Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

Cố hương

Em ở đấy ở đây và ở đó
Xuân hạ thu đông cơn gió bốn mùa
Lồng lộng đất trời thời gian hòa nhịp gõ
Như tiếng chân người hay tiếng mưa

Tiếng tim em đập muốn thốt thưa
Hồi hộp quá mai ngày em về lại
Những con đường trung du hoang hoải
Dòng lơ thơ xa ngái mấy bờ dâu

Phải chăng em ở đấy chẳng đi đâu
Những miền đất nhạt nhòa trong ký ức
Tiếng còi tàu vọng vào đêm thao thức
Nhắm mắt lại hiện màu đất sỏi yêu thương

Mai em về với hoa cỏ quê hương
Lồng ngực hai mươi mùi cỏ nào thơm mãi
Đồi chè mướt trăng thiếu thời tung tãi
Có bàn tay rụt rè khẽ chạm tay em...

28-7-2009

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

Gió và nước hồ

Gió đẩy nước hồ nồng nhiệt:
Đi thôi! Đi thôi!
Nước gợn sóng rối bời
Đi đâu?

Gió quẩn quanh mệt nhoài
Chạy vút lên tầng cao
Nước dạt bờ lao xao
Rồi lặng ngắt

Khi tự nhốt mình
Trong bế tắc
Anh- nước hồ im phắc
Cơn gió nào đưa được anh đi?
26-7-2009

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2009

Chuyện CO2




(Tôi tiếp tục cập nhật một số thông tin mới có từ nature.com về vấn đề thải khí CO2, cũng định chờ những số liệu mới về khí thải CO2 trên thế giới ảnh hưởng bởi khủng hoàng kinh tế nhưng chưa tìm được ở đâu có)

Tình hình khắc phục việc thải khí CO2 của các nước đang phát triển được tóm lược qua bài báo “Các nước đang phát triển xử trí vấn đề khí hậu”của Jeff Tollefson (1).

Chính phủ Mexico đang thông qua các đạo luật mà sẽ hạn chế mức thải của nước này hơn 6% trong ba năm tới. Được chỉ đạo bởi tổng thống Felipe Calderon, mục tiêu của chương trình đạo luật này là để thể hiện việc giảm khí thải thực sự -tổng số tới 50 triệu tấn- trước khi kết thúc nhiệm kỳ chính phủ của ông vào năm 2012. Nó cũng đóng góp vào cam kết của Mexico cắt giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2050. Cho đến nay đây là dự kiến cắt giảm tích cực nhất trong số các nước đang phát triển.

Mexico không đơn độc, trong cuộc chạy đua tới hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Copenhagen tháng 12 tới, các quốc gia đang phát triển khác cũng cam kết giảm đáng kể lượng khí thải. Brazil hứa giảm tỷ lệ phá rừng 70% vào năm 2017 và Nam Phi công bố nước này có thể ổn định mức thải vào năm 2025. Các nước khác, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ đang rót tiền vào các dự án năng lượng xanh. Ngay cả Hàn Quốc, nước lấy nguồn năng lượng chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch cũng dự định dành khoảng 40 tỷ USD cho năng sạch trong vài năm tới.

Những hành động đơn phương có thể có tác động lớn hơn rất nhiều so với những gì người ta nhận ra được. Theo phân tích của của Trung tâm Chính sách Khí sạch tại Washington DC, những cam kết hiện tại của riêng Brazile, Trung Quốc và Mexico thôi cũng sẽ có tác dụng giảm khí thải của năm tiếp theo nhiều bằng Liên minh châu Âu hy vọng sẽ đạt được vào năm 2020.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế nhanh ở những nơi như Trung Quốc, Ấn Độ có khuynh hướng bị sa lầy vào lợi nhuận, điều này có nghĩa là mức thải tiếp tục tăng. Mức thải của các nước đang phát triển đã vượt của các nước công nghiệp và dự kiến tăng nhanh gấp đôi mức thải của các nước phát triển qua vài thập kỷ tới (xem đồ thị, nguồn đồ thị: World Resources Institute).

