Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

Thời toàn cầu

Sáng ra đến lab thấy thầy và bạn nói chuyện Swine Flu, vào mạng đọc tin đã thấy update dồn dập về dịch ở khắp nơi, tự nhiên nghĩ một hồi về thế giới ngày hôm nay, thấy rùng mình bởi sự kỳ quặc, thế giới kỳ quặc hay cái ý nghĩ của mình kỳ quặc chả biết.

Thế giới bây giờ muôn phương hội một, chúng ta dù ở đâu trên thế giới cũng có thể cùng lo lắng sợ hãi về sự lây lan của một loại virus dịch cúm hoặc virus máy tính. Hôm 1-4 vừa rồi nhiều người ở trường tắt máy tính vì trước đó đã nhận được thư cảnh báo của trường về một loại virus nguy hiểm bị tung ra đúng vào ngày đó.

Chúng ta cùng phải hứng chịu nỗi khó khăn của kinh tế khủng hoảng và cùng ngồi nhìn trái đất yêu quý nóng lên...

Chưa có bao giờ cuộc đời con người lại xoắn quyện vào một thế giới chung như bây giờ, Face book, 360, blogspot, forum ... những video clip mấy chuc triệu lượt xem, những trò game nhiều triệu game thủ tham gia... Chúng ta cùng tức giận căm ghét lên án người cha nhốt con gái dưới hầm lạm dụng tình dục nhiều năm. Chúng ta cùng xúc động thổn thức trước giọng hát của bà cô vui tính Susan Boyle...

Thế thì con người bây giờ đâu có cô đơn, đâu có yếu ớt nhỉ? Một cái click có thể thành triệu cái tức thì. Không yếu, quá mạnh là khác, vậy mà thế giới cứ như sắp đổ vỡ đến nơi...

Swine Flu (Cúm heo)

Các thông tin đầy đủ, cập nhật về Cúm heo có thể đọc ở trang này:

http://www.cdc.gov/swineflu/general_info.htm

Ở blog của bác Nguyễn Văn Tuấn có bài: Đánh giá nguy cơ dịch cúm heo

Scheme of Influenza A virus replication


















http://www.ncbi.nlm.nih.gov/genomes/GenomesHome.cgi?taxid=10239&hopt=scheme

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

Ecological memory

In ecological systems, past states can influence present states and this has been termed "ecological memory" - Trong các hệ sinh thái, các trạng thái trong quá khứ có thể ảnh hưởng đến các trạng thái hiện tại và điều này được gọi là "trí nhớ sinh thái".

Tôi nghe câu định nghĩa này trong buổi Seminar về Ecological memory ở trường, nó làm tôi nghĩ đến nhiều thứ. Người ta lấy ví dụ về cánh rừng xảy ra đám cháy từng phần, sau một thời gian dài cây cối sẽ mọc trở lại tốt tươi nhưng giữa các phần không bị cháy và bị cháy thì cây cối mọc lên có sự khác nhau, có loài được kích thích hơn, có loài khó khăn hơn. Đám cháy qua lâu rồi đã không bị biến mất sạch dấu vết và nằm lại mãi trong lịch sử của cánh rừng.

Thuyết nhân quả của Phật giáo có phần nào có thể liên hệ ở đây tuy người ta thường dùng thuyết này để nói đến số phận từng con người, đã làm điều gì thiện ác đã gánh nghiệp quả ra sao. Nếu không nói tới mục đích cảnh báo răn dạy mà chỉ ở góc độ quan sát thì đối tượng con người trong vấn đề này cũng rất thú vị. Gương mặt của một phụ nữ đứng tuổi có thể bộc lộ đời sống hạnh phúc hoặc đau khổ trước đó, kết quả của một mối tình đầu có thể thay đổi rất nhiều cuộc đời một con người...

Trí nhớ sinh thái là một khái niệm trong sinh thái học, ngồi nghĩ miên man thế nào tôi lại liên hệ khái niêm này với xã hội con người. Con người trong xã hội ảnh hưởng chủ yếu bởi quá trình giáo dục từ nhỏ đến lớn, môi trường sống, môi trường thông tin, các mối quan hệ... Con người từ những cái tích lũy được lại tác động ngược trở lại xã hội, nhớ đến lời Bác Hồ, Bác đã nói một câu đúc kết rất hay: "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người."

Đọc báo mới nhớ ra ngày mai 21-6 là ngày nhà báo Việt nam, tự nhiên lại nghĩ ảnh hưởng của báo chí đi theo một chiều lên xã hội Việt nam có lẽ cũng rất lâu dài.
By the way, xin chúc mừng các nhà báo Việt nam nhân dịp 21-6!

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

Earth

Tối qua nhà mình đi xem phim Earth, hình ảnh đẹp tuyệt, những câu chuyện thú vị về đất, nước, động thực vật những vùng khác nhau trên trái đất, đặc biệt là hành trình đấu tranh sinh tồn của một số loài động vật trên cạn, dưới nước.
Cả nhà đều thích thú.

