự hoang phí có hại cho nhân dân và cho môi trường. Gây chiến tranh phá hủy của cải và cuộc sống yên bình của con người cũng là có hại cho môi trường. Đạo Phật là tôn giáo rất thân thiện với môi trường khi hướng con người đến cuộc sống từ bi hỷ xả, không giết động vật, giữ sự an hòa với môi sinh.

Trên phạm vi toàn cầu, có một thực tế là các nước phát triển có mức tiêu thụ tài nguyên, năng lượng và thải CO2 nhiều hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển và các nước nghèo, trong khi đó thì ảnh hưởng của thay đổi khí hậu được dự đoán sẽ diễn ra nặng nề hơn ở một số khu vực khí hậu của các nước đang phát triển và các nước nghèo, trong đó có Việt nam. Bất bình đẳng này cần được đưa ra thảo luận trên các bàn hội nghị Quốc tế tạo sức ép để các nước phát triển thực hiện các chương trình cắt giảm CO2 một cách hiệu quả hơn. Các mạng internet xã hội toàn cầu như Facebook có thể giúp ích cho việc đấu tranh giữa lợi ích của các nước nghèo và mức tiêu thụ quá mức của các nước giàu khi môi trường Trái Đất là tài sản chung.

Giờ Trái Đất không chỉ gói gọn trong một giờ...

Bonus cái Video cực quang để thấy Trái Đất của chúng mình đẹp như thế nào:


Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Như Một Lời Chia Tay

Sắp đến kỷ niệm 10 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, ở nhà chắc có nhiều chương trình tưởng niệm lớn. Mình thích nghe lại bài hát này của ông qua giọng hát ấm áp của Nguyễn Đình Toàn. Giai điệu bài hát thiết tha, tình cảm mà lại nhẹ nhàng không bi lụy...

Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây
Chút nắng vàng giờ đây cũng vội
Khép lại từng đêm vui

Đường quen lối từng sớm chiều mong
Bàn chân xưa qua đây ngại ngần
Làm sao biết từng nỗi đời riêng
Để yêu thêm yêu cho nồng nàn

Có nụ hồng ngày xưa rớt lại
Bên cạnh đời tôi đây
Có chút tình thoảng như gió vội
Tôi chợt nhìn ra tôi

Muốn một lần tạ ơn với đời
Chút mặn nồng cho tôi
Có những lần nằm nghe tiếng cười
Nhưng chỉ là mơ thôi

Tình như nắng vội tắt chiều hôm
Tình không xa nhưng không thật gần
Tình như đá hoài nỗi chờ mong
Tình vu vơ cho ta muộn phiền

Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại
Ngỡ chỉ là cơn say
Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay



Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Thính vũ (Nghe mưa) - Nguyễn Trãi

Báo Tia sáng có đăng bài của bạn Lê viết về bài thơ Thính vũ của Nguyễn Trãi, mình copy về đây nhân thể phân tích thêm một chút về bài thơ này:

Bố cục mưa

Phạm Trần Lê



Cái hay của nghệ thuật là mở ra cánh cửa để người ta bước vào những không gian mới. Công việc khó khăn của nghệ thuật là giúp con người tìm lại cảm giác hân hoan khám phá trước những gì tưởng như đã chai mòn cũ kỹ, giúp họ tự lột xác và tái sinh sang một cảnh giới khác.

Nghệ thuật có chức năng khai tâm. Việc đó không nhất thiết phụ thuộc vào thông điệp cụ thể của một tác phẩm. Để hiểu được điều này, ta phải hiểu bản chất về sự hài hòa của bố cục.

Tịch mịch u trái lý
Chung tiêu thính vũ thanh
Tiêu hao kinh khách chẩm
Điểm trích sổ tàn canh
Cách trúc khao song mật
Hòa chung nhập mộng thanh
Ngâm dư hồn bất mị
Đoạn tục đáo thiên minh
(Thính vũ, Nguyễn Trãi)

Bố cục của bài thơ này là như thế nào? Bố cục nghệ thuật là gì? Để trả lời câu hỏi này, ta phải tạm quên đi tác phẩm. Phải sống và từng trải cái đã!

Bố cục là sự phân bổ các ấn tượng trong lòng người. Lê Quý Đôn nói “Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được”.

Càng đi xa thì bố cục về các ấn tượng trong lòng người càng rộng, càng phức tạp. Và người ta càng có sự hiểu tinh tế hơn, sâu sắc hơn, chân thật hơn về lễ.