(còn tiếp)

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2009

Khoa học và văn hóa


Đặt tên entry cho kêu, đưa cái ảnh (trên mạng) cho đẹp vậy chứ nội dung bài này chỉ là những mẩu chuyện tôi gặp phải ở trường. Có thể đặt tên cho oai cũng là một thứ văn hóa hay gặp còn đặt như vậy có khoa học hay không thì là chuyện khác, theo tôi thì khoa học và văn hóa là hai anh bạn có nhiều lúc rất khó có thể ngồi chung một mâm, cho dù người ta có cố gắng đẩy hai anh vào nhau thì cũng chỉ phí công vô ích.

Chuyện thứ nhất, số là mỗi buổi trưa thứ ba trong tuần nhóm chúng tôi có một cuộc thảo luận về môi trường và những thứ liên quan. Nhóm có bốn người, thường thì 12h trưa chúng tôi mang đồ ăn trưa đến ăn xong thì vào việc, vì các buổi sáng hay chiều mỗi người bận làm những việc khác nên sắp lịch từ 12h đến 1h30 cho các buổi ăn trưa và thảo luận này.
Hôm ấy ba người đến đúng giờ, ăn xong rồi mà người thứ 4 chưa đến nên chúng tôi quyết định bắt đầu trước. Vừa mới bắt đầu thì D là người đến muộn xuất hiện cùng hộp thức ăn xin lỗi mọi người vì sự chậm trễ và đề nghị mọi người cứ tiếp tục, bạn ấy sẽ tham gia.
Thực ra chuyện này cũng rất bình thường, các buổi seminar diễn ra vào tầm giữa ngày ở khoa một phòng có ba chục người thì thể nào cũng có vài người mang thức ăn vào vừa nghe vừa nhai. Ở VN tôi nhớ là không được phép ăn trong lớp nhưng tôi cũng chỉ ngạc nhiên lần đầu còn về sau thấy bình thường hợp lý khi cả giáo sư lẫn sinh viên ngồi dưới ăn trong khi người ở trên bục nói, cũng thông cảm vì họ không có thời gian.

Vậy là D ăn còn chúng tôi tiếp tục thảo luận, thế nhưng có điều oái oăm là đề tài của chúng tôi hôm nay lại là phân, nghĩa là bàn luận về phân. Đại khái trước đây con người sử dụng phân để bón cho cây trồng, hố xí tự hoại và việc phát triển các thành phố cộng với việc sử dụng lối phân hủy phân này khiến cho một lượng lớn chất dinh dưỡng cho cây trồng phân hủy thành không khí chứ không đến được với đất và cây trong khi đất cần bổ xung chất dinh dưỡng thường xuyên. Và người ta đã giải quyết vấn đề bạc mầu của đất bằng cách xây dựng nhà máy sản xuất phân hóa học tốn kém năng lượng và kèm theo những hệ lụy cho môi trường. Tóm tắt lại là như vậy, đây là vấn đề khá thú vị trong tổng quan so sánh ảnh hưởng sinh thái của những giai đoạn khác nhau trong lịch sử loài người đến hệ sinh thái chung. Vâng, thú vị lắm trừ một việc là khi tôi đang nghe và nói về phân thì bạn D ngồi ngay trước mặt tôi lại đang nhai ngon lành. Từ nhỏ tôi đã được dạy dỗ là khi mình hay người khác đang ăn thì không được nói đến những thứ bẩn thỉu, việc đó có thể làm hỏng bữa ăn hoặc ít ra là gây khó chịu mất ngon. Thế mà giờ đây chúng tôi lại đang sôi nổi thoải mái nói về phân trong khi bạn mình đang dùng bữa ngay cùng bàn. Tôi cảm thấy có gì đó khó tả và chợt cười không kìm được, sự mâu thuẫn khiến người ta cười, trong cơn cười tôi đã biết mình rất vô lý vì ba người kia chẳng ai cười cả và họ đang trố mắt nhìn tôi.