Trailer: http://www.youtube.com/watch?v=JLz_1LNAuAQ

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2009

Mùa xuân

Cỏ đang nhú mầm, mưa xuân làm cỏ mọc nhanh hơn, chẳng mấy nữa cỏ sẽ xanh thắm như trong ảnh. Đây là ảnh chụp vài năm trước, một ngày trời thắm xanh, cỏ xanh xanh...




Thứ Hai, 20 tháng 4, 2009

Nửa

Nửa nắng xuân, nửa gió đông
Nửa trời, nửa đất hoà không bến bờ
Nửa quay lưng, nửa đợi chờ
Nửa tin sắt đá, nửa ngờ nước mây
Nửa xa xôi, nửa đâu đây
Nửa nồng, nửa nhạt, nửa đầy, nửa vơi
Nửa phong kín, nửa tơi bời
Thời gian, canh bạc nửa hời, nửa thua
Lời anh nửa thực, nửa đùa
Tình em thắm được nửa mùa có phai



20-4-2009
HY

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2009

Vè bô-xít

Ve vẻ vè ve
Cái vè bô-xít
Các bác cao tít
Quyết định vội vàng
Dân chúng hoang mang
Tính lợi tính hại
Lợi chưa thấy lãi
Cái hại chất chồng
Bùn đỏ thành sông
Đất không là đất
Bao nhiêu nước mất
Bao rừng cây tàn
Sông suối than van
Con người ly tán
Quặng đào lên bán
Bán xong thì sao?
Hậu quả thế nào
Chúng dân phải chịu?
Cháu con phải địu?
Cho đến bao giờ?
Khách từ phương Bắc
Có giở trò dơ?
Câu chuyện bô-xít
Dân bàn dân lo
Các bác cao tít
Xin chớ làm ngơ...


19-4-2009
HY

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

Màu Trăng

(Ghi chép cũ - May 01, 2007)

Selen (Selenium) là tên nguyên tố mình nghiên cứu, tên này có nguồn gốc tiếng Hy lạp có nghĩa là Trăng. Nguyên tố thứ hai là Thủy ngân, nó có tên ngày xưa là "nước bạc".

Thành phố mình đang học cách đây 1.8 triệu năm có mảnh thiên thạch rất lớn rơi xuống, thiên thạch có chứa nhiều Niken, tạo ra mỏ Niken lớn thứ hai thế giới tại đây (mỏ lớn nhất ở Nga). Quặng Niken ở đây là quặng chứa nhiều lưu huỳnh (S), vì Selen cùng nhóm với S nên Se đi kèm thành phần quặng. Se thoát ra từ việc khai mỏ và nấu quặng gây ô nhiễm Se cho nhiều hồ nước quanh đây.

Tỉnh trung du nơi mình sinh ra cũng có mỏ quặng sắt oxit, nhờ mỏ quặng mà có nhà máy gang thép. Tất nhiên, mỏ quặng chỉ là một phần. Nhà máy đó được cả nước đổ tiền của vào để xây dựng trong thời gian chiến tranh. Mình lớn lên ở khu tập thể cán bộ của nhà máy. Ở nơi ấy, trăng mọc lên từ phía những quả đồi.

Nơi mình đang học, trăng mọc có màu vàng sáng nhạt, ánh trăng rất trong trẻo, con người ở đây hiền lành thân thiện và hơi nhòa nhạt. Có lẽ là do mình chưa hiểu nhiều về con người ở đây khi nghĩ họ nhòa nhạt.

Trăng thơ ấu của mình thường có màu vàng đậm hơn, nhất là những khi trăng bắt đầu mọc. Có lẽ do bụi, Thái nguyên thường được gọi đùa là "thành phố bụi", à, còn tên khác là "thành phố thép". Người Thái nguyên như mình biết hồi xưa, nói chung, giản dị thân thiện nhưng có tính cách khá rõ nét.

Nói về màu trăng cho vui thôi vì trăng chỉ có một. Màu của trăng ảnh hưởng bởi tầng khí quyển, bởi vị trí nhìn từ mặt đất. Cũng có thể ảnh hưởng bởi cảm xúc và trạng thái mắt người nhìn. Tính cách con người phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó phải kể đến lịch sử, văn hóa vùng đất họ sinh ra, hoặc sinh sống lâu ở đó.

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2009

The Story of Stuff

Cái phim ngắn này hay:


http://storyofstuff.com


Con trai xem rất chăm chú, không biết con nghĩ gì khi xem xong.

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Giọt phiêu bồng cũ có buồn

(Tự nhiên thấy nhớ thơ Bùi Giáng, đọc thơ ông lúc nào cũng cảm thấy rộng rãi thênh thang không vướng mắc, thơ của một người bao dung độ lượng.
Viết vài câu cho đỡ nhớ. Viết ra rồi mới thấy thơ mình nhỏ nhoi, dở ẹc thế nào. Vậy mà cứ viết hoài là sao.)