Đúng lễ tức là hành xử làm sao cho ấn tượng trong lòng mình về hành xử ấy đúng thật là cân đối hài hòa trong từng hoàn cảnh đời sống. Cố gắng dụng công sao cho không thừa không thiếu, không mạnh quá không yếu quá, không già quá không non quá.

Cân đối theo chiều rộng với các đầu mối lớn liên kết giữa không gian. Cân đối có trước có sau theo chiều dài thời gian.

Được như thế người ta gọi là biết sống.

Nhưng lọc lõi đến một độ nào đó rồi con người ta phải biết tự lột xác. Bản năng sẽ bảo rằng mình mới như thế thì hãy còn chật hẹp.

Vậy thì phải rộng hơn nữa. Rộng đó nghĩa là bố cục trong lòng mình phải thay đổi.

Lấy ví dụ như nghệ thuật Trung Quốc. Người Trung Quốc lâu nay thích làm phim và viết tiểu thuyết về những vụ thiên tai, những biến cố lớn lao. Dùng ấn tượng về cái chết và sự đau khổ, nỗi tang thương, sự tù túng hoặc trớ trêu của các số phận, rồi những vấn đề chính trị liên quan, để đánh động vào cảm xúc người ta. Nhưng quanh đi quẩn lại thì vẫn chỉ như thế. Cho nên nghệ thuật Trung Quốc hiện nay không lớn được.

Nghệ thuật lớn là thứ nghệ thuật thực sự làm biến đổi bố cục trong nhân sinh quan người xem. Khiến những kẻ lõi đời nhất cũng phải giật mình. Phá vỡ đi những ảo ảnh định kiến. Cân đối lại mình trên một thế giới quan mới.

Đường tu tâm với đường đi của sáng tạo nghệ thuật chân chính, về bản chất thực ra không có sự khác biệt. Cả hai đều hướng tới sự cân đối hài hòa của tâm trên một bố cục ngày càng biến hóa, ngày càng mở rộng.

Tới đây không thể không hỏi: thế nào là cân đối hài hòa? Câu hỏi nghe chừng đơn sơ, hoặc quá đỗi đại tự sự nên Nghệ thuật Đương đại phương Tây hoặc là xem thường, hoặc là tránh né bỏ qua. Phương Tây vì ỷ mình đã quá thâm hậu nên đang tự chạy lòng vòng lạc lối.

Lại nói về bài thơ Thính Vũ của Nguyễn Trãi. Ai đó đã từng tạm dịch thơ thế này:

Nghe mưa
Tịch mịch phòng trai tối
Nửa đêm nghe tiếng mưa
Buồn buồn lay gối khách
Giọt giọt điểm canh tà
Luồn trúc gõ song cửa
Theo chuông vào giấc mơ
Ngâm song nằm chẳng ngủ
Đến sáng nhặt rồi thưa

Trước kia người viết bài này chẳng hiểu vì sao mà mỗi lần đọc xong Thính vũ không tránh khỏi khắc khoải, thao thức; vị ngọt dài không dứt. Bây giờ thì tạm hiểu. Mấu chốt của bài thơ này là bố cục của nó cứ mở ra mãi. Đang chơi vơi giữa không gian này thì một không gian mới lại lại mở ra.

Không vướng mắc nên bụi trần không bám được. Hài hòa vô tận.
Có sinh, có diệt, lại luân hồi.
Âm điệu mưa
Âm điệu đời
Âm điệu đạo của vũ trụ
Tất cả là một.


--------------------------------------------

Bài này bạn Lê tuy nhắc đến bài thơ Thính vũ nhưng bạn dành phần lớn của bài để nói đến bố cục, cách sống, nghệ thuật (phim và tiểu thuyết) Trung quốc và nghệ thuật phương Tây, hạn chế của chúng...
Tóm lại, sau khi lan man thiên địa một hồi nhiều vấn đề khá mênh mông, cuối cùng bạn mới có đoạn ngắn tả cảm xúc và nhận định về bố cục bài Thính vũ, đoạn này bạn viết hay, cái hay của việc cảm nhận và khái quát được bố cục bài thơ:

"Trước kia người viết bài này chẳng hiểu vì sao mà mỗi lần đọc xong Thính vũ không tránh khỏi khắc khoải, thao thức; vị ngọt dài không dứt. Bây giờ thì tạm hiểu. Mấu chốt của bài thơ này là bố cục của nó cứ mở ra mãi. Đang chơi vơi giữa không gian này thì một không gian mới lại lại mở ra.