Tôi càng cười to hơn và vì cố kìm lại không được nên nước mắt tôi chảy ra rất khổ sở. Một người hỏi tôi tại sao cười, tôi khi ấy dở khóc dở cười giải thích cho mọi người rằng ở nước tôi có văn hóa không nói về phân khi có người đang ăn, mọi người quay ra hỏi D: có vấn đề gì không? D trả lời không, chẳng sao cả, mọi người cứ tiếp tục đi. Tôi hiểu tất cả bọn họ đã không có cảm giác giống tôi, khi nói đến phân họ không liên tưởng ngay đến sự bẩn và không tiếp tục kết nối sự đó với bữa ăn của người trước mặt. Họ đã tham gia thảo luận một cách khoa học, phản ứng của tôi chính là văn hóa mà tôi mang theo vào cuộc tranh luận, nó lạc lõng như một thím nhà quê răng đen ngồi giữa những người răng trắng lịch duyệt, lau khóe môi trầu và kể lể những chuyện kiêng cữ âm u lạc hậu...

Kỷ niệm xấu hổ này khiến tôi nhớ mãi, nó dạy tôi một bài học rằng muốn làm khoa học một cách thực sự người ta phải bỏ lại đằng sau những suy nghĩ định kiến kể cả những nếp nghĩ đã ăn sâu thành văn hóa.
Một số điều thuộc về văn hóa ở Việt nam rất khó lòng đứng chung với khoa học ví như văn hóa "sống lâu lên lão làng" chẳng hạn, nhưng thôi entry dài quá rồi để hôm khác kể những chuyện tiếp. :)

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2009

Dạy trẻ kiểu Nhật

Xem video này tôi thấy choáng quá:
http://www.youtube.com/watch?v=ASr5GcuDHug&feature=player_embedded

Video được chiếu trên truyền hình Nhật bản, có hai phóng viên vào thăm một nhà có ba đứa trẻ nhỏ, rồi họ dàn cảnh cho hàng xóm kêu ầm lên là có ma, họ lôi lũ trẻ ra ngoài để cho chúng tin rằng ma đến thật rồi họ cho chúng vào nhà và để "con ma" tiến vào nhà để xem cách ứng phó của chúng... Nhiều người xem cười rộ khoái chí, tôi không thể cười được, vì tôi thấy trò này quá độc ác, có thể khiến những đứa trẻ sốc cả đời. Người ta nói rằng để cho lũ trẻ học cách làm việc với nhau theo nhóm một cách đoàn kết, tôi thì thấy nó quá mức.

Hồi nhỏ, mỗi khi tôi hỏi ba mẹ tôi về ma thì ba tôi thường bảo: làm gì có ma, còn mẹ tôi thì bảo: người ta nói vậy thôi chứ mẹ chưa nhìn thấy bao giờ. Tôi lớn lên cũng trả lời con tôi tương tự như vậy. Dù được mọi người thuyết phục như vậy nhưng có lẽ đứa trẻ nào cũng sợ vơ vẩn khi nhìn bóng tối. Thế mà làm ra vẻ như ma thật để dọa trẻ con một cách hãi hùng như thế này thì đúng là tôi mới thấy lần đầu.

Rồi người ta sẽ trả lời lũ trẻ ra sao? Tiếp tục để chúng tin rằng chúng đã gặp ma thật hay để chúng tìm ra là người lớn đã lừa dối chúng để làm trò cười? Kiểu gì thì khi biết được sự thật chúng có thể sẽ tổn thương rất lâu.