Bởi ông Bàng Giúi thất tình
Cho nên em mới buộc mình đa đoan
Nhờ ông Bùi Giáng khôn ngoan
Em về khăn áo đoan trang thế này

Đồng xanh cho chấu chuồn bay
Cho ai tìm mộng những ngày chưa tan
Ai đi với cỏ cây ngàn
Để ai ở lại tan hoang một chiều

Bây giờ thương giận một niêu
Yêu kiều với cả tiêu điều một khuôn
Giọt phiêu bồng cũ có buồn
Biết ai xuống lạch lên nguồn kiếm vui

8-4-2009

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2009

Nhớ không

Dòng sông đã chảy đi rồi
Ngoái đầu lại hỏi núi đồi nhớ không
Em tôi bận bịu với chồng
Mặc ai ngồi hát dòng sông qua đời.

7-4-2009

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2009

Tiếng chim

Bữa trước đi ngang vườn trường chợt nghe tiếng chim, đúng ra là tiếng của nhiều con chim hòa vào nhau ríu rít, tôi dừng bước ngỡ ngàng. Sau một mùa đông dài chỉ có sự yên ắng trải ra trên nền tuyết trắng, thứ âm thanh này đột nhiên khiến thính giác như bừng tỉnh.

Đến ngồi bên chiếc bàn gỗ giữa vườn mới đây thôi còn phủ đầy tuyết, tôi làm một việc duy nhất là nghe, nghe thứ âm thanh trong trẻo tuyệt vời đang lan tỏa trong không gian của vườn cây buổi sớm. Tiếng chim gợi lại muôn hồi ức vui tươi non trẻ. Tiếng chim vô tư chảy tràn như một suối âm thanh trìu mến làm trôi đi bao nhiêu mệt mỏi buồn nản đọng lại đâu đó, như ánh nắng nhiệt tình tràn vào những góc vườn tăm tối xua đi những u uẩn tựa giống muỗi mòng nằm sâu trong những bụi cây.

Thính giác lặng lẽ đi theo suối âm thanh để tìm lại những dao động nó đã từng trải qua. Và đột nhiên trong chặng đường mỗi lúc một ngập sâu hơn vào tiếng chim, thính giác bỗng cảm nhận được những cảm xúc riêng biệt trong chuỗi âm thanh đang quấn vào nhau như tóc rối. Thảng thốt trong tiếng chim có nỗi sợ hãi, như tiếng kêu của trẻ nhỏ cất lên khi cần sự bảo vệ che chở. Nỗi sợ hãi như có từ lâu lắm rồi và bây giờ vẫn còn nguyên đấy, một gam vui tươi hơn có thể được thay thế lúc này lúc khác nhưng phải dè chừng điều bất trắc ở quanh đây.

Tôi chợt nhớ những bài hát được học hồi bé về tiếng chim, tiếng chim hót thường gắn với sự ca ngợi, ca ngợi cảnh vật tươi đẹp, ca mừng đất nước, ca ngơi con người… không nhớ có bài nào nói đến sự sợ hãi trong tiếng chim. Lại nghe, vẫn thấy bao trùm trong những âm vực khác nhau một nỗi lo lắng khôn nguôi, nỗi lo lắng sợ hãi một điều gì đó có thể ập đến trong tiếng chim khiến nước mắt tôi chực ứa ra vì thương xót. Thương cho loài có cánh làm bạn với trời xanh tưởng là tự do nhưng đang mỗi ngày mỗi mai một vì đủ thứ nguyên nhân.

Tự trấn tĩnh mình rằng đây là một buổi sớm mùa xuân chim hót rất vui, tôi vẫn cảm thấy ám ảnh về nỗi sợ hãi của bầy chim hòa vào trong những tiếng véo von ríu rít vui vẻ mà sớm ra tôi nghe được. Viết ra đây những dòng này cho nhẹ lòng dù biết rằng ám ảnh kia sẽ còn theo tôi dai dẳng mỗi khi nghĩ về tiếng chim...

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009

Ảnh lớp mình


























Ảnh hôm 26-3-2009, chín người cùng học Ph D ngành Ecology chụp ảnh chung với thầy cô trong khoa Sinh và ở trường (thầy đeo kính là thày trưởng khoa Sinh). Hôm đó là lễ bảo vệ của bạn David, học trước mình một năm (bạn áo vàng, đeo cà vạt, đứng phía trên). Trong này có bạn Dan người Trung quốc (đứng thứ hai, từ trái sang) ở trong cùng nhóm nghiên cứu với mình (nhóm n/c thuộc khoa Hóa và Hóa sinh), bạn Dan đến tháng 9 này bảo vệ. Bạn gái đứng cạnh David là Jen (bạn này rất hay), tiếp đấy là Sarah và Nadia, các bạn sẽ bảo vệ khoảng cuối năm nay, còn một bạn gái người Pháp nữa hôm ấy không có mặt.