Không vướng mắc nên bụi trần không bám được. Hài hòa vô tận.
Có sinh, có diệt, lại luân hồi.
Âm điệu mưa
Âm điệu đời
Âm điệu đạo của vũ trụ
Tất cả là một."


Tuy vậy, bài này gọi là một tản văn cảm nhận thì được, nếu gọi là bài phân tích bài thơ Thính vũ của Nguyễn Trãi thì mình e là thiếu hụt nhiều điều đáng nói trên con đường cảm thụ bài thơ cho dù bạn có tóm ra được điều cốt lõi.

Về biên tập thì có một lỗi chính tả trong bài thơ dịch: "Ngâm xong" chứ không phải "Ngâm song".

Nhân đây, mình xin phân tích thêm một chút về bài thơ Thính vũ của Nguyễn Trãi:

Không gian mở đầu bài thơ "Tịch mịch phòng trai tối" là một không gian kín, tối, yên tĩnh đến tịch mịch, người trong không gian đó thức và "Nửa đêm nghe tiếng mưa". Tiếng mưa lúc này mới bắt đầu ở bên ngoài vọng vào.
Theo chiều thời gian, tiếng mưa trở nên gần gũi hơn:

"Buồn buồn lay gối khách
Giọt giọt điểm canh tà"

Tiếng mưa lay động, tiếng mưa ở đó canh tàn canh, thức cùng với người theo chiều thời gian của đêm thâu. Khi này tiếng mưa đã gần gụi như người bạn, không gian không còn là không gian đơn độc của phòng trai tối nữa, tiếng mưa đã như mở cái không gian ấy ra để hòa nhập cùng khách thơ, buồn vui theo những buồn vui của khách thơ, như người bạn cùng chứng kiến thời gian trôi trong đêm, mưa như cùng người thức lâu để cùng thấy đêm dài.

Theo chiều thời gian, không gian ngoài kia đã hòa với không gian trong phòng kín bằng mưa, mưa "Cách trúc khao song mật" (Luồn trúc gõ song cửa), hình ảnh mưa xiên xiên qua đám trúc bên song cửa để gõ vào "song mật" tựa như người bạn mưa đang gõ vào cánh cửa bí mật chứa đựng những tâm tư thầm kín của khách thơ, tiếng gõ miệt mài cho từng nỗi lòng sâu kín mở ra, mở ra tiếp...

"...Buồn buồn lay gối khách
Giọt giọt điểm canh tà
Luồn trúc gõ song cửa
Theo chuông vào giấc mơ"

Đến đây thì có hai âm thanh là tiếng mưa và tiếng chuông, đầu tiên là tiếng mưa hòa quyện với lòng người, rồi tiếng mưa lại hòa theo tiếng chuông vào giấc mơ của người, để ba đối tượng "mưa", "chuông", "người" có chung điểm gặp trong giấc mơ, tiếng chuông như kẻ làm chứng sự gặp gỡ của thiên nhiên vô định và con người hữu hạn. Không gian mở ra, không còn phòng trai tối u tịch mà là một không gian rộng rãi miên man và bay bổng hào phóng của giấc mơ.

Trong đêm thâu hòa với tiếng mưa có tiếng ngâm thơ của khách thơ:

"Ngâm dư hồn bất mị
Đoạn tục đáo thiên minh"

"Ngâm xong nằm chẳng ngủ
Đến sáng nhặt rồi thưa"

Tiếng ngâm thơ như đã đi vào tiếng mưa khiến cho lòng người cứ vang vọng mãi bởi nghe mưa mà ngỡ như thơ, độ hòa quyện giữa người và mưa lên cao nhất ở câu cuối.

Câu cuối "Đoạn tục đáo thiên minh" có bản dịch là "Chập chờn cho đến sáng" câu không có chủ thể nên có thể hiểu là người ngủ thức chập chờn cho đến sáng, cũng có thể hiểu như bản dịch trên là mưa cứ rơi thế "Đến sáng nhặt rồi thưa", mưa theo nhịp mà mau thưa, người theo giấc chập chờn, người và mưa hòa quyện, không gian kín tối tịch mịch cô lẻ của câu đầu bài thơ đã biến mất thay vào đó là không gian tự nhiên mênh mang âm điệu nhịp nhàng thay đổi theo thời gian, đúng như kết luận của bạn Lê:

"Âm điệu mưa
Âm điệu đời
Âm điệu đạo của vũ trụ
Tất cả là một."