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2009

Cuộc trò chuyện

Chiều thứ bảy, chúng tôi đi men rừng ra hồ để câu cá, chúng tôi ở đây có con trai tôi và tôi thôi, chồng tôi có việc bận không đi cùng. Hồ nằm vắt ngang rừng nên có nhiều đường mòn đi đến những vị trí khác nhau của hồ, tôi cũng chưa đi hết các đường đó nên rủ con trai đi con đường men rừng quen thuộc mà chúng tôi thường qua lại, cháu có vẻ thích đi đường khác nên quay qua hỏi tôi:
- Tại sao chúng ta không thử đi một đường khác?
- Tại vì con đường này mình đi quen rồi, sẽ không có chuyện đi lạc sang con đường khác đâm sâu vào trong rừng thay vì ra hồ.
- Nếu thế mãi mãi chúng ta chỉ biết con đường này, cái cảnh này, nhìn mãi cũng chán.
- Dù đi như vậy cũng chưa chắc đã nhìn ra vẻ đẹp của nó đâu, thử chú ý hơn xem nào, con đường này rất thích.
- Nhưng biết đâu nhiều con đường khác còn thích hơn, mẹ lúc nào cũng sợ.
- Mẹ có sợ đâu.
- Mẹ sợ, con biết mẹ sợ, mẹ sợ đủ thứ, mẹ sợ đi lạc, mẹ sợ gặp gấu, sợ đi lâu quá về muộn...
- Sợ gì nữa không?
- Nhiều thứ nữa, mẹ sợ con học dốt, con viết sai một câu mẹ cũng sợ, cứ nói mãi...
- Viết sai thì đáng sợ thật, còn sợ hơn là đi lạc đường. À, thực ra cũng giống nhau đấy, đi đường đúng và đi đường sai. Đường sai đi đến những đích khác hoặc đi vào những bụi rậm rối rít không lối ra. Loại đường sai dễ chấp nhận nhất là có thể đến đích nhưng vòng vèo không ngắn gọn sáng sủa như đường đúng. Con có thích những động từ bất quy tắc (irregular) không? Nếu tất cả các từ đều theo quy tắc thì con khỏi cần phải nhớ từng trường hợp đúng không? Giả sử bây giờ người ta viết sai linh tinh đi mà cũng được chấp nhận thì những người thế hệ sau phải nhớ thêm rất nhiều những thứ lang tang chẳng có quy tắc, như vậy có khổ không?
- Thế đi đúng là phải đi cái lối của người đi trước à? Nhỡ người đi trước đi sai thì sao?
- Có trường hợp người đi trước đi sai và người đi sau tìm cách sửa lại cho đúng, khi ấy tạo ra hai con đường, càng nhiều người nhận ra đâu là con đường đúng thì con đường ấy càng được đi nhiều hơn, con đường sai kia dần dần ít người đi sẽ bị bỏ hoang cho cỏ mọc.
- Nhiều con đường cũng hay mẹ ạ.
- Ừ nhưng người ta dùng đường để đi đến đích, dùng ngôn ngữ để diễn đạt ý của mình, nghĩa là chúng ta còn nhiều việc quan trọng khác nữa phải làm nếu cứ luẩn quẩn giữa những con đường thì rất mất thời gian nên phải biết tìm những con đường sáng sủa mà đi, chọn lối viết đúng mà thể hiện ý mình. Muốn biết rõ để lựa chọn không có cách nào khác hơn là phải học hành cho chăm chỉ.
- Con biết rồi mẹ ạ...
Trong lúc câu cá tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện mà chúng tôi vừa nói, thực ra có một chuyện đã xảy ra ngay trước buổi đi câu, trước khi chúng tôi phải phân vân giữa những con đường, sáng nay tôi mới biết được rằng từ "phân tâm học" mà tôi vẫn cho là đúng hóa ra nó phải là "tâm phân học" mới chuẩn xác. Tình cờ mà tôi biết được điều đó ở đây, một sự tình cờ thú vị.
Xem ra chuyện phân định đúng sai trong dùng từ hay chọn đường đi (hoặc nói rộng ra là nhiều chuyện muốn xác định phải trái khác) không phải là việc dễ dàng. Trong khi ta đinh ninh một điều gì đó là đúng thì biết đâu điều đó lại là sai?