Thính vũ là một bài thơ rất hay mà theo suy nghĩ của mình mặc dù bài thơ đã được Ức Trai Nguyễn Trãi làm rất lâu rồi nhưng sự hòa nhập gắn kết hòa quyện giữa con người và thiên nhiên trong bài thơ vẫn là một điều kỳ diệu mà con người hiện đại cần phải để tâm suy nghĩ.

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Bài học giao thông của thầy Gỗ Mun

Say xỉn thì đừng lái xe
Lái xe đừng có bét nhè chạy rông
Nhắm mắt mở cửa (sổ) vẫn thông
Lái xe nhắm mắt là không được rồi
Quan sát kỹ, đi chậm thôi,
Nhường đường người khác, chớ đòi phóng nhanh
Còi đừng ầm ĩ thất thanh
Bóp hoài người bốn xung quanh điếc dài
Về nhà nơi chẳng có ai
Bóp gì thì bóp hôm mai mặc dầu
Ô tô chớ có cắt đầu
Chẳng phải thắng nó lúc nào cũng ăn
Phóng xe từ hẻm phải căn
Ngó xuôi ngó ngược mới lăn ra đường
Đường dành cho xe thông thương
Chả phải cái chỗ cho phường cầu lông
Thả diều chạy nhảy lông bông
Xe qua đâm phải cái mông chẳng còn
Mũ bảo hiểm đội cho ngon
Cài dây thật chặt hẵng bon trên đường
Đèn xanh đi, đèn đỏ dừng
Chứ không chỉ ngừng khi gặp công an
Vượt khi đường thẳng thênh thang
Chớ vượt lúc khúc quanh đang khó lường
Đi đúng đường, ngủ đúng giường
Kẻ nào chen lấn thì nhường nó luôn

(câu cuối cùng thầy Gỗ Mun không dạy là tớ tự ý thêm vào cho nó chắc cú an toàn, ai muốn biết đúng sai có thể sang nhờ thầy Mun tra sách luật :)

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

Nước Nhật

"Động đất đã làm 3000 người chết và mất tích. Con số này đang tiếp tục tăng lên, có thể tới trên 10 ngàn người. Trả lời họp báo, thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho rằng động đất, sóng thần, và sự cố ở nhà máy điện hạt nhân đã đẩy Nhật Bản vào tình trạng khủng hoảng tồi tệ nhất trong 65 năm kể từ sau Đệ nhị thế chiến.

Vé máy bay từ Nhật về Việt Nam đã bán hết sạch. Người Việt đang bỏ nước Nhật chạy. Còn người Nhật thì vẫn kiên cường chịu đựng. Họ chạy đâu nữa? Họ rất bình thản. Các cửa hiệu tại Tokyo vẫn bán hàng. Thức ăn, đồ dùng vẫn đầy ắp. Người bán hàng vẫn lễ phép cúi rạp người chào khách. Người tính tiền vẫn quay mặt đi không nhìn lúc khách hàng bấm mật mã sau khi quẹt thẻ tín dụng để trả tiền. Xem trên TV thấy một cụ già được quân lính cõng ra khỏi khu nhà đổ nát, vẫn mỉm cười trả lời phóng viên. Mấy phụ nữ nhận cơm nắm người ta phát trong căn nhà mất điện tối om, vẫn cúi lạy cảm ơn dưới ánh đèn pin. Cũng thấy có người khóc (cụ già và trẻ con). Toàn bộ nội các Nhật Bản làm việc hầu như 24/24 từ thứ Sáu. Tất cả, từ thủ tướng, chánh văn phòng chính phủ, các bộ trưởng đều vận đồng phục bảo hộ lao động màu xanh nước biển khi xuất hiện trên truyền hình. Các nữ phát thanh viên ngày thường vốn đã xinh đẹp, bây giờ trông lại các tao nhã hơn bởi vẻ mặt nghiêm trang, áo ngoài đen màu áo tang, áo lót trắng, đọc tin rõ ràng, giọng không hề xúc động.

Một đất nước mà người dân thực sự bình thản, lịch sự, giữ phẩm cách, rất trật tự, tử tế với nhau trong thảm hoạ có thể so với ngày tận thế là một đất nước thực sự vĩ đại.

Nguyễn Đình Đăng
Tokyo 13/3/2011"


(Đoạn trích từ blog bác Nguyễn Đình Đăng: nguyendinhdang.wordpress.com)

Cảm phục tinh thần nước Nhật!

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Đọc ra Vị

Ở đâu đó người ta đã nói: "Thơ không thích hợp với cuộc sống hiện đại", nàng là người rất thấm thía nhận định ấy sau những nỗ lực dai dẳng muốn chuyển dòng chảy tâm tình của mình thành thơ để rót vào tai hai người còn lại trong gia đình bé nhỏ, một chàng 45, một chàng 15, để rồi nỗ lực nào cũng thất bại.

Một ngày có hai khoảng thời gian cả nhà hội tụ đầy đủ, khoảng thứ nhất là bữa điểm tâm sớm, nhưng khi ấy trong đầu 45 có một lô khách hàng đang chờ đợi. Nhìn cốc cafe được dốc vội, nàng không nỡ đọc một câu thơ nào. 15 thì mau chóng kết thúc bữa sáng để ra bus stop, hơn nữa thơ tiếng mẹ đẻ đối với 15 chẳng khác gì một môn học dài dòng âm u càng lúc càng khó nhá, không thích hợp với buổi sáng vội vàng.

Nàng chờ đợi cơ hội của khoảng hội tụ thứ hai, trong và sau bữa tối, nhưng suốt bữa tối cho đến sau đó người nghe chủ yếu lại là nàng. 45 có nhiều vấn đề giấy tờ thuế má cần nàng giúp giải quyết. 15 cần tư vấn về các môn chọn học cho năm sau và nằn nì xin đăng ký thêm lớp Judo ngoài lớp bóng chuyền hiện tại ở Boys & Girls Club. Sau đó 45 vào phòng làm việc và 15 về phòng riêng để học bài.

Nàng vừa sắp dọn lau chùi vừa đọc vu vơ những câu thơ gói gọn tâm tình của nàng suốt một ngày nhưng dường như không có ai để ý. Cũng có khi 15 ló đầu ra nhắc nàng đọc nhỏ thôi, hoặc nhướng mắt tò mò hỏi đại ý những câu vừa đọc của nàng, 15 thường hỏi tại sao nàng không thể nói ngắn gọn đơn giản và chính xác suy nghĩ của mình trong một hai câu mà cứ phải đọc thơ câu nọ nối đuôi câu kia như đoàn tầu không dứt.

Ít ra nàng cũng có chút hy vọng nào đó khi nghe 15 hỏi, niềm hy vọng của một bà hàng rau ế ẩm chợ chiều có người ghé nhìn là tưởng tượng mình sẽ bớt rau phải gánh về. Nhưng khách nhiều khi chỉ ghé mắt cho vui, rau ế vẫn ế. 15 cũng chỉ hỏi để biết "ý chính" rồi lại vội quay về với đống bài tập High School của chàng. Phút chia sẻ ngắn ngủi không đủ để nàng giải thích cho 15 biết ở thời học sinh của nàng văn thơ càng dài dòng phong phú ý tứ bóng bảy càng được điểm cao và điểm văn của nàng lúc nào cũng dẫn đầu trong lớp.

Tâm tính đàn bà của nàng vẫn trôi ngày này qua ngày khác nhưng tự nó cũng biết trong khuôn khổ dân cư của gia đình này thơ không phải là thứ thích hợp để chuyển tải nó xuôi dòng đi vào lòng người như nàng mong muốn được hiểu, được chia sẻ và tạo ra một sự kết hợp khăng khít giữa mọi người, nàng phải tìm phương tiện khác. Nàng trở nên ít nói hơn, hầu như không còn đọc thơ một mình, chăm chú vào từng việc nhỏ nhặt trong nhà với một vẻ cam chịu và bất lực.

Và một bữa trong lúc cho muối vào canh nàng chợt phát hiện ra nàng có thể để tâm trạng của mình theo cùng sự gia giảm tra đồ trong khi nấu nướng. Phát hiện đó khiến nàng khoái chí không thể tả. Họ thích ăn và thèm ăn đồ ngon, họ sẽ nhận ra nàng trong từng bữa ăn. Họ chỉ cần nếm thức ăn và nghĩ xem nàng đã tra gì, ít hay nhiều và họ sẽ hiểu. 15 có thể chưa nhận ra nhưng 45 thì có thể...

Suốt mấy ngày liền tuyết rơi, tâm trạng mòn chán lặp đi lặp lại, nàng nấu những món nhàn nhạt dễ nuốt nhưng chẳng để lại ấn tượng gì. Xúp khoai nhạt, salad nhạt, món gì cũng nhạt… không ai phàn nàn gì nàng cả nhưng nàng nhận ra cả hai bắt đầu nhìn thức ăn bằng con mắt xem thường khó giấu. Sang một ngày mới, trời hửng nắng, vui vẻ trong lòng, nàng xay tôm nấu canh spinach thêm gừng và mắm muối cho vừa ngon. Món trứng thịt băm nàng rán kỹ với nhiều hành, tiêu thơm phức, còn món thịt kho tàu mềm mại ngấm vị nước hàng rất đậm đà... Cả hai ăn ngon lành khoái chí, thậm chí 45 sau bữa cơm còn nhìn nàng lâu hơn mọi khi. Nàng không nói gì nhưng trong dạ nhen nhúm hy vọng chàng sẽ đọc được tâm hồn nàng qua sự cảm nhận trầm bổng của vị giác sau những bữa ăn.

Từ đấy mỗi bữa cơm là một tâm trạng của nàng mở ra cho người ăn khám phá. Nàng mua thêm nhiều loại gia vị hơn, của Tây, Tầu, Ấn, Thái,.. đem về chất đầy mấy ô tủ tường. Đến những cửa hàng bán rau, nàng luôn ngây ngất ở góc rau thơm, nàng muốn khám phá từng loại mùi để thêm vào món ăn theo đúng ý của nàng.

Có thể trước đây tâm tính cũng ảnh hưởng đến cung cách nấu nướng của nàng nhưng một cách vô thức, còn bây giờ là một sự chú tâm đến mức phóng túng. Nàng đọc thêm nhiều sách nấu ăn, tập làm những món mới để sự thể hiện của mình thêm phong phú. Một lần 45 vô tình trót nói với nàng một câu gì đó khiến nàng muốn chảy nước mắt, nhưng cuối cùng nước mắt không chảy mặn chát môi nàng, chỉ có món canh escarole tự nhiên hơi nhiều muối, và đáp lại là cái giật mình hơi khẽ của 45 nhưng nàng đã kịp đọc được, cuộc đối thoại trong lặng thinh đã diễn ra. Đối thoại luôn là điều mà nàng muốn, theo cách của riêng nàng. Lần khác, 45 để lộ trước mắt nàng cái nhìn hơi lâu vào bộ ngực phơi ra hơi nhiều của cô bán hàng dầu gội đầu mà nàng kéo chàng ghé qua, kết cục là món cá kho bữa đó nhiều ớt và tiêu gấp ba lần mọi khi, 45 vừa ăn vừa xuýt xoa và cuối bữa khẽ à ra cười gượng.

Nàng nghĩ đến bao nhiêu bài thơ mình viết, tại sao chúng lại không có tác dụng hay ho như những thức nàng nấu này. Từng món ăn dường như đã nói với vị giác của chàng nhanh hơn nhiều hơn rất nhiều so với suối từ mà nàng ngâm nga trau chuốt.

15 mặc nhiên ăn uống, có khi khen có khi chê có khi không nói gì, nhưng một hôm sau khi đi ăn hàng với bố khi mẹ bận đi vắng thì bèn gọi điện cho mẹ và nói đại ý, con nhớ thức ăn mẹ nấu quá, có những thức này thức kia, bữa khác bữa với những vị này vị nọ mà đi ăn hàng không thể nào có được.

45 ngày càng thích trò chơi đối thoại nấu nướng và ăn uống, nó tạo ra bao nhiêu vui thú, hấp dẫn, kích thích những khám phá và trong lúc ăn cơm chàng bắt đầu dành cho nàng nhiều câu nhắn nhủ đầy ý nghĩa. Với một bữa thật ngon lành dịu dàng, gia vị thênh thang vừa đủ, chàng thường hạ thấp giọng: “Tối nay nhé!”. Nàng quay đi như không nghe nhưng trong bụng cười vui miên man. Cuối cùng thì họ đã "đọc" ra "vị" của nhau, không phải qua thơ mà là qua những bữa cơm đời thường...

8-3-2011

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Máy chuyển plastic thành dầu



Một người bạn Canada gửi cho tôi cái video này và tỏ ra rất thán phục, một người Nhật nói về cái máy chuyển plastic thành dầu, ông ta nói tiếng Nhật và có phụ đề tiếng Anh.

Cái máy được vận hành có vẻ rất đơn giản, tuy vậy, ông này không nói rõ cơ chế hóa học của quá trình chuyển hóa này như thế nào, chỉ có đoạn nói đến: "nhiệt độ tăng, nhựa chảy ra thành dung dịch, sau khi dung dịch sôi, khí thoát ra được ngưng tụ ở bình nước...". Sau đó ông ta nói đến việc tách dầu và phân chia theo loại và việc sử dụng.

Tôi thắc mắc về quá trình chuyển hóa nhựa thành dầu này, nó diễn ra như thế nào? dùng năng lượng gì? những hóa chất gì? chi phí về mặt năng lượng và hóa chất tham gia so với giá trị số dầu nhận được như thế nào? giả sử sau đó dầu được tách ra để được tái sử dụng theo loại thì giá thành của từng loại dầu so với giá thành dầu cùng loại ngoài thị trường như thế nào?

Nếu không xem xét kỹ thì khó có thể kết luận được về khả năng ứng dụng của cái máy, có khi nó chỉ có giá trị trình diễn thì sao nhỉ?

----

Liên quan đến rác thải plastic, ở đây có bài viết về một nơi tái chế rác plastic ở Việt nam, chỗ này là làng Triều Khúc ở Hà nội, gần cơ quan cũ của mình: http://ourworld.unu.edu/en/a-look-at-vietnam%E2%80%99s-plastic-craft-villages/

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

“Độc tấu” của Nguyễn Sơn tại Âu Cơ gallery

(Xem một số bức tranh của bác Nguyễn Sơn mình thấy nhớ đến phim Wall-E, tiếc là không ở Hà nội tháng ba để xem toàn bộ "Độc tấu" của bác Sơn, dưới đây là bài viết của bạn Âu Cơ gallery về triển lãm này)

Độc tấu



Soloist 01 (Nguyen Son, 2011)


“Độc tấu” của Nguyễn Sơn là triển lãm* mở màn của Âu Cơ gallery trong năm 2011. Không chỉ đơn thuần đánh dấu sự trưởng thành của một hành trình sáng tạo, triển lãm lần này của Nguyễn Sơn khẳng định việc hình thành một bản sắc riêng, một chỗ đứng riêng trong nền mỹ thuật đương đại Việt Nam hiện nay.

Thời gian chuẩn bị cho “Độc tấu” của Nguyễn Sơn là gần 2 năm. 2 năm chưa phải là một khoảng thời gian dài, nhưng đủ để tác giả đạt được sự hoàn thiện đáng kinh ngạc cho một mạch sáng tạo. Ẩn đằng sau 23 tác phẩm của người nghệ sỹ là một bước phát triển dài về tư duy nghệ thuật, sự chín muồi trên bề rộng và chiều sâu của xúc cảm.

Nguyễn Sơn của năm 2009 trở về trước là con người của lý tính, với những nỗ lực biểu đạt lộ rõ trên bề mặt tác phẩm. Từ năm 2010, Nguyễn Sơn là con người đi tìm đến tiếng vọng nội tâm ở bên trong, âm vang bên dưới bề mặt của bức tranh.

Tính biểu cảm của bề mặt là mấu chốt làm nên sự khác biệt của Nguyễn Sơn qua chuỗi tác phẩm năm 2010 và 2011. Trước đây, anh biểu đạt sự phức tạp của mình qua hình, nét, màu sắc. Tinh tế, sâu sắc, phức tạp, nhưng vẫn chưa thật sự là tìm thấy mình. Qua loạt tác phẩm lần này, sức biểu cảm của các bề mặt tạo ra điểm tựa cần thiết để Nguyễn Sơn có thể dừng lại, lắng lọc, và tự tìm ra chính mình.

Các bề mặt mà Nguyễn Sơn tạo ra vô cùng đa dạng. Những mảng tường mốc, ván gỗ, sắt gỉ, cùng những vết trầy xước tạo thành những không gian phong phú của hoài niệm, những biến đổi vô thường của đời sống, nỗi cô đơn của kiếp người qua thời gian. Những bề mặt này chồng chéo lên nhau, gợi tả sự giao thoa và tương tác giữa các vỉa tiềm thức. Tư duy này khởi phát từ tranh Trừu tượng của Mark Rothko, nhưng khi Nguyễn Sơn đưa vào hội họa Siêu thực cho các mảng bề mặt của anh lại mang một sức sống khác, với nhiều khả năng biến hóa mới. Tính hiệu quả rõ rệt của phong cách biểu đạt này tạo lập thành một bản sắc riêng biệt của Nguyễn Sơn.




Time elapsed (Nguyen Son, 2010)



Tinh thần phê phán, và tự hoài nghi – đặc điểm chung thường thấy của nghệ thuật Đương đại – của Nguyễn Sơn tập trung vào những biểu tượng siêu thực: những tay nắm kim loại bị gãy vỡ, chiếc điện thoại bị bọc kín, cây vĩ cầm không dây đóng ghim vào tường. Tác giả cố gắng miêu tả chúng một cách xác thực để rồi lại vẽ chèn thêm vào những vệt sơn tùy tiện như chứng minh với người xem rằng chúng không hề có thật, chỉ là một trong những lớp tâm tưởng hỗn độn, và giả tạm của con người. Thậm chí có cả những vệt sơn vẽ đè lên với tính chủ động rõ rệt, như thể hiện rằng người vẽ đang trong quá trình xóa đi cái cũ đi để vẽ lại cái mới – thay thế cái ngụy tạo này bằng một cái ngụy tạo khác.

Nỗi cô đơn và những tự vấn dằn vặt xuyên suốt chuỗi tác phẩm trong Độc tấu. Bên cạnh đó là sự trong sáng và dũng cảm ngây thơ của kẻ đi tìm chân tướng giữa mớ giả tạm. Nhưng quan trọng hơn tất thảy là cái tình của kẻ độc hành chảy âm thầm và tự do dưới bề mặt tác phẩm. Tất cả chúng ta đều sống và dưới góc độ nào đó thì đều đang độc tấu. Nhưng mấy ai tìm thấy bản ngã mình trong cái tình âm vang miên man suốt hành trình.

Phạm Trần Lê - Âu Cơ Gallery

*Triển lãm "Độc tấu" sẽ được khai mạc tại Âu Cơ gallery vào lúc 18h ngày 7/3, và sẽ kéo dài đến 30/3/2011

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Beethoven - Moonlight Sonata



Nhạc của Beethoven là thứ nhạc cổ điển mà khi nghe mình luôn cảm thấy sự lãng mạn tình tứ chảy tràn ra không dứt vì thế mà đối với mình nhạc Beethoven luôn khác với nhạc của các tác giả nhạc cổ điển khác, bản này là một bản lâu lâu lại đem ra nghe, I like this :)

Winner vs Loser

(Có bài này trên mạng khá hài hước, mang về đây để bà con cô bác đọc cho vui :)

by: Author Unknown, Source Unknown

The Winner is always part of the answer;
The Loser is always part of the problem.
The Winner is always has a program;
The Loser always has an excuse.
The Winner says:"Let me do it for you"
The Loser says: "That is not my job."
The Winner sees an answer for every problem;
The Loser sees a problem for every answer.
The Winner says," It may be difficult but it is possible";
The Loser says,"It may be possible but it is too difficult."
When a Winner makes a mistake, he says," I was wrong";
When a Loser makes a mistake, he says," It wasn't my fault."
A Winner makes commitments;
A Loser makes promises.
Winners have dreams;
Loser have schemes.
Winners say," I must do something";
Losers say,"Something must be done."
Winners are a part of the team;
Losers are apart from the team.
Winners see the gain;
Losers see the pain.
Winners see possibilities;
Losers see problems.
Winners believe in win/win;
Losers believe for them to win someone has to lose.
Winners see the potential;
Losers see the past.
Winners are like a thermostat;
Losers are like thermometers.
Winners choose what they say;
Losers say what they choose.
Winners use hard arguments but soft words;
Losers use soft arguments but hard words.
Winners stand firm on values but compromise on petty things;
Losers stand firm on petty things but compromise on values.
Winners follow the philosophy of empathy: "Don't do to others what you
would, not want them to do to you";
Losers follow the philosophy, "Do it to others before they do it to you."
Winners make it happen;
Losers let it happen.